Header Ads

  • Breaking News

    Những người thợ săn hối lộ của Việt Nam nhắm vào dự án dầu ở Venezuela

    584 triệu đô la ‘tiền thưởng hợp đồng’ cho Caracas bị điều tra trong bối cảnh nỗ lực làm sạch các doanh nghiệp nhà nước
     
    Những bồn dầu của PetroVietnam ở bờ biển Vũng Tàu, Việt Nam. Ảnh: Reuters
    Thành phố Hồ Chí Minh – Bộ Công an Việt Nam đang điều tra một dự án dầu khí thua lỗ ở Venezuela, khi Hà Nội khám phá vụ tham nhũng liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước và đất nước Nam Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn.

    Chính quyền Việt Nam yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, còn gọi là PVN, “cung cấp tất cả các tài liệu liên quan đến việc thực hiện dự án” khai thác và nâng cấp mỏ dầu Junin-2 tại Vành đai Orinoco của Venezuela, một khu vực được cho là có chứa trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.

    PVN đã chấm dứt hợp đồng này hồi tháng 12 năm 2013, xác định rằng có ít tiến triển. Nhưng Bộ đang xem xét [PVN] có thể đã vi phạm luật pháp trước khi chấm dứt.

    Dự án trị giá 12 tỷ USD đã được tiến hành hồi tháng 6 năm 2010, theo truyền thông địa phương. Dự án được quản lý bởi PetroMacareo, một liên doanh giữa công ty con PVN, Công ty Khai thác Dầu khí (PVEP) và Công ty Petroleos de Venezuela (PDVSA) thuộc sở hữu nhà nước Venezuela. Giai đoạn đầu tiên dự kiến ​​sẽ có sản lượng 50.000 thùng mỗi ngày, 200.000 thùng trong giai đoạn thứ hai và Việt Nam tính sẽ thu được lợi nhuận trong vòng bảy năm.

    Dự án này được xây dựng dựa trên mối quan hệ thân thiện lịch sử giữa Hà Nội và Caracas, kéo dài từ thập niên 1960, khi cả hai đang chiến đấu chống lại kẻ thù chung là Hoa Kỳ. Hai nước đã thiết lập các mối quan hệ ngoại giao vào năm 1989, và đã theo đuổi một số dự án kinh tế chung trong nhiều năm kể từ đó.

    Đối với dự án Junin-2, công ty Việt Nam đã đầu tư khoảng 1,2 tỷ đô la từ năm 2010 đến năm 2015, biến nó trở thành một trong những dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, điều này không bao gồm ba khoản thanh toán “tiền thưởng hợp đồng” với tổng trị giá 584 triệu đô la mà phía Việt Nam rõ ràng phải trả cho chính phủ Venezuela để bảo đảm giấy phép đầu tư. Khoản phí này không bao gồm hoặc giải thích trong đề xuất dự án ban đầu khi gửi cho chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam phát hiện gần đây.

    PVN không bao giờ cung cấp tài liệu rõ ràng, đầy đủ về Junin-2, nhưng đã đề cập đến dự án trong báo cáo tài chính từ năm 2010 đến 2016.

    Chỉ trong năm 2018, trong báo cáo tài chính năm 2017, đã đề cập đến tổng số vốn cung cấp cho Venezuela lên tới 10,7 nghìn tỷ đồng (462 triệu đô la theo tỷ giá hiện tại) tính đến tháng 12 năm 2017. Trong đó bao gồm hai lần chuyển “tiền thưởng hợp đồng” trị giá tổng cộng là $438 triệu.

    PVN đã chuyển sang chấm dứt dự án sau khi yêu cầu trì hoãn việc chuyển khoản “tiền thưởng hợp đồng” trị giá $142 triệu khác. PVN giải thích rằng, môi trường đầu tư của Venezuela không phù hợp, đặc biệt là do tỷ lệ lạm phát vô cùng cao và hệ thống kiểm soát tiền tệ lâu đời, thanh toán phức tạp cho các công ty nước ngoài.

    Cuộc điều tra đã được công bố sau khi đưa ra ánh sáng hồi tuần trước, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đã đệ đơn từ chức, hiện đang chờ sự phê duyệt của Thủ tướng Việt Nam. Sơn là người làm việc trong ngành dầu khí từ năm 1987, trước đây đã từng giữ vị trí giám đốc tại các đơn vị PVN. Lệnh cho PVN cung cấp các tài liệu liên quan đến dự án này được đưa ra hôm thứ Năm [14-3-2019].

    Năm 2009, Sơn được bổ nhiệm làm tổng giám đốc PVEP bởi Chủ tịch PVN lúc đó là Đinh La Thăng, là người đã ở tù từ tháng 12 năm 2017 về các cáo buộc tham nhũng. PVEP phụ trách 13 dự án dầu khí ở nước ngoài, bao gồm ở Venezuela, Mexico, Peru và Malaysia. Chỉ có hai dự án là có lãi.

    Sơn có thể đổ lỗi cho khả năng mất vốn có thể xảy ra trong dự án Venezuela và các chi phí khác, mà các nhà điều tra ước tính lên tới 635 triệu đô la tính đến năm 2017. “Động thái mới nhất là một bước tiến nữa trong chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra ở Việt Nam, có liên quan tới Đinh La Thăng và tập đoàn khổng lồ PVN“, Đặng Tâm Chánh, một chuyên gia về chính trị Việt Nam, nói.

    PVN là trụ cột chính của mô hình kinh tế của Việt Nam trong bốn thập kỷ qua, thu hút nhân tài hàng đầu, thúc đẩy sự phát triển và giúp mang tiền về kho bạc của chính phủ. Nhưng gần đây, các nhà chức trách đã đưa ra ánh sáng các cáo buộc tham nhũng trong PVN và các doanh nghiệp nhà nước khác. Càng ngày, các công ty càng được coi là rào cản đối với sự đổi mới và các thị trường mở.

    Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, đang lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng và thể hiện sự sẵn sàng làm sạch các doanh nghiệp nhà nước, theo ông Chánh. Ông đặt mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh và sử dụng tài nguyên của đất nước hiệu quả hơn, bây giờ họ đã ký một số hiệp định thương mại thị trường hóa với các nền kinh tế phát triển hơn.

    Các phóng viên báo Nikkei
     

    Dịch giả: Trúc Lam

    © Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

    Không có nhận xét nào