Lâu nay, nhiều người tham gia cổ xúy
cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam cho biết tình trạng bị áp lực nặng
nề; không chỉ từ phía cơ quan chức năng mà ngay cả người thân để cô lập
cũng như triệt tiêu con đường sống của những người dám lên tiếng.
Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Thiện Nhân (người cầm biểu ngữ) bị anh trai gây áp lực. |
Thân nhân sách nhiễu
Vào
ngày 12/02/19, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện lời kêu gọi giúp đỡ
cho nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Thiện Nhân, ở Bình Dương bị bạn của
người anh trai ruột hành hung ngay tại sân nhà trước sự hiện diện của
người anh trai, tên Nguyễn Thanh An.
Qua
cuộc trao đổi vào tối ngày 13 tháng 2 với RFA, anh Nguyễn Thiện Nhân
cho biết giữa anh với người anh ruột Nguyễn Thanh An đã xảy ra mâu thuẫn
từ 7 năm về trước. Tuy nhiên kể từ tháng 3 năm 2016, người anh trai này
có nhiều hành động mà nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân cho rằng có mục
đích nhằm hãm hại em trai mình. Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Thiện Nhân
lên tiếng:
“Trong
năm 2016, sau 10 ngày anh An đánh tôi, khi viết thương của tôi kéo da
non thì anh An lại viết một lá thư tố cáo tôi là phản động, chống phá
Chính phủ Việt Nam và trong thư có ghi một câu gây ảnh hưởng lâu dài đến
sau này, nói rằng tôi đòi bán tài sản thừa kế để lấy tiền làm phản động
và ghi trong thư tố cáo vu khống tôi đánh anh ta. Sau khi nhận được lá
đơn tố cáo đó thì công an mời tôi làm việc 3 lần. Vài ngày sau đó, anh
An đã đe dọa đòi giết nhiều người, trong đó có chị hàng xóm, người giúp
việc và em gái tôi nữa. Anh An hành hung và đòi giết người. Tôi đã tường
trình vụ việc với công an, nhưng công an không xử lý. Chính vì công an
không xử lý nên anh tôi cứ hung hăng, bạo lực, cứ canh cơ hội hãm hại
tôi riết tới hôm nay.”
Anh
Nguyễn Thiện Nhân khẳng định vụ việc bị bạn của anh trai ruột hành hung
vào chiều ngày 12/02 là do anh trai Nguyễn Thanh An sai khiến vì bản
thân không quen biết hay có thù oán gì với người bạn của anh trai mình.
Bên
cạnh nguyên nhân do tranh chấp tài sản thừa kế trong gia đình, anh
Nguyễn Thiện Nhân còn đưa ra lập luận vì anh trai hoạt động trong giới
giang hồ nên có thể bị công an điều khiển trong việc gây khó dễ trên đời
sống sinh hoạt của người em trai là anh Nguyễn Thiện Nhân.
Đài
Á Châu Tự Do ghi nhận không ít người trong giới đấu tranh dân chủ ở
Việt Nam gặp phải tình cảnh bị chính quyền cô lập, triệt tiêu con đường
sống của họ như phá hoại vườn tược của gia đình tù nhân lương tâm Trần
Minh Nhật, ở Lâm Đồng hay gây áp lực đối với các công ty nơi họ làm việc
để yêu cầu cho họ thôi việc như chính trường hợp anh Nguyễn Thiện Nhân
trước đây. Vì do mẹ già bị bệnh tật cần người chăm sóc, anh Nguyễn Thiện
Nhân phải thuê người giúp việc và công an địa phương lẫn người anh trai
đều gây áp lực, buộc họ không được tiếp tục làm việc ở nhà anh Nguyễn
Thiện Nhân.
Một
trường hợp điển hình khác như trường hợp của Facebooker Thái Văn Đường,
ở Đông Anh-Hà Nội. Là một viên chức làm việc trong cơ quan nhà nước,
anh Thái Văn Đường mạnh mẽ trong việc đấu tranh chống tham nhũng và bảo
vệ môi trường. Sau khi tham gia tích cực phản đối Formosa gây ra thảm
họa môi trường biển hồi năm 2016, anh Thái Văn Đường bị phía cơ quan và
chính quyền địa phương tuyên truyền là thành phần phản động. Vào cuối
năm 2016, anh Thái Văn Đường sang Hàn Quốc học cao học và người dì ruột
của anh đến nhà nói với bà mẹ già của anh rằng anh đang bị truy nã:
“Dì
ruột còn nói là ‘Nó đi Hàn Quốc đâu mà đi. Nó nói dối chị đấy (ý nói là
mình lừa dối mẹ già của mình). Nó phản động. Công an đang truy nã, bắt
nhốt rồi…’ Dì nói như thế làm mẹ mình rất lo lắng.”
Facebooker
Thái Văn Đường nhấn mạnh với RFA rằng an ninh Việt Nam còn gây tác động
lên thân nhân của giới đấu tranh dân chủ bằng nhiều hình thức khác nhau
để đe dọa thân nhân của những người đấu tranh ôn hòa tại Việt Nam:
“Những
trường hợp như mình hay anh Nhân và các anh chị em khác bị rất nhiều.
Tại vì những người thân trong gia đình không hiểu, thậm chí có những
người còn từ mặt con cái nữa vì sợ bị liên lụy. Bạn bè thân cũng quay
mặt xa lánh. Họ sợ bị vạ lây. Theo như mình được biết thì an ninh đến cả
nơi làm việc của người thân giới đấu tranh thì làm sao người ta không
sợ được?”
Chính sách “An ninh trị”
Trong
khoảng 5 năm về trước, qua một lần trao đổi với Đài RFA, Blogger Nguyễn
Tường Thụy ở Hà Nội chia sẻ rằng ông cảm thấy rất buồn lòng vì rất
nhiều người thân trong gia đình và bạn bè xa lánh khi ông chọn con đường
đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam. Mặc dù vậy, giới đấu tranh dân
chủ ở trong nước ghi nhận song hành với phong trào dân chủ ngày càng
được lan tỏa thì chính quyền lại càng mạnh tay hơn không chỉ đối với họ
mà còn cả với thân nhân trong gia đình của họ. Facebooker Thái Văn Đường
khẳng định:
“Chính
quyền đe dọa thì an ninh đe dọa là chủ yếu. Họ hù dọa các kiểu…Bây giờ
chính quyền đưa ra chủ trương là đưa an ninh chính quy về tận các xã,
phường bởi vì càng ngày họ càng sợ nên dùng ‘an ninh trị’. Do đó, rất là
khó khăn cho các anh chị em đấu tranh hay những người thân của họ cũng
vậy thôi.”
Nhà
hoạt động Thái Văn Đường, một thành viên quản trị Nhóm “Lều Của Đầy
Tớ”, một trang thông tin chống tham nhũng trên mạng xã hội, bị an ninh
Việt Nam câu lưu, làm việc nhiều lần trong năm 2018 cùng với những lời
đe dọa cũng như kiểm soát chặt chẽ qua điện thoại trong các sinh hoạt
thường ngày. Còn nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân thì lo ngại đến cả sự
an nguy tính mạng:
“Chiếc
xe máy của tôi đã hai lần bị đổ hóa chất vô. Rất là nguy hiểm. Một lần
bị đổ đường thì chỉ phá hư máy thôi. Lần sau thì đổ hóa chất gì mà xe
máy của tôi nóng kinh khủng. Đang chạy ngoài đường mà xe bị nóng và
không thể chạy nỗi nữa. Tôi lo sợ lỡ sau này họ đổ loại hóa chất gì gây
cháy nổ chẳng hạn nên tôi cứ sống trong sự lo lắng, thấp thỏm, bất an
như vậy.”
Một
số những nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam bị sách nhiễu, cô lập tương
tự như hai nhà hoạt động Thái Văn Đường và Nguyễn Thiện Nhân đều bày tỏ
rằng cuộc sống của họ đầy lo lắng và bất an khi Chính quyền Việt Nam sử
dụng chính sách “An ninh trị” và đó là minh chứng rõ ràng hơn theo như
báo cáo của Tổ chức Freedom House vừa công bố trong đầu tháng 2 năm 2019
cho thấy Việt Nam là đất nước không có tự do.
(RFA)
Không có nhận xét nào