Chính thể độc đảng ở Việt Nam đã may
mắn trải qua năm 2018 vì chưa bị chính sách ‘công bằng và đối ứng’ của
Tổng thống Mỹ Donald Trump chế tài mạnh đối với hàng hóa Việt Nam vào
thị trường Hoa Kỳ. Thậm chí, giá trị xuất siêu của Việt Nam vào thị
trường ‘đa đảng’ này còn vượt hơn cả số xuất siêu của năm 2017.
Trump và Kim tản bộ sau cuộc gặp đầu tiên tại khách sạn Metropole, Hà Nội. |
Nhưng
năm 2019 liệu còn sự may mắn đó mà bất kể ‘uy tín Việt Nam được nâng
cao trên trường quốc tế khi tổ chức cuộc gặp Trump - Kim’ ?
Đó
là một câu hỏi đánh đố đối với nền kinh tế Việt Nam và thậm chí với cả
sự tồn vong của đảng CSVN, trong khung cảnh hơn 10 FTA (hiệp định thương
mại song phương) của Việt Nam với các quốc gia khác chỉ vừa ‘đủ ăn’, mà
chỉ còn lại hai thị trường Hoa Kỳ và khối Liên minh châu Âu là còn mang
lại số xuất siêu lớn và do đó mang lại một nguồn ngoại tệ quý hơn máu
để giúp ‘chúa chổm’ Việt Nam trả nợ nước ngoài bình quân 10 - 12 tỷ USD
mỗi năm.
Vào đầu năm 2019, đã hiện ra dấu hiệu đầu tiên về thế khó khăn mà có thể tước đi cái may mắn của năm 2018.
Vì sao Phúc ‘tự lấy đá ghé chân mình’?
Chỉ
vài tuần sau khi khoe thành tích của chính phủ kiến tạo đã xuất siêu
đến 35 tỷ USD vào thị trường Hoa Kỳ trong năm 2018, cũng ‘tác giả’
Nguyễn Xuân Phúc đã đổi giọng khi trả lời phỏng vấn truyền hình
Bloomberg ngày 17/1/2019: “Chúng tôi nhắm mục tiêu đạt được sự cân bằng
thương mại nhiều hơn với Mỹ”.
Theo
Phúc, Việt Nam đã mua 150 máy bay Boeing cũng như các sản phẩm của
General Electric và của các công ty dầu không được nêu tên, và những
thương vụ này sẽ giúp cân bằng hơn về thương mại và thúc đẩy phát triển
giữa hai nước.
Vì
sao Thủ tướng Phúc - quan chức đã trở nên trung tâm của rất nhiều bình
phẩm mỉa mai, với tham vọng bất tận về thành tích ‘chỉ số tăng tưởng
kinh tế GDP’ và ‘xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước’ mà đang ‘kiến tạo’
vinh lộ cho ông ta trên cung đường tranh giành cái ghế tổng bí thư tại
đại hội 13 của đảng CSVN - lại đột nhiên tự lấy đá ghè vào chân mình -
một động tác khác hẳn với thói quen ‘được đằng chân lân đằng đầu’ của
giới quan chức và các nhóm lợi ích Việt Nam?
Hẳn
đã xảy ra một tác động nào đó, mà phải là một tác động mang tính sức ép
đủ lớn khiến ông Phúc phải xuất hiện trên một diễn đàn truyền thông về
thương mại quốc tế để tự cam kết và đồng thời trấn an người Mỹ.
Rất
có thể vào cuối năm 2018, Trump ‘kết sổ’ giao thương với Việt Nam và
giật mình: thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam lên tới 35 tỷ USD
khiến Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách những nước có tỷ lệ thâm hụt
thương mại cao nhất của Mỹ, sau Trung Quốc, Mexico, Đức, Canada và Nhật.
Còn
trước đó vào năm 2017, Việt Nam đã xuất sang Mỹ lượng hàng hóa tổng giá
trị 41,6 tỷ USD nhưng chỉ nhập khẩu có 9,2 tỷ USD, nâng mức thặng dư
thương mại lên con số 32,4 tỷ USD với Mỹ, gấp đến 160 lần so với giá trị
xuất siêu chỉ 200 triệu USD vào năm 2001 - thời điểm mà Việt Nam mới ký
với Mỹ Hiệp định thương mại song phương (BTA) đầu tiên.
Rất
có thể, Trump đã phát đi một thông điệp nào đó và khá cứng rắn với
Phúc, thông qua một quan chức cấp cao của Mỹ, ngay trước khi tổng thống
Mỹ đến Hà Nội để gặp Kim Jong Un.
Thái
độ đổi giọng của Thủ tướng Phúc vào đầu năm 2019 cũng khiến người ta
nhớ lại chuyến công du đầy ẩn ý đến Hà Nội vào ngày 21/5/2018 của ông
Jeffrey Gerrish - Phó Đại diện Thương mại Mỹ. Jeffrey Gerrish đã gặp một
quan chức cao cấp phụ trách kinh tế của Việt Nam là Ủy viên bộ chính
trị kiêm Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.
Vào
thời điểm trên, mặc dù báo đảng Việt Nam chỉ tường thuật sơ sài “ông
Jeffrey Gerrish, Hoa Kỳ mong muốn đạt được các thoả thuận với Việt Nam
liên quan tới các vướng mắc về nhập khẩu ô tô, thanh toán điện tử và quy
định về đặt thiết bị quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam tại Việt Nam
trong dự thảo Luật An ninh mạng”, nhưng một số nhà quan sát kinh tế cho
rằng nội dung chính mà Jeffrey Gerrish làm việc với Việt Nam sẽ là “san
bằng thâm hụt thương mại” theo yêu cầu của Tổng thống Trump, nhằm buộc
Việt Nam phải hạ mức thâm hụt thương mại xuống mức dưới 8 tỷ USD/năm.
Có
nghĩa là tròn một năm sau cuộc gặp với Nguyễn Xuân Phúc tại Washington,
Donald Trump không quên trọng điểm mà ông ta đã cố ý nhấn mạnh và thậm
chí còn không cho thời gian để Phúc giãi bày hay thanh minh.
Vào
tháng Năm năm 2017 ấy, không những không đề cập gì đến “Hiệp định
thương mại song phương Việt - Mỹ”, Trump lại xoáy vào một vấn đề cực kỳ
khó chịu và khó khăn đối với phía Việt Nam: trong phần phát biểu ngắn
gọn tại cuộc gặp song phương tại Nhà Trắng vào ngày 31/5/2017, Tổng
thống Hoa Kỳ đã nhấn mạnh vấn đề giao thương và thâm hụt thương mại
'lớn' với Việt Nam, mà ông hy vọng sẽ 'sớm được cân bằng'. Ngay trước
đó, Bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ cũng không bỏ quên vấn đề này trong cuộc
gặp với Thủ tướng Phúc.
Chẳng
bao lâu sau đó, đúng vào ngày Lễ Tình Yêu 14 tháng Hai năm 2018 - tức
tròn một năm sau thời điểm liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia “gây
hại” cho nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như muốn
bày tỏ “tình yêu” đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam bằng cử chỉ
“siết nợ” thông qua nội dung “hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn
đề thương mại và cam kết sẽ tăng cường, mở rộng mậu dịch song phương
công bằng và đối ứng”.
Cơn ác mộng
Giờ
đây, ‘công bằng và đối ứng’ của Trump đang trở thành cơn ác mộng của
giới chóp bu Việt Nam, thậm chí còn kinh khủng hơn nhiều so với những
đòi hỏi của Chính phủ Mỹ về Việt Nam phải cải thiện nhân quyền một cách
có thể chứng minh được.
Nếu
đúng là đòi hỏi của Trump mà theo đó Việt Nam phải tự cắt giảm mức thâm
hụt thương mại vào thị trường Mỹ trong thời gian tới đến 3/4 số xuất
siêu năm 2017 và 2018 - tức phải giảm đến hơn hai chục tỷ USD, có thể
bắt đầu ngay trong năm 2019 này và tiếp theo những năm sau, bi kịch xuất
khẩu vào thị trường Mỹ sẽ kéo theo bi kịch kinh tế và cũng là bi kịch
ngân sách dành cho chế độ một đảng ở Việt Nam, đồng thời khiến cán cân
nhập siêu của Việt Nam từ các thị trường khác, đặc biệt từ Trung Quốc,
tăng mạnh.
Một
hệ quả rất không mong đợi đối với Việt Nam là nếu Mỹ “siết” các điều
kiện thương mại như đánh thuế xuyên biên giới, dựng đứng hàng rào kiểm
nghiệm chất lượng đối với hàng hóa Việt Nam mà trước đó cá basa, tôm,
gạo đã trở thành “nạn nhân”, đồng thời ngưng trệ vô thời hạn Hiệp định
thương mại song phương Việt - Mỹ hoặc làm cho hiệp định này trở nên khó
khăn hơn nhiều so với những năm trước, giá trị xuất siêu hàng năm của
Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tụt thê thảm.
Nếu
năm 2017 và năm 2018 đã mở đầu bằng hàng loạt “điềm xấu” dành cho hàng
xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ như Bộ Thương mại Mỹ nâng tỷ lệ
thuế đánh vào hai mặt hàng thép và tôm Việt Nam lần lượt là 53% và hơn
25%, thì vào năm 2019, rất nhiều khả năng là giá trị xuất siêu của Việt
Nam vào thị trường Mỹ sẽ giảm sút đáng kể so với kỷ lục xuất siêu 35 tỷ
USD của năm 2018.
Ngay
cả cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim vào tháng 2 năm 2019 mà Hà Nội cố
gắng đăng cai và ‘tự sướng’ theo cách mà Thanh Niên - một tờ báo ‘thân
đảng’ giật tít về Việt Nam như ‘Trung tâm hòa giải xung đột quốc tế’
cũng không thể cứu vãn đà tụt giảm xuất siêu của hàng Việt vào thị
trường Hoa Kỳ - một chủ đề nóng bỏng mà hẳn Trump sẽ quay trở lại với nó
ngay sau khi rời phòng họp mượn tạm tại Việt Nam.
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào