Việt Nam đưa ra những yêu sách cứng
rắn với Trung Quốc trong cuộc đàm phán về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông
(COC) giữa Asean và Bắc Kinh, Reuters đưa tin.
Một người lính hải quân Việt Nam đứng gác trên đảo Thuyền Chài, thuộc quần đảo Trường Sa. |
Theo
bản thảo bộ quy tắc đang được đàm phán mà phóng viên Reuters có được,
phía Hà Nội muốn đặt ngoài vòng pháp luật nhiều hành động mà Bắc Kinh
đang tiến hành trên khu vực Biển Đông trong suốt nhiều năm qua, trong đó
bao gồm việc xây dựng các đảo nhân tạo, triển khai các loại vũ khí
phong toả biển như hệ thống tên lửa.
Bên
cạnh đó, Việt Nam cũng thúc đẩy những điều khoản nhằm ngăn chặn Trung
Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên khu vực Biển Đông,
một động thái mà Bắc Kinh đã từng đơn phương thực hiện trên khu vực
biển Đông Trung Hoa vào năm 2013.
Cũng
theo Reuters, Hà Nội yêu cầu các nước tham gia đàm phán minh định yêu
sách của họ về chủ quyền trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế. Động
thái này nhiều khả năng nhắm vào “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, vốn bao
trùm phần lớn diện tích Biển Đông.
Trả
lời phỏng vấn VOA Tiếng Việt, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu
Đông Nam Á ISEAS có trụ sở tại Singapore cho rằng những đòi hỏi của Việt
Nam khá bất ngờ:
“Ở
một mức độ nào đó, các đòi hỏi này có thể là bất ngờ, vì nó thể hiện sự
cứng rắn của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông nói chung và trước Trung
Quốc nói riêng, trái với chỉ trích của một số người. Trong các yêu cầu
của Việt Nam, tôi thấy ấn tượng trước đề nghị cấm thành lập ADIZ ở Biển
Đông. Lâu nay các nhà làm chính sách của Việt Nam lo ngại về điều này,
và người ta thường nói về việc Việt Nam nên ứng phó ra sao nếu Trung
Quốc lập ADIZ ở Biển Đông, mà ít nói tới việc làm sao để ngăn chặn điều
đó xảy ra ngay từ đầu. Vì vậy đưa ra đề nghị này là một bước đi khôn
ngoan của Việt Nam”.
Tuy
vậy, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp cũng nhấn mạnh rằng, cần thời gian để đánh
giá xem Việt Nam có tiếp tục theo đuổi những yêu sách cứng rắn này hay
không.
“Cần
lưu ý rằng đây mới là lập trường đàm phán ban đầu, và ở giai đoạn này
tất cả các bên đều đưa ra phương án cao nhất, với mục tiêu là có thể có
sự đánh đổi, hoặc điều chỉnh xuống đến mục tiêu thực sự mà các bên muốn.
Vì vậy chúng ta vẫn cần theo dõi xem Việt Nam có thực sự kiên định với
những lập trường nay hay không, hay sẽ có những điều chỉnh theo thời
gian”.
Đàm phán hứa hẹn “gay cấn”
Về
những yêu sách của phía Trung Quốc, tài liệu mà Reuters có được còn xác
nhận những thông tin được đưa ra trước đây rằng Trung Quốc muốn ngăn
chặn những cuộc tập trận chung giữa các quốc gia trong khu vực với các
cường quốc bên ngoài, “cấm cửa” các tập đoàn dầu khí bên ngoài Trung
Quốc, và Đông Nam Á, tham gia khai thác tài nguyên trong khu vực biển
Đông, trừ khi có sự đồng ý của tất cả các nước tham gia vào COC.
Đây là những yêu sách mà các chuyên gia cho rằng một số thành viên của ASEAN sẽ phản đối kịch liệt.
Từ
lâu, Việt Nam đã triển khai những dự án khai thác dầu khí chung với các
tập đoàn dầu khí đến từ Nga, Mỹ, Ấn Độ trên khu vực Biển Đông. Tuy
nhiên mới đây, trước sức ép từ phía Trung Quốc, dự án khai thác dầu khí
tại mỏ Cá Rồng Đỏ giữa Việt Nam và tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha đã
phải “tạm dừng” vô thời hạn.
Trả
lời câu hỏi của Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê
Thị Thu Hằng cho biết đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) đã đạt được
một số bước tiến trong thời gian gần đây. Việt Nam vẫn đang tích cực
cùng các nước khác thể hiện “tinh thần xây dựng và hợp tác”.
“Việt
Nam mong muốn các nước liên quan sẽ tiếp tục các nỗ lực của mình, đóng
góp tích cực cho quá trình đàm phám nhằm đạt được một Bộ Quy tắc Ứng xử
(COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển
của Liên Hiệp Quốc năm 1982, góp phần duy trì hoà bình, ổn định, và an
ninh trên Biển Đông nói riêng, và trong khu vực nói chung”, bà Lê Thị
Thu Hằng nói.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, các vòng đàm phán COC tới đây sẽ rất gay cấn:
“Chắc
chắn là Trung Quốc sẽ bác bỏ tất cả những đề nghị này của Việt Nam vì
chúng trái với mong muốn, ý đồ của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông.
Ngược lại, Việt Nam và một số nước cũng sẽ bác bỏ các yêu sách của phía
Trung Quốc”.
“Tuy
nhiên, nếu các bên thực sự muốn đạt được một bản COC trong tương lai,
thì các nước, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, sẽ có thể có những
nhượng bộ nhất định ở những vấn đề không cốt lõi đối với lợi ích của
họ”, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nói thêm.
Khi
được hỏi về những lợi thế mà Việt Nam có thể dùng để “mặc cả” với Trung
Quốc, chuyên gia về quan hệ quốc tế đang làm việc tại Singapore này cho
biết:
“Tôi
nghĩ là không có nhiều, trừ áp lực của Mỹ và các nước đồng minh đối với
Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, đây là vấn đề hai mặt. Có
thể vì áp lực mà Trung Quốc sẽ điều chỉnh, nhượng bộ theo hướng mềm mỏng
hơn. Nhưng cũng có thể vì chính các áp lực này mà Trung Quốc sẽ "xù
lông", sẽ cứng rắn hơn”.
Hồi
tháng 8 năm nay, sau 15 năm kể từ ngày kí Tuyên bố Ứng xử Các bên ở
Biển Đông (gọi tắt là DOC) tháng 11/2002, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao
ASEAN – Trung Quốc tại Manila (Philippines) đã chính thức thông qua
khung của một Bộ Quy tắc Ứng xử (gọi tắt là COC) nhằm điều chỉnh các
hành vi, hoạt động tại Biển Đông. Bước đi này được các quan chức Trung
Quốc và Đông Nam Á ca ngợi như một dấu mốc quan trọng, một bước đột phá
trong việc giảm thiểu những căng thẳng gây ra bởi những tuyên bố chủ
quyền chồng lấn trong khu vực.
Thủ
tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đặt ra mục tiêu kí kết Bộ quy tắc ứng
xử (COC) vào năm 2021. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, mục tiêu này
rất khó để thực hiện.
(VOA)
Không có nhận xét nào