Quyền biểu tình của người dân Việt
Nam đã mang trên mình một món nợ thời gian khủng khiếp: hơn một phần tư
thế kỷ ma mị kể từ Hiến pháp 1992 mà không lộ hình một chút thiện tâm
nào, dù chỉ là loại thiện tâm ảo ảnh.
Người biểu tình chống hai dự luật an ninh mạng và đặc khu kinh tế bị trấn áp. |
Lại mồi nhử nhân quyền để mặc cả thương mại
Tháng
3 năm 2019, chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc một
lần nữa lấp ló: “Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc
hội và Chính phủ, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn
vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực
tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Biểu
tình bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công
dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật
tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta”.
Một
lần nữa trong quá nhiều lần bộ luật quyền dân này bị chính phủ từ thời
‘nắm chắc ngọn cờ dân chủ’ của Nguyễn Tấn Dũng đến ‘liêm chính, kiến
tạo, hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc, cùng ‘cơ quan dân cử tối cao’ là
Quốc hội lợi dụng như một thứ mồi nhử nhân quyền để mặc cả thương mại
với Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu - liên quan đến TPP (Hiệp định Đối tác
kinh tế Xuyên Thái Bình Dương) vào những năm 2014 - 2016, và EVFTA
(Hiệp- định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam) đang trong giai đoạn
‘chuẩn bị ký kết’ vào những năm 2018 - 2019.
Hoàn
toàn không phải ngẫu nhiên hay vì thành ý mà chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
và Bộ Công an tái hiện hình dự án Luật Biểu tình vào lần này.
Một dấu hiệu xuống thang
Nếu
yêu cầu của TPP và Hoa Kỳ trong những năm trước về Việt Nam cần có Luật
Biểu tình chỉ có vai trò phụ và thứ yếu trong TPP và do đó chính thể
độc đảng ở Việt Nam đã chẳng phải làm gì ngoài những lời ‘hứa cuội’, thì
vào lần này con đường dẫn tới EVFTA là chông gai và khốn khổ hơn hẳn
đối với chính thể đang khốn quẫn này: vào giữa tháng 11 năm 2018, lần
đầu tiên Nghị viện châu Âu tung ra một bản nghị quyết lên án Việt Nam vi
phạm nhân quyền với nội dung rất rộng và sâu, lời lẽ rất cứng rắn, với
một trong những đòi hỏi dứt khoát là Việt Nam phải có Luật Biểu tình; và
vào tháng 2 năm 2019, Hội đồng châu Âu đã thẳng tay quyết định hoãn vô
thời hạn việc phê chuẩn EVFTA, với nguồn cơn thực chất là tình trạng vi
phạm nhân quyền ở Việt Nam quá trầm trọng và chẳng có gì được cải thiện,
khiến chính quyền Việt Nam ‘mất ăn’ khi tưởng như đã nuốt trôi mọi thứ.
Cùng
thời gian trên, Việt Nam còn phải đối mặt với cuộc đối thoại nhân quyền
EU - Việt Nam vào đầu tháng 3 năm 2019 và hai cuộc điều trần nhân quyền
- một do Ủy ban Chống tra tấn của Liên hiệp quốc, và một do Ủy ban Nhân
quyền của Liên hiệp quốc tổ chức. Toàn bộ các cuộc đối thoại và điều
trần đều nhắm vào tình trạng vi phạm nhân quyền quá tồi tệ ở Việt Nam.
Hơn
bao giờ hết, nhân quyền đã trở nên điều kiện cần và là điều kiện số 1
trong EVFTA - điều mà giới chóp bu Việt Nam không hề mong muốn nhưng
cuối cùng đã xảy ra. Không phải ngẫu nhiên mà việc hoãn vô thời hạn
EVFTA theo quyết định của Hội đồng châu Âu dựa vào một trong những căn
cứ chính là bản kiến nghị yêu cầu hoãn EVFTA của 18 tổ chức xã hội dân
sự độc lập ở nước ngoài và tại Việt Nam.
Vào
tháng Giêng năm 2019, bất chấp thái độ nôn nóng muốn thúc đẩy nhanh thủ
tục hiệp định này của một số nghị sĩ, Phòng Thương mại châu Âu
(Eurocharm) và doanh nghiệp châu Âu, cùng sự vận động ráo riết của giới
quan chức Việt Nam, Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của
Quốc hội EU - tuy là người được xem là ôn hòa, đã phản ứng cứng rắn
hiếm thấy: “Nếu không có tiến bộ nào về nhân quyền, và đặc biệt là quyền
của người lao động, thì sẽ không có bất cứ hiệp định nào được Quốc Hội
Châu Âu thông qua hết.”
Và
ngay sau cuộc đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam, ông Umberto Gambini -
một quan chức quan trọng của EU - đã xác nhận chính thức về việc EVFTA
phải chờ nghị viện mới của châu Âu khi nghị viện này được bầu lại vào
tháng 5 năm 2019. Xác nhận này đã đóng dấu chấm hết cho hy vọng của Thủ
tướng Phúc, Bộ Chính trị và chính thể độc đảng chỉ muốn ‘ăn sẵn’ khi
‘mong EU linh hoạt ký kết và phê chuẩn EVFTA trong quý 1 năm 2019’.
Bây
giờ thì đã rõ mồn một, nếu vẫn không chịu cải thiện nhân quyền, tương
lai của EVFTA sẽ chính là kịch bản tồi tệ nhất, đen tối nhất cho nền
chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam mà đang quá cần ngoại tệ để trả nợ
nước ngoài. Không có bất kỳ bảo chứng nào hay chữ ký nào của những
người tiền nhiệm, các thành viên mới của Nghị Viện Châu Âu mới sẽ thật
khó để tìm ra lý lẽ dù thuyết phục khiến họ mau chóng gật đầu với EVFTA,
để khi đó chủ đề ‘đàm phán EVFTA’ sẽ phải nhai lại từ đầu.
Thông
tin chính phủ giao “Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Biểu
tình” ló ra vào tháng 3 năm 2019 có thể được xem là phản ứng xuống thang
đầu tiên của ‘đảng và nhà nước ta’ trước EU kể từ cuối năm 2016 đến
nay, sau sự kiện tiếp đón Tổng thống Mỹ Barak Obama tại Hà Nội vào giữa
năm 2016 và nhận được món quà Mỹ gỡ bỏ toàn phần lệnh cấm bám vũ khí cho
Việt Nam mà Hà Nội chẳng phải làm gì về cải thiện nhân quyền để có qua
có lại.
Nhưng ‘cải thiện nhân quyền’ như thế nào với một chính thể công an trị?
Bộ Công an ‘làm luật’ theo cách nào?
Có
một sự thật hết sức trớ trêu ở Việt Nam là vào năm 2011, thủ tướng khi
đó là Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Bộ Công an - cơ quan bị xem là ‘công
an trị’ và chuyên trấn áp, đàn áp những cuộc xuống đường vì môi sinh môi
trường của người dân, ‘chịu trách nhiệm soạn thảo Luật Biểu tình’.
Kể
từ đó đến nay, đã quá nhiều lần Bộ Công an thập thò bộ luật này vào mỗi
lúc mà chế độ độc trị phát hiện ra triển vọng một hiệp định thương mại
quốc tế - hoặc TPP, hoặc Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, hoặc EVFTA.
Nhưng sau khi đã ‘ăn đủ’ hoặc cám cảnh vì ‘mất ăn’, đã quá nhiều lần cơ
quan bộ này yêu cầu hoãn Luật Biểu tình khi nại ra lý do: “Trong quá
trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần tiếp tục đầu tư thời
gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khảo sát thực tiễn và tham
khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm “biểu tình,” “quyền tự do biểu
tình,” “nơi công cộng,” “tụ tập đông người”…; phạm vi điều chỉnh của dự
thảo luật (có bao gồm cả việc tổ chức mít-tinh, biểu tình do Đảng, Nhà
Nước, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức; việc khiếu kiện đông người,
đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa hay không); vấn đề áp dụng các
biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu
tình vi phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc
giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình…”
Một
luật gia cho rằng đã có đủ căn cứ để thấy rằng việc cố tình kéo dài
thời gian soạn thảo dự luật biểu tình của Bộ Công an là hành vi tắc
trách công vụ, vi phạm vào Điều 4 của nghị quyết điều chỉnh chương trình
xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 do chủ tịch Quốc Hội ký ban hành tại
kỳ họp thứ 7, Tháng Sáu, 2014.
Trong
khi đó và chẳng cần đến luật biểu tình chưa biết khi nào mới được 500
đại biểu Quốc hội đồng gật, từ năm 2007 đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành
và tọa kháng của dân oan đất đai. Năm 2011 đã làm nên dấu mốc lịch sử
bởi hàng ngàn trí thức, nhân sĩ và người dân đã tổ chức hàng chục cuộc
xuống đường để phản đối Trung Quốc, cùng truy vấn thái độ im lặng đầy
khuất tất của đảng cầm quyền và chính phủ trước một bí mật bắt đầu bị hé
lộ: Hội nghị Thành Đô năm 1990.
Ở
Sài Gòn, hai cuộc biểu tình mang tính “kinh điển” vào tháng Năm 2014
phản đối giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã lên đến hàng chục
ngàn người, và cuộc tổng biểu tình lên đến hàng trăm ngàn người phản đối
hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng vào tháng Sáu năm 2018 mà đã khiến
toàn bộ lực lượng công an, dân phòng, quân đội bất động.
Những
năm gần đây, phong trào bất tuân dân sự đang lớn mạnh và khởi sắc hẳn.
Cuộc trước là nguồn cảm hứng cho cuộc sau. Từ các cuộc biểu tình phản
đối chặt hạ cây xanh và tổng đình công của công nhân một số tỉnh Nam Bộ
vào năm 2015 đến phong trào biểu tình phản đối Formosa của người dân
miền Trung vào năm 2016 và 2017, cánh lái xe liên tiếp phản đối các trạm
BOT thu phí và phản kháng dân sự đối với chính quyền suốt từ năm 2017
đến nay.
Đói
quá lâu sẽ hết đói. Cuối cùng, bánh vẽ Luật Biểu tình đã công nhiên trở
thành một thứ phế thải. Cuối cùng, người dân Việt Nam đã tự động xuống
đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế
tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc
trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội
trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để
bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.
Đến lúc này, mọi chuyện đã quá muộn đối với chính thể. Quá muộn để “lấy lại lòng tin của nhân dân”.
Cũng quá muộn để ‘nghiên cứu xây dựng’ và ban hành Luật Biểu tình.
Tại sao không phải Bộ Nội vụ?
Về
thực chất, đằng sau động thái chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu xây
dựng Luật Biểu tình chỉ là sự tiếp nối của một chuỗi động tác đối phó và
ma mị nhằm đạt được mục tiêu ký kết và phê chuẩn EVFTA ngay trong năm
2019. Mà chưa có gì được xem là ‘thành tâm’.
Nhưng thủ đoạn trí trá, giảo hoạt và lươn lẹo ấy lại luôn là một sai lầm về sách lược của ‘đảng và nhà nước ta’.
Bởi
lẽ đơn giản là với một Bộ Công an - còn được biệt danh là ‘bộ đàn áp
nhân quyền’, quá tai tiếng về đàn áp biểu tình và vô số vấn nạn tra tấn
người dân - việc giao cho bộ này làm Luật Biểu tình, trong khi đúng ra
phải giao cho Bộ Nội vụ, là quá bất hợp lý, chẳng khác nào ‘giao trứng
cho ác’ và tiếp thêm một mồi lửa thách thức EU và các chính phủ tiến bộ
trên thế giới.
Hoặc
cho dù Luật Biểu tình có được thông qua trong năm 2019 hoặc năm 2020,
thì với những nội dung dự thảo luật chỉ siết không mở của Bộ Công an,
thậm chí còn có thể hợp thức hóa cho hành vi của các ‘lực lượng công
quyền’ đánh đập tra tấn người dân một cách côn đồ và lưu manh, sẽ chẳng
có bất kỳ ích lợi nào cho người biểu tình ở Việt Nam, nếu không muốn nói
là những cuộc biểu tình dân sinh có thể sẽ bị chế độ công an trị dìm
trong biển máu.
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào