Header Ads

  • Breaking News

    Thảm sát Mỹ Lai và một phiên tòa không bao giờ tới

    Cuối năm 1969, Nhà Trắng vốn đã bận rộn lại càng trở nên hoang mang hơn sau khi mẩu tin của nhà báo trẻ Seymour Hersh được đăng tải trên hàng chục tờ báo Mỹ. Vụ lính Mỹ thảm sát dân thường ở Mỹ Lai (Quảng Ngãi, Việt Nam) bắt đầu lộ diện và gây sốc trên toàn quốc.


    “Chúng ta phải làm thế nào đây?” – Nixon hoang mang hỏi.

    Ông đã có quá đủ mối lo ở trong nước. Việc để xảy ra thêm một vụ bê bối khác ở chiến tranh Việt Nam không phải là thứ mà ông muốn nghe lúc này.

    Các lãnh đạo chính phủ Hoa Kỳ, các chuyên viên cấp cao của Nhà Trắng căng thẳng bàn bạc để tìm cách giải thích thông tin về vụ việc với công luận Mỹ.

    Ngày 21/11, trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council), cố vấn Henry Kissinger nhấn mạnh rằng Nhà Trắng cần phát triển một kế hoạch đối phó, thiết lập chính sách báo chí truyền thông, và phải cố gắng duy trì bằng được một đường hướng thống nhất trong mọi phản hồi để ứng phó với báo chí và dư luận trong tương lai gần.

    Mười ngày sau, ngày 1/12, Nhà Trắng lập ra một đội đặc nhiệm cổ cồn trắng với các nhiệm vụ hạ uy tín của nhân chứng, mà theo ghi chép của Chánh văn phòng Nhà Trắng “Bob” Haldeman, bao gồm sử dụng các chiêu bẩn nếu có thể, và bảo đảm rằng những nhân viên công vụ có thẩm quyền liên quan không được phát ngôn hớ hênh khi trả lời báo chí.

    Song mọi nỗ lực của những chuyên gia truyền thông tốt nhất thế giới đều không có tác dụng trong một môi trường tự do thông tin và báo chí mạnh mẽ như ở Hoa Kỳ. Và sự kiện nhanh chóng trở thành cơn ác mộng truyền thông kinh hoàng nhất mà một tổng thống Hoa Kỳ có lẽ đã từng phải dàn xếp.

    Hình ảnh về vụ thảm sát Mỹ Lai trên một tờ báo Mỹ, ngày 20/11/1968. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
    Kém cỏi, rệu rã, uất ức, tàn độc

    Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 16/3/1968.

    Đại đội Charlie, hay đại đội C (Charlie company – C company) khi đó nhận được lệnh thực hiện một chiến dịch tìm và diệt quen thuộc trong chiến tranh Việt Nam. Đối tượng là một ngôi làng tại Mỹ Lai – phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi, thường được ghi trong bản đồ chiến thuật quân sự Hoa Kỳ với tên gọi “PinkVille”. Đây là một khu vực mà lính Mỹ thời kỳ này ngán ngẩm gọi là “India country” – ám chỉ rằng chúng nằm trong sự kiểm soát quân sự gần như tuyệt đối của quân Việt Cộng, và các khu vực dân cư thân cộng.

    C Company là một đại đội chắp vá nếu xét theo tiêu chuẩn Mỹ. Vừa thành lập không lâu, vào giữa năm 1967, đại đội này đã được thông báo rằng họ sẽ phải triển khai tác chiến ở Việt Nam. Sau đó, họ tham gia vào một chương trình huấn luyện rút gọn diễn ra vỏn vẹn trong tháng 11 năm 1967. Một tháng huấn luyện, ngoài các kỹ năng chiến đấu, cũng bao gồm cả chương trình đào tạo cách đối xử với tù binh chiến tranh, các điều khoản của bốn Công ước Geneva về luật nhân đạo quốc tế, khái niệm thường dân cũng như Bộ Nguyên tắc tham chiến của Hoa Kỳ (USA Rules of engagement).

    Người chỉ huy đại đội là William L. Calley Jr., thường được gọi với biệt danh Calley ‘Cùn’ (‘Rusty Calley’). Đây là nhân vật mà tướng William C. Westmoreland, trong cuốn tự truyện 1976 của mình (Bản báo cáo quân nhân – A Soldier Reports), khẳng định sẽ không bao giờ có được một chân sĩ quan nếu Nghị viện Hoa Kỳ không táy máy can thiệp vào hoạt động tuyển quân của Lầu Năm Góc.

    Ông chỉ trích chính sách lùi thời hạn nhập ngũ cho các sinh viên đại học khiến cho quân đội Hoa Kỳ mất đi nguồn cung quân nhân chất lượng họ thường có, và buộc phải hạ tiêu chuẩn tuyển quân.

    Về Calley, anh ta có dáng vẻ bề ngoài kinh điển của thanh niên vùng ngoại ô Florida thời kỳ này – cao khoảng 1m60, nhìn không khỏe mạnh lắm và rất khó đoán tâm trạng. Không có gì nổi trội khi còn học trung học, Calley chật vật qua được một vài lớp ở trường cao đẳng cộng đồng địa phương trước khi bắt đầu chuỗi ngày lang thang nhảy việc. Vì không còn tiền, nên khi nhận thư trình diện để được đánh giá lại cho việc tuyển quân nhập ngũ, Calley tham gia một cách hào hứng đến bốc đồng vào quân đội Hoa Kỳ.

    Tháng 3/1967, chỉ tròn một năm trước vụ thảm sát Mỹ Lai, Calley mới bắt đầu được đào tạo ở trường sĩ quan quân đội Hoa Kỳ (Officer Candidate School – OCS), và tốt nghiệp hạng… 120/156. Mặc dù thiếu trình độ và được đào tạo một cách vội vã, Calley lại trở thành chỉ huy trưởng của đại đội C với một cái nhìn đơn giản về chiến tranh Việt Nam: kẻ nào gắn với Việt Cộng đều là kẻ thù. Calley kể lại rằng ở trường sĩ quan, nhiều cựu chiến binh chia sẻ rằng khi tham chiến tại Việt Nam, họ không phân biệt được giữa kẻ địch và dân thường.

    Việc phe Việt Cộng tham chiến một cách thiếu quy củ và không tuân thủ các nguyên tắc về trang phục và trang bị vũ khí nhằm phân biệt thường dân (civilian) và người tham chiến (combatant), cùng kiểu chiến tranh du kích, gây ra ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng lên một số quân nhân Hoa Kỳ. Calley là một trong số đó. Anh tả kể rằng, “Kẻ nào ở đó cũng là Việt Cộng cả. Người già, đàn bà hay thiếu niên hay trẻ em đều là Việt Cộng. Trong bụng đàn bà Việt Cộng, tôi cá là có đến hàng ngàn tên Việt Cộng con sẵn sàng ra đời.

    Môi trường của chiến tranh Việt Nam rõ ràng không giúp ích gì để thay đổi cách suy nghĩ của Calley. Sau chưa đầy hai tháng làm công tác hậu cần cho các đội khác, đại đội Charlie mới chỉ tiếp cận trực tiếp với quân Việt Cộng một tới hai lần là nhiều nhất, thế nhưng đã chịu thương vong từ hoạt động bắn tỉa, bẫy mìn, và các bẫy chông treo. Vì thế, sự kinh hoàng, ức chế, tức giận và thù hận không thể giải tỏa ở đại đội C là điều dễ hiểu.

    Tuy nhiên, trường hợp của Mỹ Lai rõ ràng không phải là một trong số đó. Chiến dịch diễn ra mà không có phản kháng, không phát hiện một thành viên phe Việt Cộng nào, và không hề có một tổn thất nào được ghi nhận lại từ đại đội Charlie. Người bị thương duy nhất của đại đội là một binh sĩ tự bắn vào chân của mình để không phải tham gia vào cuộc thảm sát (tuy nhiên cũng có tài liệu cho rằng người này chỉ vô tình bắn trúng chân).

    Theo bình luận của bản thân nhà báo Seymour Hersh, Mỹ Lai là hậu quả của một chuỗi những sai lầm: từ sai lầm về tình báo cho rằng tiểu đoàn 48 của quân Việt Cộng đang tiếp tục hoạt động tại Sơn Mỹ, cho đến niềm tin lệch lạc của nhiều binh lính tham gia chiến dịch rằng những người dân ở các ngôi làng tại Sơn Mỹ như Mỹ Lai đều là những kẻ có cảm tình với cộng sản hay sự quả quyết rằng chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sẽ chấp thuận bất kỳ hành vi chiến tranh nào mà quân đội Hoa Kỳ thực hiện trong lãnh thổ của họ.

    Tất cả mọi thứ tệ hại tập hợp lại trong một đơn vị: một nhóm quân nhân không được đào tạo – giáo dục kỹ lưỡng, khao khát trả thù, tham vọng lập công bằng cách đếm xác, và một kẻ chỉ huy lệch lạc không đủ năng lực. Kết quả là hơn 500 thường dân bị tra tấn, cưỡng hiếp, và cuối cùng bị giết bằng những cách thức phi nhân tính, trong đó nạn nhân chủ yếu chỉ là người già, phụ nữ, và trẻ em.

    Tờ Washington Post đưa tin Williams Calley bị kết án ngày 30/3/1971. Ảnh: Seatle Times.
    Sự bối rối của công lý

    Rất khó để người dân Mỹ tại thời điểm đó tin là điều này thật sự đã diễn ra. Với họ, chỉ 20 năm trước thôi, quân đội Hoa Kỳ còn có thể được xem là một quân đội hoàn toàn chính nghĩa, phụng sự lẽ phải và công bình. Và người ta chỉ có thể tìm thấy những tội ác chiến tranh ở một nơi xa xôi, do những tên phát xít điên cuồng hay đám lính vùng viễn Đông man rợ gây ra.

    Mỹ Lai vấy bẩn lên hình tượng đẹp đẽ đó của lính Mỹ.

    May mắn là xã hội, môi trường chính trị và bản thân nhà nước Hoa Kỳ có tính đa nguyên, nên vụ thảm sát vẫn còn cơ hội được làm sáng tỏ trước công luận Mỹ.

    Do đó, không khó để người Mỹ thừa nhận và gọi tên thứ mà quân đội nước này đã thực hiện tại Mỹ Lai – một tội ác chiến tranh kinh hoàng. Bản thân quân đội Hoa Kỳ đã khởi tố Calley và tuyên án tù giam với kẻ thủ ác.

    Tuy nhiên, sự thật trần trụi về Mỹ Lai có lẽ khiến cho chính quyền Nixon quá bối rối. Thông tin về Mỹ Lai chỉ được giới hạn ở tên và chức vụ của Calley, cùng với tội danh ‘giết người’ mơ hồ, được giải thích bằng cụm từ ‘giết hơn một thường dân’ còn mơ hồ hơn thế. Hoa Kỳ đã quá quen với việc được xem là vị cứu tinh, không phải kẻ tội đồ. Vậy nên tôi có thể hiểu vì sao Nixon muốn bảo vệ danh tính quốc gia để cứu rỗi hình ảnh của quân đội Hoa Kỳ, cùng những điều mà xã hội Hoa Kỳ muốn đại diện.

    Nhưng sự cố chấp quyền lực của người Mỹ khiến họ không thể thật sự chuộc tội hay sám hối.

    Hoa Kỳ từng là một trong những thành viên sáng lập quan trọng nhất của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), Tòa Nuremberg, cũng như Toà án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông (IMTFE). Họ là người ủng hộ hào phóng và mạnh mẽ nhất, là nhân tố năng động nhất của các tòa hình sự quốc tế khác như Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ (ICTY) hay Tòa án Hình sự Quốc tế về Rwanda (ICTR).

    Nhưng đến khi nhận thấy các quân nhân, tướng lĩnh và quan chức Hoa Kỳ có khả năng trở thành đối tượng của các tòa án này, Hoa Kỳ lại trở mặt để giữ lấy ‘chủ quyền quốc gia’ của mình.

    Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton ký ban hành Đạo luật Ủy nhiệm Quan hệ Quốc tế (Foreign Relations Authorization Act) ngăn chặn các chính phủ hỗ trợ tài chính cho Tòa án Hình sự Quốc tế (mục 705). Đạo luật đồng thời cũng nghiêm cấm mọi hình thức dẫn độ công dân Mỹ đến một quốc gia thứ ba có khả năng chuyển giao công dân này cho toà án này.

    Cho đến nay, thảm sát Mỹ Lai vẫn chưa có được một phiên tòa quốc tế thật sự để giành lại công lý với đúng tên gọi của tội đã phạm: tội ác chiến tranh (war crime). Và có lẽ ngày đó cũng còn rất xa, xa đến nỗi có thể không bao giờ thực hiện được.

    Đây cũng không chỉ riêng Hoa Kỳ. Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel… những quốc gia xuất khẩu vũ khí và hoạt động quân sự nhiều nhất thế giới, đến giờ vẫn từ chối trở thành thành viên chính thức của ICC.

    Điều họ cần nhận ra là, pháp luật nhân đạo quốc tế không phải là một công cụ chính trị. Nó là rào cản duy nhất ngăn cản loài người trở lại con đường man rợ mà Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến đã trải qua. Nếu những tội ác này không bị trừng phạt một cách đúng chuẩn mực, chúng ta sẽ lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy của sự thoái thác, biện bạch, và tội ác của ngày xưa mà thôi.

    (Luật Khoa) 

    Không có nhận xét nào