Hình minh họa |
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm. Một mình.
Anh đi, suy nghĩ miên man. Những ý nghĩ rối rắm, mung lung, chẳng cái gì ăn nhập với cái gì. Mỗi khi dòng chảy của chúng đột nhiên đứt quãng, khi đầu anh hoàn toàn trống rỗng, anh nghe rõ hơi thở của phì phò nóng hổi nơi môi trên, và, như tiếng bước chân của người khác, tiếng dép của anh đều đều đạp trên mặt đường – soạt, soạt… soạt, soạt…
Cứ thế, không ngừng.
Con đường đá răm luồn lách trong những vạt rừng già, ẩm ướt và tăm tối ngay giữa ban ngày. Nó uốn khúc vắt qua những đồi những núi nhấp nhô và rừng nguyên sinh rậm rạp. Ban đêm, trong những khu rừng ấy sương mù đặc và nặng bốc lên hạ xuống làm thành một thứ mưa không ra mưa. Thỉnh thoảng những giọt vừa kịp đọng của thứ mưa sương ấy lại từ tán lá âm thầm rơi xuống thảm cỏ ướt sũng lá mục.
Anh lính thầm trách mình khờ. Lẽ ra, như người ta, trước khi chiều xuống anh phải tìm một đơn vị bộ đội nào đó, hoặc một trạm thu dung nào đó, để tá túc một đêm. Thời kháng chiến, ở đâu chả tìm được nơi có bộ đội. Người ta sẽ xếp cho anh một chỗ ngủ, và chưa chừng sẽ có một bữa ngon lành sáng hôm sau. Nhưng anh lại cứ nhất quyết đi cơ, mặc những lời gàn quẩy của những người ở trạm giao liên cuối cùng anh vừa rời bỏ.
Chao ôi, chỉ tại anh bốc đồng khoái trá với một ý nghĩ chợt đến – một chuyến đi vào ba mươi Tết, đi xuyên khoảng thời gian mang mốc phân cách, đi từ năm này sang năm khác. Như một thách thức lãng mạn, như một cử chỉ bướng bỉnh. Xét cho cùng, nó là một hành động dở hơi, chẳng có ích gì, kể cả cho chính anh.
Giá phải trả là giờ đây anh sẽ cứ phải đi mãi thế này, suốt đêm, không nghỉ, không ngủ. Cứ thế đi. Anh đã trót đi mất rồi. Thế là sẽ chẳng có một chỗ để ngả lưng, dù chỉ vài giờ, trong đêm lạnh.
Anh bắt đầu ân hận với quyết định gàn dở của mình từ khi bắt gặp cái tĩnh mịch đặc biệt của con đường dằng dặc, khi ánh mặt trời vàng ệch cuối cùng tắt hẳn trên đỉnh núi cao nhất.
Vào lúc này mới đi tìm một chỗ trú chân thì đã quá muộn. Dọc đường anh chỉ gặp, rất thưa thớt, những hàng quán cửa đóng then cài im ỉm hoặc trống huếch trống hoác.
Người lính đã mỏi chân lắm khi leo lên tới đỉnh một con dốc. Trong vòng chục cây số anh vừa đi qua không có lấy một ngôi nhà. Đang thất thểu lê từng bước đổ dốc, anh bỗng thấy trước mặt, trong sương mù trắng đục, một ánh lửa thấp thoáng. Sương mù mỗi lúc một dày đặc, thành thử ánh lửa cứ chập chờn, le lói, khi xa khi gần. Có thể nó ở ngay chân dốc, mà cũng có thể rất xa.
Thôi được, mình sẽ tới đó, sẽ lẳng lặng ngồi xuống hè ngôi nhà nọ, ở đầu hồi, ở chái, ở chỗ nào cũng được, có điều mình phải thật nhẹ nhàng, không làm kinh động chủ nhà, anh tự nhủ. Có nhà là có hơi ấm, là tốt rồi – mình có thể dựa vào vách mà chợp mắt một lúc, chỉ một lúc thôi.
Đêm trừ tịch, chẳng ai muốn đón ai vào nhà mình, người lính biết điều đó lắm. Người trong nhà cũng chẳng tưởng tượng trong đêm cuối cùng của một năm lại có kẻ điên khùng lang thang trên đường, như anh.
Anh là người lính. Là người xông nhà không ai chờ đợi – phúc không, lộc không, thọ cũng không nốt – ai có thể nói chắc điều gì sẽ đến với kẻ ngày mai ra trận?
Hoá ra ánh lửa không phải phát ra từ một ngôi nhà nhỏ kiêm quán hàng ở ven đường, như những ngôi nhà anh thường gặp. Nó le lói sâu tít tắp trong rừng, thoáng hiện thoáng mất qua cành lá rậm rịt. Người lính chặc lưỡi, quyết định rẽ vào. Một con đường mòn, rất hẹp, hai bên um tùm lau lách dẫn anh tới ánh lửa ấy. Nhưng anh đi mãi, đi mãi vẫn không thấy nó đâu. Cái trò chơi của lửa đêm anh đã biết, thấy nó đấy, tưởng là rất gần, hoá rất xa.
Cuối cùng rồi anh cũng tới được chỗ ánh lửa. Nó hắt ra từ bên trong một ngôi nhà sàn. Anh không nhìn rõ ngôi nhà, nhưng đã nghe tiếng gió thổi u u trong những miệng bắng nước làm bằng thân vầu. Người ta thường đặt những bắng nước ở ngay dưới chân thang dẫn lên nhà sàn. Những cái bắng rỗng, anh nghĩ. Nếu trong bắng đầy nước, tiếng kêu sẽ không như thế. Không thấy tiếng trâu thở phì phò, tiếng lợn ủn ỉn bên dưới. Yên lặng hoàn toàn.
Như thế này thì còn biết ngả lưng vào đâu cơ chứ? Nhà sàn vốn không hè, không chái. Sương xuống nhiều, bên dưới chỗ nào cũng ướt nhoẹt.
Anh đã thấm mệt. Chẳng biết bây giờ là mấy giờ – anh không có đồng hồ – nhưng chắc đã rất khuya. Người trong nhà, nếu họ có ở đấy, thì đã ngủ say. Ngoài tiếng u u của những bắng nước, anh nghe tiếng kẽo kẹt của cái “xe cọn” già lão đâu đó quay đều đặn, rất gần, và tiếng nước dào dạt đổ xuống máng.
Người lính còn đang phân vân chưa biết tính sao thì ánh lửa trong nhà bỗng lay động, nó di chuyển chầm chậm về phía đầu thang.
– Anh bộ đội hả?
Tiếng một cô gái. Làm sao cô ta có thể nhìn thấy mình trong đêm tối thế này? Làm sao cô ta có thể đoán biết mình là bộ đội chứ không phải một khách bộ hành lạc lối?
– Chào cô. – anh đằng hắng rồi lên tiếng – Tôi thấy ánh lửa từ xa…
Anh định nói vì sao anh tới đây, nhưng rồi anh nín lặng. Giải thích thế nào cho cái sự có mặt dớ dẩn này?
– Khuya rồi lố, anh bộ đội à! – cô gái nói bằng giọng vui vẻ – Lên đi, đừng có ngại.
Người lính ngần ngừ một giây rồi xốc ba lô, thận trọng đặt chân lên bậc thang. Những thanh gỗ kêu lên khe khẽ dưới mỗi bước chân.
Cô gái nhấc cao thêm đĩa đèn để soi đường cho anh. Nhưng không có ánh đèn còn hơn, bị loá mắt anh không nhìn thấy gì dưới chân mình.
Khi người lính đã bước hẳn vào trong nhà, cô gái mới đặt đĩa đèn xuống sàn.
Người lính giật mình
Cô gái mới xinh đẹp làm sao!
Gương mặt trắng, hơi xanh; đôi mắt đen láy mở to, chúng xa nhau một khoảng cách nhiều hơn bình thường; món tóc mai đen nhánh buông lơi xuống má; tất cả những cái đó làm cho vẻ chất phác của cô trở thành hơi man dại, khác người. Anh cảm thấy bàng hoàng trước sắc đẹp ấy. Nó lôi cuốn lạ thường.
Thấy người lính chăm chú nhìn mình, cô gái bẽn lẽn cúi mặt, làm bộ bận khêu bấc.
Anh cũng lúng túng cúi xuống nhìn cái đĩa đèn. Ở quê anh không có thứ dầu cọ đen kịt vừa toả sáng vừa bốc khói ngùn ngụt thế kia. Anh say sưa ngắm cô, dù anh biết cái nhìn của mình thật suồng sã.
– Anh có mệt không, anh bộ đội?
Anh mỉm cười. Thay cho câu trả lời, anh chỉ gật đầu. Anh không nói nên lời. Anh cảm thấy trong lòng một niềm vui khó tả. Cuộc gặp gỡ bất ngờ làm anh bàng hoàng. Mới trước đó ít phút anh còn loay hoay tìm một chỗ nghỉ cho đôi chân mỏi nhừ, anh thực sự không muốn làm phiền chủ nhà, thế mà đùng một cái tình thế bỗng thay đổi, anh bỗng được hưởng cái anh không hề chờ đợi – một sự đón tiếp thật ấm áp, chân tình. Giọng nói hơi líu lo, như tiếng chim, âm sắc đặc biệt của người miền núi, rất hồn nhiên, vui vẻ, chứng tỏ cô cũng mừng thấy anh đến.
– Anh có đói không? Hả? – cô hỏi – Có xôi trong gùi kia, em lấy anh ăn nhé? Đừng làm khách.
– Để anh nghỉ một lát đã. – anh vào giọng với cô, cũng rất thân mật, tự nhiên, không có bóng dáng một chút cố ý nào, như họ từng quen biết – Mọi người trong nhà đi đâu vắng?
– Không có ai đi đâu lố. Em ở một mình thôi.
– Vậy sao?
Người lính nhìn quanh. Trong ánh sáng mờ mờ và luôn lay động của đĩa đèn, anh thấy trong góc nhà chăn đệm vẫn xếp ngay ngắn. Nghĩa là cô gái chưa ngủ. Mà trời thì đã khuya quá rồi.
– Anh có lạnh không?
Nghe hỏi anh mới nhận ra là trong nhà sàn lạnh thật. Cái lạnh bắt đầu ngấm vào da thịt khi thân thể nóng bừng được nghỉ ngơi. Bếp lửa thì tắt ngấm.
– Anh nhóm lửa đi!
Cô gái nhanh nhảu đặt mấy cành khô vào bếp ở giữa nhà cho anh. Người lính lúi húi châm lửa. Một lúc lâu sau lửa mới bén. Củi không nỏ, châm rất khó. Bếp toả khói mù mịt.
– Sao anh không ở nhà đêm nay?
– Anh thích thế. Chẳng ai lại không ở nhà để đi trong đêm như đêm nay. Vì thế anh đi. Cả ngày. Cả đêm.
Cô gái cười tươi. Đôi mắt ướt, đậm màu đêm, loáng lên trong ánh lửa lay động.
– A lúi, anh lạ lắm. Buồn cười nữa.
– Thế à?
– Chứ còn gì. Bây giờ em lấy cơm anh ăn nhá?
– Ừ.
– Rồi em sửa soạn cho anh ngủ. Đi cả ngày chắc anh mệt lắm?
Người lính đau đáu nhìn cô. Anh như bị thôi miên. Anh ngây ngất trước gương mặt chất phác sáng ngời của cô. Sao lại có người đẹp đến thế?!
– Anh hết mệt rồi. – người lính nói – Anh cứ nghĩ rằng anh sẽ phải đi suốt đêm cơ đấy.
– Sao thế?
– Thì anh biết ngủ nhờ ở đâu? Gặp được em thật là may.
Cô gái lấy que cời cho lửa bùng lên.
– Em cũng may. Đêm nay em không phải ở một mình.
Cô đứng lên, với tay lên cái gùi treo trên cột, lấy một nắm cơm nếp đưa cho anh.
– Anh ăn nhạt vậy. Nhà hết sạch thức ăn. Muối cũng không còn một hạt.
– Anh có mang theo muối đây. Anh để lại cho em một ít nhá?
– Rồi anh lấy gì ăn?
Nắm cơm lạnh, có những mảng khô cứng. “Ăn thế này mà chịu được, chán chết. – anh nghĩ – Không hiểu sao người ta có thể quen được một thứ cơm như thế?” Nhưng rồi anh cũng ăn hết được nắm cơm ấy, để chiều lòng cô gái hơn vì đói. Trên đường anh đã ăn lương khô mang theo.
– Anh có nhớ nhà không anh? – cô gái bó gối nhìn anh nhặt nốt mấy hạt cơm dính trên bàn tay bỏ vào miệng – Anh cứ đi suốt thế à?
– Nhớ chứ sao không. Việc phải đi thì đi.
– Việc cần lắm à?
– Cần chứ.
– Việc gì cần thế? – cô gái hỏi, rồi bụm miệng, kêu lên – A lúi, không được hỏi thế. Bí mật mà.
Người lính tủm tỉm cười. Anh nhìn cô như người anh lớn nhìn cô em gái bé bỏng, nghịch ngợm.
Cô gái cứ nhìn anh mà cười mãi không thôi. Anh cũng cười, vô nghĩa như cô. Khi cả hai cùng cười vô nghĩa anh thấy mọi vật quanh anh tươi sáng hẳn lên, và trong tâm hồn anh có một trạng thái nhẹ nhõm chưa từng thấy. Anh như bay bổng lên trong một khoảng không kỳ lạ, giống như trong một giấc mơ.
Anh vụt tỉnh khi nghe cô gái nói:
– Em dọn chỗ cho anh ngủ nhé? Anh đi rửa tay chân đi. Nước ở đầu thang ấy.
Nước lạnh làm anh rùng mình. Bầu trời đen kịt. Anh không nhìn thấy nó. Có thể đó là do ngôi nhà nằm dưới những cây cổ thụ mà tán lá của chúng đã che khuất tất cả.
Trong nhà, cô gái đã trải đệm cho anh. Tấm chăn bông đăt ngay ngắn ở bên gối.
Người lính ngồi xuống bên bếp. Lửa thôi cháy, nhưng than hồng rất đượm. Ánh sáng của than làm cho mặt cô gái hồng hẳn lên, đôi mắt càng long lanh.
– Còn em, em nằm đâu?
– Em không ngủ. Em chán ngủ lắm. Em ngủ suốt ấy mà. Ngủ thì có gì thú vị đâu.
– Nhưng ai cũng phải ngủ. Để lấy lại sức chứ.
– Không phải thế đâu. Khi ngủ nhiều, nhiều thật nhiều, người ta sẽ chán. Chán lắm ấy, anh không biết nó chán đến thế nào đâu, anh không biết được.
– Nếu em thức, còn anh ngủ, thì còn ra làm sao?
– Ngủ đi. Anh thức không nên đâu.
Anh đứng lên. Cô gái nhìn anh không rời. Anh cũng nhìn sâu vào mắt cô, đôi mắt như không có lòng trắng, sâu thẳm, như bầu trời trong đêm nay.
Đôi mắt đen ấy cuốn hút anh với một sức mạnh không sao cưỡng nổi. Từng chút một, rất chậm, anh nhích lại gần. Rồi ôm choàng lấy cô, anh thận trọng đặt lên đôi mắt quyến rũ một cái hôn thật nhẹ. Cô không chống lại, để mặc anh muốn làm gì thì làm. Miệng cô hé mở trong một nụ cười ngơ ngác. Chỉ tới khi môi anh chạm vào môi cô, cô mới hơi vùng ra, như sửng sốt, vì không quen, chứ không phải vì không bằng lòng. Anh ôm lấy cô, bế bổng cô lên. Trong tay anh cô gái nhẹ bỗng, như không có trọng lượng. Môi cô mềm và ướt. Anh ngửi thấy hương thảo nguyên trên da mặt cô. Hơi thở của cô như có mùi lạc tiên thoang thoảng, thứ cây mọc ven mọi con đường.
Người lính đặt cô nằm xuống nơi cô dọn cho anh nằm.
Rồi vừa ôm chặt cô bằng một tay anh vừa dùng tay kia tung tấm chăn phủ lên hai người.
– Đừng, anh!
– Tại sao lại đừng? – anh thì thầm, hổn hển.
– Hại cho anh lắm lố. – cô ôm chặt anh, một tay đặt lên ngực anh như muốn đẩy anh ra, nhưng là bàn tay ngập ngừng – Hại đấy! Đừng, anh ơi!
– Không, anh không sợ…
Cô đột nhiên mềm nhũn trong tay anh. Một phút sau, họ quấn chặt lấy nhau không rời. Trong tột cùng hạnh phúc.
Người lính tỉnh dậy vì một tia nắng lọt qua cửa sổ chiếu vào mặt. Anh sửng sốt – không phải là ngôi nhà sàn đêm qua, không có người con gái ở bên cạnh. Anh còn nhớ, rất rõ, với cảm giác hạnh phúc, khi cô vuốt ve anh như dìu anh vào giấc ngủ sâu, thanh bình. Anh nhớ hơi thở đều đặn của cô ở bên anh, ngực cô phập phồng dưới tay anh như thế nào.
Một người con gái mặc áo blu trắng mừng rỡ kêu lên:
– Đồng chí ấy tỉnh lại rồi!
Mấy người khác, cũng trong áo blu trắng, mũ vải trắng, đang bận bịu ở cuối phòng thì nghe tiếng kêu của cô, họ vội vã đi tới.
– Đây là đâu? – anh nắm lấy tay cô y tá, hỏi bằng giọng yếu ớt đến nỗi chính anh không nhận ra – Cô ấy đâu?
– Đây là trạm quân y X. Đồng chí hỏi ai? – cô gái ngạc nhiên nhìn anh – Cô nào?
Anh cũng ngơ ngác nhìn lại cô:
– Cô gái cho tôi ngủ nhờ ấy. Mà trước hết, xin cô nói cho tôi biết: tại sao tôi lại ở đây?
Một người đứng tuổi, ống nghe đeo trước ngực, ngồi xuống bên anh, vạch mi mắt anh, bắt anh thè lưỡi ra để quan sát, nói tóm lại, làm công việc khám bệnh cho anh. Chắc là một bác sĩ điều trị. Ông ta điềm đạm nói với y tá:
– Anh ấy chưa tỉnh hẳn đâu. Cô cho thuốc tiếp tục theo đơn tôi đã ghi.
Cô y tá lo lắng nhìn anh. Vậy mà cô tưởng anh đã tỉnh.
Theo sau bác sĩ là mấy người trẻ. Họ vây quanh giường anh, chăm chú nghe bác sĩ nói, quan sát anh không rời.
– Trường hợp tiêu biểu của sốt rét ác tính, không có gì lạ. – người đứng tuổi giải thích – Các anh nhớ lấy: bệnh nhân dường như tỉnh lại sau những cơn sốt cao và hôn mê, tức là có vẻ tỉnh nhưng lại không nhận ra thực tại, hoặc tiếp nhận thực tại một cách lệch lạc.
– Tức là cơn mê còn kéo dài? Tác động của accès pernicieux lên não bộ, thưa thầy? Liệu nó có để lại di chứng xấu cho hệ thần kinh?
– Không. Không thấy có di chứng xấu cho hoạt động của vỏ não… Ít nhất thì cũng chưa có trường hợp nào như thế được ghi nhận ở những bệnh nhân nặng nhưng sống sót.
– Như ca này, nếu như lúc ấy chúng ta không có Quinoforme? Thì có thể dùng cái gì thay thế, thưa thầy? – một thanh niên hỏi ông ta.
– Mọi thứ thuốc có chứa quinine, liều rất cao. – ông ta nói – Ngành dược chưa chế được thứ thuốc nào khác(1). Còn thứ biệt dược có tên là May Mắn thì chẳng bao giờ loài người chế tạo được.
– Tức là có những ca nặng chỉ có thể nhờ Trời, thưa thầy?
– Đúng thế.
Bác sĩ rời giường anh để tới những giường khác. Những người học trò líu ríu theo chân ông.
Người lính rụt rè nhắc lại câu hỏi khi cô y tá đỡ anh ngồi dậy để uống thuốc:
– Tôi tỉnh rồi, tôi tỉnh thật rồi mà. Cô làm ơn cho tôi biết đi: tại sao tôi ở đây?
– Anh bị sốt cao, bất tỉnh. – cô ta nhỏ nhẹ kể – Họ cáng anh lại đây, may mà họ biết ở đây có trạm quân y…
– Họ là ai? Có phải là một cô gái?
– Không phải. – cô y tá lắc đầu – Một người đàn ông, già rồi. Và em trai ông ta.
– Lúc họ cáng tôi đến, cô có đấy không?
Cô y tá nhoẻn cười. Cô cũng khá xinh. Da trắng hồng. Có một cái răng khểnh. Một lúm đồng tiền. Một cô gái rất đồng bằng.
– Lúc ấy em trực. Anh có biết anh mê man bao nhiêu ngày rồi không?
Người lính lắc đầu. Anh không nhớ gì hết sau đêm ấy. Có một màn sương bao phủ những gì vừa xảy ra với anh. Anh láng máng nhớ tới cảm giác đung đưa, tiếng khóc thổn thức của ai đó, hình như của cô gái có đôi mắt đen tuyền. Cái mà anh nhớ rõ là đêm Ba Mươi Tết, trong rừng sâu, trên ngôi nhà sàn.
– Họ mang anh đến trưa Mồng Một. Hôm nay Mồng Bốn. Coi như hết Tết. Anh thiệt quá.
– Coi như hết Tết! – anh máy móc nhắc lại – Cô có biết người đàn ông mang tôi tới là ai không?
Cô y tá lắc đầu.
– Không. Ông ta giao cho trạm cả ba lô của anh. Anh tỉnh rồi thì xem có thiếu gì không? Chắc không thiếu gì đâu. Người ở đây thực thà lắm.
Người lính suy nghĩ. Rồi ngần ngừ, anh hỏi tiếp:
– Ông ấy có nói tìm thấy tôi ở đâu không?
Co y tá gật đầu:
– Có. Có chứ.
– Ở đâu?
– Ông ta nói: con gái ông ta báo cho ông ta biết lúc tảng sáng Mồng Một. Rằng ông phải đến ngay để cứu một anh bộ đội.
– Đến đâu?
– Chỗ con gái ông ấy.
– Con gái ông ấy?
– Phải.
– Tại sao cô ấy không đi cùng?
Cô y tá nhoẻn cười.
– Làm sao cô ấy đến được?
– Tại sao lại không đến được?
Cô y tá nhìn anh, ngạc nhiên một thoáng:
– Cô ấy có phải người sống đâu. Ông già tin nhảm. Ông ấy bảo ông ấy tìm được anh đang sốt mê man là nhờ hồn con gái ông ấy về báo mộng.
– Nhưng… – anh chồm về phía cô – Tôi, tôi…
– Gượm, em kể cho mà nghe. Con gái ông ấy chết đã ba tháng rồi. Khi cô ấy chết, bố mẹ cô ấy để cho cô ấy ở một nhà riêng, có chia của hẳn hoi, tức là có chăn chiếu, nồi niêu… đủ cả, như lúc còn sống. Tục lệ của họ thế.
Người lính rùng mình.
– Anh biết không, khi có người chết thì người ta bổ đôi một thân cây, bỏ xác chết vào trong, lấy nhựa trám trét kín, rồi dựng ở góc nhà…
– Thế à?
– Nghe người ta nói vậy, chứ em chưa thấy. Khiếp chết đi được.
Người lính vốn không tin chuyện ma quỷ. Nhưng câu chuyện cô y tá kể lại làm cho anh bất giác nhớ đến ngôi nhà sàn. Nó trống tuềnh trống toàng, không có sự bừa bộn tất phải có nơi có người ở. Khi lửa bếp cháy sáng anh quả có thấy một cái gì đó giống như một cây gỗ tròn dựng trong góc tối. Chẳng lẽ tất cả chỉ là một giấc mơ trong cơn sốt?
Anh nhắm mắt lại, hình dung gương mặt cô gái trong đêm, khi đĩa đèn đã tắt, than hồng đã lụi. Trong bóng tối gần như hoàn toàn đôi mắt đen của cô vẫn lấp lánh một cách kỳ lạ. Nhưng đó đôi mắt ấy không phải, và không thể là đôi mắt ác.
Trong đôi mắt ấy, khi cô nhìn anh, chan chứa tình yêu.
Người lính trong đêm ấy khi kể lại câu chuyện này cho các bạn tù đã là một ông già. Tính tình hoà nhã, độ lượng, của ông làm cho các tù nhân ở gần rất mến ông. Đặc biệt là những đứa trẻ. Chúng yêu ông như người ông ruột thịt.
Ông là người kín tiếng. Ông ít kể về mình. Như thể ông không muốn nhìn lại cuộc đời đã bỏ lại sau lưng. Những những người biết ông từ ngoài đời kể rằng ông đã tham gia hai cuộc chiến tranh dài, đánh “dư trăm trận”, theo cách nói ngày xưa, bằng chứng là trên người ông đầy sẹo, dấu vết của những chiến trường ông đi qua. Tóm lại, gần hết cuộc đời ông là ở trong quân ngũ. Theo họ nói, bao giờ cũng thì thầm, thì ông hoàn toàn vô tội. Ông bị bắt chỉ vì vô tình ở trong vị thế nhân chứng cho sự lộng hành của một nhà lãnh đạo quốc gia. Nhà lãnh đạo này càng về già thì căn bệnh bách hại cuồng trong ông ta càng nặng. Ông ta đích thân ra lệnh bắt ông để trừ hậu hoạn. Thế là ông trở thành tù không có án. Người ta không xử ông, nhưng cũng không thả ông. Với những “phần tử nguy hại cho an ninh xã hội”, người ta có quyền làm như thế, mà không ai dám chống lại.Vợ con ông không bị bắt như ông, nhưng trở thành con tin để buộc ông phải im lặng.
Sau nhiều năm bị giam trong xà lim cách ly ông trở thành người mất trí, nói cách khác là dở điên dở dại. Nhờ thế ông mới được cho ra ở trại chung, với những loại tù khác.
Câu chuyện trên được ghi lại theo lời kể của người tù mất trí ấy.
Những câu chuyện hoang đường bao giờ cũng là sản phẩm của một trí nhớ bệnh hoạn hoặc một trí tưởng tượng phong phú. Ông già đã kể lại câu chuyện trên trong một đêm Ba Mươi Tết, tại trại Tân Lập. Nó thuộc một trong những câu chuyện Tết đặc biệt thú vị được nhiều thế hệ tù kể cho nhau nghe trong những đêm trừ tịch. Theo lời ông thì chuyện đó xảy ra với người khác, chúng tôi thì cho rằng chuyện đã xảy ra với chính ông.
Khi chúng tôi hỏi ông rằng với tư cách một người duy vật – ông từng là đảng viên cộng sản – ông có tin rằng con người có linh hồn hay không, thì ông già không trả lời. Đã quen với tính cách ông, không ai gặng làm gì.
Dưới đây là câu trả lời của ông vào một lúc khác, khi chỉ có mình tôi với ông. Chúng tôi ngắm hoàng hôn xuống trên đỉnh núi.
– Tôi không nghĩ rằng có. Nhưng tôi cũng không bảo rằng không. – ông nói – Nếu linh hồn là có thì ở đâu ta cũng có thể gặp nó. Hoặc ít nhất thì cũng thấy được nó khi một số điều kiện được thoả mãn, thí dụ những buổi mưa thâm tối trời, không trăng không sao, như ta thường thấy trong những chuyện ma. Hoặc trong những ngôi nhà bỏ hoang, không người ở, những khúc sông có xoáy nước dữ dội, nơi có nhiều người chết đuối…
Tôi nói với ông rằng tôi cũng không mấy tin ở sự tồn tại của linh hồn. Người ta chết là hết. Chẳng có gì còn lại sau khi sự sống không còn trong thân xác. Khoa học thực nghiệm không thừa nhận linh hồn.
– Tôi thiên về cách anh nghĩ. – ông già nói – Nếu có linh hồn thì thế giới của chúng ta đã tốt hơn nhiều.
– Tại sao?
– Tại vì các linh hồn sẽ không thể chịu được những gì mà khi sống chúng đã phải chịu. Chúng sẽ phải ra tay giúp chúng ta loại trừ ra khỏi đời sống những tên khốn nạn, những tên đê tiện, những con quỷ mang hình người.
– Nhưng câu chuyện kia thì sao?
– Trường hợp ấy khác. Có thể giải thích rằng đó chỉ là những hình ảnh được ghi lại từ giấc mơ hỗn độn mà cơn sốt rét ác tính gây nên trong óc anh bộ đội. Chẳng hạn, anh ta ngất đi trên đường vì sốt cao, và một người con gái có thật đã đưa tôi lên nhà sàn của cô ta. Trong cơn mê man anh ta nhớ láng máng được những hình ảnh ấy, nó thấp thoáng dưới dạng sự thật…
– Cũng có thể giải thích như thế thật. – tôi nói – Sau đó có bao giờ anh bộ đội gặp lại người con gái đó không, trong những giấc mơ chẳng hạn?
– Không. Không một lần nào. Nhưng từ sau câu chuyện ấy anh ta thấy có một cái gì đó như là linh tính, rất lạ, nó báo trước cho anh ta những hiểm nguy.
– Nghĩa là bác vẫn tin rằng chuyện xảy ra với anh bộ đội là có thật?
Ông già im lặng hồi lâu.
– Tôi tin nó có thật.
– Nghĩa là có linh hồn?
Ông gật đầu.
– Linh hồn là một cái gì không thể hiểu được. Linh hồn không có nhu cầu tỏ sự hiện hữu của nó ra với bất kỳ ai. Và nếu như nó có tỏ sự hiện hữu của nó ra thì không phải trong mọi trường hợp đều giống nhau. Phần lớn chuyện ma là chuyện báo oán. Đó là những linh hồn bị nhục mạ, bị hà hiếp, bị đối xử tàn tệ, quay lại dương thế để thực hiện cuộc trả thù, đòi lẽ công bằng… Nhưng với anh bộ đội kia, linh hồn đã hiện ra không như vậy.
– Nó là một cuộc gặp gỡ như trong đời thường..
– Và đẹp, ông ạ. Linh hồn cô gái mà anh bộ đội gặp chính là cái đẹp bị mất sớm. Nó chỉ tồn tại cho những gì tốt đẹp, cho tình yêu chẳng hạn. Trong sự tồn tại của những linh hồn như thế không có chỗ cho những mưu mô bẩn thỉu, những hành động đê tiện. Hãy nhìn lại cái dương thế của chúng ta mà xem. Thật đáng tởm. Có biết bao nhiêu đứa khốn nạn trong đó? Còn cô gái mà anh bộ đội gặp trong đêm ấy, là ma đấy, lại hoàn toàn không thế. Cô ấy chỉ mang lại hạnh phúc.
Tôi bất giác thở dài. Tôi cũng có tâm sự như ông.
– Cô ấy cho mà chẳng đòi gì cả…
Ông già nói.
Vũ Thư Hiên
(1) Vào năm 1946-1947, ở các trạm quân y không có thuốc nào khác để chữa bệnh sốt rét do muỗi Anopheles minimus truyền từ người này qua người khác.
(DCV Online)
Anh đi, suy nghĩ miên man. Những ý nghĩ rối rắm, mung lung, chẳng cái gì ăn nhập với cái gì. Mỗi khi dòng chảy của chúng đột nhiên đứt quãng, khi đầu anh hoàn toàn trống rỗng, anh nghe rõ hơi thở của phì phò nóng hổi nơi môi trên, và, như tiếng bước chân của người khác, tiếng dép của anh đều đều đạp trên mặt đường – soạt, soạt… soạt, soạt…
Cứ thế, không ngừng.
Con đường đá răm luồn lách trong những vạt rừng già, ẩm ướt và tăm tối ngay giữa ban ngày. Nó uốn khúc vắt qua những đồi những núi nhấp nhô và rừng nguyên sinh rậm rạp. Ban đêm, trong những khu rừng ấy sương mù đặc và nặng bốc lên hạ xuống làm thành một thứ mưa không ra mưa. Thỉnh thoảng những giọt vừa kịp đọng của thứ mưa sương ấy lại từ tán lá âm thầm rơi xuống thảm cỏ ướt sũng lá mục.
Anh lính thầm trách mình khờ. Lẽ ra, như người ta, trước khi chiều xuống anh phải tìm một đơn vị bộ đội nào đó, hoặc một trạm thu dung nào đó, để tá túc một đêm. Thời kháng chiến, ở đâu chả tìm được nơi có bộ đội. Người ta sẽ xếp cho anh một chỗ ngủ, và chưa chừng sẽ có một bữa ngon lành sáng hôm sau. Nhưng anh lại cứ nhất quyết đi cơ, mặc những lời gàn quẩy của những người ở trạm giao liên cuối cùng anh vừa rời bỏ.
Chao ôi, chỉ tại anh bốc đồng khoái trá với một ý nghĩ chợt đến – một chuyến đi vào ba mươi Tết, đi xuyên khoảng thời gian mang mốc phân cách, đi từ năm này sang năm khác. Như một thách thức lãng mạn, như một cử chỉ bướng bỉnh. Xét cho cùng, nó là một hành động dở hơi, chẳng có ích gì, kể cả cho chính anh.
Giá phải trả là giờ đây anh sẽ cứ phải đi mãi thế này, suốt đêm, không nghỉ, không ngủ. Cứ thế đi. Anh đã trót đi mất rồi. Thế là sẽ chẳng có một chỗ để ngả lưng, dù chỉ vài giờ, trong đêm lạnh.
Anh bắt đầu ân hận với quyết định gàn dở của mình từ khi bắt gặp cái tĩnh mịch đặc biệt của con đường dằng dặc, khi ánh mặt trời vàng ệch cuối cùng tắt hẳn trên đỉnh núi cao nhất.
Vào lúc này mới đi tìm một chỗ trú chân thì đã quá muộn. Dọc đường anh chỉ gặp, rất thưa thớt, những hàng quán cửa đóng then cài im ỉm hoặc trống huếch trống hoác.
Người lính đã mỏi chân lắm khi leo lên tới đỉnh một con dốc. Trong vòng chục cây số anh vừa đi qua không có lấy một ngôi nhà. Đang thất thểu lê từng bước đổ dốc, anh bỗng thấy trước mặt, trong sương mù trắng đục, một ánh lửa thấp thoáng. Sương mù mỗi lúc một dày đặc, thành thử ánh lửa cứ chập chờn, le lói, khi xa khi gần. Có thể nó ở ngay chân dốc, mà cũng có thể rất xa.
Thôi được, mình sẽ tới đó, sẽ lẳng lặng ngồi xuống hè ngôi nhà nọ, ở đầu hồi, ở chái, ở chỗ nào cũng được, có điều mình phải thật nhẹ nhàng, không làm kinh động chủ nhà, anh tự nhủ. Có nhà là có hơi ấm, là tốt rồi – mình có thể dựa vào vách mà chợp mắt một lúc, chỉ một lúc thôi.
Đêm trừ tịch, chẳng ai muốn đón ai vào nhà mình, người lính biết điều đó lắm. Người trong nhà cũng chẳng tưởng tượng trong đêm cuối cùng của một năm lại có kẻ điên khùng lang thang trên đường, như anh.
Anh là người lính. Là người xông nhà không ai chờ đợi – phúc không, lộc không, thọ cũng không nốt – ai có thể nói chắc điều gì sẽ đến với kẻ ngày mai ra trận?
Hoá ra ánh lửa không phải phát ra từ một ngôi nhà nhỏ kiêm quán hàng ở ven đường, như những ngôi nhà anh thường gặp. Nó le lói sâu tít tắp trong rừng, thoáng hiện thoáng mất qua cành lá rậm rịt. Người lính chặc lưỡi, quyết định rẽ vào. Một con đường mòn, rất hẹp, hai bên um tùm lau lách dẫn anh tới ánh lửa ấy. Nhưng anh đi mãi, đi mãi vẫn không thấy nó đâu. Cái trò chơi của lửa đêm anh đã biết, thấy nó đấy, tưởng là rất gần, hoá rất xa.
Cuối cùng rồi anh cũng tới được chỗ ánh lửa. Nó hắt ra từ bên trong một ngôi nhà sàn. Anh không nhìn rõ ngôi nhà, nhưng đã nghe tiếng gió thổi u u trong những miệng bắng nước làm bằng thân vầu. Người ta thường đặt những bắng nước ở ngay dưới chân thang dẫn lên nhà sàn. Những cái bắng rỗng, anh nghĩ. Nếu trong bắng đầy nước, tiếng kêu sẽ không như thế. Không thấy tiếng trâu thở phì phò, tiếng lợn ủn ỉn bên dưới. Yên lặng hoàn toàn.
Như thế này thì còn biết ngả lưng vào đâu cơ chứ? Nhà sàn vốn không hè, không chái. Sương xuống nhiều, bên dưới chỗ nào cũng ướt nhoẹt.
Anh đã thấm mệt. Chẳng biết bây giờ là mấy giờ – anh không có đồng hồ – nhưng chắc đã rất khuya. Người trong nhà, nếu họ có ở đấy, thì đã ngủ say. Ngoài tiếng u u của những bắng nước, anh nghe tiếng kẽo kẹt của cái “xe cọn” già lão đâu đó quay đều đặn, rất gần, và tiếng nước dào dạt đổ xuống máng.
Người lính còn đang phân vân chưa biết tính sao thì ánh lửa trong nhà bỗng lay động, nó di chuyển chầm chậm về phía đầu thang.
– Anh bộ đội hả?
Tiếng một cô gái. Làm sao cô ta có thể nhìn thấy mình trong đêm tối thế này? Làm sao cô ta có thể đoán biết mình là bộ đội chứ không phải một khách bộ hành lạc lối?
– Chào cô. – anh đằng hắng rồi lên tiếng – Tôi thấy ánh lửa từ xa…
Anh định nói vì sao anh tới đây, nhưng rồi anh nín lặng. Giải thích thế nào cho cái sự có mặt dớ dẩn này?
– Khuya rồi lố, anh bộ đội à! – cô gái nói bằng giọng vui vẻ – Lên đi, đừng có ngại.
Người lính ngần ngừ một giây rồi xốc ba lô, thận trọng đặt chân lên bậc thang. Những thanh gỗ kêu lên khe khẽ dưới mỗi bước chân.
Cô gái nhấc cao thêm đĩa đèn để soi đường cho anh. Nhưng không có ánh đèn còn hơn, bị loá mắt anh không nhìn thấy gì dưới chân mình.
Khi người lính đã bước hẳn vào trong nhà, cô gái mới đặt đĩa đèn xuống sàn.
Người lính giật mình
Cô gái mới xinh đẹp làm sao!
Gương mặt trắng, hơi xanh; đôi mắt đen láy mở to, chúng xa nhau một khoảng cách nhiều hơn bình thường; món tóc mai đen nhánh buông lơi xuống má; tất cả những cái đó làm cho vẻ chất phác của cô trở thành hơi man dại, khác người. Anh cảm thấy bàng hoàng trước sắc đẹp ấy. Nó lôi cuốn lạ thường.
Thấy người lính chăm chú nhìn mình, cô gái bẽn lẽn cúi mặt, làm bộ bận khêu bấc.
Anh cũng lúng túng cúi xuống nhìn cái đĩa đèn. Ở quê anh không có thứ dầu cọ đen kịt vừa toả sáng vừa bốc khói ngùn ngụt thế kia. Anh say sưa ngắm cô, dù anh biết cái nhìn của mình thật suồng sã.
– Anh có mệt không, anh bộ đội?
Anh mỉm cười. Thay cho câu trả lời, anh chỉ gật đầu. Anh không nói nên lời. Anh cảm thấy trong lòng một niềm vui khó tả. Cuộc gặp gỡ bất ngờ làm anh bàng hoàng. Mới trước đó ít phút anh còn loay hoay tìm một chỗ nghỉ cho đôi chân mỏi nhừ, anh thực sự không muốn làm phiền chủ nhà, thế mà đùng một cái tình thế bỗng thay đổi, anh bỗng được hưởng cái anh không hề chờ đợi – một sự đón tiếp thật ấm áp, chân tình. Giọng nói hơi líu lo, như tiếng chim, âm sắc đặc biệt của người miền núi, rất hồn nhiên, vui vẻ, chứng tỏ cô cũng mừng thấy anh đến.
– Anh có đói không? Hả? – cô hỏi – Có xôi trong gùi kia, em lấy anh ăn nhé? Đừng làm khách.
– Để anh nghỉ một lát đã. – anh vào giọng với cô, cũng rất thân mật, tự nhiên, không có bóng dáng một chút cố ý nào, như họ từng quen biết – Mọi người trong nhà đi đâu vắng?
– Không có ai đi đâu lố. Em ở một mình thôi.
– Vậy sao?
Người lính nhìn quanh. Trong ánh sáng mờ mờ và luôn lay động của đĩa đèn, anh thấy trong góc nhà chăn đệm vẫn xếp ngay ngắn. Nghĩa là cô gái chưa ngủ. Mà trời thì đã khuya quá rồi.
– Anh có lạnh không?
Nghe hỏi anh mới nhận ra là trong nhà sàn lạnh thật. Cái lạnh bắt đầu ngấm vào da thịt khi thân thể nóng bừng được nghỉ ngơi. Bếp lửa thì tắt ngấm.
– Anh nhóm lửa đi!
Cô gái nhanh nhảu đặt mấy cành khô vào bếp ở giữa nhà cho anh. Người lính lúi húi châm lửa. Một lúc lâu sau lửa mới bén. Củi không nỏ, châm rất khó. Bếp toả khói mù mịt.
– Sao anh không ở nhà đêm nay?
– Anh thích thế. Chẳng ai lại không ở nhà để đi trong đêm như đêm nay. Vì thế anh đi. Cả ngày. Cả đêm.
Cô gái cười tươi. Đôi mắt ướt, đậm màu đêm, loáng lên trong ánh lửa lay động.
– A lúi, anh lạ lắm. Buồn cười nữa.
– Thế à?
– Chứ còn gì. Bây giờ em lấy cơm anh ăn nhá?
– Ừ.
– Rồi em sửa soạn cho anh ngủ. Đi cả ngày chắc anh mệt lắm?
Người lính đau đáu nhìn cô. Anh như bị thôi miên. Anh ngây ngất trước gương mặt chất phác sáng ngời của cô. Sao lại có người đẹp đến thế?!
– Anh hết mệt rồi. – người lính nói – Anh cứ nghĩ rằng anh sẽ phải đi suốt đêm cơ đấy.
– Sao thế?
– Thì anh biết ngủ nhờ ở đâu? Gặp được em thật là may.
Cô gái lấy que cời cho lửa bùng lên.
– Em cũng may. Đêm nay em không phải ở một mình.
Cô đứng lên, với tay lên cái gùi treo trên cột, lấy một nắm cơm nếp đưa cho anh.
– Anh ăn nhạt vậy. Nhà hết sạch thức ăn. Muối cũng không còn một hạt.
– Anh có mang theo muối đây. Anh để lại cho em một ít nhá?
– Rồi anh lấy gì ăn?
Nắm cơm lạnh, có những mảng khô cứng. “Ăn thế này mà chịu được, chán chết. – anh nghĩ – Không hiểu sao người ta có thể quen được một thứ cơm như thế?” Nhưng rồi anh cũng ăn hết được nắm cơm ấy, để chiều lòng cô gái hơn vì đói. Trên đường anh đã ăn lương khô mang theo.
– Anh có nhớ nhà không anh? – cô gái bó gối nhìn anh nhặt nốt mấy hạt cơm dính trên bàn tay bỏ vào miệng – Anh cứ đi suốt thế à?
– Nhớ chứ sao không. Việc phải đi thì đi.
– Việc cần lắm à?
– Cần chứ.
– Việc gì cần thế? – cô gái hỏi, rồi bụm miệng, kêu lên – A lúi, không được hỏi thế. Bí mật mà.
Người lính tủm tỉm cười. Anh nhìn cô như người anh lớn nhìn cô em gái bé bỏng, nghịch ngợm.
Cô gái cứ nhìn anh mà cười mãi không thôi. Anh cũng cười, vô nghĩa như cô. Khi cả hai cùng cười vô nghĩa anh thấy mọi vật quanh anh tươi sáng hẳn lên, và trong tâm hồn anh có một trạng thái nhẹ nhõm chưa từng thấy. Anh như bay bổng lên trong một khoảng không kỳ lạ, giống như trong một giấc mơ.
Anh vụt tỉnh khi nghe cô gái nói:
– Em dọn chỗ cho anh ngủ nhé? Anh đi rửa tay chân đi. Nước ở đầu thang ấy.
Nước lạnh làm anh rùng mình. Bầu trời đen kịt. Anh không nhìn thấy nó. Có thể đó là do ngôi nhà nằm dưới những cây cổ thụ mà tán lá của chúng đã che khuất tất cả.
Trong nhà, cô gái đã trải đệm cho anh. Tấm chăn bông đăt ngay ngắn ở bên gối.
Người lính ngồi xuống bên bếp. Lửa thôi cháy, nhưng than hồng rất đượm. Ánh sáng của than làm cho mặt cô gái hồng hẳn lên, đôi mắt càng long lanh.
– Còn em, em nằm đâu?
– Em không ngủ. Em chán ngủ lắm. Em ngủ suốt ấy mà. Ngủ thì có gì thú vị đâu.
– Nhưng ai cũng phải ngủ. Để lấy lại sức chứ.
– Không phải thế đâu. Khi ngủ nhiều, nhiều thật nhiều, người ta sẽ chán. Chán lắm ấy, anh không biết nó chán đến thế nào đâu, anh không biết được.
– Nếu em thức, còn anh ngủ, thì còn ra làm sao?
– Ngủ đi. Anh thức không nên đâu.
Anh đứng lên. Cô gái nhìn anh không rời. Anh cũng nhìn sâu vào mắt cô, đôi mắt như không có lòng trắng, sâu thẳm, như bầu trời trong đêm nay.
Đôi mắt đen ấy cuốn hút anh với một sức mạnh không sao cưỡng nổi. Từng chút một, rất chậm, anh nhích lại gần. Rồi ôm choàng lấy cô, anh thận trọng đặt lên đôi mắt quyến rũ một cái hôn thật nhẹ. Cô không chống lại, để mặc anh muốn làm gì thì làm. Miệng cô hé mở trong một nụ cười ngơ ngác. Chỉ tới khi môi anh chạm vào môi cô, cô mới hơi vùng ra, như sửng sốt, vì không quen, chứ không phải vì không bằng lòng. Anh ôm lấy cô, bế bổng cô lên. Trong tay anh cô gái nhẹ bỗng, như không có trọng lượng. Môi cô mềm và ướt. Anh ngửi thấy hương thảo nguyên trên da mặt cô. Hơi thở của cô như có mùi lạc tiên thoang thoảng, thứ cây mọc ven mọi con đường.
Người lính đặt cô nằm xuống nơi cô dọn cho anh nằm.
Rồi vừa ôm chặt cô bằng một tay anh vừa dùng tay kia tung tấm chăn phủ lên hai người.
– Đừng, anh!
– Tại sao lại đừng? – anh thì thầm, hổn hển.
– Hại cho anh lắm lố. – cô ôm chặt anh, một tay đặt lên ngực anh như muốn đẩy anh ra, nhưng là bàn tay ngập ngừng – Hại đấy! Đừng, anh ơi!
– Không, anh không sợ…
Cô đột nhiên mềm nhũn trong tay anh. Một phút sau, họ quấn chặt lấy nhau không rời. Trong tột cùng hạnh phúc.
Người lính tỉnh dậy vì một tia nắng lọt qua cửa sổ chiếu vào mặt. Anh sửng sốt – không phải là ngôi nhà sàn đêm qua, không có người con gái ở bên cạnh. Anh còn nhớ, rất rõ, với cảm giác hạnh phúc, khi cô vuốt ve anh như dìu anh vào giấc ngủ sâu, thanh bình. Anh nhớ hơi thở đều đặn của cô ở bên anh, ngực cô phập phồng dưới tay anh như thế nào.
Một người con gái mặc áo blu trắng mừng rỡ kêu lên:
– Đồng chí ấy tỉnh lại rồi!
Mấy người khác, cũng trong áo blu trắng, mũ vải trắng, đang bận bịu ở cuối phòng thì nghe tiếng kêu của cô, họ vội vã đi tới.
– Đây là đâu? – anh nắm lấy tay cô y tá, hỏi bằng giọng yếu ớt đến nỗi chính anh không nhận ra – Cô ấy đâu?
– Đây là trạm quân y X. Đồng chí hỏi ai? – cô gái ngạc nhiên nhìn anh – Cô nào?
Anh cũng ngơ ngác nhìn lại cô:
– Cô gái cho tôi ngủ nhờ ấy. Mà trước hết, xin cô nói cho tôi biết: tại sao tôi lại ở đây?
Một người đứng tuổi, ống nghe đeo trước ngực, ngồi xuống bên anh, vạch mi mắt anh, bắt anh thè lưỡi ra để quan sát, nói tóm lại, làm công việc khám bệnh cho anh. Chắc là một bác sĩ điều trị. Ông ta điềm đạm nói với y tá:
– Anh ấy chưa tỉnh hẳn đâu. Cô cho thuốc tiếp tục theo đơn tôi đã ghi.
Cô y tá lo lắng nhìn anh. Vậy mà cô tưởng anh đã tỉnh.
Theo sau bác sĩ là mấy người trẻ. Họ vây quanh giường anh, chăm chú nghe bác sĩ nói, quan sát anh không rời.
– Trường hợp tiêu biểu của sốt rét ác tính, không có gì lạ. – người đứng tuổi giải thích – Các anh nhớ lấy: bệnh nhân dường như tỉnh lại sau những cơn sốt cao và hôn mê, tức là có vẻ tỉnh nhưng lại không nhận ra thực tại, hoặc tiếp nhận thực tại một cách lệch lạc.
– Tức là cơn mê còn kéo dài? Tác động của accès pernicieux lên não bộ, thưa thầy? Liệu nó có để lại di chứng xấu cho hệ thần kinh?
– Không. Không thấy có di chứng xấu cho hoạt động của vỏ não… Ít nhất thì cũng chưa có trường hợp nào như thế được ghi nhận ở những bệnh nhân nặng nhưng sống sót.
– Như ca này, nếu như lúc ấy chúng ta không có Quinoforme? Thì có thể dùng cái gì thay thế, thưa thầy? – một thanh niên hỏi ông ta.
– Mọi thứ thuốc có chứa quinine, liều rất cao. – ông ta nói – Ngành dược chưa chế được thứ thuốc nào khác(1). Còn thứ biệt dược có tên là May Mắn thì chẳng bao giờ loài người chế tạo được.
– Tức là có những ca nặng chỉ có thể nhờ Trời, thưa thầy?
– Đúng thế.
Bác sĩ rời giường anh để tới những giường khác. Những người học trò líu ríu theo chân ông.
Người lính rụt rè nhắc lại câu hỏi khi cô y tá đỡ anh ngồi dậy để uống thuốc:
– Tôi tỉnh rồi, tôi tỉnh thật rồi mà. Cô làm ơn cho tôi biết đi: tại sao tôi ở đây?
– Anh bị sốt cao, bất tỉnh. – cô ta nhỏ nhẹ kể – Họ cáng anh lại đây, may mà họ biết ở đây có trạm quân y…
– Họ là ai? Có phải là một cô gái?
– Không phải. – cô y tá lắc đầu – Một người đàn ông, già rồi. Và em trai ông ta.
– Lúc họ cáng tôi đến, cô có đấy không?
Cô y tá nhoẻn cười. Cô cũng khá xinh. Da trắng hồng. Có một cái răng khểnh. Một lúm đồng tiền. Một cô gái rất đồng bằng.
– Lúc ấy em trực. Anh có biết anh mê man bao nhiêu ngày rồi không?
Người lính lắc đầu. Anh không nhớ gì hết sau đêm ấy. Có một màn sương bao phủ những gì vừa xảy ra với anh. Anh láng máng nhớ tới cảm giác đung đưa, tiếng khóc thổn thức của ai đó, hình như của cô gái có đôi mắt đen tuyền. Cái mà anh nhớ rõ là đêm Ba Mươi Tết, trong rừng sâu, trên ngôi nhà sàn.
– Họ mang anh đến trưa Mồng Một. Hôm nay Mồng Bốn. Coi như hết Tết. Anh thiệt quá.
– Coi như hết Tết! – anh máy móc nhắc lại – Cô có biết người đàn ông mang tôi tới là ai không?
Cô y tá lắc đầu.
– Không. Ông ta giao cho trạm cả ba lô của anh. Anh tỉnh rồi thì xem có thiếu gì không? Chắc không thiếu gì đâu. Người ở đây thực thà lắm.
Người lính suy nghĩ. Rồi ngần ngừ, anh hỏi tiếp:
– Ông ấy có nói tìm thấy tôi ở đâu không?
Co y tá gật đầu:
– Có. Có chứ.
– Ở đâu?
– Ông ta nói: con gái ông ta báo cho ông ta biết lúc tảng sáng Mồng Một. Rằng ông phải đến ngay để cứu một anh bộ đội.
– Đến đâu?
– Chỗ con gái ông ấy.
– Con gái ông ấy?
– Phải.
– Tại sao cô ấy không đi cùng?
Cô y tá nhoẻn cười.
– Làm sao cô ấy đến được?
– Tại sao lại không đến được?
Cô y tá nhìn anh, ngạc nhiên một thoáng:
– Cô ấy có phải người sống đâu. Ông già tin nhảm. Ông ấy bảo ông ấy tìm được anh đang sốt mê man là nhờ hồn con gái ông ấy về báo mộng.
– Nhưng… – anh chồm về phía cô – Tôi, tôi…
– Gượm, em kể cho mà nghe. Con gái ông ấy chết đã ba tháng rồi. Khi cô ấy chết, bố mẹ cô ấy để cho cô ấy ở một nhà riêng, có chia của hẳn hoi, tức là có chăn chiếu, nồi niêu… đủ cả, như lúc còn sống. Tục lệ của họ thế.
Người lính rùng mình.
– Anh biết không, khi có người chết thì người ta bổ đôi một thân cây, bỏ xác chết vào trong, lấy nhựa trám trét kín, rồi dựng ở góc nhà…
– Thế à?
– Nghe người ta nói vậy, chứ em chưa thấy. Khiếp chết đi được.
Người lính vốn không tin chuyện ma quỷ. Nhưng câu chuyện cô y tá kể lại làm cho anh bất giác nhớ đến ngôi nhà sàn. Nó trống tuềnh trống toàng, không có sự bừa bộn tất phải có nơi có người ở. Khi lửa bếp cháy sáng anh quả có thấy một cái gì đó giống như một cây gỗ tròn dựng trong góc tối. Chẳng lẽ tất cả chỉ là một giấc mơ trong cơn sốt?
Anh nhắm mắt lại, hình dung gương mặt cô gái trong đêm, khi đĩa đèn đã tắt, than hồng đã lụi. Trong bóng tối gần như hoàn toàn đôi mắt đen của cô vẫn lấp lánh một cách kỳ lạ. Nhưng đó đôi mắt ấy không phải, và không thể là đôi mắt ác.
Trong đôi mắt ấy, khi cô nhìn anh, chan chứa tình yêu.
Người lính trong đêm ấy khi kể lại câu chuyện này cho các bạn tù đã là một ông già. Tính tình hoà nhã, độ lượng, của ông làm cho các tù nhân ở gần rất mến ông. Đặc biệt là những đứa trẻ. Chúng yêu ông như người ông ruột thịt.
Ông là người kín tiếng. Ông ít kể về mình. Như thể ông không muốn nhìn lại cuộc đời đã bỏ lại sau lưng. Những những người biết ông từ ngoài đời kể rằng ông đã tham gia hai cuộc chiến tranh dài, đánh “dư trăm trận”, theo cách nói ngày xưa, bằng chứng là trên người ông đầy sẹo, dấu vết của những chiến trường ông đi qua. Tóm lại, gần hết cuộc đời ông là ở trong quân ngũ. Theo họ nói, bao giờ cũng thì thầm, thì ông hoàn toàn vô tội. Ông bị bắt chỉ vì vô tình ở trong vị thế nhân chứng cho sự lộng hành của một nhà lãnh đạo quốc gia. Nhà lãnh đạo này càng về già thì căn bệnh bách hại cuồng trong ông ta càng nặng. Ông ta đích thân ra lệnh bắt ông để trừ hậu hoạn. Thế là ông trở thành tù không có án. Người ta không xử ông, nhưng cũng không thả ông. Với những “phần tử nguy hại cho an ninh xã hội”, người ta có quyền làm như thế, mà không ai dám chống lại.Vợ con ông không bị bắt như ông, nhưng trở thành con tin để buộc ông phải im lặng.
Sau nhiều năm bị giam trong xà lim cách ly ông trở thành người mất trí, nói cách khác là dở điên dở dại. Nhờ thế ông mới được cho ra ở trại chung, với những loại tù khác.
Câu chuyện trên được ghi lại theo lời kể của người tù mất trí ấy.
Những câu chuyện hoang đường bao giờ cũng là sản phẩm của một trí nhớ bệnh hoạn hoặc một trí tưởng tượng phong phú. Ông già đã kể lại câu chuyện trên trong một đêm Ba Mươi Tết, tại trại Tân Lập. Nó thuộc một trong những câu chuyện Tết đặc biệt thú vị được nhiều thế hệ tù kể cho nhau nghe trong những đêm trừ tịch. Theo lời ông thì chuyện đó xảy ra với người khác, chúng tôi thì cho rằng chuyện đã xảy ra với chính ông.
Khi chúng tôi hỏi ông rằng với tư cách một người duy vật – ông từng là đảng viên cộng sản – ông có tin rằng con người có linh hồn hay không, thì ông già không trả lời. Đã quen với tính cách ông, không ai gặng làm gì.
Dưới đây là câu trả lời của ông vào một lúc khác, khi chỉ có mình tôi với ông. Chúng tôi ngắm hoàng hôn xuống trên đỉnh núi.
– Tôi không nghĩ rằng có. Nhưng tôi cũng không bảo rằng không. – ông nói – Nếu linh hồn là có thì ở đâu ta cũng có thể gặp nó. Hoặc ít nhất thì cũng thấy được nó khi một số điều kiện được thoả mãn, thí dụ những buổi mưa thâm tối trời, không trăng không sao, như ta thường thấy trong những chuyện ma. Hoặc trong những ngôi nhà bỏ hoang, không người ở, những khúc sông có xoáy nước dữ dội, nơi có nhiều người chết đuối…
Tôi nói với ông rằng tôi cũng không mấy tin ở sự tồn tại của linh hồn. Người ta chết là hết. Chẳng có gì còn lại sau khi sự sống không còn trong thân xác. Khoa học thực nghiệm không thừa nhận linh hồn.
– Tôi thiên về cách anh nghĩ. – ông già nói – Nếu có linh hồn thì thế giới của chúng ta đã tốt hơn nhiều.
– Tại sao?
– Tại vì các linh hồn sẽ không thể chịu được những gì mà khi sống chúng đã phải chịu. Chúng sẽ phải ra tay giúp chúng ta loại trừ ra khỏi đời sống những tên khốn nạn, những tên đê tiện, những con quỷ mang hình người.
– Nhưng câu chuyện kia thì sao?
– Trường hợp ấy khác. Có thể giải thích rằng đó chỉ là những hình ảnh được ghi lại từ giấc mơ hỗn độn mà cơn sốt rét ác tính gây nên trong óc anh bộ đội. Chẳng hạn, anh ta ngất đi trên đường vì sốt cao, và một người con gái có thật đã đưa tôi lên nhà sàn của cô ta. Trong cơn mê man anh ta nhớ láng máng được những hình ảnh ấy, nó thấp thoáng dưới dạng sự thật…
– Cũng có thể giải thích như thế thật. – tôi nói – Sau đó có bao giờ anh bộ đội gặp lại người con gái đó không, trong những giấc mơ chẳng hạn?
– Không. Không một lần nào. Nhưng từ sau câu chuyện ấy anh ta thấy có một cái gì đó như là linh tính, rất lạ, nó báo trước cho anh ta những hiểm nguy.
– Nghĩa là bác vẫn tin rằng chuyện xảy ra với anh bộ đội là có thật?
Ông già im lặng hồi lâu.
– Tôi tin nó có thật.
– Nghĩa là có linh hồn?
Ông gật đầu.
– Linh hồn là một cái gì không thể hiểu được. Linh hồn không có nhu cầu tỏ sự hiện hữu của nó ra với bất kỳ ai. Và nếu như nó có tỏ sự hiện hữu của nó ra thì không phải trong mọi trường hợp đều giống nhau. Phần lớn chuyện ma là chuyện báo oán. Đó là những linh hồn bị nhục mạ, bị hà hiếp, bị đối xử tàn tệ, quay lại dương thế để thực hiện cuộc trả thù, đòi lẽ công bằng… Nhưng với anh bộ đội kia, linh hồn đã hiện ra không như vậy.
– Nó là một cuộc gặp gỡ như trong đời thường..
– Và đẹp, ông ạ. Linh hồn cô gái mà anh bộ đội gặp chính là cái đẹp bị mất sớm. Nó chỉ tồn tại cho những gì tốt đẹp, cho tình yêu chẳng hạn. Trong sự tồn tại của những linh hồn như thế không có chỗ cho những mưu mô bẩn thỉu, những hành động đê tiện. Hãy nhìn lại cái dương thế của chúng ta mà xem. Thật đáng tởm. Có biết bao nhiêu đứa khốn nạn trong đó? Còn cô gái mà anh bộ đội gặp trong đêm ấy, là ma đấy, lại hoàn toàn không thế. Cô ấy chỉ mang lại hạnh phúc.
Tôi bất giác thở dài. Tôi cũng có tâm sự như ông.
– Cô ấy cho mà chẳng đòi gì cả…
Ông già nói.
Vũ Thư Hiên
(1) Vào năm 1946-1947, ở các trạm quân y không có thuốc nào khác để chữa bệnh sốt rét do muỗi Anopheles minimus truyền từ người này qua người khác.
(DCV Online)
Không có nhận xét nào