Việc thượng đỉnh Trump-Kim lần hai
được tổ chức tại Hà Nội được cho là thắng lợi tốt cho Việt Nam về
nhiều mặt, nhưng quan tâm chính của nhiều người vẫn là kết quả của hội
nghị và triển vọng của quan hệ Việt-Mỹ sau sự kiện này.
Trả
lời phỏng vấn của BBC từ 23 đến 26/2, giới quan sát người Mỹ gốc Việt
gồm kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, luật sư Trần Thái Văn và Tiến sĩ Lê
Minh Nguyên chia sẻ nhận định của họ.
Quan hệ Mỹ-Việt có ấm lên sau gặp gỡ Trump-Kim ở Hà Nội? |
'Một thắng lợi ngoại giao'
Cho
rằng việc thượng đỉnh Trump-Kim lần này được tổ chức tại Hà Nội là
một thắng lợi của Việt Nam, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nói:
"Đây
là một thắng lợi ngoại giao cho Việt Nam khi thủ đô Hà Nội được Hoa Kỳ
và Bắc Hàn chọn là nơi tổ chức thượng đỉnh giữa hai lãnh tụ của họ. Yếu
tố tiện dụng có thể là then chốt cho hai quốc gia đang muốn giải quyết
nhiều mâu thuẫn trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á. Nhưng Hà
Nội có thể khai thác thắng lợi ngoại giao đó như thế nào thì chúng ta
chưa biết."
Luật
sư Trần Thái Văn, cựu dân biểu tiểu bang California, thì nói rằng về
khía cạnh tuyên truyền, sự lựa chọn Hà Nội cho biến cố lịch sử này sẽ
đem lại một vài cơ hội tốt cho Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, nhất
là về lãnh vực ngoại giao, an ninh, và kể cả du lịch.
Nhưng ông Văn nhấn mạnh:
"Tuy
nhiên, vấn đề chính yếu và tối quan trọng mà toàn thế giới đang chờ đợi
vẫn là kết quả của cuộc họp thượng đỉnh giữa hai ông Trump, Kim về
chương trình từ bỏ vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn cũng như an ninh của vùng
Bắc châu Á, nếu không muốn nói đến toàn cầu. Hà Nội chỉ được dùng làm
sân khấu cho một cuộc trình diễn chính trị quốc tế cho hai nhân vật
chính, đó là ông Trump và Kim về một đề tài cả thế giới đều quan tâm
đến."
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên phân tích:
"Trong
cơ hội này, Hà Nội được lợi nhiều, được Mỹ coi là mô hình tốt mà Bắc
Hàn nên noi theo để phát triển, nên nó củng cố thế vị thế quốc tế của
chế độ, bảo đảm được quyền lực của đảng CSVN, tạo được lòng tin của Mỹ
và có thể được Mỹ ưu đãi hơn trong thương mại và trong các viện trợ
không điều kiện.
"Nhưng
cả ba đều có lợi. Tổng thống Trump có được uy tín là đã vì hoà bình thế
giới, nó hữu ích cho ông trong việc vận động tranh cử 2020 và cho việc
xét giải Nobel Hoà Bình. Kim Jong-un được nới lỏng cấm vận kinh tế, và
cũng như CSVN, cũng cố được thế vị thế quốc tế."
Ông lưu ý:
"Trong
chuyện này Hà Nội không ở thế chủ động ngồi tay lái mà chỉ là may mắn
được chọn, ông Trump nói sẽ gặp Kim lần thứ ba và phần chắc là không
phải ở Việt Nam. Mỗi chọn lựa là một tín hiệu riêng mà Mỹ muốn gửi tới
Bắc Hàn."
Một thông điệp cho Bắc Kinh?
Ngoài
những thắng lợi nói trên, liệu Việt Nam, qua dịp này, có thể gửi được
một thông điệp tế nhị đến Bắc Kinh rằng Hà Nội có được sự hỗ trợ chiến
lược của Washington trong tranh chấp Biển Đông không?
Về điểm này, kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa nhận định:
"Để
chuẩn bị tổ chức thượng đỉnh lần hai, hai phái bộ của Washington và
Bình Nhưỡng đã có nhiều cuộc gặp gỡ và họ quyết định chọn Việt Nam. Sau
cùng phía Hoa Kỳ chiều lòng Bắc Hàn mà chọn Hà Nội thay Đà Nẵng. Hà Nội
sốt sắng nhận lời vì được cơ hội nâng cao thế giá của mình, nhưng đây là
sự chọn lựa của người khác."
"Một
cách gián tiếp và nhẹ nhàng, Hà Nội có thể cho Bắc Kinh thấy quan hệ
đang cải tiến giữa Việt Nam và Hoa Kỳ do hồ sơ Biển Đông, vốn là việc
lãnh đạo Trung Quốc đã theo dõi và thấy từ lâu. Tuy nhiên điều này không
có nghĩa là Hà Nội đã dám lấy rủi ro mà nghiêng hẳn về phía Mỹ."
Luật sư Trần Thái Văn lập luận:
"Chính
sách Hoa Kỳ về tranh chấp Biển Đông đã được thông báo rất rõ ràng từ
thời Tổng thống Obama và vẫn được duy trì đến ngày hôm nay, chứ không
phải mới bây giờ. Còn về phía Việt Nam, Hà Nội vẫn tiếp tục trò chơi
"đu dây" giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong nhiều năm nay, dù nhà cầm quyền
Việt Nam hiểu rõ sự bành trướng và đe dọa quân sự của Bắc Kinh tại
vùng Biển Đông."
"Vậy
câu hỏi nên được đặt ra là, liệu Việt Nam có dám gửi một thông
điệp, trực tiếp hoặc gián tiếp cho Bắc Kinh trong kỳ họp này không?
Tiếc thay, qua hành xử từ nhà cầm quyền Hà Nội về nhiều vấn đề liên
quan đến Trung Quốc trong quá khứ cũng như hiện tại, người dân Việt
Nam đã biết khá rõ câu trả lời." Ông Văn nói.
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên phân tích:
"Mỹ
luôn hỗ trợ Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông, dù không thể nói ra
trên bình diện pháp lý hay chủ quyền. Chính thức thì lập trường của Mỹ
là tự do hàng hải theo luật biển quốc tế, Trung Quốc không được bồi đắp
các đảo nhân tạo, không được đe dọa các đường vận chuyển quốc tế."
"Mỹ
hỗ trợ Việt Nam đơn giản vì Việt Nam là con cờ trong bàn cờ tướng vĩ
đại mà Mỹ và Trung Quốc đang chơi, vấn đề là CSVN không dám làm đồng
minh của Mỹ, do vừa sợ Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ vừa sợ Mỹ sẽ bỏ rơi
đồng minh để thành con tốt thí."
"Nếu
có một thông điệp tế nhị đến Bắc Kinh thì đó là: bây giờ Việt Nam có
một vị thế quốc tế tốt, đang được Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới
giúp để tự chủ và tự bảo vệ, về địa chính trị và ý thức hệ thì chúng ta
là đồng minh nhưng xin đừng lấn sân."
Thắt chặt thêm quan hệ với Mỹ?
Trước
suy đoán là việc Tổng thống Trump đến thăm Việt Nam nhân dịp này sẽ
mang đến thêm cho đôi bên một cơ hội đối thoại song phương, qua đó
Việt Nam có thể thắt chặt thêm quan hệ với Mỹ về nhiều mặt, luật sư
Trần Thái Văn nói:
"Đúng
như vậy! Từ khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương với 11 quốc gia liên hệ trong vùng châu Á (TPP),
chính phủ Hoa Kỳ có ý định sẽ điều đình trực tiếp, song phương với từng
quốc gia về vấn đề trao đổi mậu dịch kinh tế, thay vì bị ràng buộc vào
một quy lệ tổng quát liên hệ đến nhiều quốc gia tham dự vào TPP."
Ông lý giải:
"Chuyến
đến Việt Nam lần thứ nhì chỉ trong vòng 15 tháng của Tổng thống Trump
sẽ tạo thêm một cơ hội tốt cho Hà Nội trực tiếp bàn thảo với các viên
chức Hoa Kỳ. Không riêng với ông Trump, phía Việt Nam sẽ có các buổi
làm việc với các viên chức ngoại giao và an ninh cao cấp tháp tùng. Hai
phía sẽ có cơ hội làm việc trong nhiều lãnh vực khác nhau như an ninh
vùng Biển Đông, giao thương quốc tế, di trú, giáo dục, và hy vọng nhân
quyền, v.v.."
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên nói:
"Theo
một nghiên cứu mới đây của RAND Corp, trên bình diện địa kinh tế thì
Trung Quốc đã sút chuồng, Mỹ không còn ngăn chận được, còn trên bình
diện địa chính trị thì Mỹ chỉ còn khả năng kềm chế sức mạnh quân sự của
Trung Quốc trong một thời gian nữa thôi, rồi sau đó cũng sẽ sút chuồng,
tức ảnh hưởng của Mỹ sẽ bị đẩy lùi ra khỏi Tây Thái Bình Dương. Cho nên
cửa sổ cơ hội để các quốc gia trong vùng như Việt Nam, là nên tận dụng
thời gian mà Mỹ còn kềm chế được này để xây dựng nội lực, phát triển sức
mạnh quân sự hầu có khả năng tự bảo vệ, nhất là xây dựng được khu vực
'không cho tiếp cận, cấm vào vùng' hay A2/AD chung quanh nước mình."
Ông lập luận:
"Và
đúng ra, Mỹ mới là nước muốn thắt chặt thêm mối quan hệ với Việt Nam,
Mỹ muốn thương mại đầu tư, và muốn làm vững mạnh hơn vai trò đối trọng
chiến lược của Việt Nam với Trung Quốc, trong khi CSVN chủ yếu là muốn
thương mại đầu tư và muốn dùng Mỹ để kềm chế bớt Trung Quốc ở Biển Đông,
chứ dứt khoát không theo mô hình Mỹ mà là theo mô hình phát triển của
Trung Quốc."
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa có nhận định tương tự:
"Chúng
ta chưa biết ông Trump có nói gì với lãnh đạo Hà Nội hay không, ngoài
lời cảm tạ hàm ý xã giao với quốc gia đăng cai tổ chức thượng đỉnh.
Trong các cuộc gặp gỡ song phương, ông Trump hay vuốt ve tự ái của lãnh
tụ xứ khác khi bốc họ lên mây xanh, có lẽ như một thuật đàm phán, nhưng
lại thiếu thuần nhất vì ưu tiên từng lúc trong nội tình chính trị Hoa
Kỳ. Tuy nhiên, rõ ràng là chính quyền Mỹ đang tăng cường quan hệ mọi mặt
với Việt Nam vì mối nguy Trung Quốc lù lù trên vùng biển Đông Nam Á."
Ông kết luận:
"Kết
cục, tôi thiển nghĩ không phải ông Trump mà chính Hà Nội mới cần bật
tín hiệu tích cực, nhất là về quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ trong bối cảnh
của trận thương chiến giữa Mỹ với Trung Quốc và nếu Hà Nội nêu quyết tâm
cải cách sau Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương với 10 nước còn lại
ngoài Hoa Kỳ."
"Đây
mới là cơ hội cho Việt Nam thoát dần khỏi sự lệ thuộc vào kinh tế của
xứ láng giềng nhiều tham vọng mà lại ít tôn trọng luật lệ quốc tế.
Nghịch lý ở đây: ưu tiên của ông Trump là hồ sơ Bắc Hàn, ưu tiên của Hà
Nội là hồ sơ Bắc Kinh!" Ông nhấn mạnh.
Vui buồn lẫn lộn
Được
hỏi về cảm nhận trước sự kiện Việt Nam được chọn là nước chủ nhà
trong thượng đỉnh Trump-Kim lần này, Tiến sĩ Lê Minh Nguyên giải bày:
"Cảm nhận của tôi là một sự vui buồn lẫn lộn."
"Tôi
vui vì trên bình diện quốc gia, thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn
nên Trung Quốc xem Việt Nam nặng ký hơn mà bớt đi sự hà hiếp. Tôi buồn
vì Mỹ xem chính quyền CSVN là mô hình mà Bắc Hàn nên theo, mô hình chính
trị độc tài độc đảng, kinh tế tư bản nhà nước. Tôi còn lo là sau thượng
đỉnh này, CSVN có thêm chính danh để gia tăng đàn áp anh em dân chủ
trong nước."
Cựu dân biểu Trần Thái Văn chia sẻ:
"Trong
chuyến Tổng thống Trump đi Việt Nam kỳ này, sự mong muốn và yêu cầu
của nhiều vì dân cử Hoa Kỳ, kể cả các vị dân cử Mỹ gốc Việt, là muốn
thấy chính quyền Trump đặt vấn đề mạnh hơn với Việt Nam về vi phạm
nhân quyền và những chiến dịch bắt bớ rất nhiều các nhà hoạt động bất
bạo động trong những năm qua. Đối với Hoa Kỳ, sự quan tâm về nhân quyền
và dân quyền với một quốc gia đối tác, kể cả Việt Nam, vẫn là một
yếu tố thuần tuý, căn bản, để xây lên một nên tảng bang giao tốt và
vững chắc."
Tina Hà Giang
(BBC)
Không có nhận xét nào