Trung Quốc đã rót những khoản tiền
khổng lồ vào Venezuela thông qua các giao dịch dầu và cơ sở hạ tầng,
theo cái mà Bắc Kinh gọi là “mối quan hệ cùng có lợi”, nhưng không ngờ
quốc gia Nam Mỹ này lại lâm vào khủng hoảng trầm trọng vì suy thoái kinh
tế.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 7/1/2015. (Ảnh: Andy Wong-Pool / Getty) |
Theo
Times Now News (TNN), Trung Quốc và Venezuela có vẻ giống như là những
đồng minh thân cận: một bên là nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới
và một bên là nước sở hữu trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.
Tuy
nhiên, trong những năm nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Nicolas Maduro,
Venezuela rơi vào khủng hoảng trầm trọng, suy thoái kinh tế và siêu lạm
phát, trong khi hàng triệu người dân thiếu hụt các nhu yếu phẩm cơ bản
như thực phẩm và thuốc men. Cuộc khủng hoảng cũng đi kèm với sản lượng
dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ.
Tổng
thống Maduro đối mặt với làn sóng biểu tình từ người dân yêu cầu ông từ
chức, sau khi ông tuyên bố trúng cử nhiệm kỳ thứ 2 trong một cuộc bỏ
phiếu năm 2018 bị chỉ trích rộng rãi là gian lận và các đối thủ của ông
bị cấm tham gia tranh cử. Ngày 10/1/2019, ông Maduro tuyên bố nhậm chức
nhiệm kỳ thứ 2 trong sự chối bỏ của nhiều nước trên thế giới. Gần 2 tuần
sau, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido tuyên bố ông là tổng thống
lâm thời của đất nước thay thế Maduro cho tới khi tổ chức một cuộc bầu
cử tổng thống tự do, dân chủ.
Hàng
chục quốc gia đã bày tỏ ủng hộ đối với Tổng thống lâm thời Juan Guaido,
trong khi ông Maduro tiếp tục nhận được ủng hộ từ một số quốc gia đồng
minh truyền thống, trong đó có Trung Quốc.
“Câu
chuyện của Venezuela là một câu chuyện quan trọng”, bà Margaret Myers,
giám đốc Chương trình Châu Á & Mỹ Latinh tại Đối thoại Liên Mỹ, một
nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết, theo TNN.
“Các
quốc gia khác trong khu vực thường coi Venezuela như một câu chuyện
cảnh giác khi xác định mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc.”
Theo
TNN, tình hình hiện nay cũng thu hút nhiều sự chú ý vào dự án “Vành đai
và Con đường” trị giá 1 nghìn tỷ USD của Bắc Kinh, một tham vọng của
Trung Quốc nhằm cung cấp các khoản vay hoặc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và
các dự án khác trên một loạt quốc gia. Các nhà phê bình nói rằng dự án
làm các quốc gia phải gánh chịu các khoản nợ mà họ không thể trả, dẫn
tới tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với họ.
“Bằng
cách đóng vai trò trung tâm như vậy ở Venezuela, Trung Quốc đã cung cấp
bằng chứng cho lập luận của chính phủ Hoa Kỳ rằng tài chính của Bắc
Kinh làm cho nạn tham nhũng trở nên tồi tệ hơn và khiến những đối tượng
đi vay ở thị trường mới nổi rơi vào bẫy nợ”, theo ông Benjamin Gedan, cố
vấn cao cấp của Chương trình Mỹ Latinh của Trung tâm Wilson.
Nhiều người Venezuela phải kiểm ăn trong bãi rác khi quốc gia một thời giàu có nhất Nam Mỹ chìm trong khủng hoảng và siêu lạm phát (Ảnh: Roland Hoskins) |
Thiếu tiền
Theo
Tân Hoa Xã, Trung Quốc bắt đầu cho Venezuela vay tiền hơn một thập kỷ
trước, đạt đến đỉnh điểm vào năm 2010 khi Ngân hàng Phát triển Trung
Quốc được nhà nước hậu thuẫn cung cấp 20 tỷ đô la cho các khoản vay với
lãi suất thấp. Cùng năm đó, nhà lãnh đạo đương thời của Venezuela, Hugo
Chavez, đã công bố gói đầu tư trị giá 16 tỷ USD từ Trung Quốc liên quan
đến nhiều thỏa thuận năng lượng, được đảm bảo trả nợ bằng tài nguyên dầu
dồi dào của đất nước.
Việc
tăng các chuyến hàng dầu đến Trung Quốc cũng hoàn thành mục tiêu chính
trị của ông Chavez – giảm phụ thuộc vào hoạt động mua dầu của nước Mỹ.
Sau khi ông Chavez qua đời vào năm 2013, ông Maduro được bổ nhiệm là
người người kế vị. Do giá dầu thế giới sụt giảm một năm sau đó,
Venezuela bị chôn vùi dưới 150 tỷ đô la nợ nước ngoài, trong đó khoảng
20 tỷ đô la là của Trung Quốc.
Thay
vì hợp tác nhiều hơn với các tổ chức tài chính quốc tế, các công ty dầu
khí khác và tuân thủ các thông lệ của họ, về cơ bản, các nhà lãnh đạo
Venezuela đã từ chối họ và quay sang Nga và Trung Quốc, theo ông Matt
Ferchen, một học giả của Trung tâm Chính sách Toàn cầu
Carnegie-Tsinghua.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong một chuyến tới Venezuela hồi năm 2014. (Ảnh: XINHUA/ZUMA PRESS)
Trung
Quốc đã tạo điều kiện cho “Venezuela đưa ra những quyết định yếu kém,
đặc biệt là sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính … khi mà
Venezuela có khi đã phải đi theo một hướng khác”, ông nói.
“Các
khoản vay của Trung Quốc cho Venezuela đã đặt ra ít điều kiện và ít
ràng buộc trách nhiệm”, theo bà Myers của tổ chức Đối thoại Liên Mỹ
(Inter-American Dialogue), bà cho rằng tăng tốc cho vay có thể dẫn đến
việc lạm dụng tiền.
Bà
nói: “Ở Venezuela, hàng tỷ đô la đã được sử dụng cho các dự án có động
cơ chính trị hoặc đã biến mất hoàn toàn trong một số trường hợp”.
Dấu hiệu cảnh báo
Trung
Quốc đã giảm bớt dòng tiền cho vay vì lo ngại về sản lượng dầu suy giảm
của Venezuela và khả năng trả nợ của quốc gia Nam Mỹ này. Báo cáo của
Đối thoại Liên Mỹ cho biết Venezuela đã không nhận được tài trợ từ các
ngân hàng “chính sách” thuộc kiểm soát của chính quyền Trung Quốc vào
năm 2017, mặc dù họ đứng đầu danh sách được nhận tiền vay của Trung Quốc
trước đó.
Trung
Quốc đã thể hiện dấu hiệu sẵn sàng hợp tác với bất cứ ai lãnh đạo
Venezuela, và Tổng thống lâm thời Guaido có thể sẽ không đủ khả năng để
xa lánh một Trung Quốc với hầu bao lớn, theo TNN. Ông Guaido nói đầu
tháng 2 rằng ông sẽ tôn trọng các cam kết của Venezuela với Trung Quốc
nếu ông nắm quyền kiểm soát hoàn toàn. Nhưng các nhà phân tích cảnh báo
rằng không có gì là chắc chắn.
Cuộc
khủng hoảng chính trị “có thể làm mất khả năng giao hàng dầu cho Trung
Quốc từ Venezuela, gây trở ngại cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc
đang hoạt động tại Venezuela, và cuối cùng là mang lại quyền lực cho
các nhà chức trách mới của Venezuela, những người có thể thoái thác các
khoản vay trị giá hàng tỷ đô la từ Trung Quốc”, ông Gedan nhận định.
Thực vậy, có một số thỏa thuận cơ sở hạ tầng được hỗ trợ bởi Trung Quốc đã bị đình trệ hoặc bị hoãn lại.
Vào
tháng 10, Sierra Leone đã loại bỏ các kế hoạch xây dựng sân bay trị giá
400 triệu đô la do Trung Quốc xây dựng, gọi đó là “lãng phí”. Tháng
trước Malaysia đã đình chỉ một dự án đường sắt do Trung Quốc hậu thuẫn
trị giá hàng tỉ đô la được phê duyệt bởi chính phủ tham nhũng trước đây,
với lý do chi phí cao.
“Có
vẻ như Trung Quốc thực sự tin tưởng và muốn người khác tin rằng: Là một
quốc gia đang phát triển, Trung Quốc hiểu và quan tâm đến mối bận tâm
của các nước đang phát triển khác”, ông Ferchen nói.
“Và
rõ ràng là các nước đang phát triển mà Trung Quốc đã xây dựng mối quan
hệ hợp tác đặc biệt ấy, hiện phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tồi
tệ về chính trị, kinh tế và nhân đạo – và Trung Quốc thì không làm gì
cả.”
Hoa Minh
(Đại Kỷ Nguyên)
Không có nhận xét nào