Sự kiện cảnh sát Thái Lan thẩm vấn
một công dân Việt Nam đã tiếp tục hâm nóng sự chú ý của dư luận về
trường hợp mất tích của nhà báo Trương Duy Nhất hồi cuối tháng 1.
Ông Cao Lâm tại một sự kiện do Hiệp hội Công giáo Việt Nam tại Thái Lan tổ chức cuối năm 2017. |
Người
đầu tiên bị thẩm vấn là ông Phạm Cao Lâm, 44 tuổi, quê Thanh Hóa, đã ở
Thái Lan 16 năm, làm nghề thợ may. Ông Lâm cũng là người khá nổi tiếng
trong cộng đồng người Việt tại Bangkok qua các hoạt động từ thiện và
giúp đỡ người tị nạn.
Tối
ngày 3/3, từ trại tạm giam đồn cảnh sát Khu Khot (quận Lam Luk Ka, tỉnh
Pathum Thani), ông Lâm đã đồng ý tường thuật lại câu chuyện với CTV báo
Tiếng Dân như sau:
“Hôm
đó là ngày 1/3, lúc 4 giờ chiều, tôi vừa đi giao hàng về thì cảnh sát
di trú Thái đến kiểm tra xưởng may của vợ chồng tôi. Họ nói chúng tôi
lao động không có giấy phép, bắt tôi ngồi im một chỗ để họ kiểm tra nhà,
rồi sau đó đưa hai vợ chồng tôi lên xe chở về Bangkok”.
Ông
Lâm nhận ra nơi thẩm vấn là Cục Di trú, nằm trên đường Suan Phlu ở
Bangkok, gần IDC – nơi giam giữ những người nước ngoài sống bất hợp pháp
ở Thái Lan.
“Mới
vào thì họ lấy hết điện thoại của vợ chồng tôi rồi cắm dây vào máy
tính. Họ cũng kiểm tra các số điện thoại, tin nhắn và hình ảnh trong
máy”, ông nói.
Thấy
cảnh sát làm “ghê gớm” vậy, lúc đầu ông Lâm nghĩ rằng họ đang điều tra
về vụ Trương Duy Nhất, nhưng khi thẩm vấn thì họ chỉ hỏi ông về ông Bạch
Hồng Quyền – một nhà đấu tranh dân chủ đang bị công an Việt Nam truy
nã, hiện đã được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp quốc (UNHCR) ở Thái Lan cấp quy
chế tị nạn chính trị.
“Họ
hỏi tôi có biết Bạch Hồng Quyền đang ở đâu không? Tôi bảo là không
biết, vì mấy ngày trước Quyền có sang chào tôi và nói chuyển nhà”.
“Cảnh
sát nói tôi biết mà giấu họ. Tôi thề là tôi không biết, tôi nói bây giờ
các ông có bỏ tù hay bắn chết thì tôi cũng không biết Bạch Hồng Quyền ở
đâu mà nói cho các ông”.
“Họ nói là không tin tôi, họ dọa sẽ trục xuất và cấm tôi quay trở lại Thái Lan vì không chịu hợp tác”, ông Lâm nói.
Cuộc
thẩm vấn kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Đến 20 giờ tối cùng ngày, vợ
chồng ông Lâm được đưa về đồn cảnh sát gần nhà. Ông Lâm tiếp tục bị câu
lưu theo đúng thủ tục, còn vợ ông được cho về chăm sóc con gái 3 tuổi
rưỡi.
Theo
lời ông Lâm, những người hàng xóm khi vào thăm kể rằng, trước đó cảnh
sát đã đến nhà tìm ông Bạch Hồng Quyền nhưng không gặp vì ông Quyền đã
trả nhà và chuyển đi. Nhà ông Lâm và ông Quyền ở gần nhau, cùng là người
Việt, lại chơi thân với nhau, có lẽ vì thế mà cảnh sát đã đến tìm ông
Lâm.
Ông Lâm cũng nói thêm rằng, sau khi chuyển đi nơi khác, ông Quyền đã đổi số điện thoại và cắt mọi liên lạc.
Trả lời câu hỏi, liệu vụ việc có liên quan đến trường hợp mất tích của nhà báo Trương Duy Nhất hay không, ông Lâm nói:
“Tôi
không chắc về điều này nên không thể trả lời. Nhưng hôm thẩm vấn thì
tôi không thấy họ hỏi hay nhắc gì đến vụ anh Trương Duy Nhất. Từ đầu đến
cuối họ chỉ hỏi tôi về Bạch Hồng Quyền”.
“Nhân
đây tôi cũng nói luôn, trên mạng có người đưa cả hình vợ con tôi lên,
nói tôi là đặc tình của công an, rồi tố tôi bắt cóc Trương Duy Nhất này
nọ. Tôi xin khẳng định là tôi không liên quan gì đến việc này, tôi cũng
không phải là đặc tình hay tình báo gì cả. Gia đình tôi đã rất khổ sở và
phiền phức vì chuyện này rồi, mong mọi người hãy tìm hiểu kỹ trước khi
đưa tin”, ông nói.
Ngày
2/3, tòa án quận Lam Luk Ka, tỉnh Pathum Thani đã tuyên ông Phạm Cao
Lâm vi phạm luật lao động của Thái Lan và chịu án phạt 2.500 Baht (tương
đương 78 USD), một tội danh mà hầu hết lao động di dân người Việt đều
mắc phải. Tuy nhiên, ông Lâm sẽ tiếp tục bị tạm giam cho đến ngày trục
xuất về Việt Nam.
Được
biết, người chủ xưởng may nơi ông Lâm làm việc đang tìm cách bảo lãnh
cho ông tại ngoại để giải quyết những đơn hàng đã nhận, nhưng việc này
hiện nay là rất khó vì Thái Lan đang trong thời kỳ cao điểm của chiến
dịch truy quét lao động bất hợp pháp.
CTV
(Tiếng Dân)
Không có nhận xét nào