Ba chuyên gia về quan hệ quốc tế nói
với VOA rằng Việt Nam sẽ được coi là “nhân tố quan trọng” trong kiến tạo
hòa bình và trở thành “tâm điểm của thế giới”, nếu các bên liên quan
chính thức chọn đất nước Đông Nam Á làm chủ nhà cho hai cuộc gặp thượng
đỉnh giữa tổng thống Mỹ với lãnh đạo Triều Tiên và Trung Quốc vào cuối
tháng 2.
Đoàn xe của Tổng thống Trump được người dân Đà Nẵng nồng nhiệt chào đón hồi tháng 11/2017 |
Tin
tức dồn dập trong những ngày đầu tháng 2 của CNN và VOA, dẫn các nguồn
thạo tin, cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh tụ Triều Tiên Kim
Jong Un có kế hoạch gặp nhau lần 2 ở Đà Nẵng. Ngoài ra, báo Bưu Điện Hoa
Nam Buổi Sáng có tin nói ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
cũng cân nhắc sẽ gặp lại nhau ở Việt Nam.
Hai
cuộc gặp được dự báo sẽ diễn ra riêng rẽ nhưng tiếp nối sát nhau trong
khoảng 3 ngày cuối cùng của tháng 2, theo các bản tin của 3 cơ quan báo
chí.
Trong
một cuộc trả lời phỏng vấn được phát trên kênh CBS ở Mỹ hôm 3/2, Tổng
thống Trump nói ngày giờ và địa điểm của cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông
và lãnh tụ Triều Tiên “đã được nhất trí”, và có thể sẽ được công bố
trước hoặc trong bản Thông điệp Liên bang mà ông sẽ đọc hôm 5/2.
Mặc
dù vẫn còn chờ lời công bố chính thức từ các bên liên quan, song lúc
này, hai nhà nghiên cứu kỳ cựu và một nhà bình luận uy tín nói với VOA
rằng họ không ngạc nhiên một khi Việt Nam được chọn làm chủ nhà cho sự
kiện được cả thế giới chú ý tới.
Tiến
sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc viện nghiên cứu về Đông Nam Á ISEAS Ysop Ishak
đặt tại Singapore, chỉ ra rằng Việt Nam có quan hệ ngoại giao với cả Mỹ
và Triều Tiên, hai nước đều có đại sứ quán tại Hà Nội, nhờ đó, họ có thể
phối hợp suôn sẻ với nước chủ nhà để chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh.
Bên
cạnh đó, bản thân Tổng thống Trump đã đến Đà Nẵng dự hội nghị APEC vào
tháng 11/2017, dường như ông đã có ấn tượng tốt về hạ tầng cơ sở ở đó
phục vụ cho các cuộc gặp cấp cao, theo tiến sĩ Hợp.
Nhà
bình luận Nguyễn Đại Phượng, nguyên Trưởng ban Tin Quốc tế, báo Tiền
Phong, có chung đánh giá như tiến sĩ Hợp, và bổ sung thêm rằng vị trí
địa lý của Đà Nẵng thích hợp để chuyên cơ IL-62M của ông Kim Jong Un có
thể bay thẳng từ Pyongyang đến, một yếu tố an ninh quan trọng đối với
ông Kim.
Nhưng
lý do quan trọng hơn để hai nhà lãnh đạo nước ngoài chọn Việt Nam, theo
tiến sĩ Hợp, có thể là ông Trump muốn ông Kim nhìn thấy sự phát triển
của Việt Nam như một ví dụ tham khảo về việc một nước từng là kẻ thù, có
chiến tranh với Mỹ song nay đã trở thành đối tác toàn diện và phát
triển các quan hệ ngoại giao, kinh tế tốt đẹp với Mỹ ra sao.
Với
cách nhìn của ông Hợp, Tổng thống Trump dường như có những hàm ý khi
chọn Đà Nẵng, nơi quân Mỹ đã đổ bộ lần đầu thời chiến tranh Việt Nam,
rồi trở thành một căn cứ quân sự lớn của Mỹ, và nay là một thành phố
hiện đại, sầm uất, tươi đẹp.
Trong
khi đó, về phía Triều Tiên, tiến sĩ Hợp nhận định rằng bản thân lãnh tụ
Triều Tiên có thể cũng muốn nhân cuộc họp với ông Trump để gặp lãnh đạo
Việt Nam và tham vấn về những điều có ích cho Triều Tiên.
Trong nửa cuối tháng 1, đã xuất hiện các tin tức cho rằng ông Kim Jong Un sắp thăm Việt Nam.
Ông Hợp nói với VOA:
“Triều
Tiên họ đặt ra vấn đề là nếu họ mở cửa, phi hạt nhân hóa và tiến đến
hòa bình ở Bán đảo Triều Tiên thì họ có thể học bài học nào đó từ Việt
Nam về quá trình đổi mới kinh tế, để giúp họ có một chiến lược, kế hoạch
phát triển Triều Tiên sau thời kỳ này”.
Nhận
định của tiến sĩ Hợp cũng trùng với suy nghĩ của nhà báo Nguyễn Đại
Phượng và tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu
Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, một tổ chức có quan hệ chặt
chẽ với Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ông Trường, từng là một đại sứ của Việt Nam, nói với VOA:
“Về
phía ông Kim có lẽ có dự tính sẽ học tập theo mô hình của Việt Nam để
không chóng thì chầy những vấn đề rắc rối của 60 năm lịch sử để lại sẽ
được giải quyết. Triều Tiên sẽ đi con đường nào, theo định hướng nào để
xây dựng kinh tế đồng thời vẫn giữ quyền lãnh đạo của Đảng Lao động
Triều Tiên của dòng họ ông Kim? Cho nên đến Việt Nam có thể là nhất cử
lưỡng tiện đối với ông Kim”.
Các
ông Hà Hoàng Hợp, Nguyễn Ngọc Trường và Nguyễn Đại Phượng đều nhất trí
rằng một khi có tuyên bố chính thức rằng Việt Nam là chủ nhà của cuộc
gặp thượng đỉnh Trump-Kim, và có thể là cả thượng đỉnh Trump-Tập, điều
đó sẽ là bước nhảy vọt về vị thế và hình ảnh của Việt Nam.
Tiến
sĩ Hợp và tiến sĩ Trường nhấn mạnh đến việc đây là lần đầu tiên Việt
Nam là chủ nhà cho cuộc gặp thượng đỉnh song phương giữa Mỹ, siêu cường
số một thế giới, với một nước khác, mà không nằm trong khuôn khổ một hội
nghị đa phương.
Ấn
tượng về Việt Nam sẽ còn mạnh mẽ hơn, nếu Việt Nam cũng là chủ nhà cho
cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai siêu cường Mỹ, Trung, theo hai
tiến sĩ.
Chủ tịch Trường của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế nói:
“Đây
có thể coi là lần đầu tiên Việt Nam trở thành điểm đến, điểm hẹn của
cuộc gặp cấp cao. Và điều đó cho thấy là Việt Nam ở vào vị trí rất thuận
lợi về địa chính trị và địa chiến lược. Và điều đó rất tốt cho Việt
Nam, bởi vì điều này cũng tạo cú huých cho kinh tế Việt Nam, tạo cú
huých cho tầm nhìn của người Việt Nam trong thời đại Việt Nam đang triển
khai chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế”.
Tiến sĩ Hợp thuộc Viện ISEAS Ysop Ishak bình luận:
“Nó
đánh dấu trình độ quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong việc kiến tạo
các cuộc gặp thượng đỉnh để dẫn đến việc xử lý các vấn đề quan hệ, an
ninh quốc tế, và các quan hệ song phương có thể ảnh hưởng toàn cầu. Nếu
nó diễn ra, đó là một bước tiến của Việt Nam. Nó có lợi cho Việt Nam vì
Việt Nam đã tự mình nâng cao trình độ, vị thế về đối ngoại. Việt Nam có
hình ảnh là đất nước hòa bình, tiến tới những sự phát triển, và mở rộng
về mặt tự do để những nước chưa đạt được mức độ như Việt Nam thì họ nhìn
vào mà đi tới”.
Nguyên Trưởng ban Quốc tế báo Tiền Phong Nguyễn Đại Phượng nhận xét:
“Việc
lựa chọn nếu diễn ra, tôi nghĩ điều này rất tốt cho Việt Nam bởi vì lại
một lần nữa Việt Nam lại trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới.
Việt Nam có cơ hội để thể hiện sự đóng góp của mình cho hòa bình, phát
triển trong khu vực, cũng như muốn bày tỏ thiện chí của mình đối với
chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Một
lần nữa, Việt Nam lại có cơ hội tốt đẹp để quảng bá hình ảnh của mình
trước truyền thông thế giới”.
Nhà
báo có hơn 30 năm kinh nghiệm đề cập thêm đến khía cạnh văn hóa khi ông
cho rằng theo quan niệm tâm linh của người Việt, việc tổng thống của
siêu cường hàng đầu thế giới và lãnh đạo của hai nước quan trọng khác
“xông đất” Việt Nam trong tháng 2, ngay sau Tết, là điều rất tốt lành
đối với Việt Nam.
Theo
thông tin từ cuộc trả lời phỏng vấn được phát trên kênh CBS hôm 3/2,
Tổng thống Trump nói về cuộc gặp sắp tới với Lãnh tụ Kim Jong Un rằng:
“Cuộc gặp đã được chốt lại. Ông ấy [Kim] mong đợi nó. Tôi mong đợi nó”.
Người
phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói với báo giới hôm
24/1 rằng tuy Việt Nam ở thời điểm đó “chưa có thông tin gì” về khả năng
trở thành địa điểm họp thượng đỉnh giữa hai ông Trump, Kim, song đất
nước Đông Nam Á này “rất tự tin” về năng lực tổ chức những sự kiện quốc
tế như vậy.
(VOA)
Không có nhận xét nào