Header Ads

  • Breaking News

    Bài học từ Venezuela cho các chế độ độc tài

    Khi báo chí chính thống của Việt Nam hầu như án binh bất động vì nhà nước chưa thể hiện quan điểm về vấn đề Venezuela, việc đưa tin hầu như chỉ dừng lại ở việc liệt kê các nước lên tiếng ủng hộ chính phủ Maduro hay ủng hộ tân tổng thống tự phong Juan Guaidó.

     President Nicolas Maduro

    Quan sát một số bình luận trên mạng xã hội có thể nhận thấy ba dòng quan điểm khác biệt nhau, khá sinh động. Các dòng quan điểm này chủ yếu bao gồm:

    Thứ nhất, ủng hộ các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Maduro của người dân Venezuela. Các quan điểm này có khuynh hướng ủng hộ sự can thiệp của Mỹ, một số nước Mỹ Latinh và các nước phương Tây nhằm đưa Chủ Tịch Quốc hội Juan Guaido lên làm tổng thống tạm thời và tiến hành tổ chức bầu cử. Các ý kiến này có thể nói xuất phát từ quan điểm chính trị dân chủ, thân phương Tây, cho rằng độc tài cần được thay thế bằng chế độ dân chủ qua bầu cử minh bạch. Họ tin rằng Mỹ và các nước phương Tây “phù dân” (dân ở các nước độc tài), còn Trung Quốc và Nga chủ trương “phù độc tài” để kiếm chác bằng các lợi ích, hợp đồng khai thác tài nguyên, xây dựng hạ tầng có được nhờ bảo kê và hối lộ các chính thể độc tài.

    Thứ hai, ủng hộ chính phủ Maduro, chống lại sự can thiệp của Mỹ và các nước phương Tây, đồng thời ủng hộ sự can thiệp của Trung Quốc và Nga. Nhóm này cho rằng Mỹ và các nước phương Tây dùng chiêu bài dân chủ để mở rộng khối tư bản thân phương Tây với mục đích tạo lập các thị trường để bán hàng hóa nhằm làm lợi cho Mỹ và phương Tây, và sâu xa hơn là làm suy yếu khối XHCN. Tuy quan điểm họ hay dùng là không được can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác nhưng họ lại có khuynh hướng ủng hộ sự can thiệp của Trung Quốc và Nga.

    Thứ ba, thể hiện sự đắn đo, cay đắng cho đất nước, người dân Veneuela vì họ không nắm được quyền tự quyết cho đất nước mình, để bị ngoại bang can thiệp. Đối với nhóm này, sự can thiệp của Mỹ và phương Tây cũng sẽ không giúp cải thiện tình hình Venezuela vì trước sau cũng dẫn đến xâu xé quyền lực và lợi ích giữa các phe nhóm, người dân cũng chẳng được hưởng dân chủ, và kinh tế cũng sẽ không khá lên như mong muốn. Thoạt nhìn quan điểm nhóm này có vẻ trung dung nhưng nhận định kỹ thì nhóm này không ưa hay ít nhất là không tin hai chữ “dân chủ” nên có khuynh hướng ủng hộ Maduro, muốn Maduro tạo dựng sự ổn định bằng bàn tay sắt nhằm ổn định và phát triển đất nước Venezuela. Đó cũng là quan điểm chung của nhóm này đối với tất cả các nước độc tài khác – ổn định chính trị mới phát triển, dân chủ chỉ đến từ bên trong từ người dân và do người dân trong nước tự quyết, hay thậm chí không cần dân chủ, đặc biệt là kiểu phương Tây.

    Có thể nói rằng, dù là quan điểm nào thì một sự thật trước mắt là Venezuela đang bị can thiệp. Trước tiên cần trả lời câu hỏi tại sao can thiệp là không thể tránh khỏi ở Venezuela? Từ đó có thể khái quát hóa vấn đề các quốc gia độc tài khác có thể tránh bị can thiệp được hay không và các điều kiện nào có thể giúp họ làm được điều đó?

    Một cách ngắn gọn, có thể nói Venezuela bị can thiệp là vì có một chính phủ độc tài nhưng yếu kém. Chính quyền Venezuela yếu kém cả về phương diện quản lý điều hành kinh tế lẫn tạo dựng cho mình một hệ thống an ninh và quân đội đủ mạnh để dập tắt sự chống đối. Sức mạnh tương đối của người dân so với hệ thống trấn áp đã tăng dần và đặc biệt tăng nhanh khi kinh tế ngày càng yếu kém, kéo theo sự căm phẫn gia tăng trong khi ngân sách dành cho hệ thống trấn áp giảm sút tương đối. Sự can thiệp từ bên ngoài từ Mỹ và phương Tây chỉ đóng vai trò như một cú hích giúp các nguyên nhân khác dẫn tới bùng nổ. Trong khi đó, sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc cho chính quyền độc tài có thể nói chỉ là những bước đi chiến lược để dự phần tạo thế đối trọng với vai trò là nước lớn hơn là để cứu chính quyền Maduro.

    Câu hỏi tiếp theo quan trọng hơn, đó là đối với các nước độc tài khác, có thể đảm bảo không bị can thiệp từ bên ngoài hay không?

    Từ trường hợp của Maduro ở Venezuela, có thể thấy câu trả lời là có thể tránh được can thiệp, nhưng vô cùng khó khăn vì tiêu tốn nguồn lực quốc gia và không bền vững. Thứ nhất, muốn tránh được can thiệp, nhà nước độc tài cần duy trì phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân một cách liên tục, một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Thứ hai, nhà nước đó cũng cần duy trì một hệ thống trấn áp mạnh. Tuy nhiên, việc duy trì một hệ thống trấn áp khổng lồ sẽ làm tiêu hao ngân sách nhà nước, làm bào mòn chính sự tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, nếu nhà nước độc tài có thể giúp đời sống kinh tế phát triển thì điều đó sẽ kéo theo yêu cầu của người dân muốn hưởng tự do chính trị, khiến người dân có xu hướng ngày càng gây áp lực lên chính quyền để chính quyền giảm độc đoán và tăng cường dân chủ. Như vậy, việc đời sống người dân được nâng lên về kinh tế và chính trị và sự tồn tại một hệ thống trấn áp gia tăng sức mạnh là hai mục tiêu mâu thuẫn nhau, đặc biệt là trong dài hạn.

    Có quan điểm cho rằng các chính quyền độc tài có thể làm được việc này với sự trợ giúp của các chính quyền độc tài khác để cùng tồn tại như một đối trọng với thế giới dân chủ. Cụ thể chính quyền Maduro có thể đã, đang và sẽ nhận viện trợ từ Trung Quốc hay Nga để duy trì bộ máy trấn áp của mình. Nhưng kể cả như vậy, Trung Quốc và Nga cũng khó có thể kéo dài được cách làm này vì chi phí tốn kém lại không bền vững, bởi họ chỉ có thể giúp chính quyền Maduro duy trì được hệ thống trấn áp mạnh chứ không thể giúp cải thiện đời sống người dân Venezuela.

    Vì vậy có thể thấy, với các nước độc tài, để tránh sự can thiệp từ bên ngoài như ở Venezuela, duy trì phát triển kinh tế đi kèm với dân chủ hóa dần dần đời sống chính trị, bên cạnh xây dựng một hệ thống quốc phòng vững mạnh, một hệ thống an ninh trong sạch, minh bạch, nhỏ gọn và tôn trọng tiếng nói người dân có lẽ là một giải pháp toàn diện, lâu dài hơn trong phát triển quốc gia, qua đó chủ động tránh được sự can thiệp từ bên ngoài.


    Lê Vĩnh Triển
    Nghiên Cứu Quốc Tế

    Không có nhận xét nào