Vụ kiện giữa đạo diễn Việt Tú và Công
ty Tuần Châu Hà Nội tưởng như chỉ là một tranh chấp cá nhân. Nhưng,
phán quyết của Toà sẽ để lại một án lệ rất có ý nghĩa trong mối quan hệ
giữa sở hữu trí tuệ và sở hữu tiền bạc. Án lệ này không chỉ gửi tới tầng
lớp doanh nhân mới của Việt Nam một thông điệp pháp lý mà còn gửi đi
một nguyên tắc ứng xử có tác động lâu dài về văn hoá.
Đạo diễn Việt Tú. |
Kết
luận của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam được gửi chính thức tới Toà,
khẳng định rằng, "Tinh hoa Bắc Bộ" không được coi là một tác phẩm độc
lập mà chỉ là "tác phẩm phái sinh" của "Ngày Xưa" hay còn gọi là "Thuở
Ấy Xứ Đoài" của Việt Tú.
"Thuở
Ấy Xứ Đoài" đã diễn được 10 buổi trước khi Việt Tú bị Tuần Châu HN loại
ra khỏi công cuộc kinh doanh với vai trò tác giả và đạo diễn. Cách hành
xử của Tuần Châu HN là rất điển hình trong giới tiểu nông phất lên ở
thành thị; họ thường có nhà mặt tiền cho thuê mở quán và khi thấy quán
ăn nên làm ra thì đòi lại nhà và "nhái" cách làm ăn của đối tác.
Nhiều
thông tin không chính thức cho rằng, "Ngày Xưa" vốn là ý tưởng của Chúa
Đảo Đào Hồng Tuyển và từng được một số nhà thơ, nhà văn viết thành kịch
bản. Cho dù không có bằng chứng có giá trị nào được tung ra tại Toà,
tôi vẫn nghĩ, rất có thể ông Tuyển - một người không chỉ giỏi kinh doanh
mà còn tài hoa và hào hoa - đã từng là một trong những người đầu tiên
đưa ra ý tưởng đó.
Trước
khi bỏ một đống tiền ra xây nhà, rất ít chủ đầu tư phó thác hoàn toàn
cho kiến trúc sư. Họ sẽ muốn La Mã ở chỗ này, Phục Hưng ở chỗ khác;
nhưng, ngôi nhà đó chỉ có thể trở thành một "công trình" (thay vì biểu
tượng của trọc phú) khi có vai trò của một kiến trúc sư kinh nghiệm. Nếu
Tuần Châu có thể tự làm, hay các vĩ nhân Quảng Ninh có thể giúp, thì
chắc chắn họ đã không mời Việt Tú. Con số "10% giá vé của một khán đài
2000 chỗ" chia cho Việt Tú "cho đến khi vở diễn ngừng diễn", cho thấy
Tuần Châu HN hiểu rất rõ vai trò đóng góp của phần "trí tuệ".
Sở
dĩ, nhân loại lưu giữ được những tác phẩm bất hủ từ kiến trúc, hội hoạ
cho tới âm nhạc... là vì hơn hai nghìn năm qua, giới nhà giàu và tăng lữ
luôn luôn đánh giá đúng vài trò của tiền bạc và khả năng sáng tạo. Hầu
hết các nhân vật xuất chúng đều có họ làm "bà đỡ". Điều này, khiến cho
họ không mất mát tiền bạc bao nhiêu mà còn quý tộc hơn. Nhân loại không
chỉ biết ơn các thiên tài nghệ thuật mà còn biết ơn cả những người,
thường là vô danh, đứng sau lưng họ.
Cho
dù vở diễn thực cảnh mà Tuần Châu HN đang vận hành hiện nay chỉ là
"phái sinh" của ''Thuở Ấy Xứ Đoài", việc họ đặt tên mới cho vở diễn là
"Tinh Hoa Bắc Bộ" cho thấy những đứa con của Chúa Đảo cũng có rất nhiều
khát vọng. Tuy nhiên, sự sang trọng thường không nằm ở quần áo hay danh
xưng; sự sang trọng chỉ có được khi người giàu sử dụng tiền bạc của mình
văn hoá.
Trương Huy San
(FB Huy Đức)
Không có nhận xét nào