Header Ads

  • Breaking News

    Bầu cử Thái Lan và nền dân chủ Đông Nam Á

    Các cử tri Thái Lan ngày 24/3 sẽ đi đến phòng phiếu lần đầu tiên trong vòng 5 năm và các nhà phân tích cho rằng kết quả sẽ có tác động đến dân chủ ở đông nam Á. Các tướng lĩnh quân đội Thái Lan đã đảo chính giành lấy quyền lực hồi tháng 5 năm 2014, khi Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ chính phủ. Các nhà quan sát xem cuộc bầu cử này là cuộc giằng co giữa dân chủ và chế độ quân sự. Thủ tướng Prayut đã nói rằng nếu ông thắng, các cử tri sẽ đưa đất nước đang do quân đội lãnh đạo trở lại ‘nền dân chủ’.

    Một ủng hộ viên chụp hình với lãnh đạo Đảng Dân chủ của Thái Lan và cũng là ứng viên Thủ tướng, Abhisit Vejjajiva, trong cuộc vận động tranh cử ở Bangkok, Thái Lan, ngày 18/3/2019.
    Thái Lan là một thành viên của ASEAN và các nhà cổ súy dân chủ trong khối đang quan tâm chặt chẽ đến cuộc bầu cử mặc dù chính sách của họ là không can thiệp và hiếm khi bình luận về các vấn đề nội bộ của quốc gia thành viên.

    Tờ The Asean Post mới đây lưu ý rằng quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp hòa bình và tự do báo chí đã ngày càng xấu đi kể từ khi các tướng lĩnh đoạt quyền hồi năm 2014 và đưa nước Thái bước vào thời kỳ cai trị lâu nhất của quân đội trong lịch sử hiện đại của Thái Lan.

    “Kể từ đó, hàng trăm nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến đã được xem là đe dọa an ninh quốc gia và đã đối mặt với một số cáo trạng hình sự như nổi loạn, các tội liên quan đến máy tính và tội khi quân vì đã biểu đạt ý kiến một cách hòa bình,” tờ báo này bình luận.

    Cuộc đảo chính của Tướng Prayuth (lần đảo chính thứ 13 của Thái Lan kể từ năm 1932) lật đổ Thử tướng Yingluck Shinawatra và khiến cộng đồng quốc tế lên án.

    Cuộc bầu cử ở Thái Lan lần này cũng tương tự như cuộc bầu cử hồi năm 2015 ở nước láng giềng Myanmar, nơi hy vọng về tự do dân chủ đã bị phe quân sự dìm xuống thông qua những chiếc ghế trong Quốc hội được dành sẵn cho quân đội.

    Còn ở Campuchia, nước này đã quay trở lại chế độ độc đảng hồi năm ngoái sau khi đảng đối lập chính bị cấm ra tranh cử, các cơ quan truyền thông bị đóng cửa và các nhà bất đồng chính trị bị bỏ tù.

    Indonesia cũng sắp sửa bầu cử Tổng thống vào tháng Tư trong khi Philippines, nơi sự tách bạch giữa các nhánh quyền lực đã lung lay trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte, sẽ tổ chức bầu cử giữa kỳ một tháng sau đó

    Singapore kể từ khi giành độc lập vào năm 1965 chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo. Trong số những nước Asean còn lại, các quốc gia cộng sản Việt Nam và Lào đều đàn áp bất đồng chính kiến trong khi Vương quốc Hồi giáo Brunei đã đưa luật Hồi giáo hà khắc Sharia vào áp dụng.

    Ông David Welsh, giám đốc khu vực đông nam Á của Trung tâm Đoàn kết, nói rằng nhân quyền là một quan tâm chính trước các cuộc bầu cử sắp tới ở khu vực.

    Malaysia, vốn cũng nằm dưới sự lãnh đạo của một liên minh cầm quyền trong hàng chục năm cho đến năm ngoái, được xem là một điểm sáng về dân chủ ở đông nam Á sau khi cử tri nước này, vốn đã mệt mỏi với các cáo buộc tham nhũng, đã bỏ phiếu đưa ông Najib Razak ra khỏi ghế Thủ tướng và đối mặt các cáo trạng.

    Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng khả năng nhóm đầu sỏ quân sự để mất quyền lực ở Thái Lan thông qua lá phiếu là một viễn cảnh xa vời. Theo Hiến pháp mới của nước này thì Thủ tướng sẽ được bầu ra ở một phiên họp chung của Quốc hội. Thượng viện gồm 250 thành viên là do quân đội chỉ định, trong khi các đảng phái chính trị chỉ ra tranh cử 500 ghế Hạ viện.

    Điều đó tạo lợi thế rất lớn cho Tướng Prayut Chan-ocha, người dẫn đầu cuộc đảo chính và đang hy vọng hợp pháp hóa sự lãnh đạo của ông.

    Liên minh báo chí đông nam Á đã bày tỏ quan ngại về sự lãnh đạo của ông và nêu lên sự đàn áp tự do báo chí ở Thái Lan trong khi Mạng lưới Bầu cử Tự do châu Á đã cảnh báo về ‘những bất thường và thiếu nhất quán’ trong giai đoạn chuẩn bị cho bầu cử.

    Những sự bất thường này cũng được bà Laddawan Tantiyitayapitak, phó chủ tịch của tổ chức Theo dõi Bầu cử Thái Lan, ghi nhận. Bà nói rằng đã xuất hiện tình trạng mua phiếu ở những tỉnh nghèo nhưng cho đến nay Ủy ban Bầu cử Thái Lan vẫn không có hành động gì.

    “Họ bắt đầu từ 100 bạt, 200, 300 cho đến 500 bạt, giờ đây đó là 1.000 bạt (khoảng 32 đô la Mỹ) mà họ nói rằng họ sẽ cho anh nếu anh bỏ phiếu cho họ,” bà nói.

    Bà Laddawan cũng cho biết các cử tri cũng được tổ chức vào những nhóm lớn rồi được đưa bằng xe tải đến những phòng bỏ phiếu nơi họ được yêu cầu bầu ồ ạt cho một đảng nào đó rồi sẽ được đãi ăn trưa miễn phí.

    “Các chính trị gia, họ không nhận ra rằng những gì họ đang làm là sai,” bà nói.

    Bà từ chối nêu tên đảng nào đang có hành động mua phiếu, nhưng nói rằng có ‘rất nhiều’.

    (VOA) 

    Không có nhận xét nào