Viễn ảnh Việt Nam trở thành một nền
kinh tế dựa vào công nghệ và sáng tạo thường được thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc ca ngợi, nhưng ước mơ công nghệ hóa đất nước của những người cộng
sản càng ngày càng xa rời thực tế.
Việt Nam Vì Sao Không Thể Phát Triển Công Nghiệp? |
Thực
tế Việt Nam vẫn là một nước với nền kinh tế tiểu thương, tiểu nông,
ngày càng lệ thuộc vào các công ty đa quốc gia và vào nhập cảng hàng hóa
tiêu dùng từ nước ngoài.
Doanh
nhân Việt Nam chịu nhiều bất công từ chính sách, luật pháp đến môi
trường kinh doanh nên không thể phát triển, các doanh nghiệp tư nhân
đóng góp chưa đến 10% GDP, 96% các doanh nghiệp đều nhỏ hay rất nhỏ chỉ
được xem là tiểu thương hay tiểu doanh nhân.
Kinh tế hộ gia đình bao gồm tiểu thương, tiểu thủ công nghệ, buôn bán bán bưng và tiểu nông vẫn chiếm tới 32% GDP.
Doanh nghiệp nhà nước (DNNN)
Khu
vực kinh tế quốc doanh theo thống kê vẫn chiếm 27% GDP, trên thực tế tỷ
lệ có thể lớn hơn rất nhiều vì định nghĩa DNNN chưa được rõ ràng.
Các BOT bẩn có vốn đầu tư từ các ngân hàng nhà nước lên đến 90% như thế có thuộc DNNN không?
Các doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà nước vẫn giữ cổ phần như thế có thuộc DNNN không?
Đã
có 3 ngân hàng cổ phần được Ngân hàng Nhà nước mua lại toàn bộ cổ phần
với giá 0 đồng, như vậy các ngân hàng cổ phần khác có thuộc DNNN không?
Các doanh nghiệp làm sân sau cho các nhóm lợi ích có thuộc DNNN không?
Trên
chỉ là vài thí dụ, theo chủ trương của đảng Cộng sản kinh tế quốc doanh
vẫn giữ vai trò chủ đạo, DNNN vẫn được nhà nước tiếp tục nuôi dưỡng mặc
dầu tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí của công, thiếu hiệu quả tràn
lan trong khu vực này.
Trong
khi đó muốn có một môi trường kinh doanh công bằng cho việc phát triển
đất nước, Hà Nội phải chấm dứt can thiệp vào hoạt động của DNNN, chấm
dứt mọi trợ cấp, cho vay ưu đãi, bảo lãnh vay, xóa nợ, ưu đãi nguồn lực
đất và tài nguyên.
Hà
Nội phải để các DNNN tuân thủ nguyên tắc thị trường không được bù lỗ,
không giảm trừ thuế và DNNN phải bình đẳng cạnh tranh kinh doanh với khu
vực tư nhân.
Những
hiệp định thương mãi quốc tế buộc Hà Nội phải tiếp tục cổ phần hóa các
DNNN cũng như mở cửa khu vực dịch vụ công cộng cho các doanh nghiệp nước
ngoài vào khai thác.
Trong
việc cổ phần hóa các DNNN cần được “xã hội hóa” bằng cách bán cổ phần
cho dân chúng, từ trẻ đến già mỗi người một ít, như nhiều quốc gia trên
thế giới vẫn làm, thay vì bán cho người nước ngoài. Trường hợp công ty
bia Sài Gòn Sabeco bán tới 53,59% cổ phần cho tỷ phú Thái Charoen
Sirivadhanabhakdi.
Doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư nước ngoài (DNVĐTNN)
Trên 30 năm nay, Hà Nội theo đuổi chiến lược tăng trưởng kinh tế dựa trên đầu tư nước ngoài vào công nghiệp phục vụ xuất cảng.
Các
DNVĐTNN và các tập đoàn đa quốc gia được ưu đãi mọi mặt, từ thủ tục
hành chánh, thuê mướn đất đai, thuê mướn nhân công, miễn giảm thuế má,
trợ giúp xuất nhập cảng, trợ giúp vay thêm vốn, cạnh tranh thu hút đầu
tư giữa các địa phương, cho đến các chính sách vĩ mô về hối đoái, tiền
tệ hay ký kết các Hiệp Định Thương Mãi Quốc Tế để mở rộng xuất cảng.
Khu
vực có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm trên 20% GDP, trong khi khu vực
doanh nghiệp tư nhân chưa được 10% và khoảng cách chênh lệch ngày một
gia tăng.
Trong
khi thuế thu nhập doanh nghiệp các DNVĐTNN bình quân chỉ 10%, thì doanh
nghiệp tư nhân Việt Nam trung bình đóng 20%. Nghịch lý đã xảy ra khu
vực DNVĐTNN to gấp đôi nhưng giao nộp ngân sách chỉ bằng nửa (51%) khu
vực tư nhân.
Các
công ty đa quốc gia như Samsung năm 2018 lợi nhuận lên tới 5 tỷ Mỹ Kim
trong khi thuế đóng góp cho ngân sách chỉ chừng trên 300 triệu Mỹ Kim.
Theo
Kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam Tiến sỹ Sebastian Eckardt việc
cắt giảm thuế thu nhập từ doanh nghiệp và các ưu đãi để thu hút vốn đầu
tư nước ngoài là một nguyên nhân gây ra việc thu ngân sách từ mức gần
30% GDP trong nhiều năm đã hạ xuống khoảng 26-28% trong giai đoạn
2006-2009 và có xu hướng giảm đi vào giai đoạn 2015-2018 trung bình chỉ
còn khoảng hơn 23% GDP.
Chiến
lược ưu đãi DNCVĐTNN chỉ thu hút được các doanh nghiệp khai thác lợi
nhuận trước mắt. Samsung đã từng rút khỏi Nam Hàn, rời sang Trung Quốc
rồi vào Việt Nam, khi tình hình chính trị Bắc Hàn cho phép Samsung sẽ
lại tiếp tục dời đi.
Trong
khi các DNVĐTNN được luật pháp quốc tế bảo vệ còn DNTN phải dựa vào
luật pháp Việt Nam, mà luật pháp Việt Nam thì thật khác với thế giới.
Tiến
sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung
ương cho biết chính sách và pháp luật dù có cải thiện nhưng vẫn chưa
khắc phục được “8 không” là không rõ ràng, không cụ thể, không minh
bạch, không hợp lý, không ổn định, không tiên liệu trước, không hiệu quả
và không hiệu lực.
Các
doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vì thế khó có thể cạnh tranh một cách
hiệu quả ngay tại Việt Nam thì nói gì đến việc vươn ra biển cạnh tranh ở
xứ người.
Nhiều
quốc gia bao gồm Mỹ, Úc, Canada, Âu châu cấp các Visa đầu tư cho những
doanh nhân với số vốn nhỏ chỉ chừng 1 triệu Mỹ kim nhằm thu hút các
doanh nhân đến định cư tại các quốc gia này.
Các
doanh nhân này vừa mang tiền đến đầu tư, vừa mang kinh nghiệm làm ăn
buôn bán, vừa thực hiện ước muốn được định cư trên 1 xứ sở họ được đối
xử công bằng.
Sau
làn sóng tỵ nạn chính trị là làn sóng người Việt liên tục bỏ nước ra
đi, tại Việt Nam họ bị đối xử bất công về mọi mặt, họ phải tìm đến một
chân trời mới, nơi đất lành chim đậu.
Doanh nghiệp tư nhân (DNTN)
Việt
Nam hiện có trên 600 ngàn doanh nghiệp, với 500 ngàn DNTN, nhưng có tới
hơn 96% là DN nhỏ và rất nhỏ, 2% DN quy mô vừa và 2% DN lớn.
Mặc
dù không tới 10% GDP, DNTN lại tạo công ăn việc làm cho hằng chục triệu
người lao động, mỗi năm tạo thêm vài trăm ngàn công việc làm mới. Đồng
tiền đầu tư vào DNTN luôn tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn các khu vực
khác.
Nhưng
có tới 48% DNTN bị thua lỗ, chỉ riêng năm 2018, con số DNTN không đủ
vốn, không đủ sức cạnh tranh phải ngừng kinh doanh đã lên đến 90.000.
Nghịch lý là tỷ lệ đóng góp vào thuế của các DNTN chiếm đến hơn 41% vẫn cao hơn tỷ lệ đóng góp của các khu vực khác.
Chưa kể các DNTN còn phải đóng phí cho cửa quyền cho tham nhũng để được yên ổn làm ăn.
Một
môi trường kinh doanh như thế các DNTN không thể tự đề ra những chính
sách và chiến lược để có thể cạnh tranh và phát triển. Rất ít các DNTN
đủ lớn để có khả năng hướng tới đầu tư sản xuất hàng công nghiệp.
Bước
sâu vào sân chơi quốc tế Việt Nam sẽ phải cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ rào
cản thương mại và mở cửa thị trường sâu hơn, sức ép cạnh tranh ngày
càng gay gắt hơn, nếu Hà Nội không đưa ra các chính sách thích hợp thì
các DNTN khó có thể sống còn.
Bởi
thế thay vì đầu tư trong nước, nhiều doanh nhân đã bán lại doanh nghiệp
trong nước, dùng tiền vốn đầu tư và định cư nước ngoài như đã nói phần
trên.
Nhiều
gia đình cũng sẵn sàng chi trả hàng trăm nghìn Mỹ Kim cho con em đi du
học và khi tốt nghiệp con em họ định cư ở nước ngoài, rồi cả gia đình
bán doanh nghiệp di dân.
Hiện
tượng tìm cơ hội tốt hơn nơi xứ người đang càng ngày càng trở nên rầm
rộ nhưng vẫn chưa được Hà Nội đánh giá đúng mức để điều chỉnh “chiến
lược” dựa trên tư bản nước ngoài.
Hộ Gia Đình
Cũng
cần nói qua về kinh tế hộ gia đình một hình thức kinh doanh còn chiếm
trên 32% GDP, gồm những tiểu thương, tiểu thủ công nghệ, buôn gánh bán
bưng, các tiểu nông.
Nhiều
hộ kinh doanh tránh thành lập doanh nghiệp tư nhân vì quá nhiều rào cản
lại không mang lại lợi ích trong việc phát triển kinh doanh. Nhiều hộ
kinh doanh phải hoạt động trong nền kinh tế “ngầm” tránh việc quản lý
của công quyền.
Gần
đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư đánh giá, rà soát lại quy mô GDP và phải “đưa kinh tế ngầm vào
GDP”, nhiều người cho rằng nhằm mục đích thu thuế.
Tại
sao các hộ gia đình trốn hay tránh bị đóng thuế? Và nếu biết rõ nền
kinh tế “ngầm” liệu Hà Nội có thể thu được thêm thuế không? là những câu
hỏi khá thích thú hẹn bạn đọc dịp khác sẽ bình luận.
Thay đổi thể chế
Phát
triển quốc gia lẽ ra phải dựa vào nội lực đất nước, phải dựa vào doanh
nghiệp tư nhân thì Hà Nội lại chạy theo chiến lược dựa vào tư bản nước
ngoài.
Chiến
lược sai lầm kết quả là doanh nghiệp tư nhân ngừng phát triển, đất nước
và xã hội bị kéo theo trở thành chậm phát triển, bởi thế Việt Nam vẫn
là một nền kinh tế dựa trên tiểu thương và tiểu nông.
Muốn
phát triển điều kiện cần là Hà Nội phải thay đổi chiến lược, chính sách
và luật pháp sao cho phù hợp, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, hợp lý, tạo
ổn định, để mọi doanh nghiệp được cạnh tranh một cách bình đẳng.
Điều
kiện đủ là Việt Nam phải có tự do kinh doanh, quyền tư hữu tài sản và
đất đai phải được Chính Phủ bảo đảm và tầng lớp doanh nhân phải có quyền
tự do chọn người đại diện trong Quốc Hội và Chính Phủ để bảo vệ quyền
lợi cho chính họ.
Nguyễn Quang Duy
(Tin tức Hàng ngày)
Không có nhận xét nào