Hình ảnh Tổng thống Donald Trump vẫy
lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam đã gây sốt trên các trang báo mạng trong
nước tuần qua trong khi truyền thông trong nước trích lời tổng thống Mỹ
nói ông “cảm thấy như trở về nhà” khi đến Hà Nội.
Tổng thống Donald Trump (phải) vẫy lá cờ Việt Nam trong khi Thủ tướng Phúc vẫy lá cờ Mỹ tại một buổi đón tiếp nguyên thủ Mỹ ở Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội hôm 27/2. |
Huong
LeThu, chuyên gia phân tích cao cấp của Viện nghiên cứu Chính sách
Chiến lược Úc, nói với VOA rằng hình ảnh tổng thống Mỹ với lá cờ cộng
sản không còn xa lạ nữa và cho thấy mối quan hệ giữa hai cựu thù Mỹ và
Việt Nam đã hoàn toàn được bình thường hóa.
Trong
những tháng gần đây, dù ông Trump liên tục nhắc đến mối đe dọa của chủ
nghĩa xã hội, nhưng vị tổng thống này lại ca ngợi Việt Nam, một nước xã
hội chủ nghĩa, là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đang trở
nên “thịnh vượng.”
Chủ
nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng được truyền thông trong nước
trích lời nói “Tổng thống Mỹ đã dành cho Việt Nam rất nhiều lời khen.”
Mặc
dù Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế cách đây 3 thập kỷ, nhưng chủ nghĩa
xã hội vẫn tiếp tục có trong tên chính thức của Việt Nam và Đảng Cộng
sản vẫn tiếp tục nắm quyền lực chính trị.
Các
chương trình công bố của Tổng thống Trump nêu tên chính thức đầy đủ
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Theo Los Angeles Times, mặc dù việc
dùng tên của một quốc gia theo ý muốn của nước đó là chuẩn mực của nghi
thức ngoại giao nhưng sự xuất hiện lặp đi lặp lại của từ “xã hội chủ
nghĩa” trong các tuyên bố chính thức của Nhà Trắng trong tuần qua “gây
mâu thuẫn.”
Nhân quyền bị bỏ qua
Việt
Nam, theo nhận định của các chuyên gia, đang làm theo Trung Quốc trong
việc mở cửa thị trường nhưng hạn chế chặt chẽ những phát ngôn về chính
trị, nhất là những ý kiến chỉ trích đảng Cộng sản.
Trước
và trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội,
nhiều nhà hoạt động và những người hay lên tiếng chỉ trích chính quyền
trên cả nước bị lực lượng an ninh hạn chế việc đi lại và thậm chí bị
canh gác bên ngoài tư gia.
Việt
Nam bị cộng đồng thế giới lên án về những thành tích nhân quyền tồi tệ
với việc bỏ tù nhiều nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến
chỉ vì dám đưa ra những ý kiến của mình hay đấu tranh ôn hòa trên mạng.
Tuy
nhiên, không giống như Tổng thống Barack Obama – người thúc đẩy Việt
Nam phải mở rộng tự do dân chủ khi tới thăm Hà Nội năm 2016, ông Trump
không nhắc tới nhân quyền. Ngay từ đầu, tổng thống đương nhiệm của Mỹ
tuyên bố trong các cuộc họp với lãnh đạo Việt Nam là về việc bán hàng
chục máy bay của Mỹ để giảm thặng dư thương mại với Việt Nam - một trong
những lý do gây căng thẳng trong mối quan hệ dù đang phát triển mạnh
giữa hai nước.
Trong
thời gian ở Hà Nội dự thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tuần trước, ông Trump đã
chứng kiến việc ký kết các hợp đồng thương mại trị giá 21 tỷ USD đồng
thời chào mời lãnh đạo Việt Nam mua vũ khí của Mỹ.
“Chính
phủ Việt Nam hài lòng với cách tiếp cận mới của chính quyền Trump vì họ
coi nhẹ các vấn đề nhân quyền và vấn đề dân chủ,” Alexander Vuving,
giáo sư tại Trung tân nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương ở
Honolulu, Hawaii, nhận định với Los Angeles Times.
Việt Nam thận trọng
Theo
Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Canberra, Úc, chính
quyền Trump xem Việt Nam là một đối tác chiến lược tiềm năng.
Nhà
Trắng cũng coi Việt Nam là một nhân tố quan trọng trong chính sách Ấn
Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở để đối trọng với Trung Quốc.
Tuy
nhiên, các mối quan hệ song phương với Mỹ được Bộ chính trị ở Hà Nội
xem xét cẩn thận vì tác động của nó tới các mối quan hệ của Việt Nam với
các cường quốc khác trong khu vực, theo GS Thayer, một người nghiên cứu
về các vấn đề của Việt Nam.
Ngoài
ra, vị giáo sư của Úc cho rằng có những quan chức trong Đảng Cộng sản
và các bộ Công an và Quốc phòng lo ngại về động cơ của Mỹ khi ủng hộ
những mối quan hệ chặt chẽ hơn với các ngành này trong bối cảnh có sự
cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Một
số các quan chức sợ rằng các mối quan hệ mật thiết hơn với Washington
sẽ dẫn đến việc làm xuy yếu quyền lực độc đảng và bị thay thế bởi hệ
thống đa nguyên đa đảng,” GS Thayer nhận định trong bản tin World
Politics Review ra ngày 1/3.
Mặc
dù vậy, vai trò của Hà Nội trong việc tổ chức thành công thượng đỉnh
Trump-Kim sẽ củng cố thêm sự đồng thuận ngày càng tăng của các lợi ích
chiến lược giữa hai nước cựu thù, theo GS Thayer.
Ngay
sau khi kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim, dự án khí Cá Voi Xanh
của tập đoàn ExxonMobil của Mỹ cùng khai thác với Tập đoàn dầu khí Việt
Nam (PVN) đã được khởi động lại sau một thời gian vắng bóng mà trước đó
có dư luận cho là bị hoãn do sức ép của Bắc Kinh như với các dự án của
PVN với Repsol của Tây Ban Nha.
Cựu
đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu Tôn Nữ Thị Ninh nói với CNN tại
Hà Nội tuần trước rằng cuối cùng thì cả Mỹ và Việt Nam đều cần nhau vì
những lợi ích chung.
(VOA)
Không có nhận xét nào