Nhà nước phúc lợi, nổi bật nhất là
nhà nước phúc lợi Bắc Âu, có vẻ đang là mô hình quyến rũ không chỉ đối
với nhiều nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam mà cả đối với không ít các
trí thức bất đồng chính kiến ở nước ta. Mô hình này càng cuốn hút giới
trí thức nước ta khi kinh tế gia đoạt giải Nobel người Mỹ Paul Krugman,
người ủng hộ sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động kinh tế và từng
sang rao giảng ở Việt Nam, đã coi Bắc Âu là bằng chứng thành công không
thể chối cãi của nhà nước phúc lợi.
Nhà nước phúc lợi có phải là mô hình quyền rũ? |
Ở
Mỹ, chính khách rất được lòng dân F.D. Roosevelt, người trúng cử 4
nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp, đã “cải sửa” chủ nghĩa tư bản bằng chương
trình New Deal đồ sộ biến nhà nước thành bà đỡ can thiệp mạnh mẽ vào
hoạt động kinh tế, được coi là người khai sinh ra nhà nước phúc lợi ở
Mỹ. Ở Anh, khi Công đảng đánh bại Đảng bảo thủ của Churchill đưa Atlee
lên làm Thủ tướng trong cuộc tuyển cử ngay trước khi Đại chiến 2 kết
thúc, nước này bắt đầu quốc hữu hóa các “đỉnh cao chỉ huy” của nền kinh
tế, khai sinh Nhà nước phúc lợi ở Châu Âu.
Dù
là “kiến trúc sư” của nhà nước phúc lợi Hoa Kỳ, nhưng F. D. Roosevelt
vẫn cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng của nó. Ông cho rằng sự phụ
thuộc liên tục vào trợ cấp từ chính phủ sẽ gây ra “sự tan rã về đạo đức
và tinh thần” và “hủy hoại cấu trúc quốc gia”, rằng đây chẳng khác gì
việc phân phát liều thuốc an thần,“hủy diệt tinh vi tinh thần con người”
và vi phạm các truyền thống của nước Mỹ.
Phải
đến các thập niên 1970-1980, người ta mới nhận ra lời tiên đoán của
Roosevelt là chính xác, nhưng khi ấy những di hại của các chính sách New
Deal đã quá nặng nề, đến nỗi trong hai nhiệm kỳ tổng thống của mình ông
Reagan cũng chỉ khắc phục được một phần những tác hại của những quy
định vốn trở thành thâm căn cố đế trong xã hội Mỹ. Và cho đến ngày nay
tổng thống Trump vẫn đang tháo gỡ tiếp. Trong khi nhà nước phúc lợi Mỹ
và Anh không những thất bại mà còn để lại những di hại hết sức nặng nề
cho nền kinh tế, mãi đến thời Reagan và Thatcher mới đảo ngược xu thế để
từng bước hồi sinh hai cường quốc này, thì nhà nước phúc lợi Bắc Âu
hình như chẳng bị làm sao.
Chưa
có kinh tế gia hoặc chính trị gia nào ủng hộ nhà nước phúc lợi mà trả
lời thỏa đáng được câu hỏi : Vì sao nhà nước phúc lợi thành công ở Bắc
Âu và những nước có đặc điểm tương tự, nhưng lại thất bại ở phần còn lại
của thế giới ?
Nhân
đầu năm mới, tiến sĩ Đinh Tuấn Minh giới thiệu một bài viết thú vị mà
anh và cộng sự đã dịch để làm món quà đầu năm gửi đên bạn bè. Bản dịch
lấy từ một công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc của một chuyên
gia sống tại chính một trong các nước Bắc Âu. Bài viết này trả lời câu
hỏi nói trên và trả lời luôn câu hỏi : thực ra mô hình nhà nước phúc lợi
Bắc Âu có thành công như người ta nghĩ hay không, hay là nó vẫn đang
“hủy diệt tinh vi tinh thần con người” như cảnh báo của F. D. Roosevelt
nhưng hủy diệt chậm hơn và thất bại chậm hơn mà thôi ?
Là
một nước đang hội nhập với thế giới, Việt Nam chỉ có thể thành công khi
đội ngũ trí thức học hỏi kinh nghiệm của thế giới bằng trí tuệ của mình
chứ không phải bằng sự sao chép theo thời thượng. Nước ta đang chuyển
động mạnh mẽ sang kinh tế thị trường, dù là định hướng gì thì trước hết
cũng phải là cơ chế thị trường được hoàn thiện đầy đủ. Nền kinh tế thị
trường và Nhà nước pháp quyền chính là nền tảng cho một xã hội tự do và
khoan dung, ở đó truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và truyền
thống gia đình được gìn giữ cao nhất, ở đó phẩm hạnh cá nhân được tôn
trọng, trách nhiệm cá nhân được đề cao trong mối quan hệ hợp tác tự
nguyện với các thành viên trong cộng đồng. Chúng ta nên tránh những vết
xe đổ mà muốn cứu vãn phải mất hàng chục, hàng trăm năm. Một dân tộc mà
trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, đối với gia đình và xã hội bị xói
mòn, dân tộc đó trở nên suy đồi nhược tiểu rất khó mà hồi phục.
Xin cám ơn sự kiên trì của tiến sĩ Đinh Tuấn Minh (Minh Dinh Tuan) và xin giới thiệu bài viết trên tinh thần đó.
Hoàng Hải Vân
(FB Hoàng Hải Vân)
Không có nhận xét nào