Thế nào trong mấy ngày qua quý vị cũng được nghe người chung quanh chúc Hạnh Phúc.
Đối với mỗi cá nhân, có thể biết khi nào mình thật là hạnh phúc, do đó có thể tu thân dần dần để tìm ra lối sống hạnh phúc. Trong lòng không âu lo, không thèm muốn cái gì quá sức, không thù ghét, hờn giận ai cả; biết vui hưởng những gì mình đang có, thí dụ như không khí đang thở, nước lạnh uống cho đỡ khát; nhìn mọi người chung quanh chỉ thấy phát khởi tình thương yêu; đó là những giây phút sống hạnh phúc. Cảm thấy hạnh phúc vì mình được tự do, không bị lòng tham, giận dữ hoặc lòng ganh tị trói buộc.
Nhưng đó là chuyện cá nhân. Làm cách nào cho cả một xã hội hạnh phúc? Có những chính quyền đưa hai chữ Hạnh Phúc lên làm khẩu hiệu cho cả nước, nhưng trong thực tế họ có đem lại hạnh phúc cho người dân hay không?
Chúng ta có thể đoán, là muốn xã hội hạnh phúc thì kinh tế đóng một vai trò khá quan trọng: Một quốc gia nghèo nàn, người dân thiếu ăn thiếu mặc quanh năm, thì khó sống hạnh phúc. Nhiều nhà tu hành khổ hạnh vẫn thấy an vui. Nhưng nói chung cả xã hội thì không thể hy vọng tất cả mọi người đều tu chứng cao như vậy.
Cho nên phải lo chuyện kinh tế. Nước nghèo quá thì dù đủ ăn đủ mặc nhưng khi lâm bệnh thiếu thuốc chữa, trẻ con hay chết yểu, người già không ai trông nom, những thứ đó sẽ ngăn trở hạnh phúc của nhiều người.
Nhưng một nước phát triển kinh tế có giúp cho mọi người hạnh phúc hơn chăng? Câu trả lời là “có” và “không.” Chấm dứt được tình trạng nghèo nàn thì đại đa số dân thấy sung sướng hơn. Nhưng sau đó, hạnh phúc không tăng theo tỷ lệ thuận khi lợi tức gia tăng.
Nói chuyện kinh tế thì ở những nước như Mỹ, Nhật Bản lợi tức bình quân tăng gấp đôi trong nửa thế kỷ vừa qua. Tuổi thọ trung bình cao hơn, đời sống nhiều tiện nghi hơn, chế độ an sinh xã hội tử tế giúp đỡ những người mất việc hoặc gặp tai nạn bất ngờ. Vậy thì họ có hạnh phúc hơn không?
Khi hỏi đến hạnh phúc, hầu như đa số dân hai nước trên vẫn không thấy hạnh phúc hơn so với lúc mới thoát khỏi cảnh chậm tiến. Ở Mỹ, những cuộc thăm dò dư luận từ thập niên 1950 tới nay thấy có khoảng 30 phần trăm người dân nói họ cảm thấy rất hạnh phúc; và sau 50 năm tỷ lệ đó không thay đổi. Dân Nhật Bản có nhiều người cảm thấy hạnh phúc hơn dân Mỹ, nhưng tỷ số những người này cũng không tăng theo lợi tức bình quân.
Tại sao đời sống sung túc hơn mà người ta không hạnh phúc hơn?
Một giáo sư kinh tế học, ông Richard Layard, dạy tại trường đại học London School of Economics đã xuất bản một cuốn sách bàn về hiện tượng này, nhan đề “Hạnh Phúc: Những Bài Học của Một Khoa Học Mới,” (Happiness: Lessons from a New Science, Penguin xuất bản). Ông không bàn đến hạnh phúc từng cá nhân, mà nói chung hạnh phúc của cả xã hội.
Một “bài học” mà ông Layard rút ra là, nói chung, cuộc sống quá cạnh tranh làm giảm bớt hạnh phúc của nhiều người. Trong sống ganh đua của kinh tế thị trường, những người thành công có lợi tức cao hơn hoặc được tăng lương, có thể họ thấy hạnh phúc hơn chút đỉnh. Nhưng tâm lý những người thất bại lại bị tổn thương rất nặng so với người dân trung bình. Hơn bù kém, tổng số hạnh phúc của cả xã hội bị giảm đi một chút.
Một bài học nữa được Layard nêu lên là: Giàu nghèo không làm tăng hay giảm hạnh phúc, chính sự chênh lệch giàu nghèo ảnh hưởng tâm lý này. Lợi tức tăng gấp đôi không gia tăng hạnh phúc nếu nhìn chung quanh thấy lợi tức nhiều người khác tăng lên gấp mười!
Hơn nữa, con người thường không thể sống hạnh phúc một mình. Trong một xã hội cạnh tranh tự do, người ta có thể không ganh tị với những người thành công hơn mình; nhưng khi nhìn thấy mình thua người gần bên cạnh thì hạnh phúc có thể giảm. Phần lớn chúng ta không ganh tị với ông bà Bill và Melinda Gates, hay ông Jeff Bezos; nhưng sẽ “tủi thân” khi thấy bà hàng xóm của mình không đi làm mà lại lái chiếc xe Bentley chẳng hạn!
Chỉ khi lòng mình hướng lên những giá trị cao thượng và chịu khó tu tâm chúng ta thoát ra khỏi cái bẫy đó. Do đó, một xã hội với nhiều người sống theo đạo lý chắc hạnh phúc hơn một xã hội chỉ chạy theo vật chất, tiền tài và địa vị.
Các nhà nghiên cứu kinh tế rất thích dùng con số để chứng minh. Có vị giáo sư đã thí nghiệm bằng cách yêu cầu một nhóm sinh viên ở Đại Học Havard chọn một trong hai trường hợp, và nói cho biết mình thích trường hợp nào gì.
Một là anh/chị làm được số lương $50,000 một năm trong khi những người đồng cảnh chỉ được $25,000. Hai là lãnh lương $100,000 nhưng chung quanh ai nấy lãnh hơn $200,000. Khi đem câu hỏi trên ra thử, đại đa số thích được sống theo trường hợp thứ nhất!
Quý vị thấy ngay kết luận, là khi so sánh của cải, niềm vui của con người không do số tiền mình có là bao nhiêu mà tùy thuộc cái tâm so sánh giầu nghèo. Đến đây ta càng thấy việc tu tâm dưỡng tính là quan trọng. Ở Nhật và ở Mỹ người ta không sợ chính quyền nhưng vẫn sợ ông bà hàng xóm!
Trong một xã hội cạnh tranh gắt gao mỗi người tìm cách làm việc nhiều hơn, kiếm nhiều tiền hơn, khiến cho những người khác cũng phải làm việc thêm, kiếm tiền thêm. Không còn thời giờ nghỉ ngơi, giải trí nữa, cho nên số người cảm thấy hạnh phúc chắc sẽ giảm. Người ta tự đánh mất tự do và hạnh phúc chỉ vì cái tâm phân biệt!
Một người bạn tôi lái chiếc xe Lexus mới, bị đụng nát, may mắn chị không việc gì. Tôi hỏi thăm, chị bảo: Tôi sẽ mua một chiếc Camry, nó cũng tốt chẳng kém gì Lexus. Một tháng sau gặp lại, thấy chị đang lái một chiếc Lexus mới. Chị giải thích: “Ra đường thấy toàn những xe Camry chạy, trông chán quá!” Tâm lý chúng ta đều như vậy. Lái chiếc Lexus trong lúc nhiều người lái Camry, việc đó cũng tạo cho mình một chút niềm vui, có thể mua được. Tất nhiên, niềm vui đó không bền chặt như niềm vui khi giúp được một đồng loại chẳng hạn, nhưng nếu dư tiền thì bỏ ra mua lấy một chút cũng đáng, không sao. Rồi lúc khác chúng ta sẽ lo giúp đồng loại.
Giáo Sư Richard Layard ngồi trong Nguyên Lão Nghị Viện Anh Quốc (giống như Thượng Viện ở Mỹ nhưng tước vị không có hạn kỳ.) Ông không nghiên cứu về hạnh phúc cho thỏa mãn óc tò mò mà còn đề nghị những “giải pháp chính trị” để dân chúng có cơ hội hạnh phúc hơn. Làm các nào ‘quốc gia” giúp cho dân chúng hạnh phúc hơn?
Huân Tước Layard nêu thí dụ về các biện pháp bảo vệ môi trường sống. Một công ty kiếm lời nhiều nhưng nhà máy của họ có thể phun khói làm người chung quanh khó thở. Nhà máy tăng lợi nhuận nhưng xã hội chịu phí tổn, vì những chi phí như trị các bệnh phổi chẳng hạn. Làm cách nào buộc nhà máy phải bớt phun khói? Giải pháp bình thường là đánh thuế! Càng phun nhiều khói độc, càng phải đóng thuế cao để xã hội chữa bệnh người khác! Khi xí nghiệp bị đánh thuế, phí tổn về không khí nhiễm độc biến thành phí tổn sản xuất của công ty. Họ sẽ phải tìm cách giảm phí tổn, tức là giảm khói.
Không cần suy nghĩ nhiều chúng ta cũng biết Lord Layard muốn kết luận thế nào: Để xã hội bớt cạnh tranh gay gắt, hãy đánh thuế lợi tức lũy tiến, kiếm càng nhiều thì suất thuế càng cao! Khi người giầu phải đóng thuế nhiều hơn, nhiều người khác sẽ hạnh phúc hơn. Họ sẽ có thể sẽ không cần lái xe đắt tiền nữa. Một người mua chiếc xe Bentley về đậu trước cửa thú vị thật nhưng cũng có thể làm bà con lối xóm bớt vui đi. Có lẽ chính phủ nên phát cho họ cái giấy dán trên cửa xe: Tôi là người đóng thuế hơn 100 ngàn đô la! Sang hơn nữa: Tôi đóng thuế trên 500 ngàn đô la! Như vậy cũng có thể giúp người đóng thuế cảm thấy hạnh phúc hơn một chút!
Đề nghị trên hoàn toàn trái ngược với lối hô hào: Cắt thuế, cắt thuế, cắt thuế! Vì suất thuế thấp sẽ khuyến khích người ta làm việc nhiều hơn, lợi tức gia tăng, kinh tế phát triển cao hơn. Nhiều người giầu nhất nước Mỹ, như các ông Gates và Waren Buffett không đồng ý. Ông Buffett than: Cô thư ký của ông đóng suất thuế cao hơn ông! Sao lại bất công như vậy?
Tất nhiên, khi đưa ra chủ trương cắt thuế người ta chỉ lo về mặt kinh tế, không quan tâm đến hạnh phúc nói chung, một thứ rất khó đo lường. Ở những nước Bắc Âu, Canada, thuế nặng hơn các nước Anh, Mỹ. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế không cao bằng Mỹ. Nhưng khi được phỏng vấn nhiều người dân nói họ cảm thấy hạnh phúc, tỷ số cao hơn ở Mỹ.
Tài sản và sự chênh lệch tài sản chỉ là một trong rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới hạnh phúc. Lord Layard cũng viết về những yếu tố khác quan trọng không kém mà không tùy thuộc tiền bạc: Những người chung quanh mình.
Xứ Bhutan được gọi là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Nói đến lợi tức thì người dân ở đó nghèo hơn nhiều nước. Thí dụ, tôi mở tủ ra thấy mình có vài ba chục cái áo; một người trung lưu ở Bhutan chắc chỉ có năm, bẩy cái áo. Họ thường đi bộ, ít dùng xe hơi, còn người Mỹ hầu như ai cũng phải lái xe; không thì khó sống.
Nhưng ngôi nhà ông vua Bhutan ở không lớn hơn nhà người dân khá giả bao nhiêu. Một người Việt đã sống ở Bhutan 11 năm nói với tôi rằng bà chưa từng trông thấy trẻ em cãi nhau bao giờ – chắc trẻ em đánh nhau còn hiếm hơn nữa. Niềm vui lớn nhất của chồng bà, người Bhutan, là họp mặt với bạn bè – nhiều lần ông rủ nhân viên trong xí nghiệp của mình nhau đi bắn cung cả ngày! Rất khó dạy cho một người Bhutan khái niệm “tối đa hóa doanh lợi!”
Người ta thấy hạnh phúc hơn khi có bạn bè thân thiết để chia sẻ những lúc vui buồn; hay khi sống trong gia đình hòa thuận. Chúng ta cũng hạnh phúc khi cảm thấy mình hữu ích, có đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng. Những điều này ai cũng đồng ý cả.
Như vậy thì các nhà chính trị có nên đưa ra các đạo luật, giống như họ làm luật thuế khóa, để ảnh hưởng trên hạnh phúc toàn dân không? Nhà nước có cách nào để phát cho dân chúng một năm mỗi người thêm mấy ký lô hạnh phúc hay không?
Chính phủ có thể làm luật để ngăn cản bớt việc li dị chẳng hạn, để số trẻ em không lâm vào cảnh cha mẹ xa cách lên cao hơn. Nhưng làm luật như thế nào thì giúp các cặp vợ chồng sống thương yêu nhẫn nhịn với nhau, khi họ muốn li dị mà không được bỏ nhau ngay, đợi một thời gian có thể suy nghĩ lại?
Những người sùng đạo thường cảm thấy hạnh phúc hơn người vô tín ngưỡng. Nhiều nước lấy công quỹ giúp cho các cơ sở tôn giáo hoạt động, như ở nước Đức, đó cũng là một cách giúp gia tăng hạnh phúc cho dân. Tất nhiên, đi bắt bớ, giam cầm hay quản thúc các nhà tu hành thì chắc chắn không thể nào nâng cao hạnh phúc cho dân!
Nhưng quốc gia có nên bắt buộc mọi người phải có một tín ngưỡng hay không? Chắc hẳn là không rồi. Vì hạnh phúc là một món mỗi người tự do cảm thấy chứ không thể bắt buộc người ta hạnh phúc được! Các nhà chính trị có thể tạo ra các điều kiện giúp cho mọi người bớt khổ. Phòng bệnh, giáo dục trẻ em, giúp các bà mẹ có nhiều thời giờ sống với con dù vẫn đi làm, vân vân. Nhiều người sẽ có cơ hội sống hạnh phúc hơn. Nhưng không thể cứ làm thêm luật lệ và hô khẩu hiệu thì tự nhiên dân sẽ hạnh phúc hơn.
Cuối cùng, khi nói chung cho cả một quốc gia, chính tự do là một điều kiện thiết yếu cho hạnh phúc. Tự do chưa phải là “điều kiện đủ” tạo nên hạnh phúc, nhưng thiếu tự do thì khó sống hạnh phúc. Còn nói chuyện từng cá nhân lại khác. Những người biết tu dưỡng thì sống trong hoàn cảnh nào cũng hạnh phúc được.
Ước mong trong năm mới chúng ta đều cố gắng giữ đạo lý, tu tâm dưỡng tánh, để sống hạnh phúc hơn. Muốn tạo thêm hạnh phúc tới cho người chung quanh thì chính mình phải sống hạnh phúc. Điều này các nhà chính trị nhiều khi không nghĩ tới.
Ngô Nhân Dụng
Người Việt
Đối với mỗi cá nhân, có thể biết khi nào mình thật là hạnh phúc, do đó có thể tu thân dần dần để tìm ra lối sống hạnh phúc. Trong lòng không âu lo, không thèm muốn cái gì quá sức, không thù ghét, hờn giận ai cả; biết vui hưởng những gì mình đang có, thí dụ như không khí đang thở, nước lạnh uống cho đỡ khát; nhìn mọi người chung quanh chỉ thấy phát khởi tình thương yêu; đó là những giây phút sống hạnh phúc. Cảm thấy hạnh phúc vì mình được tự do, không bị lòng tham, giận dữ hoặc lòng ganh tị trói buộc.
Chúng ta có thể đoán, là muốn xã hội hạnh phúc thì kinh tế đóng một vai trò khá quan trọng: Một quốc gia nghèo nàn, người dân thiếu ăn thiếu mặc quanh năm, thì khó sống hạnh phúc. Nhiều nhà tu hành khổ hạnh vẫn thấy an vui. Nhưng nói chung cả xã hội thì không thể hy vọng tất cả mọi người đều tu chứng cao như vậy.
Cho nên phải lo chuyện kinh tế. Nước nghèo quá thì dù đủ ăn đủ mặc nhưng khi lâm bệnh thiếu thuốc chữa, trẻ con hay chết yểu, người già không ai trông nom, những thứ đó sẽ ngăn trở hạnh phúc của nhiều người.
Nhưng một nước phát triển kinh tế có giúp cho mọi người hạnh phúc hơn chăng? Câu trả lời là “có” và “không.” Chấm dứt được tình trạng nghèo nàn thì đại đa số dân thấy sung sướng hơn. Nhưng sau đó, hạnh phúc không tăng theo tỷ lệ thuận khi lợi tức gia tăng.
Nói chuyện kinh tế thì ở những nước như Mỹ, Nhật Bản lợi tức bình quân tăng gấp đôi trong nửa thế kỷ vừa qua. Tuổi thọ trung bình cao hơn, đời sống nhiều tiện nghi hơn, chế độ an sinh xã hội tử tế giúp đỡ những người mất việc hoặc gặp tai nạn bất ngờ. Vậy thì họ có hạnh phúc hơn không?
Khi hỏi đến hạnh phúc, hầu như đa số dân hai nước trên vẫn không thấy hạnh phúc hơn so với lúc mới thoát khỏi cảnh chậm tiến. Ở Mỹ, những cuộc thăm dò dư luận từ thập niên 1950 tới nay thấy có khoảng 30 phần trăm người dân nói họ cảm thấy rất hạnh phúc; và sau 50 năm tỷ lệ đó không thay đổi. Dân Nhật Bản có nhiều người cảm thấy hạnh phúc hơn dân Mỹ, nhưng tỷ số những người này cũng không tăng theo lợi tức bình quân.
Tại sao đời sống sung túc hơn mà người ta không hạnh phúc hơn?
Một giáo sư kinh tế học, ông Richard Layard, dạy tại trường đại học London School of Economics đã xuất bản một cuốn sách bàn về hiện tượng này, nhan đề “Hạnh Phúc: Những Bài Học của Một Khoa Học Mới,” (Happiness: Lessons from a New Science, Penguin xuất bản). Ông không bàn đến hạnh phúc từng cá nhân, mà nói chung hạnh phúc của cả xã hội.
Một “bài học” mà ông Layard rút ra là, nói chung, cuộc sống quá cạnh tranh làm giảm bớt hạnh phúc của nhiều người. Trong sống ganh đua của kinh tế thị trường, những người thành công có lợi tức cao hơn hoặc được tăng lương, có thể họ thấy hạnh phúc hơn chút đỉnh. Nhưng tâm lý những người thất bại lại bị tổn thương rất nặng so với người dân trung bình. Hơn bù kém, tổng số hạnh phúc của cả xã hội bị giảm đi một chút.
Một bài học nữa được Layard nêu lên là: Giàu nghèo không làm tăng hay giảm hạnh phúc, chính sự chênh lệch giàu nghèo ảnh hưởng tâm lý này. Lợi tức tăng gấp đôi không gia tăng hạnh phúc nếu nhìn chung quanh thấy lợi tức nhiều người khác tăng lên gấp mười!
Hơn nữa, con người thường không thể sống hạnh phúc một mình. Trong một xã hội cạnh tranh tự do, người ta có thể không ganh tị với những người thành công hơn mình; nhưng khi nhìn thấy mình thua người gần bên cạnh thì hạnh phúc có thể giảm. Phần lớn chúng ta không ganh tị với ông bà Bill và Melinda Gates, hay ông Jeff Bezos; nhưng sẽ “tủi thân” khi thấy bà hàng xóm của mình không đi làm mà lại lái chiếc xe Bentley chẳng hạn!
Chỉ khi lòng mình hướng lên những giá trị cao thượng và chịu khó tu tâm chúng ta thoát ra khỏi cái bẫy đó. Do đó, một xã hội với nhiều người sống theo đạo lý chắc hạnh phúc hơn một xã hội chỉ chạy theo vật chất, tiền tài và địa vị.
Các nhà nghiên cứu kinh tế rất thích dùng con số để chứng minh. Có vị giáo sư đã thí nghiệm bằng cách yêu cầu một nhóm sinh viên ở Đại Học Havard chọn một trong hai trường hợp, và nói cho biết mình thích trường hợp nào gì.
Một là anh/chị làm được số lương $50,000 một năm trong khi những người đồng cảnh chỉ được $25,000. Hai là lãnh lương $100,000 nhưng chung quanh ai nấy lãnh hơn $200,000. Khi đem câu hỏi trên ra thử, đại đa số thích được sống theo trường hợp thứ nhất!
Quý vị thấy ngay kết luận, là khi so sánh của cải, niềm vui của con người không do số tiền mình có là bao nhiêu mà tùy thuộc cái tâm so sánh giầu nghèo. Đến đây ta càng thấy việc tu tâm dưỡng tính là quan trọng. Ở Nhật và ở Mỹ người ta không sợ chính quyền nhưng vẫn sợ ông bà hàng xóm!
Trong một xã hội cạnh tranh gắt gao mỗi người tìm cách làm việc nhiều hơn, kiếm nhiều tiền hơn, khiến cho những người khác cũng phải làm việc thêm, kiếm tiền thêm. Không còn thời giờ nghỉ ngơi, giải trí nữa, cho nên số người cảm thấy hạnh phúc chắc sẽ giảm. Người ta tự đánh mất tự do và hạnh phúc chỉ vì cái tâm phân biệt!
Một người bạn tôi lái chiếc xe Lexus mới, bị đụng nát, may mắn chị không việc gì. Tôi hỏi thăm, chị bảo: Tôi sẽ mua một chiếc Camry, nó cũng tốt chẳng kém gì Lexus. Một tháng sau gặp lại, thấy chị đang lái một chiếc Lexus mới. Chị giải thích: “Ra đường thấy toàn những xe Camry chạy, trông chán quá!” Tâm lý chúng ta đều như vậy. Lái chiếc Lexus trong lúc nhiều người lái Camry, việc đó cũng tạo cho mình một chút niềm vui, có thể mua được. Tất nhiên, niềm vui đó không bền chặt như niềm vui khi giúp được một đồng loại chẳng hạn, nhưng nếu dư tiền thì bỏ ra mua lấy một chút cũng đáng, không sao. Rồi lúc khác chúng ta sẽ lo giúp đồng loại.
Giáo Sư Richard Layard ngồi trong Nguyên Lão Nghị Viện Anh Quốc (giống như Thượng Viện ở Mỹ nhưng tước vị không có hạn kỳ.) Ông không nghiên cứu về hạnh phúc cho thỏa mãn óc tò mò mà còn đề nghị những “giải pháp chính trị” để dân chúng có cơ hội hạnh phúc hơn. Làm các nào ‘quốc gia” giúp cho dân chúng hạnh phúc hơn?
Huân Tước Layard nêu thí dụ về các biện pháp bảo vệ môi trường sống. Một công ty kiếm lời nhiều nhưng nhà máy của họ có thể phun khói làm người chung quanh khó thở. Nhà máy tăng lợi nhuận nhưng xã hội chịu phí tổn, vì những chi phí như trị các bệnh phổi chẳng hạn. Làm cách nào buộc nhà máy phải bớt phun khói? Giải pháp bình thường là đánh thuế! Càng phun nhiều khói độc, càng phải đóng thuế cao để xã hội chữa bệnh người khác! Khi xí nghiệp bị đánh thuế, phí tổn về không khí nhiễm độc biến thành phí tổn sản xuất của công ty. Họ sẽ phải tìm cách giảm phí tổn, tức là giảm khói.
Không cần suy nghĩ nhiều chúng ta cũng biết Lord Layard muốn kết luận thế nào: Để xã hội bớt cạnh tranh gay gắt, hãy đánh thuế lợi tức lũy tiến, kiếm càng nhiều thì suất thuế càng cao! Khi người giầu phải đóng thuế nhiều hơn, nhiều người khác sẽ hạnh phúc hơn. Họ sẽ có thể sẽ không cần lái xe đắt tiền nữa. Một người mua chiếc xe Bentley về đậu trước cửa thú vị thật nhưng cũng có thể làm bà con lối xóm bớt vui đi. Có lẽ chính phủ nên phát cho họ cái giấy dán trên cửa xe: Tôi là người đóng thuế hơn 100 ngàn đô la! Sang hơn nữa: Tôi đóng thuế trên 500 ngàn đô la! Như vậy cũng có thể giúp người đóng thuế cảm thấy hạnh phúc hơn một chút!
Đề nghị trên hoàn toàn trái ngược với lối hô hào: Cắt thuế, cắt thuế, cắt thuế! Vì suất thuế thấp sẽ khuyến khích người ta làm việc nhiều hơn, lợi tức gia tăng, kinh tế phát triển cao hơn. Nhiều người giầu nhất nước Mỹ, như các ông Gates và Waren Buffett không đồng ý. Ông Buffett than: Cô thư ký của ông đóng suất thuế cao hơn ông! Sao lại bất công như vậy?
Tất nhiên, khi đưa ra chủ trương cắt thuế người ta chỉ lo về mặt kinh tế, không quan tâm đến hạnh phúc nói chung, một thứ rất khó đo lường. Ở những nước Bắc Âu, Canada, thuế nặng hơn các nước Anh, Mỹ. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế không cao bằng Mỹ. Nhưng khi được phỏng vấn nhiều người dân nói họ cảm thấy hạnh phúc, tỷ số cao hơn ở Mỹ.
Tài sản và sự chênh lệch tài sản chỉ là một trong rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới hạnh phúc. Lord Layard cũng viết về những yếu tố khác quan trọng không kém mà không tùy thuộc tiền bạc: Những người chung quanh mình.
Xứ Bhutan được gọi là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Nói đến lợi tức thì người dân ở đó nghèo hơn nhiều nước. Thí dụ, tôi mở tủ ra thấy mình có vài ba chục cái áo; một người trung lưu ở Bhutan chắc chỉ có năm, bẩy cái áo. Họ thường đi bộ, ít dùng xe hơi, còn người Mỹ hầu như ai cũng phải lái xe; không thì khó sống.
Nhưng ngôi nhà ông vua Bhutan ở không lớn hơn nhà người dân khá giả bao nhiêu. Một người Việt đã sống ở Bhutan 11 năm nói với tôi rằng bà chưa từng trông thấy trẻ em cãi nhau bao giờ – chắc trẻ em đánh nhau còn hiếm hơn nữa. Niềm vui lớn nhất của chồng bà, người Bhutan, là họp mặt với bạn bè – nhiều lần ông rủ nhân viên trong xí nghiệp của mình nhau đi bắn cung cả ngày! Rất khó dạy cho một người Bhutan khái niệm “tối đa hóa doanh lợi!”
Người ta thấy hạnh phúc hơn khi có bạn bè thân thiết để chia sẻ những lúc vui buồn; hay khi sống trong gia đình hòa thuận. Chúng ta cũng hạnh phúc khi cảm thấy mình hữu ích, có đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng. Những điều này ai cũng đồng ý cả.
Như vậy thì các nhà chính trị có nên đưa ra các đạo luật, giống như họ làm luật thuế khóa, để ảnh hưởng trên hạnh phúc toàn dân không? Nhà nước có cách nào để phát cho dân chúng một năm mỗi người thêm mấy ký lô hạnh phúc hay không?
Chính phủ có thể làm luật để ngăn cản bớt việc li dị chẳng hạn, để số trẻ em không lâm vào cảnh cha mẹ xa cách lên cao hơn. Nhưng làm luật như thế nào thì giúp các cặp vợ chồng sống thương yêu nhẫn nhịn với nhau, khi họ muốn li dị mà không được bỏ nhau ngay, đợi một thời gian có thể suy nghĩ lại?
Những người sùng đạo thường cảm thấy hạnh phúc hơn người vô tín ngưỡng. Nhiều nước lấy công quỹ giúp cho các cơ sở tôn giáo hoạt động, như ở nước Đức, đó cũng là một cách giúp gia tăng hạnh phúc cho dân. Tất nhiên, đi bắt bớ, giam cầm hay quản thúc các nhà tu hành thì chắc chắn không thể nào nâng cao hạnh phúc cho dân!
Nhưng quốc gia có nên bắt buộc mọi người phải có một tín ngưỡng hay không? Chắc hẳn là không rồi. Vì hạnh phúc là một món mỗi người tự do cảm thấy chứ không thể bắt buộc người ta hạnh phúc được! Các nhà chính trị có thể tạo ra các điều kiện giúp cho mọi người bớt khổ. Phòng bệnh, giáo dục trẻ em, giúp các bà mẹ có nhiều thời giờ sống với con dù vẫn đi làm, vân vân. Nhiều người sẽ có cơ hội sống hạnh phúc hơn. Nhưng không thể cứ làm thêm luật lệ và hô khẩu hiệu thì tự nhiên dân sẽ hạnh phúc hơn.
Cuối cùng, khi nói chung cho cả một quốc gia, chính tự do là một điều kiện thiết yếu cho hạnh phúc. Tự do chưa phải là “điều kiện đủ” tạo nên hạnh phúc, nhưng thiếu tự do thì khó sống hạnh phúc. Còn nói chuyện từng cá nhân lại khác. Những người biết tu dưỡng thì sống trong hoàn cảnh nào cũng hạnh phúc được.
Ước mong trong năm mới chúng ta đều cố gắng giữ đạo lý, tu tâm dưỡng tánh, để sống hạnh phúc hơn. Muốn tạo thêm hạnh phúc tới cho người chung quanh thì chính mình phải sống hạnh phúc. Điều này các nhà chính trị nhiều khi không nghĩ tới.
Ngô Nhân Dụng
Người Việt
Không có nhận xét nào