Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un
đã đến Hà Nội ngày 26/02/2019 để chuẩn bị họp thượng đỉnh lần hai với
tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, và cũng để viếng thăm chính thức Việt
Nam, nhân dịp này học hỏi một số kinh nghiệm của nước chủ nhà về cải tổ
kinh tế.
Công nhân Bắc Triều Tiên làm việc trong một nhà máy Hàn Quốc tại khu công nghiệp Kaesong, ngày 19/12/2013. |
Thật
ra Bình Nhưỡng chắc sẽ không hoàn toàn đi theo mô hình của Việt Nam và
trên thực tế, từ khi lên cầm quyền năm 2012 đến nay, ông Kim Jong Un đã
tiến hành mở cửa kinh tế, nhưng một cách kín đáo và theo kiểu riêng của
Bắc Triều Tiên.
Sau
chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), trong một thời gian, miền Bắc Triều
Tiên giàu hơn miền Nam, nhờ có sự hỗ trợ của đàn anh Liên Xô và cũng
nhờ trong thời kỳ đô hộ bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản đã tập trung phát
triển công nghiệp để khai thác nguồn khoáng sản dồi dào của miền Bắc.
Nhưng
sau đó, tình hình đã đảo ngược, trong khi Hàn Quốc nay trở thành một
trong những nước giàu nhất thế giới, thì nền kinh tế Bắc Triều Tiên lâm
vào khủng hoảng, do Liên Xô đã tan rã, và cũng do quản lý quá kém cỏi.
Là
đồng minh chủ chốt và cũng là đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng,
Bắc Kinh đã nhiều lần thúc giục giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên đi theo mô
hình Trung Quốc. Nhưng báo chính thức của nước này cho đến nay vẫn
thường lên án chủ nghĩa tư bản và bản thân ông Kim Jong Un, trong kỳ đại
hội Đảng Lao Động Triều Tiên vào năm 2016, cũng đã gián tiếp chỉ trích
cải tổ và mở cửa kinh tế của nước láng giềng.
Tuy
vậy, cũng chính tại đại hội năm 2016, đảng cầm quyền ở Bắc Triều Tiên,
theo chỉ đạo của ông Kim Jong Un, đã thông qua chính sách thúc đẩy phát
triển kinh tế song hành với tăng cường năng lực hạt nhân.
Để
thực hiện mục tiêu đó, từ mấy năm qua, chế độ Bình Nhưỡng đã lặng lẽ
tiến hành một số cải tổ kinh tế và sự kiểm soát của Nhà nước lên nền
kinh tế đã bắt đầu được nới lỏng. Dân chúng được cho phép mua bán trên
thị trường chợ đen, các doanh nghiệp Nhà nước được tự do hơn trong việc
đa dạng hóa sản xuất và chính quyền nhắm mắt làm ngơ cho các doanh
nghiệp tư nhân hoạt động, tuy vẫn chủ trương « xây dựng kinh tế xã hội
chủ nghĩa ».
Nhà
nước cũng khuyến khích các nhà máy, xí nghiệp cạnh tranh nhau. Chủ tịch
Kim Jong Un còn cho phép một số nhà máy mở các cửa hàng riêng để trực
tiếp bán các sản phẩm của họ, sau khi đã hoàn thành các chỉ tiêu do Nhà
nước giao phó. Nông dân làm việc cho các hợp tác xã của Nhà nước nay
cũng được quyền canh tác và bán nông phẩm ra thị trường chợ đen.
Theo
hãng tin Reuters, các tác động của những cải tổ kinh tế nói trên có thể
được thấy rõ ở thủ đô Bình Nhưỡng, nơi mà một tầng lớp trung lưu đang
hình thành và ngày càng đông đảo. Nhưng do Bắc Triều Tiên vẫn bị nhiều
trừng phạt của quốc tế vì chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên
lửa, nên các kết quả của chính sách cải tổ kinh tế còn rất khiêm tốn.
Trước
cuộc họp thượng đỉnh Hà Nội, tổng thống Trump đã phác họa cho ông Kim
Jong Un một tương lai tươi sáng của Bắc Triều Tiên, khẳng định là nếu từ
bỏ vũ khí hạt nhân, nước này có thể phát triển thành một « cường quốc
kinh tế ».
Nhưng
theo các nhà ngoại giao ở Bắc Triều Tiên được hãng tin Reuters trích
dẫn, Bình Nhưỡng vốn đã không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc, nên cũng sẽ
không để bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ, dù ông Trump có hứa hẹn thế nào. Thành
ra, nhân chuyến đi Hà Nội lần này, có thể là ông Kim Jong Un sẽ nghiên
cứu mô hình của Việt Nam, xem có thể áp dụng được những kinh nghiệm gì
để vừa phát triển được kinh tế thị trường, nhưng vẫn duy trì được sự
kiểm soát của đảng cầm quyền.
Thanh Phương
(RFI)
Không có nhận xét nào