Header Ads

  • Breaking News

    Không gian nào cho tham vọng địa chính trị của Việt Nam ở Biển Đông?

    Ngày 19/01/2019 đánh dấu tròn 45 năm cuộc hải chiến đẫm máu Hoàng Sa 1974 và Trung Quốc chiếm giữ quần đảo cho đến nay. Ngày 02/05/2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa trái phép dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam. Ngày 25/06/2014, báo chí Trung Quốc công bố bản đồ 9 đoạn (hoặc “đường lưỡi bò”) đòi hỏi vô lý chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông.

    Nhà nghiên cứu Laurent Gédéo, giảng viên Viện Đông Á Lyon (Institut d'Asie orientale), thuyết trình tại trường Sư phạm ở Paris, ngày 18/01/2019.
    Những sự kiện này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa hai nước, kéo theo nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân Việt Nam.

    Trong buổi thuyết trình tại trường Sư phạm ở Paris (Ecole normale supérieure) ngày 18/01/2019, một ngày trước kỉ niệm 45 trận hải chiến Hoàng Sa, nhà nghiên cứu Pháp Laurent Gédéon, giảng viên Viện Đông Á ở Lyon (Institut d’Asie orientale, IAO) đã điểm lại những sự kiện lịch sử liên quan đến Biển Đông, cũng như những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, trong bài thuyết trình : Biển Đông : Không gian nào cho tham vọng địa lý-hàng hải của Việt Nam? (Mer de Chine méridionale, quel espace pour les ambitions géomaritimes du Vietnam?)

    Ông Laurent Gédéon trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt sau buổi thuyết trình.

    ***

    RFI : Xin ông cho biết Việt Nam thực sự chú ý đến vấn đề Biển Đông từ khi nào ?

    Laurent Gédéon : Người Việt chú ý đến vấn đề Biển Đông từ khi Việt Nam giành được độc lập năm 1954. Cả miền Bắc lẫn miền Nam đều quan tâm đến chủ đề này. Nhưng vào thời kỳ đó, chủ quyền Biển Đông chưa phải là vấn đề trọng tâm địa-chính trị ở cả miền Bắc lẫn miền Nam.

    Sau đó xảy ra cuộc hải chiến ở Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát quần đảo từ Việt Nam vào năm 1974 và phía miền Nam Việt Nam có phản ứng bằng cách kiểm soát một phần các đảo ở Trường Sa. Nhưng có thể nói là sau đó, cuộc xung đột đã ổn định vì những bận tâm địa chính trị của Việt Nam chủ yếu hướng về Đông Dương, Cam Bốt, Lào và mối đe dọa trên mặt đất có thể đến từ phía Trung Quốc.

    Cuối cùng, người ta nhận thấy là Việt Nam ngày càng chú tâm đến vấn đề an ninh hàng hải, chủ yếu kể từ cuối những năm 2000, trước những xác quyết chủ quyền ngày càng lớn của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ các đảo ở Biển Đông. Vào những năm 2010, Trung Quốc gây sức ép ngày càng mạnh hơn, rõ ràng hơn với những nước ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam và Philippines.

    Ý thức được tham vọng địa-chính trị của Bắc Kinh, Hà Nội phải điều chỉnh theo. Điều này cũng khiến Việt Nam ngày càng chú tâm hơn đến năng lực hàng hải, hải quân, cũng như về mặt tên lửa mà Việt Nam sở hữu để giữ vững những khu vực mà Hà Nội kiểm soát ở Biển Đông, đồng thời nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công vào lãnh thổ hoặc hải đảo.

    RFI : Trung Quốc diễn giải đòi hỏi chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông như thế nào ?

    Laurent Gédéon : Về quan điểm của Trung Quốc, họ coi khu vực Biển Đông là một vùng lãnh hải của mình. Họ đòi hỏi chủ quyền trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua những tài liệu có hiệu lực như luật, trong đó luật tháng 02/1992 xác định chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo ở Biển Đông, cũng như nhiều quần đảo khác trong khu vực.

    Yêu sách về không gian biển của Trung Quốc, một cách không chính thức, được lộ rõ qua “đường lưỡi bò” (đường 9 đoạn) phân định vùng lãnh hải mà nước này đòi hỏi.

    Tôi cho rằng sự thể hiện địa chính trị này mang tính chất phô trương sức mạnh và sự hiện diện vì các bản đồ do Trung Quốc xuất bản đều gộp cả vùng lãnh hải kéo dài xuống tận Biển Đông.

    RFI : Trước những đòi hỏi vô lý và sự bành trướng của Trung Quốc, Việt Nam đưa ra những lập luận nào để bảo vệ chủ quyền và lợi ích ?

    Laurent Gédéon : Trước tiên, người Việt dựa vào các lập luận lịch sử. Họ nhấn mạnh đến ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam từ thời xa xưa. Phía Việt Nam cũng dựa vào việc phát hiện lại những quần đảo này với một bia đá chủ quyền đã được dựng từ thời Gia Long, và việc Pháp đã chính thức sở hữu quần đảo Hoàng Sa trong những năm 1930 nhân danh triều đình nhà Nguyễn.

    Nền tảng trong lập luận của Hà Nội để hợp pháp hóa đòi hỏi của Việt Nam dựa trên những kiến thức từ lâu về những quần đảo này, về cách sử dụng nguồn nước và nguồn hải sản, cũng như việc Pháp, nước đô hộ Việt Nam, đã sở hữu những quần đảo này.

    RFI : Trung Quốc có căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, quân sự hóa một số đảo mà nước này kiểm soát ở Trường Sa và có tin đồn về việc Bắc Kinh lập dự án xây căn cứ ở Cam Bốt. Liệu Việt Nam có bị vây hãm hay không ?

    Laurent Gédéon : Việt Nam chú ý theo dõi hành động của Trung Quốc. Căn cứ hải quân của Trung Quốc trên đảo Hải Nam là một mối bận tâm của Việt Nam. Nhưng thực ra, mục đích chính của căn cứ trên đảo Hải Nam là để chứa tầu ngầm của Trung Quốc. Với Trung Quốc, căn cứ ở Hải Nam có ý nghĩa rất quan trọng và vượt quá quy mô đối đầu Việt-Trung.

    Về tin đồn Trung Quốc có ý định xây căn cứ ở Cam Bốt, dự án này cũng không hẳn là nhắm vào Việt Nam. Đúng là Việt Nam nằm trong tầm đe dọa chung của Trung Quốc nếu căn cứ vào những cơ sở vây quanh Việt Nam nhưng chiến lược của Trung Quốc chủ yếu nhằm ngăn chặn sự hiện diện của Mỹ ở trong khu vực. Mỹ có một căn cứ quân sự ở Singapore từ nhiều năm nay và như vậy kiểm soát được tàu bè qua lại ở eo biển Malacca hướng về Biển Đông. Đây là điểm qua lại của tuyến đường hàng hải huyết mạch nối nền kinh tế Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.

    Tôi cho rằng dự án của Trung Quốc xây căn cứ ở Cam Bốt, nhờ vào mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, thực ra là để Bắc Kinh làm đối trọng với sức ép và sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, chứ không hẳn là nhằm đe dọa Việt Nam. Dĩ nhiên, chúng ta không thể loại trừ khả năng Hà Nội coi dự án này là một mối đe dọa mới.

    Về phần những cơ sở mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo đá do họ kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, ở điểm này, tôi cho rằng cần phải đánh giá những gì mà mỗi bên tiến hành. Các bên liên quan cần làm chủ các đảo mà họ kiểm soát ở Trường Sa. Và một số bên muốn biến khu vực đó thành điểm thể hiện sức mạnh của họ, do đó họ bồi đắp và xây dựng, trong đó có cả đường băng phục vụ mục đích quân sự.

    Vấn đề đặt ra là sự thể hiện sức mạnh này đi theo hướng nào ? Và những đối tượng nào bị nhắm đến ? Hoàn toàn có thể là Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Nhưng cũng có thể theo hướng ngược lại vì Việt Nam cũng quân sự hóa một số đảo. Nhưng về quan điểm của Bắc Kinh, điều quan trọng là chúng ta cần theo dõi tầm nhìn chung của Trung Quốc về môi trường trong vùng. Việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo do nước này kiểm soát cũng là một cách để tiến gần về phía Singapore, nơi Mỹ có căn cứ quân sự.

    Người ta cũng thường nói rằng những đảo đá ở Biển Đông với những đường băng còn được coi là các hàng không mẫu hạm di động. Đó là nơi cho phép thể hiện sức mạnh ra xa vài trăm cây số, thậm chí còn xa hơn.

    RFI : Vậy Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức quân sự và địa-chiến lược nào ?

    Laurent Gédéon : Tôi cho rằng trước hết, Việt Nam có lợi ích trước mắt là duy trì nguyên trạng, có nghĩa là không để mất những lợi ích mà nước này có ở trong khu vực, có nghĩa là những đảo và đá mà Việt Nam đang kiểm soát ở Trường Sa.

    Ngân sách quốc phòng của Việt Nam cho thấy rằng Hà Nội đã tăng khả năng răn đe và phòng thủ của mình, trong trường hợp bị nhắm tấn công. Việt Nam triển khai năng lực đó để bảo vệ và giữ khoảng cách. Nhưng hiện giờ khó mà nghĩ rằng tự bản thân Việt Nam có thể đẩy lùi được ảnh hưởng của Trung Quốc và lấy lại kiểm soát một số khu vực ở Trường Sa mà họ không có và lấy lại Hoàng Sa mà họ đã bị mất.

    Vì thế, tôi nghĩa rằng mục tiêu hiện nay của Việt Nam là giữ thế cân bằng hiện tại. Nhưng theo những gì Việt Nam thể hiện hoặc theo tham vọng địa chính trị và khẳng định thường xuyên từ phía Việt Nam, dự án chính trị trong dài hạn là lấy lại chủ quyền đối với toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

    Theo tôi, căn cứ vào tranh chấp thuần túy Việt-Trung hiện tại, đây là điều không tưởng. Việt Nam khó lòng chinh phục được những khu vực họ không có. Ngược lại, họ có phương tiện cần thiết để bảo vệ những khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của mình.

    Giả sử Trung Quốc đối đầu mạnh mẽ với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ, rồi do nhiều lý do khác nhau, dẫn tới đối đầu trên biển. Nếu cuộc đối đầu này dẫn đến kết quả là sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc bị thu hẹp ở Biển Đông, thì Việt Nam có thể được hưởng hệ quả tích cực và cho phép Việt Nam lấy lại quyền kiểm soát một phần lãnh thổ đã bị mất.

    Ban tiếng Việt đài RFI xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu, giảng viên đại học Laurent Gédéon.

    Thu Hằng

    (RFI) 

    Không có nhận xét nào