Bình Nhưỡng kêu gọi mở cuộc điều tra về vụ đột nhập |
Trong bình luận chính thức đầu tiên về vụ này, Bình Nhưỡng kêu gọi mở cuộc điều tra và cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tin đồn rằng FBI "đóng một vai trò".
Hôm 27/3, nhóm Cheollima Civil Defense (Thiên Lý Mã) vốn đặt mục tiêu lật đổ nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tuyên bố họ đã thực hiện vụ đột nhập.
Cảnh sát tới sau khi một phụ nữ được cho là trẻo qua cửa sổ tầng hai kêu cứu |
Ít nhất hai lệnh bắt giữ quốc tế đã được ban hành cho các nghi phạm chính.
'Mọi sự đều ổn'
Chính quyền Tây Ban Nha cho biết một người trong nhóm nêu trên, được nêu danh tính là Adrian Hong Chang, đã vào cửa sứ quán bằng cách yêu cầu gặp tùy viên thương mại, người mà ông nói đã gặp trước đó để thảo luận về vấn đề kinh doanh.
Các đồng phạm của người này xông vào ngay theo sau ông ta.
Nhóm này bị cáo buộc tra khảo tùy viên và cố gắng thuyết phục ông này đào thoát. Khi ông ta từ chối, họ trói và để ông ta dưới tầng hầm.
Hai thành viên khác của nhóm được cho là công dân Hoa Kỳ Sam Ryu và một người Nam Hàn, Woo Ran Lee.
Nhân viên sứ quán đã bị bắt làm con tin trong nhiều giờ. Một phụ nữ đã trốn thoát qua cửa sổ và la hét cầu cứu. Những người dân ở cạnh bên đã gọi cảnh sát.
Khi cảnh sát xuất hiện, họ được chào đón bởi Adrian Hong Chang, lúc này đóng giả một nhà ngoại giao Bắc Hàn và mặc áo khoác có huy hiệu Kim Jong-un.
Ông ta nói với cảnh sát rằng "mọi sự đều ổn" và "không có gì xảy ra".
Các thành viên của nhóm sau đó trốn khỏi sứ quán bằng ba chiếc xe biển ngoại giao của Bắc Hàn. Ông Hong Chang và một số người khác rời đi qua cổng hậu bằng một phương tiện khác.
Chi tiết về Thiên Lý Mã
Cheollima Civil Defense (CDC) (Thiên Lý Mã), còn được biết đến với tên gọi Free Joseon (Triều Tiên Tự do), có mục tiêu lật đổ triều đại nhà Kim đang cầm quyền tại Bắc Hàn.
CDC lần đầu tiên trở nên nổi tiếng là sau vụ tuyên bố họ đã đưa cháu trai của ông Kim Jong-un là Kim Han-sol ra khỏi Macau an toàn sau vụ cha của cậu, ông Kim Jong-nam, bị ám sát tại Malaysia hồi 2017.
Kim Han-sol đã bày tỏ nguyện vọng quay trở về Bắc Hàn, và gọi chú mình là một "nhà độc tài".
Phóng viên BBC Laura Bicker từ Seoul nói rằng Adrian Hong Chang, người mà tòa án Tây Ban Nha nói là dẫn đầu nhóm tấn công Đại sứ quán Bắc Hàn hồi tháng trước, là một nhà hoạt động nhân quyền người Bắc Hàn nổi tiếng.
Ông này đã từng giúp những người đào tẩu từ Bắc Hàn, phóng viên Bicker nói, tuy nhiên, câu hỏi chưa được trả lời là ông ta có nguồn tài trợ tự đâu và làm cách nào để có thể tiến hành một chiến dịch hoàn hảo như thế.
Việc truyền thông Mỹ tường thuật các chi tiết về vụ tấn công và cả các nguồn nói việc này có liên quan tới CCD, chỉ vài ngày sau khi nhóm của Hong Chang trao nộp tài liệu và máy tính lấy được từ Đại sứ quán Bắc Hàn cho FBI, là "phản bội lại sự tin cậy", CDC nói trong một tuyên bố.
Một câu hỏi đang được đặt ra là phải chăng tình báo Mỹ đã dính dáng vào vụ tấn công Đại sứ quán Bắc Hàn hôm 22/2?
Sụ việc xảy ra chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Và bây giờ thì có tin rằng tình báo Hoa Kỳ dính dáng vào vụ này.
Với việc Mỹ và Bắc Hàn cố gắng cải thiện quan hệ sau gần 70 năm thù địch, những cáo buộc như vậy có thể làm tình hình căng thẳng.
BBC đã liên lạc với cảnh sát ở Madrid để hỏi bình luận của họ nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Ai đứng sau vụ tấn công?
Giới chức bác bỏ ý kiến rằng những tội phạm vô danh đứng đằng sau vụ tấn công.
Các nguồn tin thân cận với giới điều tra cho trang El País hay rằng vụ tấn công được lên kế hoạch hoàn hảo, như thể nó được thực hiện bởi một nhóm của "quân đội".
Và những kẻ tấn công dường như biết rõ chúng đang tìm kiếm cái gì, chúng lấy điện thoại di động và máy tính.
Cả hãng El País và El Confidencial đều đưa tin rằng chính quyền Tây Ban Nha nghi ngờ các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và các đồng minh của họ có thể đã tham gia vào vụ tấn công.
Nạn nhân của vụ tấn công nói với giới điều tra rằng những kẻ tấn công nói tiếng Hàn, và có thể đến từ Hàn Quốc.
El País thậm chí còn cho hay hai trong số 10 người của nhóm này được xác định có quan hệ với Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA).
CIA từ chối yêu cầu bình luận của BBC.
Tại sao có kẻ muốn tấn công Đại sứ quán Bắc Hàn?
Tin cho hay những kẻ tấn công có thể đã tìm kiếm thông tin về cựu đại sứ Bắc Hàn tại Madrid, ông Kim Hyok-chol.
Nhà ngoại giao này bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha tháng 9/2017 liên quan đến chương trình thử hạt nhân của Bắc Hàn.
Nhưng ông Kim Hyok-chol hiện đang đóng vai trò đặc phái viên chính trong các cuộc đàm phán của Bắc Hàn với Hoa Kỳ, và giúp tổ chức hội nghị thượng đỉnh gần đây tại Việt Nam.
Ông cũng đã tới Washington DC cùng với cánh tay phải của Kim Jong-un, Kim Yong-chol, vào tháng Một.
Tuy nhiên, không rõ chính xác lý do tại sao cuộc tấn công Đại sứ quán Bắc Hàn tại Mandrid lại diễn ra, hoặc ai có liên quan.
Chuyện gì đang xảy ra?
Giới điều tra Tây Ban Nha hiện rất kín tiếng, và New York Times cho hay cả nữ nhân viên trốn thoát lẫn đại sứ quán không ai nộp đơn khiếu nại lên cảnh sát.
Tuy nhiên, nếu có bất kỳ sự dính dáng nào của mạng lưới tình báo được chứng minh, điều này có thể gây náo động cả Bắc Hàn và quốc tế.
Tây Ban Nha sẽ không hài lòng nếu tình báo nước ngoài đến hoạt động ở đây mà không xin phép. Và đột nhập vào đại sứ quán của một quốc gia khác sẽ là vi phạm nghiêm trọng giao thức quốc tế.
Tòa án tối cao quốc gia, Audiencia Nacional, sẽ xem xét kết quả điều tra và có thể ra lệnh bắt giữ bất kỳ kẻ tấn công nào được xác định.
Tuy nhiên, các nguồn tin chính phủ cho biết việc chứng minh sự tham gia của các cơ quan tình báo Mỹ có thể rất khó khăn.
Điều duy nhất rõ ràng cho đến nay là câu chuyện này mới chỉ bắt đầu.
(BBC)
Không có nhận xét nào