Tiếp nối chiến dịch ‘đưa kinh tế ngầm
vào GDP’ - manh nha từ năm 2016 và được chính thức chỉ đạo triển khai
vào hai năm 2017 và 2018, đến đầu năm 2019 Tổng cục Thống kê của Thủ
tướng Phúc đã ồn ào tổ chức vài cuộc hội thảo và thông tin cho báo chí
về bản nhạc ‘phải đưa kinh tế ngầm vào GDP’ và ‘Nợ công Việt Nam 61,4%
GDP, so với các nước khác không là gì!’ - như một cách trả lời không cần
biết trời cao đất dày là gì của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Nguyễn Bích Lâm trước báo giới.
Vào năm 2017, TT Nguyễn Xuân Phúc cùng Chính phủ tuyên bố là GDP đã vượt lên đến 6,7% nguyên năm và 7% cho Quý IV của năm 2017. |
Tổng cục Thống kê - diễn viên mới trên sân khấu GDP
Trong
hai năm 2017 và 2018, cơ quan Tổng cục Thống kê đã trở nên tai tiếng
khi thống kê GDP (tổng sản phẩm quốc nội) tăng đến 6,7% và 7%, bất chấp
thực trạng thu thuế từ 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có
vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh bị giảm mạnh, còn tỷ
lệ doanh nghiệp ‘chết’ lại cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp mới ra đời!
Vào
năm 2017, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chính phủ và các bộ,
ngành hào hứng tuyên bố là GDP đã vượt lên đến 6,7% nguyên năm và 7% cho
Quý IV của năm 2017, một chuyên gia phản biện ở Việt Nam là Tiến sĩ
kinh tế Bùi Trinh, bằng một số tính toán vẫn dựa trên những con số của
Tổng cục Thống kê Việt Nam, đã tính ra GDP thực của Việt Nam chỉ vào
khoảng 3%. Nếu dựa trên những dữ liệu thực hơn nữa thì GDP thực của Việt
Nam có khi còn giảm dưới 3%.
Tổng
cục Thống kê cũng là cơ quan được tổ chức đón tiếp Thủ tướng Phúc một
cách rình rang vào năm 2018, mà ở nơi đó ông Phúc đã ‘gợi ý’ về việc
‘cần đưa kinh tế ngầm vào GDP’.
Khác
hẳn với lời ta thán về nguy cơ “nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần”
vào cuối năm 2016 và “sụp đổ tài khóa quốc gia” vào đầu năm 2017 của Thủ
tướng Phúc, đến đầu năm 2018 lại là tác giả này đã đổi giọng khi bất
thần có đến hai lần yêu cầu Tổng cục Thống kê “tính lại GDP”, với lý do
“Hàng vạn cái nhà lầu, hàng trăm chiếc ô tô đăng ký mỗi tháng ở TPHCM,
Hà Nội mà chả tính được cái gì, bỏ rơi hết. Nếu cộng thêm được 30% nữa
thì không phải 5 triệu tỉ đồng; mẫu số lớn lên, quy mô nợ công sẽ giảm
xuống, có tiền cho đầu tư phát triển”, và giải thích thêm về tăng
trưởng: “GDP đạt trên 5,1 triệu tỉ đồng. Con số này rất quan trọng, từ
tổng GDP này làm cho nợ công thời điểm này còn 61,3% GDP, như vậy, so
với đầu năm 2016 là chúng ta kịch trần 64,5-64,6% GDP”.
Hai
lần yêu cầu trên xảy đến tại hội nghị tổng kết của Bộ Tài chính và tại
hội nghị tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho dù bị nhiều dư luận
phản ứng và nghi ngờ về “GDP tăng trưởng có cánh” tại kỳ họp quốc hội
cuối năm 2017 mà ông Phúc đã phải trần tình là ông “không can thiệp vào
việc tính GDP”.
Vậy vì sao và động cơ nào khiến Thủ tướng Phúc nôn nóng muốn sớm ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’?
Một thủ thuật kinh tế - chính trị
Hãy
dành câu trả lời đầu tiên cho một số đại biểu quốc hội và chuyên gia
tài chính nhà nước. Khi Tổng cục Thống kê, thay mặt Thủ tướng Phúc,
quyết liệt đăng đàn về nhu cầu cần đưa kinh tế ngầm vào GDP, một số ý
kiến đã lo ngại một cách không mấy quyết liệt về tương lai nếu GDP tăng
lên thì nợ công sẽ ‘giảm’ đi mà do đó chính phủ vẫn có thể tiếp tục vay
mượn nợ mà chẳng cần tăng trần nợ công; cùng lúc chính phủ có thể thoải
mái tăng bội chi ngân sách mà không cần phải ‘thắt lưng buộc bụng’ nữa.
Tóm
lại, bản chất của bài toán ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’ chỉ là làm tăng
giá trị mẫu số trong khi tử số không thay đổi mà sẽ khiến giá trị của
phân số nhỏ đi đáng kể.
Theo
Luật về Nợ công, tỷ lệ nợ công quốc gia được tính theo công thức: nợ
công/GDP. Mẫu số GDP càng lớn thì tỷ lệ nợ công càng nhỏ và do đó càng
làm cho tình trạng vay nợ (vay trong nước và vay nước ngoài) của Chính
phủ lẫn các doanh nghiệp “an toàn” hơn, đồng thời có thêm lý do để Chính
phủ báo cáo và công bố về thành tích “bảo đảm an toàn nợ công” của
mình.
Một
nguyên tắc lẫn thông lệ quốc tế đang được vận dụng ở Việt Nam là 65%
GDP là ngưỡng nguy hiểm của tỷ lệ nợ công. Trong lúc giới chuyên gia
phản biện độc lập đã tính ra tỷ lệ nợ công thực tế đã vọt lên ít nhất
210% GDP, báo cáo của các bộ ngành kinh tế và Chính phủ ít hơn rất nhiều
nhưng cũng phải thừa nhận tỷ lệ nợ công ở Việt Nam đã ‘gần đụng ngưỡng
nguy hiểm 65% GDP’, mà như vậy thì sẽ rất khó có lý do để tiếp tục vay,
đẩy mạnh vay nhằm chi dùng cho “đầu tư phát triển”, chẳng hạn như chi
cho các công trình xây dựng trạm thu phí BOT - một dạng vay vốn ODA vô
tội vạ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc,
Bộ trưởng giao thông vận tải Đinh La Thăng mà còn để lại hậu quả trầm
kha 100% “chỉ định thầu” (về thực chất là tiêu cực) và gây phản kháng xã
hội ngày càng rộng lớn cho đến ngày nay.
Tức
nếu những năm gần đây phía chính phủ muốn tăng vay ODA mà do đó khiến
tăng nợ công nhưng bị ngưỡng nguy hiểm ‘nợ công không thể vượt quá 65%
GDP’ chặn lại, cũng như bị một số đại biểu quốc hội chỉ trích, thì chỉ
bằng thủ thuật kinh tế - chính trị đơn giản ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’,
với nền kinh tế ngầm ấy có thể chiếm ít nhất 10% hoặc thậm chí đến 30 -
40% GDP trong trường hợp Việt Nam, thì khi đó tỷ lệ nợ công/GDP sẽ giảm
tương ứng và giảm mạnh, có thể chỉ còn khoảng 50% GDP, trở thành một con
số còn bóng lộn hơn cả báo cáo nợ công “chỉ có 55% GDP” thời Nguyễn Tấn
Dũng. Một kết quả rất hấp dẫn chỉ nhờ vào việc tính toán những con số
trên giấy mà chẳng phải lao tâm khổ tứ thuyết phục quốc hội lẫn ma mị
dân chúng,
Cho
đến lúc này, câu chuyện “tính lại GDP” không chỉ còn là nói miệng mà đã
trở nên “nghiêm trọng” thật sự khi đã được chỉ đạo bằng văn bản. Động
tác này mang ý nghĩa gì và có lợi cho ai?
Nếu
kịch bản “tính lại GDP” thành công theo “yêu cầu đặc biệt” của Thủ
tướng Phúc, các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước cùng Chính phủ sẽ còn
‘dư địa vay nợ’ và tha hồ vay được ít ra 15% GDP nữa, tương đương khoảng
30 tỷ USD, chẳng hạn “phục vụ dự án trọng điểm sân bay Long Thành và
đường bộ cao tốc Bắc Nam”. Hai dự án này lần lượt chiếm vốn đầu tư là 18
tỷ USD và hơn 10 tỷ USD, cộng lại xấp xỉ với “quota” 30 tỷ USD mà Chính
phủ có thể vay trực tiếp hoặc bảo lãnh vay nếu thành công trong việc
“tính lại GDP”. Cơ hội để các nhóm lợi ích “ăn tàn phá hại” vốn ODA và
những nguồn vốn vay khác sẽ lại mở ra không khác gì thời Nguyễn Tấn
Dũng.
Một
cách tương ứng, ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’ sẽ làm giảm tỷ lệ bội chi
ngân sách/GDP trong lúc số tuyệt đối về bội chi không hề giảm, đồng
nghĩa với việc chính phủ và trong đó có phần tiêu xài khổng lồ của khối
cơ quan đảng sẽ không còn phải nhìn trước nhìn sau với tỷ lệ bội chi
ngân sách 3,6% GDP hay dưới 5% GDP nữa, mà sẽ thoải mái nâng con số
tuyệt đối về bội chi.
Hẳn đó là nguồn cơn khiến Tổng cục Thống kê muốn đưa cả ‘trà đá, xe ôm, hàng rong’ vào kinh tế ngầm!
Và
nếu kịch bản “tính lại GDP” thành công theo “yêu cầu đặc biệt” của Thủ
tướng Phúc, gần 100 triệu dân Việt sẽ càng có cơ hội đội thêm gánh nặng
nợ nần ngập đầu cho hiện tại và cho rất nhiều đời con cháu mai sau.
Nợ công thực là bao nhiêu?
Ngay
giờ đây, nếu cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi
trừ đi phần chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ công có thể vọt lên
ít nhất 440 - 450 tỷ USD, tức ít nhất bằng 210% GDP, gấp hơn 3 lần tỷ
lệ nợ công “gần 65% GDP” mà các báo cáo của bộ ngành và của chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc luôn “tuyên giáo”. Trong đó, nợ nước ngoài chính thức
của chính phủ đã lên đến 105 tỷ USD, chưa kể hàng trăm tỷ USD nợ nước
ngoài từ khối các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Cho
đến nay và cùng với số nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp nhà nước và
doanh nghiệp tư nhân tăng vọt, nợ công quốc gia thậm chí còn tồi tệ hơn
những năm trước.
Bối
cảnh ngân sách cạn kiệt, cụ thể là chẳng còn khoản kết dư đáng kể nào,
cũng là lúc đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nợ công sắp “vỡ” và Chính
phủ không còn khả năng trả nợ thay cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà
nước. Đó là nguồn cơn vì sao Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) - được Quốc
hội thông qua vào cuối năm 2017 - lại cố tình không gộp cả phần nợ vay
nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, dù loại nợ này lại
là một trong 5 định nghĩa về nợ công của cơ quan thống kê của Liên hiệp
quốc.
Sau
hai tán thán nổi tiếng ‘Nếu tính đủ, nợ công đã vượt trần’ và ‘sụp đổ
tài khóa quốc gia’ vào đầu năm 2017, từ đó đến nay Thủ tướng Phúc đã ‘im
như hến’ mà không còn bất kỳ lời thú nhận thực nào về cảnh nạn khốn khó
của ngân sách và nợ công nữa. Thay vào đó, quan chức này đi nhiều địa
phương mà gần như ở đâu cũng được ban tặng là ‘đầu tàu kinh tế của cả
nước’ và thành tích tăng trưởng GDP quốc gia - một thủ thuật chính trị
mà dư luận chẳng khó gì để nhìn ra ngay động cơ của ông Phúc muốn vận
động sớm cho cái ghế tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021.
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào