Nguyễn Phú Trọng còn xa mới đạt tới hiệu ứng ‘tự sát quan chức’ mà Tập Cận Bình đã tạo ra trong cuộc chiến ‘đả hổ diệt ruồi’ ở Trung Quốc từ năm 2012 đến năm 2016 mà đã khiến nhiều ngàn quan chức nước này phải nhảy lầu, treo cổ và tự chết bằng những phương thức khác. Bằng chứng rõ rệt mang tính chính trị học và xã hội học là số quan chức Việt tham nhũng phải tìm cách tự vẫn trong hai năm 2016 và 2017 là quá ít so với năm 2018.
2018 là năm đã xảy ra số vụ quan chức các cấp tìm đến sợi dây thừng nhiều hơn bất kỳ năm nào trước đó, khiến bản danh sách những ‘kẻ tuẫn tiết’ đến cuối năm 2018 có thể là phép cộng gộp cho con số của nhiều năm trước đây.
Có đến hàng chục hoặc hơn những cái tên quan chức loại ‘ruồi’ đã rơi vào bản danh sách tử thần chỉ trong nửa cuối năm 2018. Những cái tên này lại ứng với phân bố địa lý khá rộng và khá đều từ vùng Tây Bắc đến miền Trung và Nam Bộ, bao gồm cả hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn.
Mới chỉ là năm đầu tiên
Sau hai vụ treo cổ của Nguyễn Hồng Lâm – Phó bí thư, Chủ tịch huyện Quốc Oai ở Hà Nội và Đại tá Võ Tuấn Dũng – Cục phó Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Sử Dụng Công Nghệ Cao (C50) của Bộ Công an, tình hình đã ‘liên tục phát triển’ với hàng loạt cái chết treo cổ khác gắn với những cái tên Võ Phi Anh, Phó Tổng giám đốc Cienco 6 đơn vị thi công một số hạng mục thuộc công trình tuyến metro số 1 tại TP HCM; N.Q.V, 36 tuổi, là chuyên viên Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên; Đỗ Văn Thơm (SN 1973) là cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Nhã Nam (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang); Phạm Văn Dũng (35 tuổi, quê xã Ngọc Khê), kế toán xã Vân Am (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa); Nguyễn Văn Hội, Phó trạm trưởng Trạm Quản lý nước và Công trình đô thị huyện Krông Chro (Gia Lai); Đỗ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk); T.T.P. (37 tuổi, cán bộ địa chính xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm)…
2018, năm đầu tiên ló dạng của lưỡi hái tử thần rõ đến thế. Mật độ thình lình tăng lên và biểu đồ thình lình hướng lên của quan chức tự sát đang phác ra khuynh hướng mức độ bất an của quan chức tham nhũng trong nội bộ đảng đang gia tăng đột ngột – xứng đáng trở thành một chủ đề nghiên cứu lớn của ngành xã hội học – chính trị học ở Việt Nam.
Cho đến giờ phút này, không còn nghi ngờ gì nữa về việc người vừa giành thêm được chức chủ tịch nước sẽ đốt rừng rực cái lò vào thời ‘hậu Trần Đại Quang’. Không chỉ ‘cánh Quang’ và ‘cánh Dũng’, mà nhiều hoặc rất nhiều quan chức tham nhũng cấp ‘ruồi’ ở nhiều tỉnh và thành phố sẽ bị biến thành ‘củi’. Về thực chất, giai đoạn 3 ‘đốt lò’ có thể là thời kỳ sâu hiểm nhất, sắc máu nhất, kể cả tàn nhẫn nhất và cách nào đó cũng thành công nhất kể từ đầu chiến dịch ‘đốt lò’.
Một trong số những thúc ép rõ nhất để ‘trên nóng dưới phải nóng theo’ của Nguyễn Phú Trọng là trong năm 2018, ông ta đã chỉ đạo cho Ủy ban kiểm tra trung ương không chỉ tiến hành kiểm tra ở cấp bộ ngành trung ương và cấp tỉnh thành mà còn phải kiểm tra đến cấp quận huyện. Điều đó có nghĩa là Ủy ban kiểm tra trung ương Việt Nam đang và sẽ làm theo kịch bản mà Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương của Trung Quốc đã làm, mang đến tai họa cho giới quan tham ở tận những vùng sâu vùng xa theo phương châm ‘Không cho chúng nó thoát’.
Trước đây, trong giới quan tham Việt Nam luôn phổ biến thủ đoạn ‘chạy án’, cho dù có bị khép tội. ‘Chạy’ vào lúc vụ việc tham nhũng mới có dấu hiệu bị cơ quan chức năng phát hiện, ‘chạy’ vào lúc đang bị cơ quan chức năng khởi tố và điều tra, ‘chạy’ trong giai đoạn tố tụng hình sự và đưa ra tòa, và ‘chạy’ kể cả lúc đã phải lãnh án…
Song ‘Tấm gương’ Đinh La Thăng – thân là một ủy viên bộ chính trị nhưng đã bị tống giam và phải nhận hai mức án với tổng cộng 31 năm tù, hẳn đã khiến giới quan chức tham nhũng không còn mơ màng về một thời kỳ ‘án như chơi’, mà đang hoảng loạn bởi một khi đã bị bắt thì sẽ ‘đi lâu’, thậm chí còn đi thẳng ra pháp trường.
“Là những con người cứng rắn và hay chèn ép người dân, chính họ lại rất sợ những hình thức đối xử nghiêm khắc mà các cấp trên của họ thi hành” – một luật sư tỉnh Chiết Giang là ông Yuan Yulai phân tích về tâm lý chung của giới quan tham Trung Quốc trong cơn hoảng loạn tự sát của giới quan nước này từ năm 2012 đến gần đây. Nhận xét này hoàn toàn có thể tương ứng với đặc thù tâm lý của quan tham Việt.
Dù chưa có gì chứng minh được là chiến dịch chống tham nhũng của đảng cầm quyền ở Việt Nam sẽ bằng vai phải lứa với những gì mà ‘đảng anh’ ở Trung Quốc đã làm, nhưng cho tới nay, hàng loạt cái chết treo cổ của quan tham trong năm 2018 đã cho thấy tâm trạng hoảng loạn và bế tắc không lối thoát của một bộ phận trong giới quan chức tham nhũng ở Việt Nam.
Về mặt hình thức tự kết liễu, rõ ràng ‘sở thích’ treo cổ của quan tham Trung Quốc đã gây tác động mạnh và chi phối đến não trạng quyên sinh của quan tham Việt Nam. Cho đến nay, đa số trường hợp tự vẫn của quan tham Việt Nam đều phải dựa vào sợi dây thừng.
Thách thức lớn cho Nguyễn Phú Trọng
Bầu không khí chung trong giới quan chức ở Việt Nam vào những ngày này là im bặt. Nhiều người gặp nhau còn không dám hỏi han về những vụ việc bắt bớ tham nhũng xảy ra ngay ở địa phương mình. Một số người lúc nào cũng mắt lấm lét, mặt mày xanh xám, thậm chí lảng tránh nhìn nhau.
Nhận xét một cách khách quan, chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng đang bắt đầu tạo được hiệu ứng ‘diệt quan tham’ trên một bình diện rộng hơn ở các tỉnh thành và sâu hơn xuống tận cấp quận huyện và phường xã, tuy chưa thể được coi là một chiến dịch ‘chống tham nhũng’ theo đúng nghĩa, và đặc biệt chưa thể được xem là ‘chống tham nhũng công bằng’ khi ông Trọng vẫn còn bỏ qua cho nhiều trường hợp quan chức tham nhũng – những kẻ được dư luận đánh giá là thuộc ‘phe Trọng’.
Với đà này, bầu không khí ‘diệt quan tham’ sẽ còn khiến nhiều quan chức tham nhũng ngạt thở và bế tắc trong năm 2019, để từ đó sẽ xuất hiện hiện tượng một bộ phận cán bộ đảng viên và người dân một lần nữa khơi dậy trong lòng họ niềm hy vọng mỏng manh vào một tổng bí thư kiêm chủ tịch nước – mà trong thực tế có thể là nhân tố duy nhất chủ xướng và cầm tay chỉ việc chuyện giữ nhiệt đốt lò.
Nhưng khách quan mà xét, Nguyễn Phú Trọng còn xa mới đạt tới hiệu ứng ‘tự sát quan chức’ mà Tập Cận Bình đã tạo ra trong cuộc chiến ‘đả hổ diệt ruồi’ ở Trung Quốc từ năm 2012 đến năm 2016 mà đã khiến nhiều ngàn quan chức nước này phải nhảy lầu, treo cổ và tự chết bằng những phương thức khác. Bằng chứng rõ rệt mang tính chính trị học và xã hội học là số quan chức Việt tham nhũng phải tìm cách tự vẫn trong hai năm 2016 và 2017 là quá ít so với năm 2018.
Giai đoạn 3 ‘đốt lò’ trên diện rộng của Nguyễn Phú Trọng sẽ khác biệt khá nhiều với vài chiến dịch đơn lẻ nhắm vào ‘tham nhũng thời kỳ trước’, hay có thể hiểu là chỉ nhắm vào những đối thủ chính trị của ông ta. Song muốn ‘đốt’ được như Tập Cận Bình với bản thành tích kỷ luật và xử lý hình sự 1,3 triệu đảng viên tham nhũng, Nguyễn Phú Trọng phải có được một đội ngũ cứng cựa đi cùng và trung thành với ông ta – những người công tâm và ít dính dáng tới các phi vụ tích góp tài sản cá nhân từ tiền thuế của dân. Nhưng đây lại chính là một thách thức vô cùng lớn đối với ông Trọng: làm thế nào để đãi cát tìm vàng trong bối cảnh mà người dân Việt luôn than trời ‘nhìn đâu cũng thấy quan chức tham nhũng’?
Phạm Chí Dũng
Người Việt
Không có nhận xét nào