Trước thượng đỉnh lần 2 Trump - Kim ở
Hà Nội ngày 27 và 28/02/2019, nhằm tìm giải pháp cho khủng hoảng hạt
nhân Bắc Triều Tiên, vai trò của Trung Quốc dường như không được chú ý
nhiều. Tuy nhiên, thượng đỉnh hôm nay 28/02 bất ngờ khép lại, không theo
kịch bản dự kiến. Hai bên không ra được thỏa thuận, tổng thống Mỹ phải
về sớm. Ảnh hưởng quan trọng của Bắc Kinh đột ngột được nêu bật trở lại.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Đại Liên (Dalian) tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (Ảnh do THX công bố ngày 08/05/2018) |
Trong
cuộc trả lời báo giới trước khi lên đường về nước, ông Donald Trump
khẳng định việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên không chấp nhận một thỏa thuận
với Mỹ, nếu không đạt được việc dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn, là hoàn toàn
xuất phát từ quyết định của Bình Nhưỡng, « họ không nhận lệnh từ bất cứ
ai », tổng thống Mỹ nhấn mạnh. Thế nhưng, tổng thống Trump cũng tái
khẳng định vai trò rất lớn của Trung Quốc đối với kinh tế Bắc Triều
Tiên, bởi 93% hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài vào nước này là qua biên
giới với Trung Quốc.
Trung
Quốc có ảnh hưởng thực sự ra sao đối với Bình Nhưỡng trong các thương
thuyết nói chung giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, và đặc biệt là cuộc
thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai ?
Hiện
tại còn rất ít thông tin có thể giúp giải mã vấn đề này. Vẫn còn nhiều
bí ẩn xung quanh việc dự án ra Tuyên bố chung đột ngột bị hủy. Tuy
nhiên, những người cho rằng Bắc Kinh chỉ đóng một vai trò bên lề trong
các thương thuyết về phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo
Triều Tiên đã không chú ý đến những trao đổi âm thầm, nhưng tấp nập
trong hậu trường giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, vốn có một vị trí hết sức
quan trọng. Trong các đàm phán Mỹ - Bắc Triều Tiên, Trung Quốc là bên
thứ ba có ảnh hưởng nhiều nhất. Bà Yun Sun (1), chuyên gia về chính sách
đối ngoại Trung Quốc, đã ví Bắc Kinh như một tài xế cùng lái cỗ xe đàm
phán Mỹ-Bắc Triều Tiên, nhưng ngồi ở ghế sau.
Sau
đây là phần tóm lược các phân tích của chuyên gia Yun Sun, qua bài viết
« The Second Trump Kim Summit Where is China ? » (2).
Trung Quốc tự tin
Việc
Trung Quốc chỉ ngồi ở « ghế sau » trong các đàm phán Mỹ-Bắc Triều Tiên
và đàm phán Liên Triều khiến nhiều người cho rằng Bắc Kinh bị gạt sang
bên lề trong các thương thuyết đang diễn ra liên quan đến Bắc Triều
Tiên. Tuy nhiên, căn cứ trên các tuyên bố và hành động mới đây của Bắc
Kinh, Trung Quốc tỏ ra không đặc biệt lo ngại về vị trí « bên lề » hiện
tại trong các thương thuyết Mỹ-Bắc Triều Tiên, bao gồm cả thượng đỉnh
Trump – Kim lần thứ hai.
Về
mặt chính thức, bộ Ngoại Giao và các giới chức chính quyền Trung Quốc
liên tục bày tỏ sự ủng hộ đối với thượng đỉnh và hy vọng thượng đỉnh có
kết quả tốt. Theo tác giả, nếu như Trung Quốc « thực sự cảm thấy bị loại
» ra khỏi tiến trình này, thì Bắc Kinh đã « khó mà giữ được thái độ
bình tĩnh và độ lượng đến như vậy ».
Có
nhiều lý do giải thích được thái độ bình thản của Trung Quốc trước các
thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên. « Điều quan trọng nhất » là Bình Nhưỡng
duy trì các liên lạc và tham vấn mật thiết với Bắc Kinh trong suốt tiến
trình, từ khi chuẩn bị mở các đàm phán đầu tiên với Mỹ cho đến trước
thềm thượng đỉnh lần thứ hai.
Năm
2018, trước cuộc thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore, lãnh đạo Bắc
Triều Tiên đã hai lần sang Trung Quốc, vào tháng 3 và tháng 5. Nếu như
chuyến đi đầu tiên là nhằm để tái lập quan hệ giữa hai bên ở cấp cao
nhất, sau 6 năm « quan hệ song phương lạnh lẽo », chuyến đi thứ hai rõ
ràng có mục tiêu nhờ cậy đến sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đối với thượng
đỉnh. Chuyến đi lần thứ hai của Kim Jong Un đến Bắc Kinh diễn ra ngay
sau cuộc thượng đỉnh Liên Triều lần thứ nhất và vào thời điểm Bình
Nhưỡng đang ráo riết đàm phán với Washington để chuẩn bị thượng đỉnh
Trump – Kim tại Singapore.
Người lái ở « ghế sau »
Sự
tin cậy hay sự phụ thuộc của lãnh đạo Bắc Triều Tiên vào Trung Quốc
cũng thể hiện qua việc Kim Jong Un dùng máy bay của hàng không Trung
Quốc để đi Singapore, cũng như việc chỉ một tuần sau cuộc hội kiến với
tổng thống Mỹ, lãnh đạo họ Kim đã lại sang Trung Quốc lần thứ ba, để
thông báo với Bắc Kinh về tiến trình và các kết quả của hội nghị.
Thượng
đỉnh Trump – Kim lần thứ hai tại Hà Nội cũng tương tự. Tháng Giêng
2019, Kim Jong Un đi Bắc Kinh lần thứ tư vào thời điểm mà Bình Nhưỡng và
Washington đang thương lượng về cuộc thượng đỉnh này. Rất nhiều khả
năng Kim Jong Un sẽ đến Bắc Kinh lần thứ năm, ngay sau cuộc thượng đỉnh
với tổng thống Mỹ tại Hà Nội. Việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên liên tục sang
Trung Quốc tham vấn trước và sau thượng đỉnh với Mỹ là một động thái
không chỉ cho thấy « vị trí không thể thay thế được » của Trung Quốc,
với tư cách là bên « thúc đẩy » các đàm phán Mỹ-Bắc Triều Tiên, mà còn
để thể hiện với Bắc Kinh là Bình Nhưỡng chỉ có thể thổ lộ những điểm yếu
của mình với riêng Trung Quốc, hoàn toàn tin cậy ở Trung Quốc.
Như
vậy, có thể nói là, cho dù Bắc Kinh không phải là một bên chính thức
tham gia các thượng đỉnh ở Singapore và Hà Nội, Trung Quốc hoàn toàn tin
tưởng là các thỏa thuận của Bắc Triều Tiên với Mỹ sẽ không thể gây tác
hại đến các lợi ích quốc gia của Trung Quốc, và thậm chí còn có lợi cho
các kế hoạch của Trung Quốc.
Ngoài
thái độ của chính quyền Bình Nhưỡng, việc Trung Quốc rất tự tin còn dựa
trên vào diễn biến thực tế của quan hệ Mỹ-Bắc Triều Tiên, cho thấy tiến
trình giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên mà Hoa Kỳ mong muốn hoàn
toàn không hề nhanh chóng và đơn giản. Việc hai bên không đạt được các
cam kết cụ thể trong thượng đỉnh Singapore, cũng như tiến trình đàm phán
song phương chuẩn bị cho thượng đỉnh lần thứ hai tại Việt Nam gây thất
vọng, là những điều khiến Bắc Kinh an tâm. Bởi tiến trình « phi hạt nhân
hóa » càng kéo dài và theo từng bước một, thì Bắc Kinh càng dễ bề chi
phối, càng tạo ra nhiều cơ hội để Trung Quốc gây ảnh hưởng.
Trên
thực tế, cho đến nay Washington và Bình Nhưỡng vẫn còn rất nghi kị nhau
và đây chính là điều cản trở việc Bắc Triều Tiên chấp nhận phi hạt nhân
hóa nhanh chóng. Chừng nào mà Hoa Kỳ vẫn là mối đe dọa với Bình Nhưỡng,
thì chừng đó Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì được vị trí là người bảo đảm
an ninh cho Bắc Triều Tiên và qua đó tác động đến các đàm phán.
Lợi thế và giới hạn
Bắc
Kinh xem việc Mỹ-Bắc Triều Tiên hai lần tổ chức thượng đỉnh, để tìm
kiếm một thỏa thuận về phi hạt nhân hóa và tái lập hòa bình trên bán đảo
Triều Tiên, là một điểm sáng hiếm có trong hợp tác Mỹ-Trung trong bối
cảnh quan hệ song phương rơi vào tình trạng có thể coi là tồi tệ nhất kể
từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ.
Bắc
Kinh tự cho mình đã đóng góp tích cực bằng cách gây áp lực buộc Bình
Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán, với việc « áp dụng nghiêm ngặt » các trừng
phạt quốc tế trong năm 2017. Trung Quốc cũng sẵn sàng đứng ra môi giới,
nếu đàm phán Washington và Bình Nhưỡng lâm vào bế tắc. Khi cần thiết,
Bắc Kinh có thể mô tả là đã giúp Hoa Kỳ trong vấn đề này.
Theo
tác giả, gắn liền « phi hạt nhân hóa » Bắc Triều Tiên và tái lập « hòa
bình » và « ổn định » trên bán đảo Triều Tiên là một ưu tiên của Trung
Quốc. Việc chế độ Bình Nhưỡng quá phụ thuộc vào Trung Quốc là một gánh
nặng đối với Bắc Kinh. Một chế độ Kim Jong Un mở ra với bên ngoài được
cho là sẽ giảm nhẹ phần « trách nhiệm của Trung Quốc đối với tương lai
chính trị, kinh tế cũng như uy tín » của đàn em Đông Bắc Á.
Nhà
phân tích Yun Sun cũng đề cập đến các giới hạn trong khả năng can thiệp
của Trung Quốc đến lập trường của Bắc Triều Tiên trong đàm phán với Mỹ,
một vấn đề tương đối ít được chú ý.
Ít
ngày trước thềm thượng đỉnh Kim-Trump lần thứ nhất tháng 6/2018, tổng
thống Trump tung ra nhận định là lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã
thay đổi lập trường, sau cuộc gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vào
thời điểm đó, ông Trump còn đặt cho chủ tịch Trung Quốc biệt danh là «
một tay chơi xì phé cỡ thế giới ». Chưa biết điều này có đúng hay không,
nhưng ngay sau đó, ngày 23/05, chính quyền Mỹ đã hủy bỏ dự định ký một
thỏa thuận không gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc, và ngày hôm
sau 24/05, quyết định đơn phương đình chỉ thượng đỉnh lần thứ nhất dự
kiến, trước khi chấp nhận tổ chức trở lại.
Những
ứng xử nói trên của Mỹ mang lại cho Trung Quốc một bài học về những
giới hạn cần tránh. Một can thiệp bị coi là « chọc gậy bánh xe » có thể
sẽ dẫn đến các phản ứng khó lường, và rất có thể là tiêu cực từ Mỹ, cả
về phía quan hệ Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên, cũng như quan hệ song phương Mỹ
- Trung.
Quan hệ khó lường
Chuyên
gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc Yun Sun khép lại bài phân
tích với một nhận định đáng chú ý. Theo bà, có rất nhiều khả năng
Washington không hiểu được thực sự mối quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và
Trung Quốc, các tuyên truyền của chế độ Bình Nhưỡng về một nước Triều
Tiên từng là nạn nhân của nhiều cuộc xâm lăng từ Trung Quốc trong suốt
chiều dài lịch sử, có thể khiến Hoa Kỳ nuôi hy vọng Bắc Triều Tiên sẽ
trở thành một quốc gia thân Mỹ, chống Trung.
Nhà
phân tích Yun Sun nhấn mạnh : Trong quan hệ tay ba này, việc Hoa Kỳ
hoặc Trung Quốc « không hiểu rõ » quan hệ của Bắc Triều Tiên với phía
bên kia chắc chắn sẽ dẫn đến các đánh giá sai, và hệ quả là « các tính
toán sai lầm nghiêm trọng » trong phương thức đối xử với chế độ Bình
Nhưỡng. Cảnh báo của nhà phân tích được đưa ra một hôm trước cuộc thượng
đỉnh Trump – Kim, với kết quả như chúng ta đã biết, là Bắc Triều Tiên
và Hoa Kỳ khăng khăng quan điểm vốn có, thượng đỉnh không ra được thỏa
thuận.
Trọng Thành
Ghi chú
1.
Bà Yun Sun là giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm tư vấn về
hòa bình và an ninh thế giới Stimson Center (Washington).
2. Bài đăng tải ngày 26/02/2019 trên trang mạng 38 North (chuyên về Bắc Triều Tiên).
(RFI)
Không có nhận xét nào