Juan Guaido, tổng thống tạm quyền tự
phong, nhiều lần yêu cầu chính quyền tổng thống Maduro và quân đội mở
cửa biên giới để tiếp nhận hàng viện trợ nhân đạo quốc tế. Một lời đề
nghị luôn bị chính quyền Caracas từ chối. Câu hỏi đặt ra : Vì sao tổng
thống Nicolas Maduro kiên quyết không nhận hàng viện trợ nhân đạo quốc
tế ?
Hàng cứu trợ nhân đạo cho Venezuela tại một nhà kho ở gần cầu biên giới Tienditas, Cucuta, gần biên giới Colombia, ngày 08/02/2019 |
Viện
trợ nhân đạo đang trở thành một « con tin chính trị », một cuộc đấu trí
cân não giữa hai vị tổng thống của Venezuela. Juan Guaido, lãnh đạo đối
lập, chủ tịch Quốc Hội và tổng thống lâm thời tự phong liên tục gia
tăng sức ép đối với chính quyền tổng thống Maduro, kêu gọi quân đội mở
cửa biên giới để hàng viện trợ nhân đạo được đến tay người dân. Ông cảnh
báo rằng việc ngăn cản cứu trợ nhân đạo là một « tội ác chống nhân loại
».
Ngược
lại, chính quyền Caracas thông qua lời đại sứ Venezuela bên cạnh Liên
Hiệp Quốc khẳng định « không có khủng hoảng nhân đạo tại Venezuela.
Chẳng qua là vì nền kinh tế bị ngăn chặn và vây hãm ». Tổng thống Maduro
đổ mọi trách nhiệm khan hiếm lương thực và thuốc men lên Hoa Kỳ, quốc
gia đã ban hành các lệnh trừng phạt và đã cùng với các đồng minh tiến
hành một cuộc chiến kinh tế nhắm vào Venezuela.
Trong
cuộc đọ sức này, giới chuyên gia Pháp đưa ra hai lý giải vì sao Maduro
kiên quyết ngăn chận hàng viện trợ quốc tế. Thứ nhất là nỗi lo một cuộc
can thiệp quân sự và chính trị của nước ngoài.
Bà
Paula Vasquez, nhà nhân chủng học người Venezuela thuộc Trung Tâm
Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp, trên Le Figaro có đưa ra một lý giải :
« Một đợt viện trợ nhân đạo hiếm khi thật sự mang tính nhân đạo vì
chương trình này là do các quốc gia hay Liên Hiệp Quốc phân phối. Điều
đó có thể biến thành một cuộc chiếm đóng quân sự, bởi vì quân đội là
những tổ chức duy nhất có khả năng cung cấp hậu cần để mang đến sự trợ
giúp này ». Mà bài học kinh nghiệm Haiti là một minh chứng rõ ràng nhất.
Đây
cũng phải là lần đầu tiên Venezuela từ chối nhận viện trợ nhân đạo. Năm
1999, khi xảy ra thảm kịch sạt lở đất lớn nhất ở Vargas làm hàng ngàn
người chết và mất tích, tổng thống Venezuela lúc bấy giờ, ông Hugo
Chavez đã từ chối sự trợ giúp của quốc tế khi cho rằng sự hiện diện của
quân đội nước ngoài tại Venezuela sẽ xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ đất
nước.
Có
một câu hỏi mà chính quyền Maduro luôn canh cánh lo âu : Nguồn gốc hàng
viện trợ này đến từ đâu ? Nếu là từ các tổ chức phi chính phủ thì đó có
thể xem đó là một chương trình nhân đạo. Nhưng nếu là nguồn viện trợ từ
các nước hay Liên Hiệp Quốc, Nhà nước Venezuela có nguy cơ đối mặt với
rủi ro bị tước mất vai trò thực hiện các nhiệm vụ cơ bản, bởi vì các
định chế quốc tế, vốn tự cho rằng đất nước mà họ can thiệp là một nước
đang suy yếu, như giải thích của bà Paula Vasquez.
Thứ
hai, về mặt chính trị, để hàng viện trợ quốc tế vào trong nước sẽ là
một sự sỉ nhục, một thất bại chính trị thật sự đối với ông Maduro trước
đối thủ Guaido. « Nếu như quân đội quyết định áp tải việc tiếp nhận hàng
cứu trợ, chính quyền Maduro sẽ bị mất uy tín. Juan Guaido sẽ hiển nhiên
được công nhận như là tổng tư lệnh Các Lực lượng quân đội Quốc gia
Bolivar », như nhận xét của ông Victor Alvarez, cựu bộ trưởng Công
Nghiệp Venezuela giai đoạn 2004-2006 với Le Figaro.
Trong
thế tiến thoái lưỡng nan này, bất kể quyết định là gì đi chăng nữa « mở
hay chặn cửa », tổng thống Maduro đều cảm thấy « bị mất mặt ». Ông chỉ
còn biết giận dữ chỉ trích Hoa Kỳ và những nước hùa theo khi cho rằng
Venezuela giờ đang nằm trong « tâm bão địa chính trị », tố cáo Hoa Kỳ
muốn lật đổ ông để chiếm đoạt nguồn dự trữ dầu khí dồi dào nhất hành
tinh.
Minh Anh
(RFI)
Không có nhận xét nào