Thông thường khi nói đến trình độ dân
trí, người ta thường tự động nghĩ tới ba thành phần được xem là cần
nâng cao dân trí đó là nông dân, công nhân và thị dân nghèo thành phố.
Sở dĩ họ bị cho là dân trí thấp vì sức học của họ giới hạn ở mức độ biết
chữ hoặc tốt nghiệp trung học là tối đa và vì nghèo nên phải bươn chải
kiếm sống không có cơ hội trau dồi kiến thức ở nhà trường như thành phần
có của ăn của để.
Việt
Nam có hơn 62% dân thuần nông cũng như gần 7% là công nhân trong các
hãng xưởng. Số phần trăm còn lại chia đều cho dịch vụ kinh doanh và các
hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng. Phần tinh hoa khó lòng cân đối khả
năng hiểu biết của đại bộ phận quần chúng. Từ những con số này không
ngạc nhiên khi biết được rằng Việt Nam có tỷ lệ dân trí khá thấp.
Nói
về dân trí là mặc định bằng thước đo kiến thức cũng như cách hành xử,
giao tiếp của một người đối với cộng đồng. Tri thức càng cao thì mức độ
khiếm khuyết càng thấp, nhất là cung cách sống giữa một xã hội vàng thau
lẫn lộn.
Một
giá trị cốt lõi khác của dân trí là mức độ quan tâm của người dân trước
các vấn đề xã hội. Mức độ dấn thân và khả năng hành xử trách nhiệm với
người khác trong đó có việc thấu hiểu và chia sẻ quan niệm dân chủ là
dấu hiệu cao nhất của dân trí.
Dân
trí là thước đo sự phát triển của một quốc gia và đất nước nào có phần
trăm dân trí cao là quốc gia đó chắc chắn không thể nghèo đói và lạc
hậu. Ngược lại, số phần trăm dân trí thấp áp đảo thì quốc gia đó khó
lòng phát triển bình thường trên mọi lĩnh vực. Dân trí thấp trì kéo sức
bật của một dân tộc vì tư duy lạc hậu không thể giúp cho sự phát triển
thăng hoa.
Bên
cạnh khả năng phân tích cũng như hấp thụ căn bản kiến thức, người có
dân trí thấp thể hiện ra bằng cách hành xử giữa xã hội, cộng đồng. Do
thiếu ý thức về hành xử họ thoải mái tranh giành về mình cho bằng được
bất cứ những gì mà họ thấy người khác đang tham gia giành giật nơi công
cộng. Tâm lý ai sao ta vậy khiến lòng tự trọng bẩm sinh không có cơ may
xuất hiện thay vào đó là mọi cố gắng đạt cho bằng được những gì mà người
khác đang cố công giành lấy. Những đám đông cướp ấn đền Trần hàng năm,
những nhà hàng buffet hết sạch thức ăn trong chốc lát sau khi mở cửa,
những hội chợ bị đám đông tàn phá vì dẫm đạp lên nhau dành chỗ tốt… là
hình ảnh thường ngày của đất nước hôm nay.
Theo
báo VNNet số liệu thống kê năm học 2013 - 2014, Việt Nam có 214 trường
cao đẳng, 214 trường đại học, với gần 600 nghìn sinh viên cao đẳng và
hơn 1,46 triệu sinh viên đại học. Số giảng viên ĐH là gần 92 nghìn
người, trong đó có 4.155 GS, PGS. Hằng năm có hơn 400.000 người tốt
nghiệp đại học, cao đẳng trong nước.
Từ
con số tốt nghiệp khá lớn, người ta sẽ ngạc nhiên hơn khi đa số những
người thiếu dân trí lại là những người rất trẻ. Họ là sinh viên đại học
hay chí ít cũng sắp hết bậc trung học, vậy mà chính họ là nhóm người
thường xuyên gây phản cảm nơi công cộng nhiều nhất. Tranh giành nhau
không xếp hàng như những quốc gia văn minh mà không ít người đã có dịp
tiếp cận. Lên xe buýt hay phi cơ họ cũng có thói quen tranh chỗ ngồi tốt
nhất, khi phát hiện ra máy bay có số ghế sẵn thì mới tự xấu hổ biết
mình lầm. Khạc nhổ bừa bãi hay gây ầm ĩ chỗ đông người không hề thua kém
dân Trung Quốc. Vi phạm luật giao thông một phần vì vô trách nhiệm một
phần khác cố gắng chứng tỏ và tự khẳng định mình khác với đám đông.
Những hành vi thiếu ý thức ấy như căn bệnh bất trị, nó lây lan trong
giới trẻ và biện pháp phòng chống chưa được ai để ý hay báo động một
cách hiệu quả.
Thiếu
ý thức ứng xử không những do dân trí thấp mà còn từ tinh thần bầy đàn.
Nó lan tỏa như bệnh dịch giữa những người cùng chung một nếp nghĩ, một
trình độ nhận thức hay hoàn cảnh sống giống nhau. Nó thường xuất hiện và
tác động chung lên những người cùng trình độ hay cùng mức thu nhập
trong xã hội, đặc biệt là những thị dân nghèo.
Thế
nhưng không phải cứ nghèo mới có hành động bầy đàn khiến xã hội lên án.
Rất nhiều người nghèo tuy dân trí thấp nhưng lòng tự trọng thiên bẩm
không cho phép họ có những hành vi bất nhã, nhất là việc cướp giật giữa
chốn đông người.
Trong
khi đó nhà giàu tuy được tiếng là nhà cao cửa rộng nhưng nếu thiếu tự
trọng, kiến thức hành xử thì cũng không khác mấy với nhưng người bình
dân, giai cấp thấp. Vụ trộm hoa mới đây nhất là một ví dụ điển hình cho
thấy nhà giàu không phải luôn luôn có trình độ dân trí cao.
Một
đoạn văn ngắn ngủi đọc được trên báo chí làm cho không ít người phẫn
nộ: “Trưa ngày 6/3, trên mạng xã hội xôn xao đoạn clip ghi lại hình ảnh
người đi ô tô ngang nhiên dừng xe giữa đường Kim Mã để lấy hoa trang trí
phục vụ dịp hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua. Không chỉ chị em
phụ nữ, nhiều người đàn ông cũng tranh thủ "hôi"... hoa.”
Hành
vi này cho thấy lòng tham chỉ có thể bị ngăn chặn bởi lòng tự trọng và
luật pháp. Khi luật pháp vắng bóng thì lòng tự trọng của con người ngăn
cản không cho làm những việc phi pháp. Hành vi dừng xe ô tô giữa đường
công khai ngồi chọn những giỏ hoa vừa ý rồi lấy cắp bỏ lên xe của những
người giàu có cho thấy cả hai yếu tố luật pháp và lòng tự trọng đều
không được họ quan tâm.
Giàu có không có nghĩa là dân trí cao và câu chuyện trộm hoa trên đường Kim Mã là một vết cắt vào tim của những người tự trọng.
Mặc Lâm
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào