Cuộc xuống đường ở Venezuela như
những cánh én báo mùa xuân đã làm khơi dậy một cách mãnh liệt cái khát
vọng tự do trong lòng người dân VN – một đất nước cách xa nó đến hàng
chục ngàn cây số. Ở đây, như Venezuela, đa số dân nghèo cũng tuyệt vọng
cùng cực; giới trí thức thì nhìn thấy tương lai đang dẫn dắt mình và các
thế hệ mai sau đi dần vào con đường nô lệ.
Trong
nôn nao, nhiều người đã thầm hỏi, khi nào thì chúng ta có được Số Đông
đồng lòng như Venezuela. Câu hỏi làm tôi liên tưởng đến những người dân
Venezuela đã ngã xuống trong những cuộc biểu tình. Ở bất cứ đất nước nào
cũng vậy, hạt giống tự do phải được gieo trồng, tưới tẩm bằng chính
công sức và mồ hôi của người dân nước ấy. Lẽ ra câu hỏi phải nên là:
“người Việt Nam đã làm gì cho những khao khát của chính mình?”
Từ
câu hỏi này, ít ra tôi tìm được câu trả lời. Tôi nhìn thấy những cánh
én đơn độc đã bay về từ rất lâu, bạn có nhìn thấy như tôi không? Qua
giông bão, những cánh én ấy xác xơ, những cánh én đang nhỏ máu từng
ngày, nhưng tôi nhìn thấy cả mùa xuân trên những đôi cánh ấy. Xin cám ơn
Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Trần Thị Nga, Lê
Đình Lượng, Phan Kim Khánh, Trần Hoàng Phúc,… Con đường dẫn đến tự do
còn nhiều gian nan nhưng tôi cảm nhận được niềm tin và tình yêu của họ.
Tôi chạnh nhớ đến những cánh én dập dìu trên những phím đàn giá lạnh của
Văn Cao năm nào.
Đầu
xuân năm 1976, nhạc sĩ Văn Cao sáng tác ca khúc “Mùa Xuân Đầu Tiên” sau
nhiều năm dài vắng bóng. Bài hát với ca từ đầy ắp yêu thương “từ đây
người biết thương người, từ đây người biết yêu người”. Bài hát làm gai
mắt lãnh đạo và bị cấm hát ở VN. Bốn mươi năm đã trôi qua, thế giới đã
đổi thay từ mùa thu năm 1989, nhưng lãnh đạo CS không thay đổi; vẫn
khinh thị dân, vẫn tự mãn cho mình cái quyền được chỉ đạo ngay cả những
tình cảm rất thiêng liêng và riêng tư của con người. Ngày tưởng niệm
chiến tranh biên giới, tưởng niệm 45 năm Hoàng Sa chỉ có báo chí, dàn
đồng ca của ban tuyên giáo là được quyền ca hát. Cửa ngõ các nhà hoạt
động vẫn được canh gác cẩn thận để bảo đảm không có một cuộc tụ tập hay
một nén nhang nào được thắp lên cho những người lính đã ngã xuống!
Đất
nước độc lập mà như một quốc gia bị chiếm đóng, mọi nỗ lực bảo vệ tổ
quốc đều dẫn đến những đàn áp khốc liệt. Tư duy trí thức, cán bộ thì lệ
thuộc, đến nỗi một giáo sư sử học “danh tiếng”, ông Phạm Hồng Tung,
người chủ biên chương trình lịch sử tại đại học Hà Nội đã dám đề nghị
rằng, nên chờ hội ý với Trung Quốc để viết về cuộc chiến tranh biên giới
phía Bắc (sic).
Lãnh
đạo như thế, cán bộ như thế, bất chấp nguyện vọng của người dân; thế
nên, dù cho những trấn áp hung bạo đang trên đà gia tăng, người ta vẫn
nhìn thấy cả một sự đổi thay từ hành động cho đến nếp nghĩ của đa số
người dân VN. Đây là một thực tế mà lãnh đạo CS khó chấp nhận. Thật vậy,
cho dù chế độ công an trị có khắc nghiệt đến đâu thì cái thời mà người
ta giao trọn phần hồn của mình trong bàn tay sinh sát của lãnh đạo cũng
đã qua. Hình ảnh đơn độc của những cánh én là biểu tượng mạnh mẽ nhất
cho niềm khao khát tự do và đổi thay.
***
Viktor
Frankl, một chuyên gia tâm lý người Áo, kẻ đã sống sót qua các trại tập
trung Đức quốc xã, bảo rằng: “Mọi thứ đều có thể bị lấy mất khỏi con
người… nhưng cái cuối cùng của tự do con người chính là sự lựa chọn thái
độ trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Dẫn lời của Frankl, tôi muốn nhắc đến
chị Võ Như Huỳnh, một bạn trẻ vừa mãn hạn 8 tháng tù. Sự chân thành,
vững vàng của Huỳnh chắc chắn đã khiến gia đình và người chung quanh chị
thêm mạnh mẽ. Tôi tin rằng niềm tin có sức mạnh lan tỏa. Một khi con
người có niềm tin và chấp nhận trả giá cho một điều gì đó, thì dù chỉ
một mình, một người, vẫn làm được rất nhiều…
Chị
Huỳnh là cư dân ở Đồng Nai, đi biểu tình ngày 10/6/18 để chống Luật Đặc
Khu, chị cùng 20 bạn trẻ khác bị khởi tố và tống giam. Trong tù, chị
Huỳnh nhìn thấy nhiều bạn trẻ khác bị nhục hình, và dù nói rằng rất khổ,
nhưng Huỳnh cho biết, chị không hề thay đổi quan niệm “tuy việc làm
không lớn lao nhưng tôi rất tự hào và cảm thấy hạnh phúc”.
“Tự
hào”, “hạnh phúc” là hai điều hiếm quý trong xã hội VN, mà chúng ta chỉ
tìm thấy ở những tâm hồn tự do. Một con người tự do khác, nhà văn Nhã
Thuyên – là người đã chọn một chủ đề “nhạy cảm” đưa vào luận văn thạc sĩ
của mình cho dù biết có thể sẽ gặp rắc rối, hoặc tệ hơn có thể mất
bằng. Năm 2010, Nhã Thuyên đệ trình luận văn thạc sĩ về một tập thể thơ
của nhóm “Mở Miệng” do hai nhà văn Lý Đợi và Bùi Chát chủ trương. Một số
tác phẩm trước đó của “Mở Miệng” đã bị coi là công khai chống chế độ,
vì thế Bộ công an đã vào cuộc.
Luận
án của nhà văn Nhã Thuyên bị quy kết là “phản động”, “phản văn hóa”,
thậm chí bị gọi là “rác rưởi”. Nhã Thuyên bị rút bằng vào tháng Ba năm
2014. Tuy nhiên, thái độ của chị đã kêu gọi được sự hỗ trợ của hơn 100
nhân vật trong giới học thuật. Và cuối cùng, với sự lên tiếng của họ,
nhà văn Nhã Thuyên đã lại được cấp bằng thạc sĩ hai tháng sau đó.
Chỉ
với thái độ riêng lẻ của hai người phụ nữ trên, tôi có cảm tưởng như
những gì Viktor Frankl đã thực chứng qua các trại tập trung sẽ được
người dân VN viết tiếp bằng những trải nghiệm của chính mình “trong bất
cứ hoàn cảnh nào lựa chọn Tự Do là điều kiện tất yếu của Hạnh Phúc”. Dù
chưa là đám đông, nhưng cá nhân mỗi người đã tạo nên những thay đổi tích
cực cho xã hội. Và họ thực sự đã là mùa xuân rồi, mùa xuân cho chính họ
và mùa xuân cho cuộc đời.
***
Tôi
lại nghĩ đến hình ảnh đơn độc của Văn Cao. Một mình ông, giữa một Hà
Nội ồn ào tiếng loa phóng thanh và cờ hoa. Khi cả nước cùng rộn ràng yêu
tổ quốc là “yêu XHCN” thì Văn Cao vẫn yêu theo cái cách riêng của mình.
Là một họa sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, nhưng ít ai biết ông còn là một võ sĩ,
người đã từng đặc trách huấn luyện đội đặc nhiệm chuyên ám sát của Việt
Minh. Tuy ca khúc của người cựu chiến binh cô độc này bị cấm hát ở quê
nhà, nhưng nó lại được cất lên đầu tiên ở nước Nga lạnh giá.
Trái
tim có lý lẽ của nó, làm sao giải thích được vì sao sau hơn 40 năm, khi
người trong nước tìm mọi cách để lìa bỏ quê hương thì người Việt tha
hương vẫn thiết tha từng tấc đất, tấc biển đã cách xa hàng nửa vòng trái
đất; vẫn xót xa với từng bất công, đau thương ở quê nhà. Làm sao giải
thích được vì sao người cựu chiến binh hải quân Châu Văn Khảm, ở tuổi
đời 70 lại trở về, dù phải đối mặt với tù tội. Cũng khó mà giải thích về
chị Huỳnh hay nhà văn Nhã Thuyên, chỉ biết rằng khi một người dám sống
với niềm tin và chọn lựa của mình, họ làm cuộc sống chung quanh thay
đổi.
Tôi
tin vào lịch sử nước mình. Tôi tin rằng có một ngày VN sẽ là một
Venezuela. Khi ấy, không chỉ những con đường ở Hà Nội, Sài gòn, Đà Nẵng…
tràn ngập bước chân người xuống đường, mà sẽ ở khắp mọi nơi trên thế
giới. Từ khắp những nẻo đường ở Hoa Kỳ, từ Úc Châu, Âu Châu, … nơi có
người Việt Nam hiện diện.
Nguyệt Quỳnh
(Tin tức Hàng ngày)
Không có nhận xét nào