Header Ads

  • Breaking News

    Hà Nội: Không khởi tố vụ chết người ở Trại tạm giam số 1

    Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội hôm 13 tháng 3 năm 2019 gửi thông báo cho người nhà của ông Hoàng Tuấn Long, người chết sau 1 tuần lễ bị giam giữ ở Trại tạm giam số 1, về việc không khởi tố vụ án hình sự này vì nạn nhân “tử vong do bệnh lý” và “không có sự việc phạm tội” xảy ra.
     
    Đám tang anh Hoàng Tuấn Long hôm 26/8/2018 ở Hà Nội
    Bà Nguyễn Thị Hằng, vợ ông Long cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin trên và cho biết thêm là gia đình bà không đồng ý với quyết định này và sẽ làm đơn khiếu nại.

    Vào ngày thứ năm họ hẹn bố mẹ chồng của tôi đến văn phòng của Công an thành phố (Hà Nội), họ đưa cho tờ giấy và cầm về.

    Bên gia đình có nói là không đồng ý với quyết định này.

    Anh ấy không có bệnh gì, đau dạ dày thì cũng chỉ đau một chút thôi, không đến nỗi nặng như thế.

    Gia đình cũng tính làm đơn khiếu nại”, bà Hằng nói qua điện thoại.
    “Tử vong do bệnh lý”

    Theo thông báo số 22 có ký tên của Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Thượng tá Trần Mạnh Hùng đồng gửi cho Trại tạm giam số 1 mà chúng tôi có được, cơ quan này kết luận ông Hoàng Tuấn Long tử vong do bệnh lý, cụ thể là “tình trạng suy tuần hoàn hô hấp không hồi phục do viêm phúc mạc, thủng dạ dày trên một người có thiếu dưỡng cơ tim, xơ mỡ động mạch vành và có tiền sử viêm loét dạ dày”.

    Ông Hoàng Tuấn Long, sinh năm 1979, qua đời lúc 6 giờ 45 phút ngày 24/8/2018 tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, thành phố Hà Nội sau một tuần lễ bị tạm giam do trước đó bị Cảnh sát cơ động bắt vào đêm khuya.

    Một người Công an trực ban thuộc phường Thổ Quan, quận Đống Đa sau vụ việc nói với Đài Á Châu Tự Do, ông Long bị bắt là do tàng trữ ma túy và qua đời do người này tự cắn lưỡi tự tử, và không có chuyện đánh nạn nhân ở đây.

    Pháp y quân đội khám pháp y thấy gãy xương sườn, công an kết luận do “cấp cứu”

    Gia đình ông Hoàng Tuấn Long sau vụ việc đã mời cơ quan giám định pháp y quân đội để khám nghiệm thi thể của người thân khi cán bộ quản giáo Trại tạm giam số 1 gọi điện cho người nhà ông Long thông báo về cái chết của ông này.

    Mãi đến giữa tháng 1 năm 2019, tức là 5 tháng sau cái chết của ông Long, người thân mới được Công an gọi lên trụ sở để thông báo kết quả giám định pháp y của quân đội.

    Giải thích về việc quân đội khám nghiệm nhưng người trả kết quả lại là công an, phía công an thành phố Hà Nội giải thích với gia đình nạn nhân là “tiền phí khám nghiệm bên công an chưa thu xếp được cho bên quân y”.

    Vì kết quả đã có từ 2 tháng trước rồi, nên bây giờ công an mới thu xếp được tiền trả cho bên quân y để lấy kết quả về. Và vì vậy nên bên quân y không có mặt để đọc kết quả khám nghiệm cho gia đình tôi,” bà Hằng cho biết.
     
    Theo thông báo của bên Công an TP Hà Nội đề ngày 14/1/2019 này, thì nạn nhân tử vong do bệnh lý, có vết tụ dưới da vùng chẩm phải có kích thước nhỏ do tác động của vật tày, tình trạng gãy xương sườn là do cấp cứu, trong máu, phủ tạng và dịch dạ dày không có ethanol, không có chất ma túy, không có độc chất, HIV 1/2 âm tính.
    Người tự tử trong đồn công an là do “dằn vặt về hành vi phạm tội của mình”

    Hôm 11 và 12/3 vừa qua, Hà Nội ra điều trần trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về việc thực thi Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự & Chính trị mà Hà Nội tham gia ký kết năm 1982.

    Trong phúc trình, đại diện Bộ Công An Việt Nam giải thích rằng một trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các cơ sở giam giữ của Việt Nam có thể là do “phạm nhân day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình dẫn đến bi quan mà tự tử”, hoặc do phạm nhân mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo từ trước khi nhập trại.

    Hồi tháng 11 năm ngoái, trong buổi trả lời các câu hỏi của Ủy ban Chống tra tấn của Liên hiệp quốc, đại diện Việt Nam cũng nói là tỷ lệ tử vong trong đồn công an là rất nhỏ.

    Chúng tôi xin khẳng định tỷ lệ phạm nhân chết trong trại giam chiếm tỉ lệ rất nhỏ 0,3% tổng số phạm nhân đang chấp hành trong trại giam.

    Các trường hợp chết đều do bệnh hiểm nghèo bị mắc trước khi vào trại. Số này chiếm 98,6%.

    Chỉ có 1,4% là chết do tai nạn rủi ro; hoặc có 1 trường hợp là tự tử,” Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) đưa ra số liệu về các trường hợp chết trong trại giam.

    Hôm 13/3/2019, Hoa Kỳ công bố Bản Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018, trong đó nêu rõ ở Việt Nam tính đến cuối tháng 11 năm 2018, có ít nhất 11 nạn nhân bị chết trong đồn công an.

    Phía chính quyền cung cấp rất ít thông tin về việc điều tra liên quan những cái chết đầy khuất tất đó, thậm chí gia đình các nạn nhân còn bị sách nhiễu và hăm dọa khi yêu cầu chính quyền trả lời cho những thắc mắc của họ về cái chết của người thân.

    Con số này phù hợp với số liệu mà Đài Á Châu Tự Do thu thập được trong năm qua trên truyền thông, với 6 trường hợp được cho là tự tử hoặc tự ngã dẫn đến tử vong.
     
    (RFA) 

    Không có nhận xét nào