Con số 47.500 tỷ đồng mà Ngân hàng
Nhà nước ‘tống’ vào thị trường trong khoảng thời gian cận tết nguyên đán
2019 đã khiến dấy lên dư luận về tốc độ in tiền phi mã của cơ quan này -
một nguồn cơn rất hữu hình và trực tiếp phục vụ cho cơ chế đẩy vọt tỷ
lệ lạm phát thực tế, chứ không phải là tỷ lệ lạm phát báo cáo ‘chỉ 4%’,
có thể lên đến vài ba chục phần trăm.
Tiền đồng Việt Nam tại một ngân hàng ở Hà Nội. |
Lại in tiền mới?
Nhưng
chưa hết, và còn lâu mới hết. Câu chuyện Ngân hàng Nhà nước đẩy hàng
núi tiền và thị trường không chỉ xảy ra vào những ngày cận tết nguyên
đán là lúc mà ‘kiều bào ta’ thường gửi đô la về Việt Nam với tần suất
dày đặc và ‘béo bở’ hơn hẳn, mà còn diễn ra đều đặn vào một số thời điểm
trong năm và trong hàng chục năm trở lại đây, đặc biệt từ năm 2011 khi
ngân sách trung ương bắt đầu phải thắt lưng buộc bụng và tìm kế thu gom
ngoại tệ trôi nổi ở thị trường tự do và các ngân hàng thương mại để trả
nợ nước ngoài - lên đến hàng chục tỷ USD hoặc hơn mỗi năm.
Hiện
nay, con số nợ nước ngoài của Việt Nam (chỉ tính riêng nợ của chính phủ
và do chính phủ bảo lãnh mà chưa tính đến số tự vay tự trả của khối
doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) đã lên đến 105 tỷ USD,
xấp xỉ 50% GDP.
Vào
dịp tết nguyên đán 2018, Ngân hàng Nhà nước cũng ‘tống’ một núi tiền ra
thị trường, nhưng lên đến 93.000 tỷ đồng - nhiều một cách bất thường so
với nhu cầu ‘bình ổn giá’ thông thường cần khoảng vài chục ngàn tỷ. Đó
cũng là thời gian mà một chiến dịch thu vét đô la trôi nổi được cơ quan
này âm thầm tiến hành, để đến gần giữa năm 2018 thì cả Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước Lê Minh Hưng lẫn Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc
đều hào hứng khoe rằng quỹ dự trữ ngoại hối đã tăng vọt đến 63 tỷ USD.
Những
lời có cánh trên lại hiện ra trong bối cảnh mà chỉ mới qua nửa đầu năm
2018, nhà máy In Tiền Quốc Gia ở Việt Nam đã đạt mức lợi nhuận sau thuế
gần 60,4 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với con số 41,8 tỷ đồng cùng kỳ
năm ngoái và đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018.
Khẩn cấp gom đô trả nợ nước ngoài
Ít
nhất từ năm 2016 đến nay đã xảy đến một trùng hợp mà khó có thể xem là
ngẫu nhiên: cùng với kế hoạch vay trả nợ được chính phủ phê duyệt hàng
năm, trong đó phần trả nợ lại ít hơn nhiều phần đi vay để “bù đắp khó
khăn ngân sách”, mà có thể hiểu là một hình thức ‘vay đảo nợ’ - lấy nợ
mới trả nợ cũ và làm cho nợ chồng nợ, luôn hiện ra thông tin Ngân hàng
Nhà nước đã mua từ thị trường trong nước nhiều tỷ USD để “tăng quỹ dự
trữ ngoại hối.”
Cũng
từ đầu năm 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã phải tung ra thị trường
một lượng tiền đồng khá lớn - lên đến nhiều trăm ngàn tỷ đồng - để mua
vào ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại và từ các nguồn trôi nổi tự do.
Chính
núi tiền đồng mà Ngân hàng Nhà nước đổ ra đã khiến trong những năm qua
đã khiến xuất hiện tình trạng dư thừa tạm thời tiền đồng của các ngân
hàng thương mại, do vậy nhiều ngân hàng đã phải tìm cách “đẩy” tiền ra
kênh cho vay, kể cả cho vay để đầu cơ chứng khoán và bất động sản có độ
rủi ro rất cao, và bất kể rủi ro thường trực khó hoặc không thể thu hồi
vốn.
Nhưng
sau lần khoe thành tích ‘quỹ dự trữ ngoại hối đạt đến 63 tỷ USD’ vào
gần giữa năm 2018, trong nửa cuối năm đó lại có hiện tượng Ngân hàng Nhà
nước bị giảm số mua đô la từ các ngân hàng thương mại cổ phần và thị
trường tự do. Hiện tượng này, cộng hưởng hiện tượng giới quan chức nhà
nước không dám nêu cụ thể lượng ngoại tệ của quỹ dự trữ ngoại hối, đã
cho thấy lượng đô la trôi nổi không còn nhiều như trước và đang có
khuynh hướng xuống thấp hơn cứ sau mỗi năm.
Vào
đầu năm 2019, có thêm một hiện tượng lạ là trong cả hai báo cáo phô
trương thành tích kinh tế và hoạt động ngành ngân hàng năm 2018 của Thủ
tướng Phúc và Thống đốc Hưng đã không hề phát ra con số cụ thể nào về
quỹ dự trữ ngoại hối.
Dấu
hỏi rất lớn bật ra là thực chất quỹ dự trữ ngoại hối hiện thời là bao
nhiêu? Hoặc còn lại bao nhiêu sau khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã
phải dùng một phần của quỹ này để đảo nợ nước ngoài, trả nợ nước ngoài,
tiêu xài cho ngân sách chi thường xuyên của một đội ngũ công chức viên
chức mà có đến “30% không làm gì cả nhưng vẫn lãnh lương,” hoặc cho
những nhu cầu khẩn thiết khác, kể cả chi phí quốc phòng mua vũ khí của
Ấn Độ, Israel, Mỹ… để đối phó với nguy cơ Trung Quốc?
Xét
theo logic bắt buộc phải trả nợ nước ngoài hàng năm của chính phủ Việt
Nam, quỹ dự trữ ngoại hối hiện thời không thể là 63 tỷ USD mà có thể chỉ
vào khoảng 30 tỷ USD như cái thời bị giảm nghiêm trọng vào năm 2015 do
Việt Nam phải trả nợ nước ngoài đến 20 tỷ USD cho năm đó.
Rồi đến đầu năm 2019 lại xuất hiện một hiện tượng đáng mổ xẻ khác…
Tăng vọt tỷ giá trung tâm!
Sau
một thời gian bình lặng, từ đầu năm 2019 đến nay tỷ giá trung tâm bất
thần tăng nhanh, tăng vọt và tăng không ngừng nghỉ, bất chấp thị trường
ngoại hối trong nước và quốc tế vẫn khá ổn định và trong thực tế là
chẳng có ý do xác đáng nào đẻ giải thích cho cú tăng này.
Cơ
chế tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước chuyển sang áp dụng từ đầu
2016 để thay cho cơ chế tỷ giá liên ngân hàng. Tỷ giá trung tâm được
xem là thước đo tham chiếu cho tỷ giá của các ngân hàng và của cả.. chợ
đen.
Đến
ngày 21/1/2019, tỷ giá trung tâm của VND với USD do Ngân hàng Nhà nước
công bố đã lên mốc 22.870 VND, cao nhất kể từ đầu 2016 - thời điểm tỷ
giá này ra đời.
Diễn
biến trên xảy ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND thực trên các kênh giao
dịch liên ngân hàng, giữa ngân hàng với các tổ chức và dân cư, trên thị
trường tự do giảm mạnh vào cuối 2018 và ổn định từ đầu 2019, chứ không
hề biến động mạnh.
Diễn
biến trên cũng có nét tương đồng với khoảng thời gian đầu năm 2018, khi
Ngân hàng Nhà nước cũng từng bước đều đặn nâng tỷ giá trung tâm trong
bối cảnh thị trường và tỷ giá USD/VND ổn định, và đặc biệt là trong điều
kiện cung ngoại tệ dồi dào và nhà điều hành mua vào lượng lớn.
Diễn
biến tăng vọt tỷ giá trung tâm lại trùng với một thông tin rất đáng chú
ý và so sánh: vào đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào lượng khá
lớn ngoại tệ, ước tính đã lên tới 4 tỷ USD từ đầu tháng 1/2019.
Đã
rất rõ là chính sách cho tăng vọt tỷ giá trung tâm là nhằm vét đô,
trong bối cảnh dù một lượng tiền đồng lớn đã được Ngân hàng Nhà nước
tung ra nhưng vẫn khó mua USD do giá mua đô vẫn chưa hấp dẫn người bán.
Song cái gì cũng có giá của nó.
Tiền đề lạm phát của Venezuela?
Cơ
chế in tiền ồ ạt tất yếu sẽ kéo theo một danh nghĩa mới: “kiến tạo lạm
phát”, dẫn đến lạm phát thực tế và cơn bão giá cả trên thị trường và
khiến nền kinh tế mất thăng bằng nghiêm trọng.
Tại
nhiều chợ đầu mối ở Sài Gòn và Hà Nội, giá thịt thà và rau củ cứ tăng
đều đặn 30-40% mỗi năm, chưa kể tăng gấp đôi vào những sự kiện tăng
lương, tăng giá xăng dầu, tăng giá điện tăng giá vàng… Người nghèo và
công nhân ngày càng ăn uống kham khổ, trong lúc số tỷ phú đô la và số
quan chức có tài sản trên 100 triệu USD ở Việt Nam vẫn tăng tiến không
ngừng và thuộc nhóm tăng mạnh nhất trên thế giới.
Một
khi chủ đích của chính quyền là in tiền ồ ạt và dùng loại tiền giấy có
nội lực yếu ớt ấy đổi lấy ngoại tệ mạnh là đồng đô la, sẽ chẳng mấy chốc
lượng đô la trong dân và tại các ngân hàng giảm mạnh, đẩy nhanh tình
trạng khan hiếm và tất yếu làm tăng mạnh lạm phát. Đó chính là tình
trạng mà Venezuela đang phải đối mặt. Tuy nhiên, tại đất nước Nam Mỹ này
còn tệ hơn so với Việt Nam: Thậm chí không còn tiền để in tiền và đang
phải bán vàng để trả nợ.
Khúc
quanh bi thảm của những mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa
thị trường cũng vì thế đang hiện rõ. Không chỉ là khủng hoảng kinh tế,
mà sẽ là vực thẳm xã hội!
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào