Gần một tháng sau khi lãnh đạo cơ
quan di trú Thái Lan tuyên bố sẽ điều tra việc blogger Trương Duy Nhất
bị mất tích, vụ một người Việt ở Bangkok bị cảnh sát giữ vì giấy tờ cư
trú đang gợi lại các câu hỏi về vụ blogger Trương Duy Nhất 'mất tích'.
Nhà báo Trương Duy Nhất |
Cùng
lúc, Tổ chức Human Rights Watch công bố yêu cầu đối với Liên Hiệp châu
Âu (EU), nhắc tới vụ việc này và cho rằng EU cần nêu với phía Việt
Nam trong kỳ đối thoại nhân quyền lần thứ tám ở Brussels sắp bắt đầu hôm
4/03/2019.
Hôm
2/3, một nguồn tin ẩn danh cho BBC biết, chiều hôm trước, thứ Sáu 1/3,
ông Phạm Cao Lâm và vợ bị cảnh sát Thái Lan đến nhà mời về đồn.
Cảnh
sát hỏi ông Lâm về một nhân vật đã giúp đỡ ông Trương Duy Nhất trong
thời gian ông đến Bangkok để tìm cách tới cơ quan Cao ủy Tỵ nạn (UNHCR)
nộp đơn xin tỵ nạn, theo nguồn tin ẩn danh nói trên.
Bị bắt vì thiếu giấy tờ
Trả
lời BBC hôm 4/3, văn phòng của ông Surachate Hakparn, Cục Di trú Thái
Lan xác định tin ông Phạm Cao Lâm bị cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt.
Nhưng cảnh sát Thái Lan lại cho biết lý do tạm giữ người này là vì thiếu giấy tờ cư trú:
"Ông
Phạm Cao Lâm đã bị bắt vì ông đã làm việc mà không có giấy phép làm
việc tại đây. Bây giờ vấn đề của ông ấy đang trong quá trình làm việc.
Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng gọi cho đồn cảnh sát."
Cơ
quan Di trú Thái Lan không phủ nhận và cũng không xác nhận với BBC là
việc bắt giữ ông Phạm Cao Lâm có liên quan gì đến việc điều tra của
Thái Lan về vụ blogger Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng bị cho là 'mất tích'
từ hôm 26/1 không.
Và họ cũng không trả lời câu hỏi của BBC về tình hình của cuộc điều tra này.
Một
nhân viên đồn cảnh sát Kookot thì cho hay ông Phạm Cao Lâm đã bị chuyển
cho Trung tâm tạm giữ của Sở Di trú, còn gọi là 'Immigration Detention
Center' ở Bangkok.
Ông
Phạm Cao Lâm là khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng người Việt tị
nạn tại Vương quốc Thái Lan và tin ông bị bắt làm một số người Việt
khác ở đây lo lắng.
Các
nhóm chạy từ Việt Nam sang Thái Lan thường liên lạc với những người đã
có mặt tại đây để tìm trợ giúp ăn ở, sinh hoạt và quan trọng hơn, cách
nộp đơn xin tỵ nạn.
Trong khi đó, từ Canada, cô Trương Thục Đoan, con gái ông Nhất nói với BBC:
"Đã
hơn một tháng rồi mà cả Thái Lan và Hà Nội đều chưa có thông tin gì,
chưa có cơ quan nào xác nhận là đang giữ ba của con nên con hết sức lo
lắng."
Hôm 7/2 ông Surachate Hakparn nói với Reuters rằng không có hồ sơ chính thức về việc ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan.
Tuy
vậy, văn phòng di trú Thái Lan đang xem xét có phải ông Nhất đã nhập
cảnh Thái Lan bất hợp pháp và xem chuyện gì đã xảy ra với ông.
"Tôi đã ra lệnh điều tra vụ này," ông Surachate nói với Reuters ngày 7/2.
Tổ
chức nhân quyền Ân xá Quốc tế tuần này nói họ đã xác nhận tin ông Nhất
bị những người vô danh bắt giữ tại một trung tâm thương mại, Future
Park, ở Bangkok ngày 26/1.
Ân xá Quốc tế nói họ xác nhận tin này với "các nguồn độc lập giấu tên".
Các
mạng xã hội tiếng Việt đã rộ lên tin nói ông Nhất đến Thái Lan đầu
tháng Giêng. Rồi ngày 25/1, ông nộp đơn xin tị nạn tại văn phòng Bangkok
của cơ quan UNHCR.
Ân xá Quốc tế đã kêu gọi Việt Nam và Thái Lan cung cấp thông tin về vụ việc.
Ông Phil Robertson, từ tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, thì nói ông Nhất đến Thái Lan "chỉ vì một nguyên nhân".
"Là để xin tị nạn, và ai đó không muốn ông ta làm thế, vì vậy chính phủ Thái Lan nên mở ngay điều tra."
UNHCR - Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn - tại Thái Lan từ chối bình luận.
Trên các báo quốc tế, vụ việc ông Trương Duy Nhất 'bị mất tích' dừng lại trong các bài đăng hồi tháng 2.
Chẳng
hạn trang The Guardian ở Anh có bài như vậy hôm 05/02/2019, còn trang
Washington Post ở Hoa Kỳ thì có blog mới nhất đã là hôm 11/02/2019 nói
ông Nhất là một cây bút bất đồng chính kiến, "bị mất tích, và mối nghi
ngờ chính hướng tới Việt Nam".
(BBC)
Không có nhận xét nào