Header Ads

  • Breaking News

    Mô hình Việt Nam có thích hợp với Bắc Triều Tiên?

    Cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra tại Việt Nam trong hai ngày 27 và 28/02/2019. Hãng tin Reuters vào tháng trước loan tin là nhân thượng đỉnh với tổng thống Trump, ông Kim Jong Un có thể thăm chính thức Việt Nam.

    Ông Kim Jong Un tiếp một phái đoàn Bắc Triều Tiên vừa thăm Mỹ trở về.Reuters
    Hiện giờ thông tin này chưa được chính thức xác nhận, nhưng nếu đúng như thế, Kim Jong Un sẽ là lãnh tụ Bắc Triều Tiên đầu tiên đi thăm Việt Nam kể từ chuyến đi năm 1964 (chuyến thứ hai) của ông Kim Nhật Thành (ông nội của Kim Jong Un).

    Nhà lãnh đạo trẻ của chế độ Bình Nhưỡng sẽ có dịp nghiên cứu kinh nghiệm của Việt Nam, từ một nước theo nền kinh tế tập trung đã chuyển đổi sang một nền kinh tế theo hướng thị trường, mà vẫn duy trì được chế độc độc đảng. Gần đây, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho cũng đã viếng thăm Việt Nam để tìm hiểu về kinh nghiệm đổi mới của Hà Nội.

    Nhưng liệu Việt Nam có phải là một mô hình thích hợp cho Bắc Triều Tiên hay không? Trên báo chí quốc tế, hiện có những ý kiến khác nhau về vấn đề này.

    Trước hết, tình hình Bắc Triều Tiên hiện nay có gì giống và khác so với Việt Nam thời kỳ bao cấp? Trả lời RFI Việt ngữ ngày 08/02/2019, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, ghi nhận:

    “Nền kinh tế Bắc Triều Tiên hiện nay có một số điểm khá tương đồng với tình hình kinh tế của Việt Nam trước đổi mới. Thứ nhất, mô hình kinh tế của Bắc Triều Tiên hiện nay cũng là mô hình kinh tế tập trung, dựa trên các mệnh lệnh quan liêu của nhà nước, không phải là một nền kinh tế thị trường. Tất cả các hoạt động kinh tế hiện nay ở Bắc Triều Tiên đều do nhà nước kiểm soát và vận hành trên các nguyên tắc phi thị trường, bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước.

    Thứ hai, kinh tế Bắc Triều Tiên hiện nay cũng không mở cửa ra bên ngoài nhiều. Chủ yếu các hoạt động giao thương được thực hiện với một số nước như Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Bắc Triều Tiên. Giống như Việt Nam trước năm 1986, chủ yếu là giao thương với các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô và các nước Đông Âu.

    Thứ ba, Bắc Triều Tiên hiện đang chịu lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây do các chương trình hạt nhân và tên lửa của họ. Trước thời kỳ đổi mới, Việt Nam cũng đã chịu sự cấm vận rất gay gắt từ các nước phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ. Chỉ tới những năm đầu thập niên 1990, các lệnh cấm vận này mới bắt đầu được tháo dỡ dần dần.

    Tuy nhiên, cũng có một số điểm khác biệt, ví dụ như Bắc Triều Tiên hiện nay mặc dù có rất nhiều khó khăn, nhưng ở một số thành phố, đặc biệt là Bình Nhưỡng, tình hình kinh tế xã hội dường như là không đến mức tồi tệ như ở Việt Nam trước 1986.

    Bên cạnh đó, trong vòng mấy năm trở lại đây, Bắc Triều Tiên cũng đã tiến hành một số cải cách kinh tế, ở quy mô vừa phải, mang tính chất thử nghiệm, ví dụ như thành lập một số đặc khu kinh tế hay khu công nghiệp liên doanh với Hàn Quốc. Một số cải cách theo hướng thị trường cũng được thực hiện ở một số nơi, với mức độ nhất định ở Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, họ chưa mở cửa ra bên ngoài, cũng như những cải cách thị trường thì chưa rộng khắp. Nói chung, nền kinh tế Bắc Triều Tiên có xuất phát điểm có lẻ là cao hơn Việt Nam vào lúc bắt đầu đổi mới năm 1986”.

    Tờ nhật báo Úc The Australian ngày 08/02/2019, nhắc lại rằng, là một trong những nước nghèo nhất thế giới cách đây 30 năm, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, với mức tăng trưởng từ năm 2010 lúc nào cũng trên 5%. Đó chính là nhờ từ năm 1986, chính phủ Hà Nội đã cải tổ mạnh mẽ nền kinh tế và đưa Việt Nam hội nhập dần dần vào nền kinh tế thế giới. Theo The Australian, Bắc Triều Tiên có thể đi theo mô hình này để đạt được “phép lạ” kinh tế như Việt Nam.

    Cụ thể, chế độ Kim Jong Un có thể học hỏi được gì từ cách thức tiến hành cải tổ của Việt Nam? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nêu ý kiến:

    “Có lẽ một trong những đặc điểm nổi bật của đổi mới kinh tế Việt Nam là họ làm từ từ, tiến từng bước, tức là những cải cách không quá triệt để, không đi quá nhanh, vừa làm, vừa kiểm nghiệm, điều chỉnh. Đó là do đảng Cộng Sản lo ngại là nếu cải cách quá nhanh thì sẽ dẫn tới những hệ lụy về chính trị và làm suy yếu quyền lực của đảng Cộng Sản. Đây là một đặc điểm khiến cho mô hình Việt Nam có sức hấp dẫn đối với Bắc Triều Tiên và bản thân ông Kim Jong Un.

    Tuy nhiên, có lẽ là việc áp dụng vào Bắc Triều Tiên có thể có những thay đổi cho phù hợp với tình hình chính trị Bắc Triều Tiên. Đó cũng là điều dễ hiểu, miễn là mô hình Việt Nam có thể giúp ông Kim Jong Un đạt được hai mục tiêu: phát triển và mở cửa kinh tế, đồng thời duy trì được sự lãnh đạo của bản thân ông, cũng như của Đảng Lao động Triều Tiên”.

    Nhưng tờ Washington Times ngày 06/02 lại cho rằng có những lý do khiến ta có thể nghi ngờ là Bắc Triều Tiên thành công trong việc đi theo con đường của Việt Nam và Trung Quốc. Thứ nhất, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều đã không thể tự do hóa kinh tế cho đến khi xóa bỏ được tệ sùng bái cá nhân. Tại Trung Quốc, chỉ đến khi Mao Trạch Đông qua đời, Đặng Tiểu Bình mới có thể khởi động tiến trình mở cửa và cải tổ kinh tế. Cũng như thế, mãi cho đến giữa thập niên 1980, nhiều năm sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Việt Nam mới bắt đầu “đổi mới”.

    Washington Times nhấn mạnh: “Không những về mặt ý thức hệ, kinh tế tự do không tương hợp chút nào với tệ sùng bái cá nhân, mà chuyển sang cải tổ kinh tế thì chẳng khác gì nhìn nhận Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh đã sai lầm”. Trong khi đó, sau 7 thập niên, sự tôn thờ lãnh tụ ở Bắc Triều Tiên vẫn rất mạnh. Ngoài ra, Kim Jong Un hoàn toàn có lý do để sợ rằng do chế độ của gia đình ông đã rất tàn bạo trong suốt nhiều thập niên qua, nếu chấp nhận tự do hóa, ông sẽ có nguy cơ gặp chung số phận với lãnh tụ Rumani Nicolae Ceaucescu (bị hành quyết cùng với vợ ngày 25/12/1989, ba ngày sau khi bị nhân dân nổi dậy lật đổ).

    Hãng tin Reuters cũng nhấn mạnh, để được như Việt Nam hiện nay, Bắc Triều Tiên phải tiến hành những cải tổ quan trọng, nới lỏng phần nào các quyền tự do cá nhân và chấp nhận một số thay đổi về thể chế, nhưng trong khi đó, lãnh đạo họ Kim hiện nay vẫn kiểm soát gần như toàn bộ đất nước và bộ máy truyên truyền thì vẫn không ngớt ca tụng ông như một vị thánh sống.

    Tuy vậy, theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, sự tập trung quyền lực nằm trong tay một nhà độc tài như Kim Jong Un cũng có thể là một yếu tố thuận lợi cho cải tổ ở Bắc Triều Tiên:

    “Vẫn còn nhiều tranh cãi về mô hình nào là tốt nhất cho tăng trưởng kinh tế. Có ý kiến cho rằng, nếu một chế độ dựa vào một nhà độc tài, thì sẽ dẫn tới sai lầm, như vậy sẽ khó tiến hành các cải tổ kinh tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng khi quyền lực tập trung, thì các chính sách đưa ra sẽ hiệu quả hơn, việc thực thi có thể sẽ nhanh hơn. Ví dụ như Hàn Quốc, vào thời độc tài Park Chung Hee, các chính sách của họ cũng đã rất hiệu quả, nước này phát triển rất nhanh chóng.

    Đúng là về mặt thể chế, nếu tập trung quyền lực quá mức, không có phân cấp quyền lực, thì có thể là cải cách ở Bắc Triều Tiên sẽ gặp một số khó khăn. Nhưng theo tôi, điều quan trọng hơn là đường hướng chính sách và chất lượng thực thi chính sách như thế nào.

    Nếu Bắc Triều Tiên có những chính sách hợp lý và thực thi hiệu quả, thì có lẽ là sự lãnh đạo mang tính chất tập trung quyền lực của Kim Jong Un không hẳn là một rào cản quá lớn đối với quá trình phát triển và cải cách kinh tế của Bắc Triều Tiên”.

    Không chỉ về mặt kinh tế, Bắc Triều Tiên còn có thể học hỏi kinh nghiệm về ngoại giao của Việt Nam. Với chính sách ngoại giao “làm bạn với tất cả các nước”, từ một kẻ thù trong chiến tranh, Việt Nam đã trở thành một nước bạn của Mỹ. Quan hệ Hà Nội - Washington đã được cải thiện nhanh chóng kể từ khi tổng thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận thương mại của Mỹ đối với Việt Nam vào năm 1994 và một năm sau đó bình thường hóa bang giao giữa hai nước. Về điểm này, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định:

    “Bắc Triều Tiên có thể làm được những điều như Việt Nam đã làm trong việc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên là họ phải có sự độc lập trong chính sách đối ngoại, cụ thể là làm sao thoát ra khỏi ảnh hưởng, khỏi sự kềm tỏa của Trung Quốc.

    Trong thời gian qua, có vẻ như Bắc Triều Tiên đã có những bước nhằm làm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế lẫn chính trị. Theo tôi, đó là một trong những điều kiện rất quan trọng trong việc giúp cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ.

    Yếu tố thứ hai, đó là bản thân Bắc Triều Tiên cũng phải cho thấy mình là một đối tác hấp dẫn qua việc cải cách kinh tế, mở cửa ra bên ngoài để biến Triều Tiên thành một cơ hội về đầu tư và giao thương đối với Hoa Kỳ.

    Cũng giống ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua, khi bắt đầu bình thường hóa bang giao với Hoa Kỳ, quan hệ kinh tế và thương mại của Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh chóng, mạnh mẽ. Quan hệ kinh tế đã trở thành một trụ cột giữ vững quan hệ giữa hai nước, làm nền tảng rất quan trọng cho hai nước có thể có những bước đi về quan hệ chính trị, quốc phòng hay chiến lược. Không có nền tảng kinh tế thì quan hệ giữa song phương sẽ không có nền tảng bền vững.

    Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, nếu Bắc Triều Tiên muốn phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, thì họ cần phải có những đổi mới về kinh tế. Bên cạnh đó, đương nhiên họ cũng cần phải hóa giải những trở ngại hiện nay trong quan hệ song phương, ví dụ như chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa mà Bình Nhưỡng lâu nay vẫn theo đuổi. Nếu dỡ bỏ được rào cản này thì quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên có thể đạt được những tiến bộ rất nhanh chóng. Và cũng không có gì là bất ngờ nếu như trong tương lai, Bắc Triều Tiên có được một vị thế tốt trong quan hệ với Hoa Kỳ như Việt Nam hiện nay”.

    Thanh Phương

    (RFI) 

    Không có nhận xét nào