Nhạc sĩ Vũ Thành An đang ở Việt Nam
để ra mắt một số dự án không chỉ trong âm nhạc. Bên cạnh album và
liveshow Giai nhân 13/4 tại Hà Nội (với các giọng hát Tuấn Ngọc, Bảo
Yến, Thái Hiền…) ông còn cắt băng khánh thành mái ấm cho trẻ mồ côi ở
Bình Phước.
Nhạc sĩ Vũ Thành An tại một nhà hàng ở Hà Nội tháng 3/2019 |
Ông
cũng cho hay dòng thảo dược do ông đầu tư sản xuất đã được cấp phép vào
Việt Nam. Lợi nhuận từ kinh doanh dành cho công việc bác ái mà ông theo
đuổi sau khi rời nhà thờ.
Giảng đạo bằng nhạc
Đang là một nhạc sĩ tên tuổi, sao ông có thể ngừng viết nhạc trong hơn 20 năm?
Tại
tôi dồn làm việc khác. Hai mươi năm đó tôi đi tu, ẩn mình vào niềm tin
tôn giáo để phục vụ trong nhà thờ. Sau thời gian đó, mình trở lại với
cuộc đời nhưng với tâm hướng phục vụ bằng âm nhạc, đem lại tình yêu
thương cho mọi người.
Được biết trong khoảng thời gian đó, ông vẫn sáng tác cho nhà thờ?
Tôi
phục vụ cho một giáo xứ Mỹ. Tôi soạn những câu hát ngắn bằng tiếng Mỹ.
Sau khi tôi giảng, tôi hát cho người ta nghe, tôi thấy người ta thích
lắm.
Ở cương vị phó tế, ông còn làm những gì?
Tôi
phụ cho ông cha. Trong các buổi lễ, khi thì ông cha giảng, khi thì tôi
giảng bài cỡ 10-12 phút. Khi tôi giảng căn cứ theo lời của Chúa bằng
tiếng Mỹ, tôi rất ngạc nhiên - tại sao mình là anh Á châu, mình phải nói
có một cái mặc cảm cho đến khi lớn lên của người dân nhược tiểu, đối
với mình dân da trắng bao nhiêu ưu việt (superior), nhưng khi mình đứng
lên giảng họ lại nghe, họ phục mình. Cái đó tôi thấy diệu kỳ. Nó như một
cái gì mình không nhìn thấy nhưng nó có thật. Nó như cái quyền năng
(power) của người đứng giảng trên bục, lúc bấy giờ không phải là mình.
Tôi ngạc nhiên lắm. Khi chịu chức, được đặt tay để phong chức, coi như
mình có cái ơn Chúa Thánh Thần, tự nhiên con người nó khác, nó có cái
quyền năng lạ lắm.
Hình như không nhiều vị đi tu xong lại hoàn tục như ông?
Không
phải tôi hoàn tục. Tôi trở lại sinh hoạt trong cuộc đời, đi làm những
công việc như thế này đối với tôi là đi làm sứ vụ. Tôi gọi là sứ vụ
thương yêu, đem tình thương yêu đến với mọi người. Khi tôi đi làm như
thế này không có nghĩa là tôi tìm danh vọng cho riêng tôi, mà tôi muốn
đem tình thương, sự an ủi đến cho mọi người. Họ gặp tôi, họ vui. Như thế
là tôi đạt được mục đích. Chứ không phải tôi đi kiếm tiền. Tiền để làm
những điều mình muốn, chứ không phải để tích trữ.
Vũ Thành An được biết đến với các Bài không tên đánh số từ 1 đến 50 cùng gần 30 bài có tên khác.
Ông
có hai khoảng thời gian ngưng viết tình ca khi đi cải tạo tại miền Bắc
Việt Nam và phục vụ trong nhà thờ ở Portland, Oregon, Mỹ.
Bắt đầu từ 2015, ông quay lại với nhạc tình và nâng tổng số Bài không tên lên đến 101.
Những sáng tác sau này phần lớn dựa trên lời thơ của người khác.
Việc hợp tác với các tác giả lời ca được ông gọi là "phương pháp mới để có thể viết được nhiều".
Từ thời còn đang sáng tác dồi dào những bản tình ca và nổi tiếng, ông đã có ý định đi tu?
Phải
nói cái đó nằm trong tâm thức của mình rồi. Không phải là định đi tu
nhưng lúc bấy giờ tôi cũng muốn đi tìm cái lý lẽ của cuộc đời này. Nhìn
lại tuổi trẻ của tôi, tôi đọc rất nhiều sách về tâm linh, tôn giáo… Tôi
không đi sâu lắm, nhưng đọc hết đạo Phật, đạo Lão, cũng như tất cả các
tư tưởng triết học Đông Tây. Để tìm trong đó con đường tâm linh của
mình. Rồi cuối cùng tôi mới chọn con đường tôi đang đi đây là Công giáo
để phục vụ.
Hiệp nhất trong tâm hồn dân tộc
Sáng
tác của ông vẫn thường xuyên được hát ở hải ngoại nhưng gần đây mới
chính thức được ca sĩ trong nước hát. Cảm giác của ông thế nào?
Tôi
ngạc nhiên tại sao những thế hệ này có thể thích những bài tôi sáng tác
từ khi họ còn chưa sinh ra. Trong mỗi con người dù sinh ra trong thời
đại nào cũng là tâm hồn đó thôi. Nhất là tâm hồn Việt Nam mới hiểu được
nhạc của Việt Nam.
Trong
khi đó những nhạc Việt Nam của mình, trong đó có nhạc của tôi, mặc dù
mình sang hải ngoại mấy chục năm rồi cũng không đi vào được hệ thống của
Mỹ, vì tâm hồn của họ khác. Nó làm sao mình cũng không hiểu. Chẳng hạn
những chương trình của Thúy Nga Paris làm rất hoành tráng, đầy đủ kỹ
thuật nhưng không vô được dòng chính (main stream). Thành ra mỗi dân tộc
có một nền văn hóa riêng, dù sinh trước hay sinh sau.
Chẳng qua mác của mình là người Việt, cũng nhạc đấy mà đứng tên người Mỹ, chắc việc hòa nhập là bình thường, thưa ông?
Khi
làm mấy bài đó mình không nghĩ nó sẽ sống lâu như vậy, nhất là thế hệ
này phải nói ở một xã hội hoàn toàn khác, cuối cùng rồi cũng đi về một
hướng. Các cháu sinh sau thống nhất ở trong một nền giáo dục khác với
nền giáo dục của tôi, cuối cùng lại hiệp nhất được. Cái đó là điều mình
thấy vui. Nó là một sự hiệp nhất trong máu thịt, tư tưởng của mình, cho
dù anh có được giáo dục ra sao đi chăng nữa.
Sinh
ra ở miền Bắc hay miền Nam, thế hệ này, thế hệ kia cũng là người Việt
Nam. Do đó những bạn sinh ra sau này mới có thể quý dòng nhạc sáng tác
tại miền Nam cách đây mấy chục năm. Đó là sự nối kết, hiệp nhất vô hình
nhưng rất bền chặt.
Khổ vì tình
Điều
gì đã thôi thúc ông sửa hẳn tinh thần Bài không tên cuối cùng thành Bài
không tên cuối cùng tiếp nối? Ông có nghĩ việc làm lời mới ảnh hưởng
đến cảm xúc của khán giả về bài hát đã quá nổi tiếng kia?
Không
phải sửa, mà là câu chuyện chấm dứt ở đó, nhưng rồi lại tiếp nối. Giống
như phim có Bố Già 1, rồi lại Bố Già 2… Tôi viết Bài không tên cuối
cùng năm 1965, năm 1991 viết lời thứ hai. 25 năm sau nhìn lại cuộc tình
đầu để mình viết tình cảm của mình về chuyện tình đó.
Cái ý chính là thế này, Bài không tên cuối cùng tôi viết: "Con đường em đi đó đúng hay sao em/ Mưa bên chồng có làm em khóc/ Có làm em nhớ những khi mình mặn nồng…"
Thì cũng hay nhưng nó lại hại cho người đó. Tự nhiên người ta cứ đi chỗ
này chỗ kia hát như vậy thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới hạnh phúc gia
đình của cô đó. Ông chồng đó cứ nghe cái đó là nổi nóng lên.
Đấy là thật hay do ông tự nghĩ thế?
Tôi
nghĩ là như vậy. Cho nên tôi hối hận là đã viết câu đó. Nhất là trong
thời gian tôi cải tạo từ 1975 cho đến 1985. Nhưng đến khi tôi được ra,
được tự do nói lại, thì tôi nói thêm một cái lời như lời xin lỗi cùng
người bạn đó: "Này em hỡi còn đường em đi đó/ Con đường em theo đó đúng
đấy em ơi/ Nếu chúng mình có thành đôi lứa/ Chắc gì ta đã thoát ra đời
khổ đau…"
Ý
tôi muốn nói, nếu cuộc tình đó thành thì dĩ nhiên em phải chịu khổ với
anh trong 10 năm bị cải tạo. Nhưng em không lấy anh cho nên em thoát
khỏi cái đau khổ đó… Cô đó may. Chính đương sự trong câu chuyện đó không
ở trong hoàn cảnh đó vì đã thoát khỏi Sài Gòn trước 1975. Thành ra gia
đình của cô ấy không chịu sự đau khổ của những người như tôi. Nhưng nếu
cô ấy lấy tôi là cô ấy tiêu rồi.
Ông có 50 Bài không tên hầu như đều nổi tiếng, phải chăng sau mỗi bài hát là một bóng hồng?
Không
không, làm gì nhiều thế. Ước gì cũng được như vậy (cười). Có những bóng
hồng có thể là từ em gái, từ những người bạn, những người xung quanh…
Khả năng viết nhạc, danh tiếng cộng với ngoại hình cao ráo, khi còn trẻ hẳn là ông… có rất nhiều cô vây quanh?
Cuộc
đời của tôi khổ vì tình chứ. Mình thất tình. Tất cả là tôi thất tình
không à. Là khi yêu mình không lượng sức. Mình đặt niềm tin vô quá cái
sức của mình, nên là mình thất bại thôi. Nếu mình ở cấp này mà yêu người
cấp trên này thì làm sao mà được. Xã hội thời đó không cho phép vậy.
Nhạc sĩ bây giờ thường là rất được hâm mộ kèm theo tiền bạc, còn thời ông?
Cũng
có những nhạc sĩ giàu. Một bản nhạc cỡ hai tờ A4 in ra bán hai chục
đồng thời ấy cũng to lắm. Có những bài mà họ bán cả trăm ngàn bàn. Nếu
những bài mà trúng như "Em ơi nếu mộng không thành thì sao…" của Lam
Phương, ông ấy có thể kiếm tiền triệu dễ dàng lắm. Mà hồi đó một lượng
vàng tôi nhớ chỉ khoảng 500Đ.
Ông hẳn là cũng kiếm được nhiều tiền từ sáng tác vì nổi tiếng sớm?
Hồi
đó tôi giao cho người khác in, thành ra cũng không biết là họ kiếm như
thế nào. Mình không có phương tiện phổ biến. Khi mình in bán, mình còn
phải có điều kiện để phát hành nó hay không.
Ông học nhạc như thế nào?
Tôi
chỉ học cái căn bản rồi tự học. Khi mình sáng tác một ca khúc như thế
này cũng không cần kiến thức nhiều lắm, chủ yếu là năng khiếu, cảm hứng
trong lòng mình.
Vì sao hồi trẻ ông không nghĩ tới việc theo học nhạc chuyên nghiệp?
Hồi
đó tôi lại dồn vào trong việc học chữ rồi kiếm địa vị trong xã hội hơn
là đi làm một nhạc sĩ. Đối với tôi như vậy là đủ rồi.
Nguyễn Mạnh Hà
Gửi cho BBC từ Việt Nam
(BBC)
Không có nhận xét nào