Một nhà báo Việt Nam trong nước nói
với tôi rằng Trương Duy Nhất là một con người có những quan hệ rất phức
tạp. Tin chính thức mới nhất là công an Việt Nam nói ông liên quan đến
vụ án tham nhũng đất đai của cựu "sĩ quan tình báo" Phan Văn Anh Vũ (Vũ
Nhôm).
Ông
Vũ Nhôm được cho là đã lợi dụng chức vụ của mình để mua nhà cửa đất đai
do nhà nước quản lý với giá rẻ rồi bán lại kiếm lời. Công an Việt Nam
nói ông Nhất đã giúp ông Vũ mua căn nhà số 82 đường Trần Quốc Toản,
thành phố Đà Nẵng, vốn là trụ sở báo Đại đoàn kết, mà ông Nhất từng làm
trưởng đại diện tại miền Trung trong một thời gian.
Mặt
khác ông Trương Duy Nhất cũng là một blogger, viết cho đài Á châu Tự
do, với khá nhiều bài viết chỉ trích những chính sách của Đảng cộng sản
cầm quyền.
Trương Duy Nhất là ai? |
Sự khác biệt của hai lần bắt giữ
Sau
khi người nhà và bạn bè ông, vào cuối tháng 1/2019, đưa ra những lo
lắng rằng ông có thể đã bị bắt cóc về Việt Nam khi đang tìm đường tị nạn
tại Thái Lan, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, bảo vệ ký giả,… đã lên
tiếng bảo vệ ông. Tên ông xuất hiện trên cả một tờ báo lớn của Mỹ là tờ
Wall Street Journal.
Vậy
ông Trương Duy Nhất, đang bị nhà cầm quyền Việt Nam xem là một kẻ tiếp
tay cho tham nhũng, nhưng đang được các tổ chức nhân quyền xem là người
đấu tranh cho dân chủ.
Sự
khác biệt này rất lớn, lớn hơn hẳn lần ông Nhất bị chính quyền Việt Nam
bỏ tù vì tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ vào năm 2014.
Lần
đó cả hai phía đều đưa quan điểm dựa trên cùng một sự việc là những bài
viết chỉ trích của ông trên trang Một góc Nhìn khác của Trương Duy
Nhất. Cơ quan pháp luật Việt Nam xem những bài viết đó là phạm tội,
nhưng đối với các xã hội mở phương Tây thì đó là quyền tự do ngôn luận.
Thời
gian nổi tiếng nhất của trang web Một góc Nhìn khác, trước khi ông bị
bắt vào cuối năm 2013, cũng là thời gian ông Nguyễn Bá Thanh cầm quyền
tại thành phố Đà Nẵng với vai trò Bí thư thành ủy.
Những mối quan hệ phức tạp
Ông
Trương Duy Nhất là người rất ủng hộ ông Nguyễn Bá Thanh, so sánh ông
với các cán bộ cộng sản khác mà ông cho là nhạt nhẽo theo lối mòn. Ông
Nguyễn Bá Thanh nổi tiếng với những phát biểu rất mạnh mẽ, những hành
động mang tính dân túy nhưng không phải là không được lòng một số người
dân, ví dụ như ông móc tiền lì xì cho những người lái xích lô đạp chẳng
hạn.
Dư
luận Đà Nẵng lúc đó chia làm đôi về ông Nhất. Một số đông xem ông là
một nhà báo mạnh dạn. Một số ít hơn, và thường không công khai thì nói
rằng ông Nhất là cái loa của ông Nguyễn Bá Thanh.
Cũng trong thời gian đó ở Đà Nẵng xảy ra vụ án xử vị tướng công an Trần Văn Thanh, vào năm 2009.
Ông
Thanh công an được xem là một đối thủ chính trị của ông Thanh Bí thư.
Ông Trần Văn Thanh phải ra tòa trong hình ảnh một người đang được truyền
dịch trên giường bệnh. Một hình ảnh làm dân chúng bất bình, một hình
ảnh có thể biểu hiện sự đoạn tình đoạn nghĩa của những đồng chí cộng sản
với nhau.
Nhưng ông Thanh công an lại cũng có quan hệ với ông Trương Duy Nhất.
Trước
khi ông Nhất về phụ trách báo Đại Đoàn Kết, ông làm ở báo Công an Đà
Nẵng, tờ báo "chuyên ngành" nằm dưới quyền của ông Trần Văn Thanh.
Một
số nguồn tin giấu tên ở Đà Nẵng, nói rằng trong cuộc đối đầu giữa hai
ông Thanh đó, lúc đầu ông Nhất phải ủng hộ sếp mình là ông Thanh công
an, sau đó ông chuyển phe, ủng hộ ông Thanh Bí thư.
Bạn
đọc nếu theo dõi chặt chẽ đời sống chính trị Việt Nam hẳn nhớ giai đoạn
cuối đời của ông Nguyễn Bá Thanh là giai đoạn ông được điều ra Hà Nội
để giữ chức Trưởng Ban nội chính trung ương, cơ quan chống tham nhũng
của Đảng Cộng sản, từ năm 2012 đến lúc ông mất năm 2015.
Ông Trương Duy Nhất bị bắt vào năm 2013.
Trước
đó, trong một kỳ đại hội đảng toàn quốc, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng đã thành công trong việc giành quyền kiểm soát cơ quan chống tham
nhũng từ tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đối thủ chính trị của ông.
Mà Thủ tướng Dũng vốn cũng xuất thân từ ngành công an, có ảnh hưởng rất lớn trong ngành này lúc đó.
Giới
thạo tin tại Đà Nẵng cho rằng việc ông Trương Duy Nhất bị bắt vào năm
2013 vì ông chuyển phe, làm "cái loa" cho ông Nguyễn Bá Thanh.
Có
phần chắc là công luận sẽ không bao giờ biết chắc chắn chuyện gì đã xảy
ra...nhưng có một điều lạ là cho đến giờ này chính quyền Việt Nam vẫn
chưa nói rằng họ bắt giữ ông Trương Duy Nhất, dù gia đình ông đã nói với
BBC rằng họ đã được báo là ông bị tạm giam tại trại giam của Bộ Công an
T16 ở ngoại thành Hà Nội, và người thân của ông còn thấy được quyển sổ
theo dõi của nhà tù là ông Nhất bị nhập trại vào ngày 28/1/2019.
Đây
là câu chuyện hành trình mất tích của ông Trương Duy Nhất, cũng không
kém mờ ảo như những quan hệ chằng chịt của ông tại Đà Nẵng.
Có
hai tổ chức dân sự của người Việt hải ngoại cho người viết biết rằng
ông Trương Duy Nhất đã nhập cư bất hợp pháp vào Campuchia, rồi sang Thái
Lan tìm quy chế tị nạn tại Cao ủy tị nạn của Liên Hiệp Quốc tại
Bangkok.
Cả
hai tổ chức này đều cho biết ông Nhất liên lạc với họ để tìm đường đi
nước bước với tấm hộ chiếu Việt Nam kèm visa đi Canada còn hiệu lực mà
trước đó ông Nhất đã có được trong một lần sang Mỹ và Canada.
Cho
tới giờ này, ngoài những tin đồn, thì hành tung của ông Trương Duy Nhất
trong "hành trình mất tích" của ông, chỉ có một đoạn ngắn rõ ràng được
BBC điều tra. Đó là giai đoạn ông cư trú trong một khách sạn mini ở thủ
đô Bangkok.
Với
áp lực của một số tổ chức báo chí và nhân quyền, cảnh sát Thái Lan hứa
sẽ điều tra xem vụ ông Trương Duy Nhất là như thế nào. Nhưng họ cũng
chính thức tuyên bố là họ không có ghi nhận gì về sự có mặt của ông Nhất
trên đất Thái Lan cả.
Tức
là cho đến nay, đối với chính quyền các quốc gia trên bán đảo Đông
Dương, ông Trương Duy Nhất vẫn còn tại Việt Nam, với lần ghi nhận sau
cùng là ông trở về từ Bắc Mỹ trước đây ít lâu.
Tại sao ông Nhất phải bỏ trốn?
Ông
Nhất "mất tích" vào thời điểm tròn một năm sau khi ông Vũ Nhôm bị
Singapore trục xuất về Việt Nam. Sau đó ông Vũ Nhôm bị ra tòa về tội
trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi trong vụ mua bán nhà cửa
đất đai.
Với
cáo buộc hiện nay là ông Trương Duy Nhất đã giúp ông Vũ Nhôm phạm tội,
mà cả hai ông đều có dính líu tới ngành công an, gần hơn nữa là công an
Đà Nẵng, thì những đồn đoán nói rằng hai ông có thời rất thân thiết với
nhau không phải là không có cơ sở.
Nhưng tại sao ông Nhất lại chờ đến một năm mới bỏ trốn, và có vẻ vội vàng, thiếu chuẩn bị như vậy?
Thực
ra việc này không khó hiểu nếu đặt nó vào mối quan hệ chằng chịt của
ông Trương Duy Nhất với các phe phái chính trị kinh tài phức tạp tại Đà
Nẵng. Một nhà quan sát chính trị người Việt tại nước ngoài là ông Vũ
Hồng Lâm, có nhận xét rằng các phe phái chính trị kinh tài tại Việt Nam
không phải là cố định, người ta có thể chuyển từ phe này sang phe kia dễ
dàng.
Và dĩ nhiên sự tính toán phe phái lại nhiều khi không đúng, và thế là người tính toán phải trả giá.
Ông Nhất sẽ ra tòa như thế nào?
Những
người quan sát trong và ngoài Việt Nam dễ dàng đồng ý với nhau rằng hà
Nội sẽ ung dung xử ông Nhất như là một nhân chứng, một đồng lõa trong
một vụ án tham nhũng. Ngay từ đầu chính quyền Việt Nam đã giữ cho vụ
việc ở tầm mức rất nhỏ bé, tầm thường, như một nhân chứng tham nhũng hay
đồng phạm tầm thường.
Ngay
khi tin đồn về ông Trương Duy Nhất bị bắt cóc từ Thái Lan đem về Việt
Nam, một nhà báo Việt Nam tại Hà Nội cho người viết biết rằng cơ quan
chủ quản của tờ báo, cũng như Ban tuyên giáo trung ương, cơ quan tuyên
truyền chỉ huy tất cả các cơ quan truyền thông Việt Nam, không có dặn dò
nhắn nhủ, định hướng gì về vụ Trương Duy Nhất cả.
Mà
Hà Nội cũng sẽ không bận tâm phải giải quyết "hậu quả bắt cóc" như đã
phải khốn đốn "xử lý" như vụ Trịnh Xuân Thanh bên Đức, đến nay vẫn chưa
xong.
Về
mặt chính thức, cả hai chính quyền Thái Lan và Việt Nam không phiền hà
gì với nhau về chuyện có hay không có việc "bắt cóc" ông Nhất.
Vậy ông Trương Duy Nhất là ai?
Chúng
ta chỉ biết chắc chắn rằng ông từng viết báo cho ngành công an, cho báo
Đại Đoàn Kết, viết blog, chủ trang Một góc Nhìn khác.
Ông là một nhà báo lên tiếng về dân chủ và nhân quyền hay là một người đồng lõa tham nhũng?
Những
bài báo chỉ trích Đảng Cộng sản của ông là có thật, ông lên tiếng đòi
hỏi dân chủ, đòi hỏi phải có sự kiểm soát quyền lực...cũng có thật.
Nhưng có thể là thực tế cuộc sống ở đâu cũng vậy, mà ở Việt Nam càng thấy rõ, không phải chỉ có hai màu trắng và đen.
Gửi đến BBC từ Virginia
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một nhà báo tự do sống ở Virginia, Hoa Kỳ.
(BBC)
Không có nhận xét nào