Ông Phạm Cao Lâm, một người Việt ở
Thái Lan vừa bị cảnh sát Thái trục xuất về nước với cáo buộc lao động
bất hợp pháp trên đất Thái, cho biết, sau những gì đã xảy ra với ông
trên đất Thái Lan, ông đã có được một bài học để rút kinh nghiệm trong
quan hệ với những người tị nạn tại Thái Lan, bao gồm cả những người đấu
tranh bị truy nã ở Việt Nam.
Ông Phạm Cao Lâm trên đất Thái Lan |
Vào
tối ngày 13/3/2019, Phạm Cao Lâm cho Đài Á Châu Tự Do biết ông đã về
đến nhà vợ mình ở thành phố Thanh Hóa sau khi bị trục xuất từ Thái Lan
và về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội vào tối ngày 12/3.
“Tối
ngày 12 em về đến sân bay Nội Bài, lúc 8 giờ 20 máy bay đáp xuống sân
bay Nội Bài. Chuyến bay đi từ Thái Lan người ta giữ hộ chiếu, có 4 người
Việt Nam về cùng em, cũng làm việc ở Thái Lan giống em đó. Bên Thái họ
đưa cho nhân viên hàng không giữ hộ chiếu, về thì người ta trao cho công
an Việt Nam….Đến 9 giờ hơn có mấy ông công an tới làm việc, nói chuyện
với em. Việc thứ nhất người ta hỏi em liên quan đến vấn đề em làm từ
thiện ở Thái Lan”
Suốt
khoảng 2 tiếng làm việc với phía công an Việt Nam, Phạm Cao Lâm cho
biết ông đã trả lời các câu hỏi về nguồn gốc gạo và tiền từ thiện mà ông
có để giúp đỡ người Việt tị nạn trên đất Thái Lan lâu nay.
“Tôi
bảo là chuyện gạo thì tôi xin tại Thái Lan, các nhà thờ tại Thái Lan
cho. Còn tiền bạc ở đâu thì tôi bảo là những người linh mục, những người
từ Mỹ gửi về thì tôi bảo tôi là người trung chuyển thôi chứ không phải
tiền của tôi.”
Cao
Lâm cũng khẳng định với công an rằng việc làm từ thiện của mình tại
Thái Lan là không vi phạm pháp luật và ông cũng không có liên quan đến
bất cứ tổ chức tranh đấu nào của người Việt.
“Tôi
chưa bao giờ thấy làm từ thiện mà nguy hiểm cả. Tôi không làm tổ chức
chính trị nào hết, tôi không làm một người đấu tranh, tôi chưa từng đấu
tranh. Với bản thân tôi thì tôi không nghĩ là làm từ thiện mà có tội và
bị bắt cả. Bản thân tôi thì tôi không biết những người đó từ tỉnh nào,
quê quán ở đâu ở Việt Nam. Người ta thiếu đói, xin gạo thì tôi cho. Tôi
không có thẩm quyền hỏi họ làm gì ở Việt Nam, tôi không cần biết người
ta đấu tranh hay truy nã ở Việt Nam.”
Câu
chuyện của ông Phạm Cao Lâm bị trục xuất từ Thái Lan sau khoảng 16 năm
sinh sống trên đất Thái từ vài tuần nay đã thu hút sự chú ý của dư luận
vì mối quan hệ của ông Lâm với những người tị nạn Việt Nam trên đất Thái
Lan, trong đó có cả những người tham gia hoạt động bị truy nã từ Việt
Nam và trốn sang đất Thái Lan. Đặc biệt câu chuyện khiến nhiều người
quan tâm hơn cả là quan hệ của ông Phạm Cao Lâm với ông Bạch Hồng Quyền,
một người hoạt động về môi trường ở Hà Tĩnh và bị công an Việt Nam truy
nã từ năm 2017 với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng và bắt giữ người
trái pháp luật” ở trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Bạch Hồng Quyền hiện đã được Cao ủy về người tị nạn của Liên Hiệp
Quốc cấp quy chế tị nạn.
Vào
ngày 8/3 vừa qua, ông Bạch Hồng Quyền đã gửi thư kêu cứu đến một số cơ
quan báo chí và cho biết ông đang ở trong tình trạng “hết sức nguy hiểm”
vì là “nhân chứng duy nhất chứng nhận việc ông Trương Duy Nhất đã có
mặt ở Thái Lan để tìm kiếm quy chế tị nạn”.
Blogger
Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do là người đã mất tích trong khoảng
thời gian từ ngày 25 đến 26/1 vừa qua khi đang có mặt ở Thái Lan để xin
quy chế tị nạn.
Dưới sức ép của quốc tế, cảnh sát Thái Lan cho biết phía Thái Lan đang tiến hành điều tra về sự mất tích của blogger này.
Trong
khi đó trên internet lại xuất hiện những thông tin chưa được kiểm chứng
về khả năng blogger này đã bị an ninh Việt Nam bắt giữ và đưa về Việt
Nam.
Trong một lần trả lời phỏng vấn với đài VOA hôm 9/3, Bạch Hồng Quyền thừa nhận đã giúp đỡ blogger Trương Duy Nhất ở Thái Lan.
Trong
thư kêu cứu của mình, ông Bạch Hồng Quyền cho biết cảnh sát Thái Lan và
đại sứ quán Việt Nam đang truy lùng Quyền để bắt giữ và trục xuất về
Việt Nam với mục đích xóa dấu vết ông Trương Duy Nhất đến Thái Lan.
Trước
đó, vào ngày 1/3, cảnh sát di trú Thái Lan đã bắt giữ ông Phạm Cao Lâm.
Tuy nhiên ông Cao Lâm cho Đài Á Châu Tự Do biết cảnh sát Thái Lan chỉ
hỏi ông về tung tích của Bạch Hồng Quyền, người trước đó đã đột ngột dọn
ra khỏi căn nhà thuê cũ của mình ở quận Lamluka, tỉnh Pathumthani, phía
bắc Bangkok.
Trong
cuộc phỏng vấn với đài BBC hôm 11/3, trước khi về nước, Cao Lâm cho
rằng việc cảnh sát Thái hỏi về Quyền là vì cuộc điều tra về blogger
Trương Duy Nhất và Cảnh sát Thái biết Bạch Hồng Quyền đã đưa đón blogger
này tại Thái. Trong khi đó, Cao Lâm lại quen biết Bạch Hồng Quyền và
thậm chí còn đứng tên thuê nhà ở quận Lamluka cho gia đình Quyền.
Tại
sân bay Nội Bài, trong buổi làm việc với Công an Việt Nam, ông Cao Lâm
một lần nữa lại bị hỏi về mối quan hệ với Bạch Hồng Quyền. Ông cho biết.
“Người
ta hỏi có phải ngày xưa anh giúp Bạch Hồng Quyền ở Thái Lan thì tôi nói
với bản thân tôi đã sang Thái Lan 16 năm về trước thì tôi đã từng giúp
nhiều người, làm phiên dịch, đưa đi bệnh viện hay bị bắt bớ, nhiều thành
phần, cái gì tôi giúp được thì tôi giúp, giúp rất nhiều người, không
phải là Bạch Hồng Quyền sang đây tôi mới giúp Bạch Hồng Quyền. Khi Bạch
Hồng Quyền tới thì tôi chưa biết Bạch Hồng Quyền. Khi gặp tôi chưa biết
Bạch Hồng Quyền là nhà đấu tranh hay tranh đấu gì, tôi không quan tâm.”
Ông
Cao Lâm cho biết Công an Việt Nam không hỏi ông về Trương Duy Nhất
nhưng ông khẳng định mình không quen biết Trương Duy Nhất và chỉ gặp
blogger này một lần ngắn ngủi tại nhà Bạch Hồng Quyền khi blogger này
mới đến Thái Lan. Điều này trái với thông tin được blogger Người Buôn
Gió đưa ra là Cao Lâm đã biết vị trí của blogger Trương Duy Nhất ngay
trước khi blogger này mất tích.
Ngay
sau khi blogger Trương Duy Nhất mất tích, đã có nhiều tin đồn về sự
liên quan của Cao Lâm với sự mất tích này. Tuy nhiên Cao Lâm đã không
lên tiếng. Nói với Đài Á Châu Tự Do, Cao Lâm cho biết:
“Tôi
muốn gởi tới các quý vị lời giải thích tại sao khi ông Trương Duy Nhất
bị bắt tôi không lên tiếng vì thứ nhất là liên quan đến cái nhà. Nhà đó
là người ân nhân của tôi thuê, chủ nhà cũng là ân nhân, tôi không muốn
người ta liên lụy, nhà mà Bạch Hồng Quyền ở trước khi chuyển đi. Có uy
tín của mấy người đó thì Quyền mới có nhà đó ở. Nếu có chuyện xảy ra với
cái nhà đó mà Quyền bị bắt thì người ta lại nghĩ tôi là hãm hại gia
đình nhà Quyền, lương tâm không cho phép tôi làm điều đó.”
Ông
Phạm Cao Lâm cho biết hiện ông cũng còn lo lắng về khả năng công an địa
phương sẽ có thể tiếp tục làm việc với ông. Bên cạnh đó là nỗi lo về
công việc và tài sản ông còn trên đất Thái. Ông cho biết ông sẽ tìm cách
quay trở lại Thái khi có thể.
Khi được hỏi về công việc thiện nguyện trên đất Thái với những người nghèo, người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan, ông Cao Lâm nói: “Cao
Lâm sẽ giúp người nghèo, còn những người bị truy nã hay có liên quan
đến cảnh sát thì Cao Lâm phải tìm hiểu kỹ để khỏi liên lụy đến tôi, đến
những người làm thiện nguyện”.
(RFA)
Không có nhận xét nào