Header Ads

  • Breaking News

    RSF yêu cầu Thái Lan tôn trọng tình trạng tị nạn của blogger Bạch Hồng Quyền

    Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) hôm 15/9 kêu gọi chính phủ Thái Lan “tôn trọng” tình trạng tị nạn của blogger Bạch Hồng Quyền, người gần đây lên tiếng kêu cứu trong một cuộc phỏng vấn với VOA, nói rằng ông đang bị cảnh sát Thái Lan phối hợp với đại sứ quán Việt Nam truy lùng nhằm bắt giữ và trục xuất ông về Việt Nam “với mục đích xóa dấu vết ông Trương Duy Nhất đến Thái Lan”.

    Blogger Bạch Hồng Quyền.
    Thông cáo của RSF nói sau cuộc đột kích của cảnh sát Thái đến nhà ông Bạch Hồng Quyền hai tuần trước, tổ chức này lo ngại rằng chính quyền Thái có thể cho phép đặc vụ Việt Nam bắt cóc ông Quyền nên yêu cầu họ “tôn trọng tình trạng tị nạn chính trị đã được Liên Hiệp Quốc bảo đảm của ông”.

    Vẫn theo tổ chức này, blogger Bạch Hồng Quyền đã đến sống ở Bangkok từ tháng 5 năm 2017. Sau khi bị cảnh sát phỏng vấn tại nhà vào ngày 1/3, ông đã phải đi lẩn trốn vì lo sợ sẽ bị bắt bất cứ lúc nào và bị trục xuất về Việt Nam, cho dù tình trạng tị nạn của ông đã được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đảm bảo.

    “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Thái Lan tôn trọng tình trạng của ông Bạch Hồng Quyền và gia đình ông ấy trong tư cách là người tị nạn, và chấm dứt đe dọa ông Quyền bằng bất cứ cách thức nào”, ông Jason Bastard, người đứng đầu RSF châu Á-Thái Bình Dương nói trong thông cáo.

    “Ngoài nghĩa vụ tôn trọng các quyền cơ bản của một cá nhân mà tội duy nhất là thông tin cho các đồng hương của mình, thì uy tín của Thái Lan trên trường quốc tế cũng bị ảnh hưởng”.

    Trong cuộc phỏng vấn với VOA hôm 8/3, ông Quyền xác nhận ông là người đã giúp thuê chỗ ở và đưa nhà báo-blogger Trương Duy Nhất đi đăng ký xin tị nạn tại Văn phòng UNHCR sau khi ông này đến Thái Lan vào cuối tháng 1. Sau đó, không còn ai liên lạc được với ông Trương Duy Nhất kể từ ngày 26/1/2019.

    Sau khi báo chí quốc tế và các tổ chức nhân quyền lên tiếng về trường hợp “mất tích” của ông Nhất, chính phủ Thái Lan đã bắt tay điều tra về trường hợp này. Có 3 người được xem là có thể xác nhận được sự hiện diện của ông Nhất ở Thái Lan là ông Bạch Hồng Quyền, ông Cao Lâm và blogger Kami.

    Theo lời ông Bạch Hồng Quyền nói với VOA, sau khi biết ông Cao Lâm bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam, ông rất lo lắng về tình trạng hiện nay của mình.

    “Tình trạng của tôi hiện giờ thực sự là nguy hiểm. Tôi đang nói chuyện mà rất lo lắng là cảnh sát Thái có thể bắt tôi bất cứ lúc nào và trục xuất tôi về Việt Nam. Thực sự tôi rất lo lắng...”, ông Quyền nói với VOA hôm 8/3.

    Blogger Bạch Hồng Quyền là người đã thực hiện việc đưa thông tin và giúp đỡ những người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường biển do công ty Formosa gây ra tại Việt Nam vào năm 2016.

    Sau đó, ông bị công an tỉnh Hà Tĩnh ra lệnh truy nã về tội “Gây rối trật tự công cộng” khi tham gia biểu tình cùng với nhiều người dân hai xã Thạch Bằng, Thạch Kim, đến UBND Lộc Hà vào ngày 3/4/2017 để yêu cầu chính quyền đối chất về việc bồi thường thiệt hại sau thảm họa.

    Theo lời ông Quyền nói với VOA, hiện ông đang chờ phỏng vấn và thực hiện các bước tiếp theo để có thể được đi tị nạn tại Canada.

    Thái Lan từng là nơi ẩn náu cho các nhà báo bị đe dọa, trấn áp bởi các chế độ đàn áp nhất trong khu vực. Tuy nhiên, với chính phủ hiện tại do Tướng quân đội Prayut đứng đầu, RSF nói Thái Lan trong nhiều trường hợp đã “đồng lõa” trong việc hồi hương các nhà báo.

    Thái Lan bị xếp hạng thứ 140 trong số 180 quốc gia trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới của RSF năm 2018, trong khi Việt Nam đứng thứ 175, thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.

    (VOA) 

    Không có nhận xét nào