Thượng đỉnh Mỹ-Triều vào hai ngày 27
và 28/02/2019 tại Hà Nội có khả năng kết thúc với một thỏa thuận cho
phép hai bên cùng tuyên bố hài lòng. Thế nào là thành công ? Một chuyên
gia quốc phòng Mỹ, đề ra một số tiêu chuẩn đo lường. Công luận Hàn Quốc
lo ngại phải chăng thật tâm Donald Trump chỉ quan tâm đến an ninh nước
Mỹ.
TT Mỹ Donald Trump (P) họp báo chung với lãnh đạo BTT Kim JongUn, hình ảnh sẽ lại được trông thấy tại Hà Nội vào cuối tháng 2/2019. |
Daniel
De Petris, chuyên gia của viện nghiên cứu quốc phòng Mỹ Defense
Priorities đưa ra một số tiêu chí mà ông gọi là khuôn thước để đánh giá
và dự đóan kết quả thượng đỉnh : Bắc Triều Tiên sẽ hứa vãn hồi hoà bình
nhưng không có cam kết cụ thể phi hạt nhân hóa.
Nước Mỹ trước đã
Chuyên
gia quốc phòng Mỹ cho rằng không nên ảo vọng trông chờ Bình Nhưỡng chấp
nhận giải trừ vũ khí hạt nhân. Trong bài phân tích đăng trên trang mạng
của đài truyền hình Fox News, cơ quan truyền thông bảo thủ được chủ
nhân Nhà Trắng ưa thích, Daniel De Petris lý giải : "Chúng ta cần theo
những tiêu chuẩn hoàn toàn khác để đánh giá thế nào là đàm phán thành
công. Mục tiêu chính trị tối thượng của Hoa Kỳ đối với Bắc Triều Tiên
không phải là phi hạt nhân hóa, mà là hòa bình, an ninh và tương lai có
thể dự báo được tại bán đảo Triều Tiên".
Daniel
De Petris còn xác quyết là thượng đỉnh Trump - Kim lần hai "chỉ có thể
thành công nếu về phía Mỹ, tổng thống Donald Trump không tập trung trên
hồ sơ hạt nhân mà chỉ nhấn mạnh đến việc Bình Nhưỡng cần thiết lập chế
độ chính trị tôn trọng an ninh, hòa bình và thân thiện hơn cũng như có
thái độ dễ tiên đoán hơn". Cụ thể là "nếu Donald Trump rời Việt Nam với
một thỏa thuận, theo đó Kim Jong Un cam kết lật qua trang sử 70 năm xung
khắc hận thù với Mỹ thì xem như tổng thống đạt được thành quả mà các
tổng thống tiền nhiệm không làm được". Bắc Triều Tiên có thể sẽ đồng ý
thực hiện một số biện pháp "phi hạt nhân hóa một phần nào đó và có thể
đảo ngược" khi thấy cần thiết. Trong tình hình hiện nay, không có chuyện
Bình Nhưỡng nhượng bộ nhiều hơn.
Kim
Jong Un, theo chuyên gia Mỹ, trừ phi "điên khùng" mới không thấy Bắc
Triều Tiên thất thế, nghèo, kém phát triển so với những nước hùng mạnh
chung quanh. Do vậy, không có lý do gì mà sau khi tốn kém hàng chục tỷ
đô la và hai đời lãnh đạo để nghiên cứu, chế tạo, cải tiến, phát triển
bom hạt nhân và tên lửa để rồi đổi ý và "dẹp hết".
Để
củng cố lập luận của mình, Daniel De Petris cho là tổng thống Hàn Quốc
Moon Jae In cũng cùng quyết tâm chính trị hoà giải với miền bắc để vãn
hồi hoà bình cho đất nước và an ninh khu vực.
Công luận Hàn Quốc lo âu, Bình Nhưỡng phấn khởi
Tuy
nhiên, nếu tổng thống Mỹ chỉ bằng lòng với kết quả chính trị, để yên
cho Bình Nhưỡng nắm trong tay kho vũ khí chiến lược thì điều này có làm
cho đồng minh Seoul an tâm hay không ?
Theo
bình luận của hãng tin Yohap, các lập luận của chuyên gia Daniel De
Petris dường như để biện minh trước cho thái độ nhượng bộ của tổng thống
Mỹ tại thượng đỉnh theo kịch bản : Donald Trump công nhận Bắc Triều
Tiên là cường quốc hạt nhân, đổi lại, an ninh của Mỹ không bị đe dọa.
Nếu
tại Hà Nội, tổng thống Mỹ không đạt được kết quả cụ thể về kho vũ khí
của Bắc Triều Tiên, thì đây sẽ là kịch bản xấu nhất, là cơn "ác mộng"
đối với Seoul, theo Yonhap.
Trong
khi đó, các cơ quan tuyên truyền của Bình Nhưỡng trong ngày 18/02/2019
đồng loạt kêu gọi dân chúng chuẩn bị đón chờ "diễn tiến mới, một bước
ngoặt lịch sử oai hùng".
Tú Anh
(RFI)
Không có nhận xét nào