Đã có một sự tuyên truyền rất khác
biệt giữa hai phía ở hai bên chiến tuyến của cuộc chiến Việt - Trung nổ
ra vào ngày 17/2/1979, theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Đại học
Quốc gia Hà Nội.
Một cuộc tưởng niệm cuộc chiến Biên giới 1979 của người dân Việt Nam |
Tuy
nhiên lịch sử 'đã bị bóp méo' bởi phía Trung Quốc, Tiến sỹ Nghiêm Thúy
Hằng, từ Bộ môn Trung Quốc học, Khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học
Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói với Bàn tròn thứ Năm từ
London của BBC Tiếng Việt hôm 14/2/2019.
"Vừa
rồi tôi có nghe nhà báo Tô Bình - một khách mời từ BBC Tiếng Trung cùng
tham gia Bàn tròn - thuật lại những phản ứng của phía Trung Quốc, tôi
thấy rõ ràng ở đây đã có một sự tuyên truyền rất khác biệt giữa hai phía
và sự thật của cuộc chiến tranh năm 1979 đã bị bóp méo rất nhiều.
Bàn tròn về Thượng đỉnh Trump-Kim lần II và 40 năm Cuộc chiến Biên giới
"Ở
góc độ của người Việt Nam, tôi thấy rõ ràng tên gọi 'Phản kích tự vệ'
của cuộc chiến này như thế là không chính xác, rõ ràng là 6 tỉnh biên
giới của Việt Nam bị xâm lược và không thể nói chuyện là [có] người anh
hùng nào, hay tốt đẹp gì trong việc đi sang [Việt Nam], ở đây không có
câu chuyện gì phải tự vệ, bởi vì tất cả mọi chuyện là xảy ra trên đất
Việt Nam.
"Tại
sao lại gọi là tự vệ? Một đất nước Trung Quốc từ sức người, sức của, từ
diện tích cho đến sức dân đều lớn hơn Việt Nam rất nhiều, làm gì có câu
chuyện là phải tự vệ với một nước Việt Nam rất là nhỏ, rất là bé, rất
là nghèo nàn mà năm 1979 vừa mới ra khỏi bom đạn chiến tranh?"
'Phản kích tự vệ?'
Nêu
ý kiến ngay trước đó, tại Bàn tròn thứ Năm phần nội dung nhìn lại 40
năm cuộc chiến biên giới Việt - Trung, Nhà báo, Biên tập viên Ban BBC
Tiếng Trung Tô Bình nói:
"Tôi
lớn lên trong những năm thập niên 1980 ở Trung Quốc, ngay sau khi nổ ra
cuộc chiến, tôi vẫn còn nhớ giai đoạn ngay sau cuộc chiến đó và suốt
thời gian cuộc chiến. Cuộc chiến đậm nét và luôn luôn chiếm một thời
lượng lớn trong truyền thông, tuyên truyền ở Trung Quốc.
"Có
rất nhiều phim, những bài hát, họ ca ngợi lòng can đảm, quả cảm của
những người lính Trung Quốc trong cuộc chiến tranh đó. Tôi vẫn còn nhớ
như in một ca khúc, tựa đề là 'Vinh quang nhuốm máu' được hát trên
truyền hình quốc gia Trung Quốc và trình chiếu trong chương trình tạp kỹ
ở Gala lớn mừng năm mới, Tết nguyên đán Trung Quốc năm 1987.
"Ca
khúc được một cựu chiến binh tham gia cuộc chiến biên giới Trung -
Việt, anh ta bị thương trong cuộc chiến tranh và phải ngồi xe lăn. Bài
hát ngay lập tức đã trở thành một tiết mục nổi tiếng, cực kỳ ăn khách
cho rất nhiều ca sỹ trong nhiều năm tiếp theo, mà trong số những người
trình bày có phu nhân của Chủ tịch Tập Cận Bình, bà Bành Lệ Viện. Bà là
một ca sỹ nhạc nhẹ và bà đã trình bày bản đó."
"Một
số nhà bình luận cho rằng tất cả cái này là một phần của điều được gọi
là chiến lược tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc để sử dụng cuộc
chiến tranh mới xảy ra gần nhất lúc đó để đề cao tinh thần ái quốc và
trung thành với Tổ quốc và Đảng Cộng sản v.v..."
Nhân
dịp này, nhà báo từ ban BBC Tiếng Trung cũng cho biết sơ bộ những gì bà
nhận biết được khi theo dõi dư luận ở Trung Quốc liên quan tròn 40 năm
đánh dấu cuộc chiến, bà nói:
"Trên
mạng xã hội của Trung Quốc, tôi cũng lướt qua mạng Sina Weibo - được
coi là Twitter của Trung Quốc, chuỗi ký tự 'cuộc chiến Phản kích Tự vệ'
như được biết ở Trung Quốc có khoảng 6 triệu lượt xem và 7 ngàn lời bình
luận. Nếu quý vị biết mạng Sina này có tới 340 triệu người sử dụng
thường xuyên hàng tháng, thì con số 6 triệu không phải là một con số
lớn.
"Và
trong số các bình luận trên mạng xã hội, thì tất cả chỉ tập trung vào
một chủ đề là những hành động quả cảm anh hùng của Quân giải phóng Trung
Hoa như thế nào, rồi sự hy sinh mà những người lính Trung Quốc đã trải
qua để bảo vệ Tổ Quốc, nhưng gần như không có một cảm nhận hay bình luận
gì về nguyên nhân của cuộc chiến cả. Cũng như những cái giá mà Trung
Quốc hay Việt Nam đã phải trả về con người, cũng như là hậu quả lâu dài
của cuộc chiến cho cả Trung Quốc lẫn Việt Nam."
'Điều buồn phiền nhất'
Về phía mình, nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Đại học Quốc gia Hà Nội bình luận thêm:
"Tôi
là một chứng nhân lúc ấy. Thực ra, tôi nghe những câu mà nhà báo Tô
Bình nói thì tôi thực sự cảm thấy rất đau lòng và rất buồn vì sự thật
của nó đã bị bóp méo ở phía Trung Quốc.
"Tuy
nhiên, vì là một người nghiên cứu tôi cũng hiểu được tại sao lại phải
tuyên truyền như thế và điều mà tôi cảm thấy buồn phiền nhất là ở trong
câu Giáo sư Ngô Vĩnh Long có nhắc lại vừa rồi là Trung Quốc muốn 'dạy
cho Việt Nam một bài học'.
"Thực
ra như thế còn chưa đầy đủ. Câu đầy đủ, khi mà Đặng nói, là: "Dạy cho
Việt Nam vong ân, bội nghĩa một bài học". Rõ ràng ở đây có một sự sai
lầm, một sự hiểu nhầm hoàn toàn tính chất một cách đáng tiếc giữa hai
người bạn.
"Mong
muốn là câu chuyện đã qua 40 năm, đáng ra qua 30 năm có thể khép lại
được rồi, 40 năm tôi mong nó sẽ khép lại và nó sẽ là một bài học cho
những quốc gia như là Bắc Triều Tiên, hay là Nam Triều Tiên, để không
mắc lại sai lầm tương tự, để không có những mất mát vô nghĩa như vậy
nữa."
Cũng
nhân Bàn tròn nhìn lại bốn thập niên cuộc chiến, về khía cạnh soạn sách
giáo khoa và nên đề cập đến cuộc chiến này ra sao để sự thật lịch sử
được tôn trọng và phản ánh khách quan, đầy đủ, Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng
bình luận:
"Tôi
nghĩ rằng sử của Việt Nam nên do Việt Nam viết, tuy nhiên Trung Quốc
vẫn là nước láng giềng và lịch sử đã quy định rằng Việt Nam cũng chẳng
thể chuyển nhà đi đâu được cả, nên tôi nghĩ rằng vẫn nên giữ tình hữu
nghị với Trung Quốc.
"Tuy
nhiên chúng ta cần phải sòng phẳng về mặt lịch sử. Bốn mươi năm cũng đã
có một độ lùi lịch sử rồi, cần phải sòng phẳng với lịch sử, cần phải
dạy cho các thế hệ người Việt những giá trị của Việt Nam, nhất là những
giá trị quan trọng như là giá trị yêu nước.
"Và
tôi cũng đồng ý với Giáo sư Ngô Vĩnh Long [khách mời cùng tham dự Bàn
tròn] là cuộc chiến này đúng là cuộc chiến mà ông Đặng Tiểu Bình đã đặt
Việt Nam vào thế không có một sự lựa chọn nào khác.
"Khi
mà Tổ quốc bị xâm lược như vậy, thì tất nhiên người Việt Nam phải đứng
lên để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ - giá trị toàn vẹn lãnh thổ là một giá
trị xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam, thế thì cũng nên dạy cho toàn thể
thế hệ sau về bài học lịch sử này của cha ông.
"Không
phải để khắc sâu hận thù, mà để sau này rút kinh nghiệm: thêm yêu hòa
bình và những người đứng trong cương vị lãnh đạo tuyệt đối không nên để
cho những câu chuyện chiến tranh tương tự có thể xảy ra, vì đây là một
tội ác, rõ ràng là một tội ác đối với chính dân tộc của mình," nhà
nghiên cứu Trung Quốc học từ Hà Nội chia sẻ quan điểm với BBC.
(BBC)
Không có nhận xét nào