Càng gần đến Thượng Đỉnh Trump-Kim
lần thứ 2 tại Hà Nội vào cuối tháng Hai này, giới phân tích càng cố dự
đoán xem là liệu hai lãnh đạo Mỹ-Triều có đạt được một thỏa thuận cụ thể
hơn lần trước hay không? Thách thức rất lớn đối với cả bên sau những
lời hứa xóa bỏ căng thẳng và tranh chấp kéo dài trong hàng thập niên.
Thực tế lúc này tuy nhiên vẫn là: Bắc Triều Tiên vẫn nắm giữ vũ khí hạt
nhân, còn Washington vẫn tiếp tục trừng phạt Bình Nhưỡng.
Cờ Mỹ và Bắc Triều Tiên trước khách sạn Métropole, Hà Nội (Việt Nam) ngày 19/02/2019. |
Trong
bài phân tích ngày 14/02/2019, tựa đề “Con đường ngoại giao gập ghềnh
từ khi Trump và Kim gặp nhau lần đầu/The bumpy diplomatic road since
Trump and Kim first met”, hãng tin Anh Reuters đã điểm qua những gì hai
bên đã hứa tại Singapore, nhưng chưa làm được, để xác định xem những gì
có thể nằm trên bàn phán tại Hà Nội trong những ngày tới đây.
Thỏa thuận Singapore: 4 điểm
Thượng
đỉnh Singapore tháng 6 năm 2018 là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa một tổng
thống Mỹ đương nhiệm với một lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Thế nhưng bản
tuyên bố sau đó không mấy cụ thể, chỉ gồm 4 cam kết chung chung.
1 - Hai quốc gia sẽ thiết lập “những quan hệ mới” cho hòa bình và thịnh vượng.
2 - Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên sẽ cùng làm việc với nhau để xây dựng “một chế độ hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên”.
3 - Bắc Triều Tiên cam kết “nỗ lực tiến đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”.
4 - Hai quốc gia sẽ tìm lại và hồi hương hài cốt binh lính chết trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-53.
Những bước tiến nửa chừng sau Singapore
Theo
ghi nhận của Reuters, ngay sau thượng đỉnh Singapore, Mỹ và Bắc Triều
Tiên đã có một vài động thái cụ thể nhưng rất hạn chế nhằm thực hiện
những lời hứa trên đây.
Về
phía Bắc Triều Tiên, ngay trước lúc mở ra thượng đỉnh, vào tháng
5/2018, Bắc Triều Tiên đã cho phá hủy một số đường hầm và cơ sở ở địa
điểm thử hạt nhân Punggye-ri với sự chứng kiến của nhà báo quốc tế nhưng
không có chuyên gia giám sát.
Qua
tháng 7, hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Triều Tiên bắt đầu tháo gỡ một
số cơ sở ở trung tâm phóng vệ tinh Sohae, nhưng những báo cáo sau đó của
chuyên gia Mỹ lại ghi nhận là không có gì được làm tiếp.
Bắc Triều Tiên cũng đã nhanh chóng cho mang đi 55 chiếc hòm được cho là đựng hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh Triều Tiên.
Về
phía Mỹ, ngay sau cuộc gặp với Kim Jong Un, ông Trump tuyên bố Hoa Kỳ
sẽ ngưng tập trận với Hàn Quốc. Các cuộc thao diễn quân sự Mỹ-Hàn luôn
bị Bình Nhưỡng chỉ trích là nhằm tấn công Bắc Triều Tiên. Và như thế
những cuộc thao diễn với quy mô lớn đã ngưng lại, chỉ còn tiếp tục những
cuộc thao diễn nhỏ.
Hàn
Quốc và Bắc Triều Tiên cũng tiến hành hòa giải, đã 3 lần họp thượng
đỉnh, đã có những bước giảm căng thẳng ở vùng biên giới bằng cách đóng
cửa một số đồn biên phòng, tháo gỡ mìn, thiết lập một vùng cấm bay.
Tuy
nhiên, có những dự án liên Triều khác không thể thực hiện vì lệ thuộc
vào ý định của Hoa Kỳ có muốn giảm nhẹ hay không các biện pháp trừng
phạt đang đè nặng lên đa số các dự án kinh tế với Bắc Triều Tiên.
Nửa
cuối năm 2018 vừa qua cũng chứng kiến một loạt những cuộc gặp gỡ chính
thức và những chuyến thăm bị hủy bỏ giữa các quan chức Mỹ và Bắc Triều
Tiên.
Ngoại
trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Bắc Triều Tiên nhiều lần, lần đầu tiên thì
bị Bình Nhưỡng lên án là có “những yêu sách kiểu gangster” khi đòi Bắc
Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể
kiểm chứng được, nhưng sau đó, lại nhận được “sự hài lòng” của Kim Jong
Un với một cuộc gặp gỡ khác.
Trong
lúc đó, tổng thống Mỹ đã đón tiếp một nhân vật cao cấp Bắc Triều Tiên
tại Nhà Trắng và tuyên bố ông và Kim Jong Un “đã phải lòng nhau” sau khi
trao đổi thư từ.
Trong
phát biểu đầu năm 2019, Kim Jong Un xác nhận sẵn sàng gặp Donald Trump
một lần nữa, nhưng cảnh báo về khả năng mở ra “một con đường mới”, hàm ý
có thể phát triển trở lại vũ khí nếu không hài lòng với cuộc đàm phán.
Những
cuộc thương thảo dồn dập vào đầu tháng Giêng đã dẫn đến thông báo của
tổng thống Trump về cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Việt
Nam vào cuối tháng Hai.
Những điều chưa làm được
Qua
tất cả các cuộc gặp gỡ cũng như thương lượng hậu trường, không bên nào
thông báo những bước tiến quan trọng mới tiến đến phi hạt nhân hóa, giảm
nhẹ trừng phạt hay thiết lập “chế độ hòa bình” mới trên bán đảo.
Truyền
thông Bắc Triều Tiên than phiền về việc Washington chống đối giảm nhẹ
trừng phạt hay ký bản tuyên bố hòa bình cho đến khi nào Bắc Triều Tiên
có thêm bước tiến đến phi hạt nhân hóa.
Viên
chức tình báo và quốc phòng Mỹ thì cho rằng Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục
phát triển kho vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn, bất chấp việc tạm ngưng thử
nghiệm mà Bắc Triều Tiên tự áp đặt. Họ cũng cho rằng không chắc là Bình
Nhưỡng từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân của họ.
Sau
cuộc gặp với Kim Jong Un vào tháng 9/2018, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae
In tuyên bố là phía Bắc sẵn sàng dỡ bỏ một cách lâu dài cơ sở hạt nhân
Yongbyon và cho phép quốc tế đến thanh tra một số địa điểm bắn hỏa tiễn
nếu Hoa Kỳ có nhượng bộ.
Nhưng đến giờ thì nhượng bộ phía Mỹ cũng chưa thấy và thanh tra ở Bắc Triều Tiên cũng chẳng có.
Những gì có thể diễn ra ở Việt Nam
Viên
chức Mỹ và Bắc Triều Tiên đều không hé môi về nội dung thỏa thuận có
thể đạt nhân cuộc họp thượng đỉnh thứ hai này tại Hà Nội, nhưng giới
quan sát cho rằng thái độ của Hoa Kỳ cần phải cởi mở hơn.
Phát
biểu với các nghị sĩ Hàn Quốc, ông Stephen Biegun, đặc sứ Mỹ về Bắc
Triều Tiên, xác định là phần lớn các cuộc thảo luận gần đây nhất với Bắc
Triều Tiên đều xoay quanh vấn đề hậu cần của thượng đỉnh và cần có
nhiều trao đổi nữa để giải quyết các vấn đề quan trọng.
Nhưng
theo lời một nghị sĩ Hàn Quốc, ông Biegun cũng cho biết là khoảng một
chục đề tài trong chương trình nghị sự đã được thảo luận, và Bắc Triều
Tiên đã đề nghị bãi bỏ trừng phạt, khởi động lại một số đề án kinh tế,
mở một văn phòng liên lạc Mỹ ở Bình Nhưỡng, và ký một văn bản để chính
thức chấm dứt tình trạng chiến tranh “kỹ thuật” vẫn tồn tại từ cuộc
chiến 1950-53.
Ngoài
ra, còn có những vấn đề khác bao gồm việc bãi bỏ hay giảm nhẹ lệnh cấm
người Mỹ đi Bắc Triều Tiên hay tăng trợ giúp song phương.
Giới
quan chức Hàn Quốc nhận định là để giành một số nhượng bộ từ Mỹ, thì
Bình Nhưỡng phải đóng cửa trung tâm hạt nhân Yongbyon, phá hủy những cơ
sở phóng hỏa tiễn chính trước sự hiện diện của chuyên gia nước ngoài.
Truyền
thông nhà nước Bắc Triều Tiên, vào tháng 12 vừa qua, nói là cam kết phi
hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng bao gồm việc “loại bỏ hoàn toàn
mối đe dọa hạt nhân của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên”. Có điều là những
bước cụ thể mà Mỹ phải thực hiện không được nêu lên.
Một
số nghị sĩ Mỹ và nhà phân tích dự đoán là ông Trump có thể đồng ý giảm
lực lượng Mỹ hiện diện ở Hàn Quốc. Thế nhưng các quan chức chính phủ ở
Seoul và Washington đều xác định rằng quân số là điều không thể thương
lượng.
Mai Vân
(RFI)
Không có nhận xét nào