Header Ads

  • Breaking News

    Cách học giỏi ngoại ngữ mà không tốn thời gian

    Học một thứ ngôn ngữ mới là một ý tưởng đáng sợ. Hàng ngàn từ xa lạ, cấu trúc ngữ pháp hoàn toàn khác biệt, và nguy cơ lâm vào tình thế mất mặt khá cao... Đó là những lý do đủ để nhiều người chúng ta thấy nhụt chí.



    Cuộc sống, công việc thì bận rộn, cho nên việc tìm được thời gian để học ngoại ngữ quả là điều thách thức.

    Thế nhưng các chuyên gia nói rằng bạn có thể đạt tiến độ hợp lý mà chỉ cần bỏ ra một giờ đồng hồ mỗi ngày.

    Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự tương quan giữa việc biết nhiều ngoại ngữ với mức độ thông minh, khả năng ghi nhớ và việc đạt thành tích học tập tốt hơn.

    Không những thế, do não bộ xử lý thông tin hiệu quả hơn, cho nên việc học ngoại ngữ thậm chí còn có thể dập tắt tình trạng suy giảm nhận thức liên quan tới tuổi tác.

    Tuỳ thuộc vào ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn là gì và thứ ngoại ngữ bạn muốn học là tiếng nào mà bạn có thể áp dụng vào việc học một cách linh hoạt, phù hợp cho cả mục tiêu ngắn hạn và trọn đời.

    Tất nhiên, nếu tiếng mẹ đẻ càng khác biệt nhiều so với thứ ngôn ngữ bạn muốn học, thì việc học càng khó hơn (chẳng hạn như tiếng Hà Lan và tiếng Việt), nhưng việc tập trung vào một ứng dụng cụ thể nào đó có thể thu hẹp đáng kể thời gian cần thiết.

    Cho dù đó là nhu cầu phục vụ cho một công việc mới, để nhằm nâng cao trình độ hay để có thể nói được những đoạn hội thoại thông thường, bạn đều có thể rèn giũa kỹ năng ngôn ngữ, bất kể tuổi tác hay vốn liếng từng có đối với ngoại ngữ đó.
    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption 'Khả năng thích nghi đa văn hoá' - tức là việc biết cách xây dựng các mối quan hệ xã hội giữa các nền văn hoá khác nhau - là một kỹ năng rất quý giá
    Những ngôn ngữ 'khó nhằn' nhất

    Viện Đào tạo Kỹ năng (the US Foreign Service Institute - FSI) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chia các ngôn ngữ thành bốn cấp độ khó, dễ khác nhau cho người có ngôn ngữ gốc là tiếng Anh.

    Bí kíp có đủ tiền sống từ 30 tuổi mà không cần đi làm

    Kỹ năng viết bạn phải làm chủ là gì?

    Bạn có quá nghèo để đeo bám công việc đang làm?

    Nhóm 1 gồm các ngôn ngữ dễ học nhất, gồm những thứ tiếng như Đan Mạch, Pháp, Ý, Romania, Tây Ban Nha và Thuỵ Điển. Theo nghiên cứu của FSI, cần khoảng từ 600 đến 750 giờ tập luyện để đạt được độ thông thạo căn bản đối với toàn bộ các ngôn ngữ trong Nhóm 1.

    Càng chuyển sang các nhóm sau, độ khó càng cao. Cần 900 giờ để đạt được trình độ tương tự đối với các ngôn ngữ thuộc Nhóm 2, gồm tiếng Đức, Mã Lai, Swahili (là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi ở Đông Phi, nhất là ở các nước Tanzania, Kenia, Uganda và Cộng hoà Dân chủ Congo), tiếng Creole của người Haiti, và tiếng Indonesia.

    Khó hơn nữa là các thứ tiếng thuộc Nhóm 3, như Bengal (được dùng ở Bangladesh và ở một số bang của Ấn Độ), tiếng Czech, Do Thái, Ba Lan, và Tagalog (được dùng phổ biến ở Philippines).

    Nhóm 4 gồm một số các ngôn ngữ thách thức nhất cho người nói tiếng Anh, trong đó có tiếng Ả-rập, Trung, Nhật và Hàn.

    'Học ngoại ngữ đem lại nhiều lợi ích'

    Dù việc học ngoại ngữ đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng các chuyên gia nói rằng học thêm một ngôn ngữ thứ hai, chỉ cần xét đến các lợi ích về nhận thức mà nó đem lại cũng đã cho thấy là điều đáng làm.

    Việc này giúp phát triển một cách tự nhiên các chức năng hành chính của chúng ta, "khả năng ở mức độ cao vẫn thao túng và sử dụng thông tin một cách linh hoạt, và giữ thông tin đó trong tâm trí, xoá đi các thông tin không liên quan," Julie Fiez, giáo sư tại khoa thần kinh học thuộc Đại học Pittsburgh, nói.

    "Nó được gọi là các chức năng hành chính bởi nó được cho là kỹ năng của CEO: phải quản lý nhiều người, phải tung hứng, xoay sở giữa rất nhiều thông tin, làm việc đa năng, và sắp xếp ưu tiên thứ tự các việc cần làm."

    Não bộ tư duy hai ngôn ngữ dựa vào các chức năng hành chính này - những thứ như kiểm soát có mức độ, trí nhớ và khả năng linh hoạt trong nhận thức - để duy trì được sự cân bằng giữa hai ngôn ngữ, theo một nghiên cứu từ Đại học Northwestern.

    Bởi cả hai hệ thống ngôn ngữ cùng hoạt động và cạnh tranh với nhau, cơ chế kiểm soát của não liên tục được củng cố.

    Lisa Meneghetti, một nhà phân tích dữ liệu từ Treviso, Italy, là người biết rất nhiều ngoại ngữ. Bà thông thạo sáu thứ tiếng, gồm Anh, Pháp, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Nga và Ý.

    Khi học một thứ ngôn ngữ mới, đặc biệt là với các ngôn ngữ không thuộc nhóm phức tạp, bà nói thách thức lớn nhất là làm sao để tránh dùng pha trộn các từ.

    "Việc não cứ chuyển qua chuyển lại và 'đi đường tắt' cũng là điều bình thường," bà nói. "Điều này xảy ra thường xuyên hơn, dễ dàng hơn với các ngôn ngữ thuộc cùng một nhóm... bởi những điểm tương tự là rất lớn."

    Nghe thì có vẻ trái khoáy, nhưng việc phải đối phó với chuyện này thật ra cũng đơn giản như việc học một thứ tiếng xa lạ so với thứ ngôn ngữ chính của bạn biết, theo Beverly Baker, giáo sư ngôn ngữ và song ngữ tại Đại học Ottawa nói.

    "Nếu như bạn chọn hai thứ tiếng có cách viết khác nhau và thuộc các nhóm rất khác nhau - chẳng hạn như tiếng Nhật và tiếng Tây Ban Nha - thì bạn sẽ không bị vướng phải chuyện khó chịu là cứ bị lẫn lộn các từ với nhau," bà nói.

    Một giờ tạo nên sự khác biệt

    Với bất kỳ ngôn ngữ nào, việc học những phần sơ đẳng đều là chuyện có thể nhanh chóng thực hiện được. Các chương trình như Duolingo hay Rosetta Stone có thể hướng dẫn bạn thực tập vài câu chào hỏi, một số đoạn nói đơn giản trong nháy mắt.

    Từ kinh nghiệm cá nhân, một người biết nhiều ngoại ngữ nữa là Timothy Doner khuyên hãy đọc, xem tư liệu bằng thứ ngôn ngữ mà bạn cảm thấy có hứng thú muốn học.

    "Nếu như bạn thích nấu nướng, hãy mua một quyển sách dạy nấu ăn viết bằng tiếng nước ngoài," ông nói. "Ngay cả khi bạn chỉ nhận ra được vài từ mỗi ngày - và đa phần là mọi người đều nói lắp bắp, sai ngữ pháp lung tung cả - nhưng mọi thứ về sau sẽ trở nên dễ dàng hơn."

    Việc học một ngôn ngữ mới đang trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn kết hợp nó với thứ gì đó bạn yêu thích, chẳng hạn như xem trận bóng đá được bình luận bằng tiếng nước ngoài
    Tuy nhiên, trước khi bạn đi quá xa thì điều quan trọng là phải cân nhắc chính xác xem bạn sẽ lên kế hoạch để sử dụng thứ ngôn ngữ đó ra sao trong tương lai.

    "Một người chuyên nghiệp bận rộn có thể thấy tiếng Trung là quan trọng, cần phải học, bởi họ có các mối liên hệ làm ăn dùng thứ tiếng đó. Cũng có thể đó là thứ ngôn ngữ mà gia đình bạn dùng đến, cho nên bạn không biết thì bạn sẽ trở thành 'ra rìa' ngay trong nhà mình. Hoặc cũng có thể là do bạn đem lòng yêu một ai đó nói thứ tiếng đó, nên bạn muốn biết vài câu để nói chuyện được với gia đình bên vợ / chồng của mình," Baker nói.

    "Nếu bạn có động cơ liên quan tới nghề nghiệp chuyên môn, thì mức độ bạn thực sự muốn dùng sẽ được hiện thực hoá trong việc học ngôn ngữ đó."

    Một khi các ý nguyện khiến bạn muốn học một thứ tiếng mới đã được xác định rõ ràng thì bạn có thể bắt đầu lên kế hoạch định ra một giờ đồng hồ để học mỗi ngày - trong thời gian một tiếng đó, bạn sẽ áp dụng nhiều phương pháp học khác nhau.

    Việc sử dụng thế nào cho hiệu quả nhất một giờ đồng hồ này phụ thuộc vào việc bạn tham vấn chuyên gia ngôn ngữ nào.

    Thế nhưng có một lời khuyên mà tất cả các chuyên gia dường như đều tuân theo: dành ít nhất một nửa thời gian của một giờ bạn có để thực hành nói chuyện với người dùng ngôn ngữ đó như tiếng mẹ đẻ.

    "Tập trả lời các câu hỏi, nói chuyện với họ bằng thứ ngôn ngữ đó, và thảo luận về chủ đề văn hoá," Baker nói. "Tôi sẽ không bỏ qua phần này, bởi việc học hỏi về con người và văn hoá sẽ là động cơ khiến tôi phải duy trì, theo đuổi việc học."

    "Trong số những người trưởng thành, có một số người khi học ngoại ngữ thì cố nhớ các từ và cách phát âm, mà toàn là học thầm, tự học. Họ không thực sự thử 'liều' một bước để trò chuyện thực sự bằng thứ ngôn ngữ đó," Fiez nói. "Như vậy là bạn đang không thực sự học ngoại ngữ mà chỉ là học sự liên hệ giữa hình ảnh với âm thanh mà thôi."

    Giống như việc chơi đàn hay học sử dụng các loại nhạc cụ nào đó, ta được khuyên là nên tập với những khoảng thời gian ngắn nhưng thường xuyên thay vì tập lâu nhưng thất thường.

    Lý do là bởi việc không có một lịch tập thường xuyên thì não sẽ không phản ứng tốt trong bất kỳ tiến trình nhận thức sâu nào, chẳng hạn như việc đưa ra những sự kết nối giữa kiến thức mới và những gì bạn đã học trước đó. Cho nên một giờ mỗi ngày, năm ngày mỗi tuần sẽ hiệu quả hơn so với việc tập một lúc năm giờ đồng hồ mỗi tuần.

    Theo chỉ số của FSI, sẽ mất 150 tuần theo tiến độ này để đạt được độ thông thạo căn bản đối với một ngôn ngữ trong Nhóm 1, tức là chỉ chưa tới ba năm.

    Nhưng nếu nghe theo lời khuyên của các chuyên gia, khoanh vùng hẹp lại các giờ học của bạn với những ứng dụng cụ thể thay vì học chung chung, những người mới học sẽ có thể cắt giảm đáng kể thời gian trong việc đạt được trình độ mong muốn.

    IQ và EQ

    "Học ngôn ngữ thứ hai có thể đáp ứng được nhu cầu trước mắt, và nó cũng giúp bạn trở thành người hiểu biết hơn, biết cảm thông hơn, bởi nó mở ra những cánh cửa dẫn tới cách suy nghĩ, cách cảm nhận khác," Meneghetti nói. "Đó là sự kết hợp giữa IQ (chỉ số thông minh) và EQ (chỉ số cảm xúc)."

    Giao tiếp và cảm thông vượt qua rào cản ngôn ngữ có thể dẫn tới một kỹ năng rất có lợi, 'khả năng thích nghi đa văn hoá' - là khả năng xây dựng thành công mối quan hệ với những người đến từ các nền văn hoá khác.

    Việc nghiêm túc bỏ ra một giờ mỗi ngày để học ngoại ngữ mới được coi là cách thực hành để kết nối những khoảng cách giữa con người với nhau. Kết quả là nó trang bị cho bạn một bộ kỹ năng giao tiếp uyển chuyển hơn, giúp bạn xích lại gần hơn với những người khác ở nơi làm việc, ở nhà hay khi bạn đi ra nước ngoài.

    "Bạn đang đối diện với một thế giới quan khác, của một người đến từ một nền văn hoá khác. Bạn không vội đi đến phán xét, và sẽ hiệu quả hơn trong việc xử lý các va chạm có thể xảy ra," Baker nói.

    "Chỉ với việc học thêm một ngôn ngữ, bất kể là ngôn ngữ nào, thuộc bất kỳ nền văn hoá nào, bạn sẽ phát triển được khả năng thích ứng và linh hoạt khi phải đối diện với các nền văn hoá khác."

    Peter RubinsteinBryan Lufkin 

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào