Ngày 24/03/2019 Thái Lan bầu lại Quốc
Hội. Đây là cuộc tuyển cử đầu tiên từ sau cuộc đảo chính do quân đội
tiến hành năm 2014. Cử tri Thái sẽ bầu ra 500 đại biểu Quốc Hội.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan Ocha tại Bangkok. Ảnh ngày 10/01/2017. |
Trong
bài "Thái Lan đi về đâu ?" đăng trên trang mạng của Viện Quan hệ Quốc
Tế Pháp, IFRI ngày 04/02/2019, Charuwan Lowira-Lulin trở lại với những
thủ đoạn của bên quân đội để nắm giữ quyền lực một cách lâu dài tại Thái
Lan.
Chưa
đầy hai tháng trước bầu cử Quốc Hội Thái Lan, chị của quốc vương Thái
bất ngờ tuyên bố đại diện cho đảng Thai Raksa Chart, thân với thủ tướng
bị lật đổ Thaksin Shinawatra, ra tranh cử để trở thành thủ tướng. Nhưng
giấc mơ ấy của công chúa Ubolratana chóng tàn. Chưa đầy 24 giờ sau, đảng
Thai Raksa Chart, phải rút tên ứng viên ngoại hạng này. Thậm chí đảng
này còn bị đe dọa cấm hoạt động.
Tính
đến năm 2014 Thái Lan đã trải qua 18 cuộc đảo chính, kể từ khi chấm dứt
chế độ quân chủ tuyệt đối năm 1932. Từ thập niên 1970, năm năm vừa qua
là giai đoạn dài nhất quyền lực trong tay tập đoàn quân sự xứ Xiêm La.
Theo nhà nghiên cứu về Thái Lan Charuwan Lowira-Lulin, tập đoàn quân sự
sẽ còn tiếp tục điều hành đất nước trong một thời gian dài, vì quân đội
đã làm chuẩn bị tất cả cho mục đích ấy.
Để
hiểu được bối cảnh chính trị Thái Lan hiện nay, tác giả đã trở lại thời
điểm 2001 khi đảng Thai Rak Thai do nhà tài phiệt Thaksin Shinawatra
lập ra và đảng này đã đắc cử, làm đảo lộn toàn cảnh chính trị Bangkok.
Đảng Người Thái Thương Người Thái dùng lá bài xã hội để thu hút lá phiếu
cử tri. Đắc cử vẻ vang, Thaksin tự tin vào hào quang của mình, mở rộng
mạng lưới ảnh hưởng của gia đình Shinawatra và của đảng Thai Rak Thai.
Nạn tham nhũng bùng lên trở lại.
Trong
một chu kỳ 5 năm với Thaksin ở chức vụ thủ tướng, một phong trào đối
lập bắt đầu hình thành và thường được biết đến dưới cái tên phong trào
Áo Vàng. Để đối phó với Áo Vàng, phe ủng hộ đảng Thai Rak Thai khoác lên
mình những chiếc áo sơ mi đỏ, gọi là phe Áo Đỏ.
Tình
hình chính trị bấp bênh. Năm 2006 tướng Sonthi Bunyaratakatin đảo
chính. Thủ tướng Thaksin bị truy tố về một loạt các tội danh, từ lạm
quyền đến tham nhũng. Ông đã phải trốn ra nước ngoài. Nhưng quân đội lùi
về hậu trường.
Chuyên
gia về tình hình Thái Lan thuộc viện IFRI của Pháp nhắc lại, "cái bóng
của Thaksin" vẫn bao phủ lên sân khấu chính trị Thái Lan và từ xa, ông
này vẫn gián tiếp can thiệp vào các hoạt động chính trị của đất nước qua
trung gian ba đời thủ tướng : Samak Sundaravej (2006-2008), Somchai
Wongsawat (2008-2011) và nhất là nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra
(2011-2014), em gái Thaksin.
Bà
Yingkuck bị chỉ trích là con rối trong tay người anh. Dưới nhiệm kỳ của
bà, nhiều vụ tai tiếng tham nhũng tiếp tục gây công phẫn trong dư luận,
dẫn tới nhiều đợt biểu tình rầm rộ gây rối loạn một phần các hoạt động
kinh tế. Năm 2013 Yingluck Shinawatra ban hành một đạo luật ân xá mở
đường cho người anh trở về. Đó là giọt nước làm tràn ly.
Bà
bị truất phế vào tháng 5/ 2014. Hai tuần sau quân đội lên cầm quyền.
Tổng tư lệnh Lục Quân, tướng Prayuth Chan Ocha đứng đầu tập đoàn quân sự
mang tên Khor Sor Chor - Ủy Ban Quốc Gia vì Hòa Bình và Trật Tự thâu
tóm quyền lực. Với sự đồng thuận của hoàng gia, tướng Prayuth Chan Ocha
được chỉ định vào chức vụ thủ tướng.
Tập đoàn quân sự Thái từng bước củng cố quyền lực
Sau
nhiều tháng bất ổn, việc tướng Prayuth Chan Ocha lên thay thế bà
Yingluck được công luận Thái Lan tán đồng, với hy vọng mọi người được
yên ổn làm ăn. 2014 cũng là thời điểm sức khỏe của nhà vua Rama IX sa
sút, quân đội được coi là một phao cứu hộ. Tướng Chan Ocha hứa hẹn cải
tổ đất nước, hòa giải giữa hai phe Áo Đỏ và Áo Vàng. Quan trọng hơn nữa
là quân đội cam kết cho bầu lại Quốc Hội.
Trên
thực tế, theo chuyên gia của viện IFRI, "tập đoàn quân sự đã tìm mọi
cách để nắm giữ quyền lực". Một trong những phương tiện đó là khai thác
tinh thần bài Thaksin để chinh phục cảm tình của công luận.
Tác
giả bài tham luận được đăng trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế
Pháp, Charuwan Lowira-Lulin không khoan nhượng khi điểm lại tình hình
Thái Lan từ khi tập đoàn quân sự lên cầm quyền tới nay : từ kinh tế,
chính trị đến xã hội, không có gì thay đổi trong hơn 4 năm qua. Thay đổi
duy nhất là quyền lợi của bên quân đội thì đã được tăng lên đáng kể.
Trò hề dân chủ
Cụ
thể hơn, năm qua, tập đoàn quân sự đã làm những gì để kiểm soát đất
nước ? Tác giả bài viết nhắc lại, quân đội Thái đã lập ra một số các ủy
ban để gọi là giám sát tiến trình cải tổ nhưng về thực chất các ủy ban
đó đều trong tay các tướng lĩnh ở Bangkok.
Thế
rồi cuộc chiến chống tham nhũng chỉ là khẩu hiệu bề ngoài để làm vừa
lòng công luận. Từ 2014 tới nay, các quyền tự do báo chí và ngôn luận
tại Thái Lan từng bước bị thu hẹp. Quyền tự do hội họp không còn tồn
tại. Mọi chỉ trích nhắm vào chế độ, mọi bình luận về toàn cảnh chính trị
Thái Lan trên các mạng xã hội đều bị nghiêm cấm và có thể dẫn đến những
bản án tù.
Nhưng
công cụ rõ rệt nhất để tập đoàn quân sự Thái Lan củng cố quyền lực là
bản Hiến Pháp được thông qua năm 2017. Hai điều khoản quan trọng nhất
trong văn bản này bao gồm : thứ nhất luật bầu cử và thứ hai là điều
khoản 65 trong bản Hiến Pháp mới cho phép một Ủy Ban Chiến Lược Quốc Gia
điều khiển gần như toàn bộ những lĩnh vực nhậy cảm - từ năng lượng đến
an ninh, từ môi trường đến giáo dục - trong vòng 20 năm. Chủ tịch Ủy ban
này không ai khác ngoài tướng Prayuth Chan Ocha.
Về
luật bầu cử, Hiến Pháp Thái Lan chính thức có hiệu lực từ tháng 04/2017
quy định : lập pháp trong tay Quốc Hội và Thượng Viện. Thượng Viện bao
gồm 200 thượng nghị sĩ, nhưng riêng trong khóa đầu tiên, quân đội đã chỉ
định 250 thượng nghị sĩ. Thượng Viện có thẩm quyền đề cử thủ tướng
chính phủ.
Về phía Quốc Hội, luật chơi lại càng phức tạp hơn.
Hạ
Viện có 500 dân biểu, 350 trong số này đại diện cho 350 đơn vị bầu cử,
và được bầu ra theo thể thức đơn danh đa số. 150 ghế còn lại được bầu
theo tỷ lệ. Hai hình thức bầu bán này như ghi nhận của tác giả bài tham
luận "Thái Lan đi về đâu ?" khiến các đảng nhỏ thiệt thòi, giúp cho phe
quân đội tránh được mọi bất ngờ như kịch bản từng xảy ra hồi năm 2001
khi đảng Thai Rak Thai của nhà tài phiệt Thaksin bất ngờ chiếm đa số ở
Quốc Hội
Vậy
có những đảng nào ra tranh cử tại Thái Lan lần này ? Đối lập Áo Vàng,
Áo Đỏ năm xưa nay đã được thay thế bằng một bên là tập đoàn quân sự Thái
và bên kia là đảng Phuea Thai, do gia đình Thaksin Shinawatra "điều
khiển từ xa".
Bên
quân đội lập ra đảng mang tên Phalang Pracharat có nghĩa là "quyền lực
thuộc về dân". Các thành viên của đảng này chủ yếu là bên quân đội Thái
và các quan chức trong chính quyền.
Bên
cạnh hai đảng lớn vừa nêu, thì còn phải kể tới Đảng Dân Chủ đã hoạt
động từ 70 năm qua, nhưng gần như chưa bao giờ có sức thu hút đông đảo
cử tri.
Mới
đây, vừa xuất hiện phong trào mang tên Anakot Mai có nghĩa là "Tương
lai mới". Đại đa số thành viên là những người trẻ tuổi, chưa bao giờ
tham gia các hoạt động chính trị. Anakot Mai có sức hấp dẫn trong mắt
giới trẻ Thái Lan trong độ tuổi từ 18 đến 25, nhưng lại bị phần lớn công
luận chỉ trích là có lập trường quá khích.
Qua việc công chúa Thái Lan tuyên bố ra tranh cử, công luận mới vừa biết thêm về đảng Thai Raksa Chart.
Nhưng
đặc trưng của chính trị Thái Lan là luôn đem lại những bất ngờ. Ngần ấy
những thủ đoạn của tập đoàn quân sự Thái để bám trụ quyền lực nhưng tới
nay, các thăm dò về ý định bỏ phiếu cho thấy đảng Phalang Pracharat của
bên quân đội hiện thời chỉ được từ 4 đến 5 % cử tri ủng hộ.
(RFI)
Không có nhận xét nào