Header Ads

  • Breaking News

    Nước Nga vẫn ủng hộ Maduro (Trong khi vẫn đi nước đôi)

    Họ không đến để cầu nguyện. Thay vào đó, họ đến để tưởng niệm cố lãnh đạo Venezuela, Hugo Chávez, người đã rót hàng tỷ đô la để mua vũ khí và máy móc của Nga, và thể hiện sự ủng hộ đối với người kế vị Nicolás Maduro đang vật lộn trong trận chiến sinh tử.

    TT Vladimir V. Putin của Nga gặp gỡ người đồng cấp Venezuela Nicolás Maduro tại ngoại ô Moscow hồi năm ngoái.
    Trong tuần này, vào một buổi chiều mưa, một nhóm các quan chức và nhân viên điều hành cao cấp trong ngành công nghiệp dầu khí của Nga đã tập họp để tham dự Thánh lễ Misa trong một nhà thờ Công giáo nằm ở phía sau tổng hành dinh hoành tráng của cơ quan mật vụ tại trung tâm Moscow.

    Họ không đến để cầu nguyện. Thay vào đó, họ đến để tưởng niệm cố lãnh đạo Venezuela, Hugo Chávez, người đã rót hàng tỷ đô la để mua vũ khí và máy móc của Nga, và thể hiện sự ủng hộ đối với người kế vị Nicolás Maduro đang vật lộn trong trận chiến sinh tử.

    Ông Maduro đang chiến đấu để cứu vãn hệ thống chính trị mà ông và ông Chávez đã tốn công xây dựng, với sự hỗ trợ của Nga, trong hai thập kỷ qua. Sự quản lý kinh tế “phá chưa từng thấy” của ông Maduro, đã dẫn đến việc phe đối lập tuyên bố giành quyền lãnh đạo đất nước với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và hầu hết các quốc gia Nam Mỹ.

    Đối với Nga, đó là nỗ lực mới nhất của phương Tây nhằm lật đổ một chính phủ đối nghịch và kiểm soát tầm ảnh hưởng toàn cầu của Tổng thống Vladimir V. Putin. Điện Kremlin đã phản ứng bằng cách xiết chặt hàng ngũ xung quanh ông Maduro và thể hiện một hỗ trợ ngoại giao mạnh mẽ tại nhà thờ Pháp St. Louis vào hôm thứ Tư.

    Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga tại châu Mỹ Latinh, Alexander Shchetinin, và Igor Sechin, giám đốc đầy quyền uy của công ty dầu mỏ lớn nhất do nhà nước Nga quản lý, Rosneft, nằm trong số những người đặt hoa ở đài tưởng niệm Chávez. Nhưng đằng sau màn phô diễn chính thức về sự đoàn kết, thống nhất, giới tinh hoa kinh tế và chính trị Nga đang càng ngày càng trở nên chia rẽ về việc làm thế nào để bảo vệ các lợi ích của họ tốt nhất.

    Khi ông Maduro và lãnh đạo phe đối lập, Juan Guaidó, ăn thua đủ trong một cuộc chiến tiêu hao mòn mỏi, Kremlin phải đối mặt với một lựa chọn khắc nghiệt: gấp thếp sức mạnh cho đồng minh hoặc đứng cùng với các quốc gia đã chọn người kế vị của Maduro.

    Con đường mà ông Putin đang đi sẽ giúp xác định liệu Venezuela có thay đổi chính quyền một cách hòa bình hay không, hay lại rơi vào nội chiến hoặc trở thành kẻ đàn áp dưới quyền ông Maduro.

    Vladimir Rouvinski, nhà khoa học chính trị tại Đại học Icesi ở Cali, Colombia cho biết “Hình ảnh và trọng lượng toàn cầu của Nga đang lâm nguy tại Venezuela. Cơn sốc và nỗi sợ hãi ban đầu ở Nga rằng họ sẽ mất tất cả mọi thứ ở Venezuela đang dần bị thay thế bằng khả năng họ có thể trở thành một phần của quá trình chuyển đổi được đàm phán và đảm bảo rằng quyền lợi của họ sẽ được tôn trọng”.

    Những lợi ích này bao gồm từ các dự án dầu mỏ của Venezuela và các hợp đồng quân sự do các công ty do nhà nước Nga nắm giữ cho đến giá trị địa chính trị khi có được một đồng minh chống Mỹ tại Tây bán cầu.

    Trong những năm gần đây, Rosneft đã nổi lên như một đối tác trong ngành công nghiệp dầu khí lớn nhất của Venezuela và là người cho vay tối hậu, tham gia vào năm dự án sản xuất dầu thô và đã cho chính phủ ông Maduro vay khoảng 7 tỷ đô la để đổi lấy dầu. Venezuela vẫn còn nợ Rosneft khoảng 2,3 tỷ USD, theo một báo cáo của công ty này vào hồi tháng Hai.

    Venezuela cũng nợ Bộ Tài chính Nga 3,1 tỷ USD tiền mua vũ khí, các loại xe cộ và ngũ cốc. Cuối cùng, nhà xuất khẩu vũ khí nhà nước Moscow, đã có những hợp đồng béo bở để duy tu, bảo dưỡng các loại xe tăng, máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không do Nga sản xuất.

    Alexander Gabuev, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Carnegie Moscow nói “Đây là những khoản tiền đáng kể, nhưng sẽ không làm suy sụp kinh tế Nga. Điều đáng nói ở đây là khả năng của Putin trong việc thi triển sức mạnh của nước Nga với tư cách là một cường quốc toàn cầu”.

    Mối quan hệ chặt chẽ với Venezuela đã cho phép ông Putin thách thức nước Mỹ ở ngay sân sau. Cả ông Chávez và ông Maduro đều đã tới thăm nước Nga, thăm các nhà máy quân giới và các nông trang nhà nước. Ông Chávez là một trong số ít các nhà lãnh đạo thế giới công nhận các nước cộng hòa ly khai được Nga ủng hộ ở Nam Ossetia và Abkhazia, trong khi ông Maduro ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga ở Syria.

    Nga đáp lại bằng những cử chỉ tượng trưng như cử một đoàn ca nhạc thính phòng Nga đến thành phố quê hương của ông Chávez và đặt tên Hugo Chávez cho một đường phố
    ở Moscow.

    Những mối quan hệ kinh tế và cá nhân này đã khiến Nga được cho là đồng minh duy nhất, ngoài Cuba, mà có thể gây ảnh hưởng đến ông Maduro, ông Rouvinski, nhà khoa học chính trị cho biết. Những mối quan hệ này cũng làm tăng các chi phí sụp đổ của ông Maduro đối với điện Kremlin.

    Để cố gắng hóa giải các mối quan hệ này, phe đối lập Venezuela đã nhiều lần nói rằng các khoản đầu tư của Nga vẫn sẽ được chính quyền mới tôn trọng. Đất nước này vẫn sẽ cần vốn để khôi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế thảm khốc, họ nói, và các công ty Nga vẫn sẽ được chào đón trong công cuộc tái thiết.

    Sự gắn bó của Nga đối với ông Maduro đã khiến gia tăng sự phụ thuộc của phe đối lập vào Mỹ, tác nhân mà có thể vận động chính quyền mới hủy bỏ các hợp đồng của Rosneft, và cho vũ khí Nga vô xưởng phế liệu, nhà lập pháp đối lập Angel Alvarado đã nói như vậy.

    Ông nói “Càng chờ đợi lâu, họ càng có nguy cơ mất tất cả mọi thứ. Các khoản đầu tư của họ tại đây sẽ vẫn an toàn, nhưng họ cần phải đàm phán trước khi trở nên quá muộn”.

    Chính quyền Trump đã nhiều lần nói rằng, để buộc ông Maduro phải ra đi, tất cả các lựa chọn đều được đưa ra, bao gồm cả can thiệp quân sự, một bóng ma mà đã chia rẽ các nhà hoạch định chính sách Nga.

    Một bên là các nhà kỹ trị thực dụng và các nhà ngoại giao chuyên nghiệp vốn tin rằng hiệu suất kinh tế “phá chưa từng thấy” của ông Maduro, đã khiến chính quyền của ông không bền vững.

    Theo các nhà lãnh đạo phe đối lập và những người thân cận với Bộ Ngoại giao Nga thì các nhà ngoại giao Nga đã mở lại các kênh liên lạc với phe đối lập Venezuela sau một thời gian tạm ngừng ngắn ngủi sau tuyên bố của ông Guaidó.

    Trong các tuyên bố công khai, các quan chức Bộ Ngoại giao Nga, trong vài tuần qua, đã chuyển từ việc ủng hộ ông Maduro một cách dứt khoát sang đến đề nghị làm trung gian hòa giải các cuộc đàm phán với phe đối lập hoặc tổ chức các cuộc đàm phán về Venezuela với Hoa Kỳ. Venezuela đã biến mất khỏi phần lớn các chương trình diễn trò xôm tụ của truyền hình nhà nước Nga.

    Điều này trái ngược với quan điểm cứng rắn của các cơ cấu sức mạnh của Nga (tức bộ an ninh và bộ quốc phòng), trong đó bao gồm cả ông Sechin của Rosneft, một cựu sĩ quan KGB. Họ coi cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela là một phần của chiến dịch lật đổ toàn cầu của Mỹ nhằm chống lại nước Nga và tin rằng việc ủng hộ ông Maduro là vấn đề nguyên tắc và tự vệ.

    Chiến lược gia trưởng của quân đội Nga, Tướng Valery V. Gerasimov, đã phát biểu tại một hội nghị ở Moscow tuần trước rằng “Mục tiêu của Mỹ là thủ tiêu các chính phủ của các quốc gia bất tiện, các quốc gia gây khó chịu, phá hoại chủ quyền. Những hành động như vậy hiện đang được quan sát thấy tại Venezuela”.

    Rosneft trở thành huyết mạch kinh tế của ông Maduro, kể từ khi Hoa Kỳ áp đặt các lệnh trừng phạt làm tê liệt ngành công nghiệp dầu khí Venezuela từ hồi cuối tháng 1. Công ty này (Rosneft) cho biết rằng trong năm nay họ sẽ nâng công suất khai thác tại nước này và đã bắt đầu nhận một số mặt hàng xuất khẩu dầu của Venezuela mà đã từng xuất sang Mỹ.

    Việc cung cấp xăng và hóa chất làm loãng dầu của Rosneft đến Venezuela đã giúp Petroleos de Venezuela thuộc sở hữu nhà nước, được gọi là Pdvsa, tránh sụp đổ. Đây cũng là một phi vụ kinh doanh tốt đối với ông Sechin. Theo một quan chức Rosneft và một nhà kinh doanh dầu mỏ giấu tên có chuyên môn về vấn đề này, thì, do không có người mua nào khác để lựa chọn, Pdvsa đã buộc phải bán cho Rosneft.

    “Ông Sechin đã đặt mình vào vị trí của ông Putin với tư cách là người phụ trách Venezuela, người sẽ giữ cho quốc kỳ Nga tung bay ở đó”, ông Gabuev thuộc Trung tâm Carnegie cho biết. “Ông ấy đã đặt cược quá nhiều vào Maduro”.

    Ngoài việc Rosneft mua được một cách đầy cơ hội ngành dầu khí của Venezuela, sự hỗ trợ hiệu quả mà Kremlin dành cho ông Maduro đang được kiểm tra bởi các thực thể kinh tế Nga.

    Thu nhập thực tế ở Nga đã bị đình trệ kể từ khi ông Putin sáp nhập Crimea của Ukraine vào năm 2014, điều này làm giảm sự ủng hộ trong nước đối với các hoạt động can thiệp ở nước ngoài như chiến dịch của ông Putin nhằm ủng hộ Bashar al-Assad của Syria.

    “Chúng ta có thể cung cấp bao nhiêu sữa cho con em của chúng ta nếu chúng ta không phải cung cấp các hệ thống tên lửa khác cho Syria? Họ có tiền để chu cấp cho Crimea và Syria. Tại sao không dành một số trong số tiền ấy cho chúng tôi?” - Maria Potapova, một quản lý tại Nhà máy sữa Blagoveshchensk ở Nga đặt vấn đề như vậy.

    Mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến hầu hết các tập đoàn Nga vốn vẫn kinh doanh ở Venezuela sợ hãi. Nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của Nga, Lukoil, cho biết từ tháng trước họ đã ngừng giao dịch các mặt hàng dầu khí của Venezuela; Gazprombank do nhà nước điều hành, từng là một trong những chủ ngân hàng chính của Pdvsa, đã ngừng mở tài khoản mới cho khách hàng Venezuela. Ngay cả các nhà nhập khẩu nhỏ lẻ hoa phong lan cũng đã rời khỏi đất nước này.

    Một nhà máy quân giới chuyên sản xuất súng tiểu liên AK 47 (Kalashnikov) trị giá 1,5 tỷ USD do RosTec – một công ty do nhà nước (Nga) xây dựng ở Maracay, vốn là biểu tượng của sự hợp tác quân sự của Nga và Venezuela, đến nay vẫn đắp chiếu trùm mền suốt 12 năm kể từ khi bắt đầu xây dựng.

    Các điều kiện ở Venezuela rất tồi tệ và chính quyền chắc sẽ phải thay đổi, một người liên quan đến dự án RosTec đã nói như vậy, với điều kiện ẩn danh.

    Những gì mà nước Nga muốn, người này nói thêm, sẽ ảnh hưởng đến việc ai sẽ là người kế nhiệm ông Maduro.


    Mai Hưng dịch

    (VNTB)

    Không có nhận xét nào