Header Ads

  • Breaking News

    ‘Bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975’?

    Lần đầu tiên kể từ năm ‘giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’, đảng CSVN bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975, đồng nghĩa với cơ chế mặc nhiên chấp nhận nhiều ca khúc mà trước đó bị xem là ‘nhạc vàng’, ‘nhạc ngụy’ và ‘ca khúc phản động’, cũng đồng nghĩa với tương lai Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mất mát một giấy phép con chủ chốt và do đó ‘mất ăn’.

    ‘Bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975’?  Hình minh họa. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

    Cục Nghệ thuật biểu diễn tự ‘bỏ ăn’?

    Vào ngày đầu tiên sau tết nguyên đán 2019, báo chí nhà nước đưa tin “Chính phủ đã đồng ý với một số đề xuất xây dựng dự thảo nghị định mới thay thế nghị định 79, như bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975, chỉ đưa ra quy định những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng thì sẽ bị cấm”.

    Theo Quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh: “Bỏ cấp phép cho ca khúc nghĩa là ca khúc sáng tác ở thời gian, không gian nào cũng bình đẳng như nhau, không có khoanh vùng đặc biệt để cấp phép. Trước hay sau 1975 đều như nhau”.

    Một động thái ‘lạ’. Lại ‘hòa hợp hòa giải’ chăng?

    Trong lịch sử tồn tại của mình, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã nhiều lần ‘quản không được thì cấm’ và ‘vẽ’ ra nhiều thủ tục bắt các doanh nghiệp phát hành ca khúc trước 1975 phải xin phép cục này. Quá nhiều dư luận đã phát sinh đầy bức bối về cách ‘làm tiền’ lộ liễu và trơ trẽn của cơ quan này nhân danh công cuộc bảo vệ ý thức hệ cộng sản và ‘bài trừ tàn dư văn hóa Mỹ - ngụy’.

    Vào đầu năm 2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gây ra một scandal thuộc loại rất vớ vẩn và tạp nham khi ra thông báo tạm thời dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước 1975 “để xem xét, xác minh, thẩm định trên cơ sở đối chiếu về ca từ với bản nhạc gốc”. Đó là các ca khúc: Cánh thiệp đầu xuân của tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ, Rừng xưa và Chuyện buồn ngày xuân của tác giả Lam Phương, Đừng gọi anh bằng chú của tác giả Diên An, và Con đường xưa em đi của tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương. Lý do: vi phạm tác quyền, thay đổi nội dung so với bản gốc, nhầm tên tác giả. Nhưng đến tháng 4/2017, vì sức ép từ dư luận và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn lúc đó là ông Nguyễn Đăng Chương đã phải ký văn bản thu hồi quyết định tạm dừng 5 ca khúc trên.

    Còn giờ đây, kế hoạch ‘bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975’ của chính quyền Việt Nam lại đang gây ra mối nghi ngờ lớn về tính thành thật của nó. Vì sao Cục Nghệ thuật biểu diễn lại tự ‘bỏ ăn’, trong khi cấp phép ca khúc là một thủ tục hành chính đầy ‘màu’ mà đã giúp nuôi sống nhiều quan chức? Liệu đây chỉ là động tác ‘đơn giản hóa thủ tục hành chính’ nằm trong chủ trương tiết giảm giấy phép con của chính phủ ‘kiến tạo và hành động’ của Thủ tướng Phúc, hay còn nhắm đến một ý đồ nào khác - đặc biệt là ý đồ chính trị? Liệu chủ trương hay ý đồ này có được Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện nghiêm, hay cơ quan này vẫn tiếp tục dựa vào quy định “những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức” sẽ bị cấm để tiếp tục trò ‘hành là chính’ và ‘làm tiền’ đối với các công ty phát hành băng đĩa?

    Vắt chanh bỏ vỏ

    Vào tết nguyên đán năm 2019, người ta vẫn thấy giới chóp bu Việt Nam phân công nhau đi chúc tụng Ủy ban người Việt ở nước ngoài và những Việt kiều được xem là ‘đại diện’ cho cộng đồng hơn 4 triệu người Việt hải ngoại, vẫn một lần nữa ‘đồng ca’ không mỏi miệng về ‘nghị quyết 36’ của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và những lợi ích mà nghị quyết này đã làm được cho ‘khúc ruột ngàn dặm’.

    Nhưng gặp ‘kiều bào’ xong thì đâu vẫn vào đó. Cho tới nay chính quyền Việt Nam vẫn chẳng chứng minh được một trường hợp ‘trí thức kiều bào’ nào đã được đảng tạo điều kiện làm việc một cách thực chất, đặc biệt là nhiều trí thức hải ngoại ở Mỹ về nước đã bị các cơ quan và giới quan chức chính quyền từ trung ương xuống các địa phương - nhẹ nhàng thì tiếp đón đãi bôi rồi gạt sang một bên, nặng nề hơn thì soi mói về gốc gác ‘Việt Nam Cộng Hòa’, còn trầm trọng nhất thì chỉ thị cho công an gọi hỏi, triệu tập và răn đe về ‘hành vi chống phá’…

    Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu - một trường hợp hiếm hoi được chính quyền tặng căn hộ và bố trí cho ông Châu phụ trách một viện đào tạo toán học, chỉ vì lấp ló tư tưởng và hành động phản biện về bản hiến pháp Việt Nam mà đã bị giới dư luận viên vô giáo dục của chính quyền lồng lộn chửi bới bằng đủ các từ tục tĩu và xúc phạm nhân phẩm.

    Tình trạng trên cũng chính là nguồn cơn sâu cay khiến ‘Hội nghị hòa hợp văn học’ bị phá sản đến hai lần vào năm 2017.

    Vì sao ‘Hội nghị hòa hợp văn học’ thất bại?

    Kế hoạch tổ chức ‘Hội nghị hòa hợp văn học’ được đề xuất bởi nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và là quan chức được xem làm ‘ngoan hiền dễ bảo’ của đảng cầm quyền nên đã được đảng cho ngồi yên ấm trên ghế chủ tịch này đến 4 khóa, bất chấp ông Thỉnh đã gần tám chục tuổi.

    Vào đầu năm 2017, Hữu Thỉnh đã bất ngờ công bố một kế hoạch chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tồn tại của đảng: Hội Nhà văn Việt Nam sẽ mời tất cả các nhà văn hải ngoại, kể cả những người từng cầm bút phục vụ chế độ cũ (VNCH), về dự “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học”.

    Nhưng ngay sau khi ông Hữu Thỉnh phát ra tuyên bố về “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học,” khắp các diễn đàn trong nước và đặc biệt ở hải ngoại đã phản ứng như sóng lừng. Rất nhiều ý kiến của nhà văn, nhà báo hải ngoại cho rằng sự kiện này về thực chất chỉ mang tính “cuội.” Họ tung ra một câu hỏi quá khó để trả lời rằng Nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị về “công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài” đã ra đời mười mấy năm trước mà hầu như chưa làm được gì cả, nhưng tại sao đến nay mới sinh ra mới cái cử chỉ như thể “chiêu dụ người Việt hải ngoại” như thế?

    Nhiều ý kiến từ hải ngoại cũng thấu tim gan “đảng quang vinh” về chuyện suốt từ năm 1975 đến nay, đảng chỉ quan tâm đến “khúc ruột ngàn dặm” nhằm hút đô la “làm giàu cho đất nước” càng nhiều càng tốt, nhưng ai cũng hiểu là không có đô la thì chế độ không thể nào tồn tại.

    Nhưng lại quá hiếm trường hợp trí thức của “khúc ruột ngàn dặm” được đảng ưu ái tạo cho đất dụng võ ở quê nhà. Sau hơn bốn chục năm “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,” vẫn còn quá nhiều cảnh kỳ thị của nhà cầm quyền Việt Nam đối với giới trí thức và văn nghệ sĩ hải ngoại. Nhiều trí thức hải ngoại ôm mộng trở về Việt Nam để “cống hiến,” nhưng cuối cùng đã phải chua chát biệt ly khỏi “vòng tay của đảng.” Về thực chất, nếu chính quyền Việt Nam không quá ‘nô lệ’ cho nhu cầu kiều hối đô la, “khúc ruột ngàn dặm” đã chẳng có gì khác hơn là “ruột dư”

    Làm sao để đô la ‘tự nguyện về nước đầu thú’?

    Hẳn nhiên, kiều hối là một nguồn quan trọng đã giúp duy trì “máu” để chính quyền Việt Nam vẫn có thể tạm ung dung về “đà tăng trưởng kinh tế không ngừng”, đồng thời khi cần thiết có thể gia tăng in tiền mặt để “gom” USD trôi nổi từ dân chúng, đặc biệt từ các gia đình ở Sài Gòn được thân nhân ở nước ngoài gửi ngoại tệ về, giúp bổ sung kho dự trữ ngoại hối và có thêm ngoại tệ để dễ bề trả số nợ nước ngoài đang lên đến hàng chục tỷ USD hoặc hơn mỗi năm.

    Chính vào thời gian này, tình trạng chính trị và kinh tế của đảng cầm quyền là khó khăn hơn bao giờ hết.

    Sau mức đỉnh 13,2 tỷ USD của năm 2015, số kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 rất có thể đã giảm thê thảm, chỉ còn khoảng 7-8 tỷ USD, bổ túc thêm nỗi căng thẳng thường trực của giới chóp bu Việt Nam phải đào bới bằng được những nguồn ngoại tệ còn lại để trả nợ cho nước ngoài và chi xài cho bộ máy khổng lồ nhưng đậm đặc chất ăn bám của đảng và chính quyền.

    Khi kiều hối về Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong vài ba năm tới, ngân sách sẽ không biết tìm đâu ra ngoại tệ mạnh để thanh toán các khoản đến hạn với quốc tế, trong bối cảnh dải đất hình chữ S đã chìm trong cơn suy thoái kinh tế năm thứ 10 liên tiếp, tràn ngập bất ổn xã hội và bất ổn chính trị, và nhiều nguy cơ sắp rơi vào cuộc khủng hoảng không lối thoát.

    Một nguồn giấu tên cho biết ngân sách Việt Nam sẽ sớm rơi vào cạn kiệt ngoại tệ trả nợ nước ngoài. Thời điểm cạn kiệt gần nhất là vào cuối năm 2019.

    Sự bế tắc gần như toàn diện như thế đã khiến đang manh nha phát sinh một luồng tư tưởng cùng một số quan chức buộc phải nghiêng dần theo xu hướng “cải cách”. Trong những “cải cách” đó, lần đầu tiên từ sau năm 1975 đã bộc lộ tín hiệu có vẻ đôi chút thực chất về “lấy lòng người Việt hải ngoại” - mà “bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975” là một minh họa mang tính nửa vời và còn quá ít ỏi để khiến những đồng đô la ‘tự nguyện về nước đầu thú’ - theo cách mà Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bày đặt trường hợp Trịnh Xuân Thanh ‘không bị bắt cóc’.


    Phạm Chí Dũng
    Blog VOA

    Không có nhận xét nào