Nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã
hội đang chia sẻ hình ảnh một tuyến metro của Hà Nội trong tình trạng
“ngổn ngang”, “hư hỏng” dù chưa khai trương, để cảnh báo về một tương
lai đáng lo ngại nếu Việt Nam chọn nhà thầu Trung Quốc để xây cao tốc
Bắc-Nam.
Cảnh bề bộn, xuống cấp ở một số ga của tuyến metro Cát linh-Hà đông, tháng 3/2019 |
Những
bức ảnh được đăng trong mấy ngày gần đây trên các trang báo online của
Dân Trí, Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ và Tiền Phong cho
thấy các công trình phụ trợ của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông
“ngập trong rác”, thậm chí “bị hư hại”, “nứt vỡ”.
Tường
thuật của các báo nói rằng tổng thầu Trung Quốc, Công ty Hữu hạn tập
đoàn Cục 6, “đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục phụ để kịp tiến độ
đưa tuyến đường này vào khai thác thương mại từ cuối tháng 4/2019”.
Khi
nói về đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, mỗi người dân Việt vừa nhức
nhối vừa ứa nước mắt. Đau xót và căm giận khôn tả ... Nay thì có đường
tàu điện ngầm Metro ở Jakarta (Indonesia) vừa khánh thành để mà so sánh.
Nhưng càng so sánh càng căm giận, càng đau xót.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, trên Facebook cá nhân
Dự
án dài 13 kilomet này ban đầu dự kiến được xây dựng từ tháng 11/2008
đến tháng 11/2013, với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu đô la, gồm một phần
vốn của chính phủ Việt Nam kết hợp với vốn vay viện trợ phát triển
(ODA) của Trung Quốc. Tuy nhiên, dự án đã bị chậm tiến độ tới gần 5 năm
rưỡi, và đội vốn lên hơn gấp đôi nếu tính bằng tiền đồng Việt Nam, hoặc
gấp rưỡi nếu tính bằng đô la Mỹ.
Trong
thời gian tới, trung bình một năm, Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc
khoảng 650 tỷ đồng vốn vay, theo thông tin do Bộ Tài chính Việt Nam công
bố hồi đầu năm 2018.
Những
ngày này, các báo Việt Nam cho hay dù chỉ vài tuần nữa sẽ được đưa vào
sử dụng như dự kiến, song thực tế tại hiện trường cho thấy nhiều hạng
mục “đã xuống cấp” hoặc “rạn nứt”.
Phản
ứng về các thông tin kể trên, một đại diện không nêu tên của Bộ Giao
thông Vận tải được báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời nói rằng
đó là “các hư hại nhỏ” và nhà thầu “sẽ phải khắc phục, xử lý hoàn thiện
để nghiệm thu, bàn giao”.
Vị
đại diện khẳng định là bộ “đang đốc thúc nhà thầu thi công để sớm đưa
tuyến đường vào khai thác theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông
Vận tải”.
Nhưng
những phát biểu của vị đại diện dường như không trấn an được những
người sử dụng mạng xã hội, theo quan sát của VOA. Những hình ảnh về
tuyến Cát Linh-Hà Đông được nhiều người chia sẻ trên các trang cá nhân,
hoặc trong hai diễn đàn “Góc nhìn Báo chí-Công dân”, “Bàn luận về Kinh
tế-Chính trị” có tổng cộng gần 260.000 thành viên.
Tiến
sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu viết trên trang Facebook cá nhân rằng ông
và nhiều người Việt “đau xót và căm giận khôn tả” khi nói về đường sắt
Cát Linh–Hà Đông, thậm chí càng phẫn nộ, rầu lòng khi so sánh với một
tuyến metro nửa ngầm nửa trên cao mới khánh thành ở Jakarta, Indonesia.
Theo
tìm hiểu của VOA, tuyến metro mới vận hành ở thủ đô Indonesia có chiều
dài gần 16 km, xây trong 5 năm rưỡi, từ tháng 10/2013 đến tháng 3 năm
nay, với số vốn hơn 1,1 tỷ đô la vay từ Nhật.
Chỉ
ra thực tế rằng tuyến Cát Linh-Hà Đông do Trung Quốc cho vay và thi
công, song sau 8 năm, đến nay vẫn chưa xong, vị tiến sĩ có tổng cộng hơn
31.000 người theo dõi trên Facebook đưa ra thông điệp gửi đến Bộ trưởng
Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể rằng “hãy tránh xa Trung Quốc”, đồng
thời nhấn mạnh “dính vào các nhà thầu Trung Quốc là sẽ thành phá hoại”.
Chia
sẻ quan điểm của tiến sĩ Chu, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh viết trên trang
cá nhân có gần 310.000 người theo dõi rằng nếu so hai tuyến tàu của hai
thủ đô Việt Nam, Indonesia với nhau, bà cảm thấy “nhục nhã” thay cho
những người đã quyết định “rước nhà thầu Trung Quốc vào làm cái đường
tàu thổ tả này cho đất nước”.
Bà
Hoài Anh viết thêm rằng bà “thật sự căm hận những kẻ tham nhũng” mà
trong cách nhìn của bà, đó chính là “những con quỷ, con đỉa hút sạch
nguồn lực quốc gia, hút máu nhân dân mình”.
Dùng
từ ngữ mạnh mẽ hơn, võ sư kiêm nhà văn Đoàn Bảo Châu mô tả tuyến Cát
Linh-Hà Đông “như một đống rác” và gọi đó là “Nỗi Nhục Quốc Thể”. Ông
viết trên trang cá nhân có gần 105.000 người theo dõi rằng những ai đã
duyệt cho hãng Trung Quốc làm dự án này là những kẻ “bán nước hại dân”.
Những
quan điểm tương tự cũng được nhiều người bày tỏ trong các diễn đàn, một
mặt họ bày tỏ “tức giận” và “lo ngại” về chất lượng của tuyến metro đầu
tiên ở Hà Nội, mặt khác, họ lấy đó để đưa ra cảnh báo về việc một tập
đoàn Trung Quốc mới đây bày tỏ mong muốn được xây tuyến đường cao tốc
huyết mạch cho Việt Nam.
Như
VOA đã đưa tin, Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc đề xuất với Bộ
Giao thông Vận tải Việt Nam được tham gia đầu tư vào Dự án đường bộ cao
tốc Bắc-Nam phía đông. Nhà đầu tư của Trung Quốc thậm chí còn bày tỏ sẵn
sàng ứng vốn của họ ra để làm toàn tuyến. Theo tìm hiểu của VOA, tổng
mức đầu tư dự kiến là gần 119.000 tỉ đồng (hơn 5,3 tỉ đô la) để xây dựng
mới 654 kilomet đường.
Trong
hai diễn đàn “Bàn luận về Kinh tế-Chính trị” và “Góc nhìn Báo chí-Công
dân”, một số thành viên bình luận rằng 13 kilomet đường sắt Cát Linh-Hà
Đông do Trung Quốc làm đã tạo ra “quá nhiều đau khổ”, vậy hàng trăm
kilomet cao tốc Bắc-Nam nếu lại “rơi vào tay Trung Quốc” thì đau khổ sẽ
nhiều đến cỡ nào.
Một
số thành viên khác không ngần ngại nhận định rằng tuyến Cát Linh-Hà
Đông thực chất là một “bẫy nợ” mà Trung Quốc giăng ra với Việt Nam. Theo
họ, với thực tế đội vốn đã diễn ra ở các dự án khác, có thể dự báo rằng
tình trạng tương tự sẽ lặp lại với cao tốc Bắc-Nam. Khi đó viễn cảnh
đáng sợ đặt ra là Việt Nam “lấy tiền đâu” để trả cho Trung Quốc, hay
“chỉ còn cách nhượng tô, nhượng địa” cho nước láng giềng giàu có và hùng
mạnh hơn.
Cũng
cảnh báo về vai trò có thể có của Trung Quốc trong cao tốc Bắc-Nam, nữ
chuyên gia kinh tế kỳ cựu Phạm Chi Lan được trang báo mạng Soha trích
lời nói rằng “các dự án với Trung Quốc đã cho thấy các công trình thường
dùng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ kỹ, chất lượng thấp khiến công
trình hỏng đi, hỏng lại rất nhiều lần, gây tốn kém”.
Bà
Lan lưu ý thêm rằng về tài chính, tuy phía Trung Quốc “thường đề xuất
ứng vốn trước hay chào thầu với giá thấp nhưng rút cục giá lúc nào cũng
bị đội lên gấp mấy lần so với ban đầu”.
Với
kinh nghiệm và kiến thức của mình, nữ chuyên gia nói qua Soha rằng bà
“đề nghị không chấp nhận đề xuất của Tập đoàn Trung Quốc” về việc xây
cao tốc Bắc-Nam, và bà Lan bày tỏ mong muốn rằng các nhà lãnh đạo, các
cơ quan chức năng của Việt Nam “tỉnh táo, sáng suốt quyết định".
Nhiều
nhà hoạt động và một số tổ chức xã hội, dân sự ở Việt Nam hôm 20/3 ra
tuyên bố trong đó họ đề nghị chính quyền thực hiện ngay việc “lấy ý kiến
rộng rãi” trong nhân dân cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước,
để “tìm phương án tối ưu” về việc vay vốn và lựa chọn nhà thầu nước
ngoài cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam.
Bản
tuyên bố có đoạn yêu cầu chính quyền phải “loại bỏ dứt khoát nhà thầu
Trung Quốc” cũng như “không vay vốn và nhận đầu tư từ Trung Quốc”.
Theo
ghi nhận của VOA, đến ngày 26/3, có gần 400 người và tổ chức ký tên vào
bản tuyên bố, trong đó có Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Nghiệp đoàn Báo chí
Việt Nam, Nhóm Vì môi trường, Diễn đàn Xã hội Dân sự, tổ chức Người bảo
vệ Nhân quyền, cùng nhiều nhà hoạt động, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo
và những người khác.
(VOA)
Không có nhận xét nào