Trong thời gian qua, có rất nhiều
thông tin được loan tải về khả năng cả Pháp lẫn Anh đều sắp phái tàu sân
bay của mình đến Biển Đông cùng tham gia nhiệm vụ bảo vệ quyền tự do
hàng hải bên cạnh các hàng không mẫu hạm Mỹ. Thế nhưng, vào ngày
21/02/2019, Paris cho biết là trước mắt khả năng đó sẽ chưa diễn ra,
trong lúc, dưới sức ép của Trung Quốc, nội bộ chính phủ Anh bắt đầu
tranh cãi về kế hoạch triển khai tàu sân bay qua Biển Đông.
Tầu sân bay Charles de Gaulle, ngoài khơi thành phố Toulon, miền nam Pháp, sau 18 tháng nâng cấp. Ảnh chụp ngày 08/11/2018. |
Khả
năng nước Pháp cử chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất đang hoạt động của
mình là chiếc Charles-de-Gaulle qua vùng Thái Bình Dương và Biển Đông đã
được chính bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp gợi lên vào trung tuần tháng
11/2018, với thời điểm triển khai được suy đoán là đầu năm 2019.
Vào
khi ấy, bà bộ trưởng Pháp Florence Parly đã nhấn mạnh rằng Paris « luôn
luôn ở trên tuyến đầu trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải tại các
vùng biển quốc tế ». Đối với bà Parly, « nếu nguyên tắc cơ bản đó của
luật pháp quốc tế bị vi phạm, như trường hợp đang xảy ra tại Biển Đông,
Pháp sẽ thể hiện quyền tự do hành động và lưu thông của mình trong các
vùng biển đó ».
Thế
nhưng, vào ngày 21/02, Quân Đội Pháp đã xác nhận trở lại rằng tàu sân
bay Pháp Charles-de-Gaulle đúng là sẽ lên đường vào khoảng tháng 3 hay
tháng 4 qua làm nhiệm vụ ở châu Á, nhưng chỉ hoạt động ở Ấn Độ Dương, và
ghé Singapore mà thôi, còn Biển Đông không nằm trong kế hoạch.
Theo
đại tá Guillaume Thomas, phó phát ngôn viên Bộ Tham Mưu Quân Đội Pháp,
theo lịch trình, hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle sẽ ghé Địa Trung
Hải, tháng 5 tập trận « Ramsès » với Ai Cập, sau đó qua Ấn Độ Dương,
tham gia cuộc tập trận « Varuna » vào tháng 7 với Ấn Độ. Bên cạnh đó,
tàu sân bay Pháp cũng sẽ thao diễn với Hải Quân Nhật Bản ở Ấn Độ Dương.
Đối
với đại tá Thomas, các khu vực Ấn Độ Dương và Châu Á-Thái Bình Dương
nằm trong các ưu tiên của Pháp, nhưng lần này, kế hoạch hoạt động của
chiếc Charles-de-Gaulle không « dự kiến » đến Biển Đông, nơi mà đòi hỏi
chủ quyền của Trung Quốc trên một số đảo đá đang gây căng thẳng với các
láng giềng Đông Nam Á.
Về
phần Anh Quốc, chỉ mới đây thôi, hôm 11/02, bộ trưởng Quốc Phòng Gavin
Williamson xác nhận rằng Luân Đôn sẽ phái hàng không mẫu hạm HMS Queen
Elizabeth qua vùng Thái Bình Dương và Biển Đông, chở theo một phi đội
chiến đấu cơ F-35 hỗn hợp của cả Anh lẫn Mỹ.
Thời
điểm của việc triển khai này khá xa vời, vì theo kế hoạch tàu sân bay
Anh chỉ chính thức đi vào hoạt động vào năm 2021 mà thôi.
Cho
dù vậy, thông báo của ông Williamson đã khiến Trung Quốc bất bình, và
theo truyền thông Anh, Bắc Kinh đã hủy một cuộc đàm phán thương mại dự
trù với bộ trưởng Tài Chính Anh Hammond để cảnh cáo.
Phát
biểu vào hôm 21/02, ông Hammond đã công nhận rằng tuyên bố của ông
Williamson về ý định triển khai tàu sân bay đã khiến cho quan hệ với
Trung Quốc trở nên phức tạp, một lời hàm ý chỉ trích đồng nhiệm ở bộ
Quốc Phòng là đã gây khó khăn cho việc giao thương với Trung Quốc, một
yếu tố tối quan trọng vào lúc nước Anh rời Liên Hiệp Châu Âu.
Báo
Financial Times hôm 15/02 vừa qua, đã ghi nhận rằng cả Phủ Thủ tướng
Anh lẫn bộ Tài Chánh đều giận « tái mặt » vì bài phát biểu của ông
Williamson. Tuy nhiên, theo hãng Reuters, một viên chức bộ Quốc Phòng
Anh khẳng định rằng phát biểu của ông Williamson đã được cả bộ Tài Chính
lẫn hủ Thủ Tướng duyệt qua trước.
Dẫu
sao thì các diễn biến kể trên cho thấy là việc Anh Quốc quyết định
triển khai tàu sân bay qua Biển Đông không phải là đơn giản, và trong
ngắn hạn, hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ chưa có bạn đồng hành trên Biển Đông.
Trọng Nghĩa
(RFI)
Không có nhận xét nào