Phích Trung Quốc |
Bây
giờ nói đến phích con công Trung Quốc có lẽ chỉ những người ở thế hệ 60
tuổi như tôi trở lên mới biết rõ. Đó là những năm của thập kỷ 50, 60 và
70 của thế kỷ trước, miền bắc Việt Nam ngập tràn những sản phẩm của
Trung Quốc như phích, đài, quạt, xe đạp, chăn, họa báo, tranh dán tường
và trước tác của mao Trạch Đông. Hồi đó, nhà nào có được cái phích,
chiếc đài, cái xe Trung Quốc thì cũng thuộc diện gia đình đặc biệt.
Nhưng có một người nông dân làng tôi, ông C, có được một cái phích con
công Trung Quốc. Vì sao ông C lại có ? Vì ông có người em làm ở Bộ Ngoại
giao. Ông cán bộ Bộ Ngoại giao có đi sứ ở Trung Quốc. Khi hết nhiệm kỳ
trở về, ông tặng cho anh mình một cái phích Trung Quốc.
Cái
phích là một tài sản lớn của ông C và cũng là niềm tự hào của ông vì có
đứa em là một nhà ngoại giao. Phích là để dùng hàng ngày, nhưng ông lại
ít khi dùng trừ những dịp đặc biệt trong năm. Khi không dùng đựng nước
nóng, ông cho chiếc phích vào tủ kính và khóa chặt lại nhưng cứ đôi ngày
lại mang ra lau chùi cẩn thận. Hễ có ai đến chơi, ông lại nói về chiếc
phích và câu cuối cùng là : “ Phích Trung Quốc là nhất thế giới’’.
Nhưng
vào ngày 17 tháng 02 năm 1979, ông đã mất đứa con trai yêu quí của mình
tại Lạng Sơn trong cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc.
Ngày đó, làng Chùa của tôi có 5 chàng trai đã hy sinh trong cuộc chiến
đấu chống xâm lược Trung Quốc. Khi nghe đài thông báo Trung Quốc đã tấn
công toàn biên giới phía bắc, ông đã không tin vào tai mình. Ông chạy
khắp làng hỏi mọi người có đúng việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam đốt
phá nhà cửa và tàn sát dân thường không. Khi biết đó là sự thật, ông đã
ngã quỵ xuống sân và khóc rống lên. Và đau đớn hơn là khi ông nghe tin
con trai ông đã hy sinh trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh chống
quân xâm lược Trung Quốc. Ông tnhư người tâm thần không ăn, không uống
và lang thang trong làng, ngoài cánh đồng và không nói một câu gì.
Rồi
đến buổi chiều hơn một tháng sau , người ta thấy ông vác một chiếc mai
và tay xách chiếc phích con công Trung Quốc mà ông coi đó như một báu
vật lặng lẽ ra cánh đồng. Mọi người nhìn theo ông không biết chuyện gì
đang xẩy ra với ông. Đến cuối cánh đồng, ông đào một cái hố rồi ném
chiếc phích Trung Quốc xuống. Lấp đất đầy chiếc hố chôn chiếc phích rồi
cứ thế dậm chân lên như nèn cho thật chặt để không bao giờ phải nhìn
thấy chiếc phích nữa. Vừa dậm chân, ông vừa gào to :’’ Tao chôn chúng
mày xuống đất. Tao đời đời kiếp kiếp nguyền rủa chúng mày’’.
Mấy
ngày sau người em làm cán bộ ngoại giao về thăm ông, ông nói với người
em nếu không chôn hết những gì của Trung Quốc có trong nhà thì ông sẽ từ
mặt người em và không bao giờ cho người em được đặt chân vào ngôi nhà
của tổ tiên, ông bà họ mà ông đang trông giữ. Tôi không biết người em
ông có đủ can đảm chôn hay vứt bỏ hết những hàng hóa mà ông mang từ
Trung Quốc về trong thời gian làm việc ở sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc
không. Nhưng người làng tôi nói, từ sau những ngày ấy, họ rất ít thấy
người em ông C về thăm ông.
Có
lần, ngồi uống trà với ông C, tôi hỏi ông: gia đình ông cũng có những
người thân hy sinh trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ mà sao
ông không mang nỗi hận thù đau đớn như đối với xâm lược Trung Quốc? Ông
trợn mắt, nói như quát : ‘’ Chú cũng học hành mà ngu. Vì sao à ? Vì
thằng Trung Quốc là đồ phản bội. Miệng nó nói hảo hảo nhưng mưu mô của
nó với người Việt Nam độc ác hơn quỉ dữ. Hàng ngàn năm nay nó chưa bao
giờ thực lòng với người Việt Nam thế mà tôi cũng ngu vì tin nó. Thà nó
cứ rõ ràng như thằng Pháp, thằng Mỹ lại là chuyện khác’’.
Rồi
tôi đi làm xa ít có dịp về làng. Chỉ nghe người làng kể lại rằng, thi
thoảng ông vẫn ra cuối cánh đồng, nơi chôn phích Trung Quốc rồi cứ dậm
chân nèn chặt đất như sợ cái phích trồi lên. Và cho đến khi chết, cứ lúc
nào nhìn thấy thứ gì của Trung Quốc là ông lại gầm lên.
Cuộc
chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đã đi qua 40 năm. Nhưng tất cả
những gì xẩy ra mới như ngày hôm qua. Không có gì và không có kẻ nào che
được lịch sử. Người làng tôi thời đó hầu như đều biết câu chuyện chôn
phích Trung Quốc của một người nông dân có tên là C. Tôi nhận thấy rằng:
khi ông chôn chiếc phích Trung Quốc xuống đất lại là lúc ông mở ra một
sự thật. Và tôi chỉ là người chép lại một trong hàng triệu triệu câu
chuyện về thái độ của người dân Việt Nam đối với nhà cầm quyền Trung
Quốc mà thôi.
Nguyễn Quang Thiều
(FB Nguyễn Quang Thiều)
Không có nhận xét nào