Header Ads

  • Breaking News

    Chủ nghĩa xã hội quay trở lại chính trường Mỹ

    Trong phần lớn các giai đoạn của lịch sử Hoa Kỳ, chủ nghĩa xã hội luôn được coi là một từ dơ bẩn – thường được dùng như một cách mỉa mai chính trị, hơn là để miêu tả lý tưởng chính trị của một ai đó.

    Thượng nghị sĩ Bernie Sanders - bang Vermont.
    Chủ nghĩa xã hội thường bị nhầm lẫn với việc quốc hữu hóa phương tiện sản xuất, chủ nghĩa cộng sản, hay thậm chí còn bị nhầm lẫn với chế độ độc tài. Các ứng viên của đảng Xã hội ở Mỹ chật vật thu hút sự ủng hộ của công chúng. Năm 1920, thời cực thịnh của những người theo chủ nghĩa xã hội ở Mỹ, ứng viên Eugene V.Debs chỉ nhận được vỏn vẹn 915.000 phiếu trong cuộc đua Tổng thống.

    Tuy nhiên, theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây, những ý tưởng của chủ nghĩa xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến tại Hoa Kỳ, phổ biến tới mức các ứng viên Dân chủ trong cuộc đua để được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống năm 2020 đều đang áp dụng những cương lĩnh về kinh tế, thuế, và chính sách xã hội có liên hệ mật thiết với lí tưởng của chủ nghĩa xã hội.

    “Cảm giác là chúng ta đang gặp rắc rối lớn, khi mà dân Mỹ không được hưởng những thứ đáng lí ra phải sẵn có trong một quốc gia giàu có như Hoa Kỳ,” Giáo sư kinh tế Richard D.Wolff và là tác giả cuốn “Hiểu về Chủ nghĩa Mác” nói với VOA. “Vậy nên mới có những người như Jeff Bezos [tỷ phú chủ nhân Amazon … và số còn lại như chúng ta thì không biết làm cách nào để chu cấp đủ tiền cho con học hết đại học.”

    Có khoảng 44 triệu người Mỹ đang phải gánh trên vai món nợ tiền học đại học, theo ước tính của giáo sư Wolff- đây là thực tế mà ngày càng có nhiều ứng viên Dân chủ đề cập đến trong chiến dịch tranh cử của mình.

    Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont, người tự xưng theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, đã huy động được một lượng lớn cử tri, những người ủng hộ các chính sách cấp tiến như miễn học phí đại học và bảo hiểm y tế toàn dân.

    Mặc dù thất bại trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton (không được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống), sức thu hút từ những chính sách của ông Sanders đã buộc đảng Dân chủ xem xét lại những chính sách dòng chính của họ.

    Ngay cả trước khi ông Sanders tuyên bố ra tái tranh cử Tổng thống vào năm 2020 với tư cách là ứng viên của đảng Dân chủ, những ứng viên khác cũng đã bắt đầu trở nên thiên tả hơn với những hứa hẹn như mở rộng chương trình chăm sóc sức khỏe, chính sách về thuế và biến đổi khí hậu.

    Năm trong số sáu thượng nghị sĩ Dân chủ tuyên bố tranh cử như Cory Booker đến từ New Jersey, Kirsten Gillibrand từ New York, Kamala Harris từ California, Elizabeth Warren của bang Massachusetts và Sanders đều hứa sẽ mưu tìm “Bảo hiểm sức khỏe cho mọi người,” một chính sách từng được rất nhiều thành viên phe Dân Chủ coi là không tưởng bởi chi phí quá đắt đỏ. Chỉ duy nhất thượng nghị sĩ Amy Klobuchar của bang Minnesota là không tán đồng quan niệm này.

    Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump và các thành viên đảng Cộng hòa liên tục sử dụng từ chủ nghĩa xã hội như một cách miệt thị - lên án và móc mỉa những đề xuất của các nhà lập pháp mới như dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, một cựu nhân viên trong chiến dịch tranh cử của ông Sanders.

    Mới đây ông Trump có viết trên trang Twitter của mình rằng “Tôi nghĩ phe Dân chủ cần phải thúc đẩy cho Thỏa thuận Xanh Mới. Đối với cái gọi là “Khí thải hiệu ứng nhà kính này”, sẽ thật tuyệt nếu chúng ta có thể loại bỏ vĩnh viễn tất cả Máy bay, Xe hơi, Bò, Dầu khí, Gas và cả Quân đội nữa – ngay cả khi không một quốc gia nào khác làm điều tương tự. Thật xuất sắc!”

    “Nước Mỹ sẽ không bao giờ trở thành một quốc gia Xã hội Chủ nghĩa,” ông Trump tuyên bố hôm 05/02 trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang.

    Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của cánh hữu nhắm vào ý thức hệ này, 57% đảng viên Dân chủ lại ủng hộ cách nhìn của chủ nghĩa xã hội, theo một cuộc thăm dò ý kiến của Gallup năm 2018.

    “Rõ ràng, chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Bernie Sanders đã góp phần quan trọng cho việc lấy lại danh dự cho cụm từ xã hội chủ nghĩa,” Lial Harrison, tình nguyện viên cho tổ chức Socialist Alternative, một mạng lưới trên toàn quốc bao gồm các tổ chức nhỏ hơn với tôn chỉ “đấu tranh chống bất công” tại các cộng đồng địa phương.

    “Người dân, giới lao động phổ thông đều nghĩ rằng ‘Tôi cần lương tối thiểu 15 đô la một giờ. Tôi cần Bảo hiểm y tế cho mọi người. Tôi cần đại học miễn phí. Tôi đoán tôi là một người theo chủ nghĩa xã hội,” cô nói với VOA.

    Kể từ khi ông Trump đắc cử vào năm 2016, tổ chức Chủ nghĩa xã hội Dân chủ Hoa Kỳ, tổ chức hàng đầu qui tụ những người tự nhận theo chủ nghĩa xã hội, khoe đã có được gần 60.000 thành viên so với con số chỉ 5.000 vào năm 2015, trước khi ông Sanders lần đầu tiên ra tranh cử Tổng thống.

    Y tế cho mọi người

    Một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với những cử tri tự xưng theo xã hội chủ nghĩa dân chủ và những cử tri của đảng Dân chủ nói chung, đó chính là y tế miễn phí cho toàn dân.

    Khi ông Sanders giới thiệu dự luật Bảo hiểm Sức khỏe Toàn dân vào năm 2013, không một đồng nghiệp nào cùng đứng tên với ông. Tới thời điểm hiện tại, một dự luật tương tự, được đưa ra bởi dân biểu cấp tiến Pramila Jayapal, dự kiến sẽ nhận được hơn 100 chữ kí ủng hộ khi được chính thức đệ trình.

    Bảo hiểm y tế toàn dân đã trở thành một phép thử cho những ứng viên tiềm năng của đảng Dân chủ chứng tỏ cam kết của mình với những ý tưởng cấp tiến, các nhà phân tích chính trị cho biết.

    “Rõ ràng thời thế đã khác so với lúc ông Bernie ra tranh cử, chạy đua với nhà Clinton khốn khổ,” ông Bob Muehlenkamp, đồng chủ tịch chiến dịch tranh cử cho Bernie năm 2016 tại Maryland, nói với VOA.

    “Lúc đó, không khó để cử tri lựa chọn. Còn giờ đây thì có rất nhiều ứng viên xuất sắc tranh cử,” ông nói, ám chỉ số lượng lớn ứng viên Dân Chủ đã tuyên bố chạy đua cho kì bầu cử Tổng thống 2020, hoặc đang thành lập các ủy ban thăm dò.

    Có một sự chia rẽ lớn trong dư luận Mỹ về ý nghĩa của chủ nghĩa nghĩa xã hội đối với chính trị Mỹ. Bất chấp việc phe Cộng hòa đánh đồng chủ nghĩa xã hội với một ngước Nga theo chủ nghĩa Stalin, cái chủ nghĩa xã hội mà những ứng viên thiên tả đề nghị không hề thu hẹp những quyền tự do chính trị, mà thay vào đó, cổ súy tăng thuế người giàu để có tiền hỗ trợ các chính sách như Bảo hiểm Y tế Toàn dân, chi trả học phí đại học cho dân, và tăng lương tối thiểu cho người lao động.

    “Những người trẻ, đặc biệt là lớp người không sống qua thời kì Chiến tranh lạnh, không được nuôi dạy trong nỗi sợ hãi rằng một quả bom nguyên tử sẽ được những tay người Nga xấu xa ném xuống,” ông Wolff nói.

    Một cuộc thăm dò dư luận do Axios thực hiện hồi tháng 1 vừa qua cho thấy cử tri thế hệ Z, tức là những người từ 18-24 tuổi, thực tế có cảm tình với chủ nghĩa xã hội (61%) hơn là chủ nghĩa tư bản (41%). Tỉ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình trên toàn quốc. Tỷ lệ trung bình toàn quốc là 39% thích chủ nghĩa xã hội và 61% nghiêng về chủ nghĩa tư bản.

    “Phe Cộng hòa… đã lạm dụng những đòn tấn công nhắm vào người ta như những người chủ nghĩa xã hội, hay những người cộng sản, hay những người Marxist, hay bất kì từ ngữ nào tương tự như vậy … trong suốt nửa thế kỉ qua tại Hoa Kỳ,” Wolff nói.” Và giống như tất cả mọi thứ, chiến thuật đó đã lỗi thời.”

    Nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân dành nhiều sự ủng hộ cho các chính sách xã hội chủ nghĩa hơn là xác nhận thuật ngữ chủ nghĩa xã hội. Ví dụ, một cuộc thăm dò của Fox News hồi tháng 1 cho thấy 70% cử tri đăng kí đi bầu ủng hộ việc tăng thuế áp lên những gia đình có thu nhập trên 10 triệu đô một năm.

    “Tôi muốn tất cả mọi người đều được tiếp cận chăm sóc y tế,” Adriana Ortiz, một sinh viên cao học trường đại học Pennsylvania, người không nhận mình theo chủ nghĩa xã hội, nói với VOA.

    “Khi tôi 26 tuổi, tôi không còn được bảo hiểm của mẹ chi trả nữa, tôi phát điên để tìm hiểu về hệ thống bệnh viện, cũng như y tế, cho tới mức tôi không còn muốn đi khám bệnh nữa,” cô nói. 

    (VOA) 

    Không có nhận xét nào