Header Ads

  • Breaking News

    Về việc kêu gọi EU 'hoãn phê chuẩn EVFTA' tới khi VN cải thiện nhân quyền

    Có nhận định rằng chắn chắn Hiệp định thương mại tự do châu Âu-Việt Nam (EVFTA) sẽ được bỏ phiếu phê duyệt để đi đến ký kết, thông qua, dù có tổ chức quốc tế kêu gọi hoãn cho tới khi Việt Nam cải thiện nhân quyền.

    Bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu (bìa trái) vừa có chuyến thăm Việt Nam tuần này
    "Tôi chắc chắn là EVFTA có nhiều khả năng sẽ được thông qua vì nó phục vụ lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Đấy là những cộng đồng vận động chính sách rất mạnh mẽ, họ rất có thế lực với cả Nghị viện và Hội đồng châu Âu," nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Quang A nói với BBC hôm 11/1.
    • Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) ban đầu kết thúc đàm phán tháng 12/2015.
    • Ngày 26/6/2018, để hiệp định có thể sớm hoàn tất, EVFTA được tách làm hai hiệp định, một về thương mại ̣(FTA) và một về bảo hộ đầu tư (IPA).
    • Tháng 8/2018, hai bên hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với FTA và IPA.
    • FTA thuộc thẩm quyền ký kết của Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu.
    • IPA cần được Nghị viện châu Âu và nghị viện các nước thành viên phê chuẩn.
    Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ có vòng bỏ phiếu then chốt đối với EVFTA vào tuần tới.

    Trả lời BBC trong ngày 11/1 từ Berlin, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng nói:

    "FTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư IPA hiện là tâm điểm trong quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam thời gian hiện nay, phục vụ lợi ích thiết thực của cả hai bên, chính vì vậy đều được cả hai bên nỗ lực để cùng đến đích."

    "Thực tế 14 vòng đàm phán căng thẳng trong quá khứ cũng đã minh chứng cho điều này. Không ai nên coi mối hợp tác này sẽ chỉ có lợi cho một bên và bên khác sẽ bị thiệt."

    Ông Hùng nhận định từ Đức, nước chủ chốt của EU:

    "Nghị viện châu Âu đang xem xét và liệu việc phê chuẩn hai Hiệp định có kịp diễn ra vào đầu năm 2019 hay không."

    "Hiện chưa có câu trả lời chắc chắn, nhưng có một điều rõ ràng là ít nhất những tiếng nói từ chính giới Đức - quốc gia có tiếng nói quan trọng trong khối EU, nơi tôi đang sống - không thấy có những phản ứng tiêu cực rõ ràng chống lại việc phê chuẩn và lại càng không có chỉ dấu nào cho thấy một vấn đề lớn như vậy lại có thể bị ảnh hưởng trực tiếp, quyết định bởi việc Việt Nam có trao trả ông Trịnh Xuân Thanh lại cho Đức hay không."

    Tiến sỹ Nguyễn Quang A từng được cho xuất ngoại ngắn để dự phiên điều trần tại Nghị viện châu Âu hồi tháng 10/2018 liên quan việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

    "Chỉ có điều chưa rõ khi nào họ ký và cá nhân tôi cho rằng sau khi ký, việc phê chuẩn ít có khả năng xảy ra trước tháng 5/2019 - thời điểm Quốc hội châu Âu bầu ra một nghị viện mới. Thủ tục phê chuẩn của Quốc hội châu Âu có thể sẽ phải kéo ra thêm một đến hai năm nữa."

    "Một lý do duy nhất là vì Quốc hội châu Âu chỉ còn một phiên họp nữa thôi trước khi bầu một nghị viện mới, mà trong một thời gian ngắn thế họ không thể làm xong thủ tục phê chuẩn EVFTA."

    "Chúng ta chưa biết chính kiến của Quốc hội châu Âu mới sẽ như thế nào? Một Quốc hội châu Âu mới sẽ còn rất nhiều việc phải làm, việc thông qua EVFTA trong năm 2019 không phải là ưu tiên của họ."

    Ông Quang A cũng cho hay việc EVFTA không được ký vào tháng 10 năm ngoái và đến nay vẫn chưa ký là nằm trong đúng kế hoạch và lịch trình của Ủy ban châu Âu "chứ không phải bị cản trở gì cả."

    "Không có một kế hoạch nào là hai bên ký kết thông qua EVFTA vào tháng 10 năm ngoái. Quy trình là thế này: Lúc đó Ủy ban châu Âu hoàn tất thủ tục để chuẩn bị cho việc ký, sau đó họ phải trình hồ sơ này lên Hội đồng châu Âu. Rồi Hội đồng châu Âu bật đèn xanh cho việc ký kết thì Ủy ban châu Âu mới k‎ý EVFTA. Sau khi ký xong thì phải làm thủ tục trình Quốc hội châu Âu xem xét phê chuẩn."

    Cũng tại phiên điều trần 10/10/2018, Đại sứ Vũ Anh Quang tại Bỉ thừa nhận "nhân quyền của Việt Nam là không hoàn hảo" nhưng nước này, theo ông "không nằm trong danh sách các nước bị Hội đồng Nhân quyền LHQ đánh giá là thường xuyên vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng và có hệ thống".

    Sau khi Tổng thống Mỹ, Donald Trump tỏ ra coi nhẹ vấn đề nhân quyền ở nước ngoài, giới vận động hy vọng EU sẽ đóng vai trò mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tôn trọng quyền con người trên thế giới, gồm cả Việt Nam.

    Hiện hai bên EU và Việt Nam đã có những tiếp xúc cao cấp.

    Hôm 7/1, bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) đã có mặt tại Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam và được Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đón tiếp.

    Báo Việt Nam trích lời bà Kim Ngân bày tỏ mong muốn Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA).

    Chủ tịch QH VN cũng "khẳng định Việt Nam luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp của các nhà hoạch định chính sách kinh tế và doanh nghiệp châu Âu để Hiệp định được triển khai một cách hiệu quả nhất, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên".

    Hôm 08/1, bà Heidi Hautala có cuộc gặp với thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

    'Dùng EVFTA để cải thiện nhân quyền ở Việt Nam'

    Trước câu hỏi có phải ông lạc quan cả về việc ký kết EVFTA và vấn đề cải thiện nhân quyền ở Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với BBC ông chỉ phân tích khách quan khi đặt bản thân mình vào vị trí các chính trị gia châu Âu muốn đòi nhân quyền cho Việt Nam.

    "Tình hình nhân quyền của Việt Nam đúng là xấu đi. Đây là một sự thật không ai có thể bác bỏ được. Tuy nhiên đây là một hiệp định thương mại tự do, không phải là một hiệp định về nhân quyền. Và trọng lượng của các vấn đề kinh tế, địa chính trị có thể lấn át vấn đề nhân quyền."

    "Mặt khác, về dài hạn, khi thông qua được hiệp định này thì nó cũng có tác động lâu dài đến cải thiện vấn đề nhân quyền ở Việt Nam."

    "Bởi vì nếu có hiệp định này, thực sự châu Âu sẽ có một cây gậy lớn để đòi cải thiện vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Trước khi họ cũng có một công cụ, một 'cây gậy', là đối thoại nhân quyền hàng năm. Tuy rất quan trọng, chúng ta biết là nó không thể bằng một hiệp định thương mại tự do."

    "Nếu tình hình nhân quyền không được cải thiện hoặc xấu đi, thì châu Âu có thể đe dọa, thực hiện một chế tài nhất định. Và tôi nghĩ đấy là công cụ mạnh mẽ mà châu Âu không muốn bỏ qua. Và tôi nghĩ những người tính toán dài hạn sẽ không bỏ qua công cụ đó."

    "Giả như tôi là các chính trị gia của châu Âu mà tôi thực sự muốn đòi nhân quyền cho Việt Nam thì tôi sẽ hành xử như thế. Chúng ta nên lưu ý đây là hiệp định thương mại, phục vụ cho mục đích của các doanh nghiệp là chính. Nhân quyền đúng là có quan trọng nhưng nó không là chủ đề chính của hiệp định này. Tôi hoàn toàn tán thành việc chúng ta đòi cải thiện nhân quyền. Nhưng đặt điều kiện phải cải thiện nhân quyền, sau đó mới có EVFTA thì tôi nghĩ có thể hơi chệch một chút về mặt tư duy chiến lược."

    Còn ông Lê Mạnh Hùng thì tin rằng nhân quyền chỉ là một phần của câu chuyện:

    "EU không phải là một tổ chức từ thiện và việc hợp tác với họ đòi hỏi mỗi đối tác phải đáp ứng đủ những tiêu chuẩn cần thiết. Những trở ngại chính từ phía Việt Nam vẫn là những vấn đề cố hữu: nhân quyền và quyền người lao động."

    Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho BBC hay việc ông dự phiên điều trần là nhờ có áp lực 'rất mãnh liệt' của quốc tế
    Tổ chức Nhân quyền kêu gọi hoãn ký EVFTA

    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa kêu gọi Hội đồng châu Âu hoãn phê duyệt EVFTA "cho đến khi chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cụ thể để cải thiện hồ sơ nhân quyền", HRW cho hay hôm 10/1.

    Kêu gọi của HRW được đưa ra trong bối cảnh Luật An ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực hồi 1/1/2019 và vòng bỏ phiếu then chốt cho việc ký kết EVFTA dự kiến diễn ra vào tuần tới.

    "Do áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu, một số đảng trong Nghị viện châu Âu hiện đang cố gắng để thỏa thuận thương mại EVFTA được thông qua, ngay cả khi Việt Nam liên tiếp bỏ qua các kêu gọi giải quyết hồ sơ nhân quyền."

    "Vội vã thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam sẽ là một sai lầm nghiêm trọng," ông John Sifton, Giám đốc Vận động Chính sách châu Á được trích lời trong thông cáo báo chí của HRW.

    Vào tháng 9/2018, 32 thành viên của Nghị viện châu Âu đã ký một bức thư ngỏ bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam liên tục đàn áp về nhân quyền và kêu gọi nước này cải thiện tình hình trước bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào về thỏa thuận EVFTA.

    Những lo ngại tương tự đã được đặt ra với thứ trưởng thương mại Việt Nam hồi tháng 10/2018 tại phiên điều trần tại Nghị viện châu Âu, và một lần nữa trong một cuộc họp vào tháng 11.

    Lá thư viết:

    "Luật an ninh mạng mới của Việt Nam dường như nhằm mục đích đóng cửa con đường duy nhất còn lại để người Việt Nam bày tỏ sự bất đồng quan điểm của họ, tại một quốc gia nơi tất cả các phương tiện truyền thông thuộc sở hữu nhà nước hoặc do nhà nước kiểm soát và các hoạt động của các nhóm phi chính phủ bị hạn chế nghiêm trọng."

    "Nhiều blogger ôn hòa, các nhà phê bình, nhà hoạt động, và các nhà lãnh đạo tôn giáo đang ở trong tù liên quan đến tự do ngôn luận bị hình sự hóa quá mức. Những người lên tiếng công khai có nguy cơ bị đánh đập, bắt giữ, đe dọa và các lạm dụng khác."

    "Các công đoàn độc lập không được phép hoạt động và hàng loạt cam kết trước đây của Việt Nam để phê chuẩn một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vẫn chưa được thực hiện."

    "Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu cần gửi một thông điệp rõ ràng rằng EVFTA không thể được thông qua cho đến khi chính phủ Việt Nam nghiêm túc trong việc giải quyết các vấn đề nhân quyền," ông Keith Sifton được trích lời trong thông cáo của HRW.

    "Việt Nam nên hiểu rằng nếu châu Âu trì hoãn thỏa thuận thì đó sẽ là lỗi của Hà Nội, chứ không phải Brussels."

    Tiếp cận mềm?

    Có vẻ như các quan chức Phương Tây, nhất là châu Âu, thường chọn cách phát biểu, ra thông điệp gián tiếp về tình hình quyền con người tại Việt Nam.
    Image caption Hôm 10/12/2018 là ngày Nhân quyền Quốc tế và cũng là 70 năm ngày thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế

    Chẳng hạn, nhân ngày Nhân quyền Quốc tế hôm 10/12/2018, trong một động thái chưa từng có, 21 đại sứ và phó đại sứ nước ngoài tại Việt Nam đã đọc bản tuyên ngôn nhân quyền bằng ngôn ngữ nước họ, và đăng tải video này trên mạng xã hội.

    Trên trang Facebook của mình, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink kêu gọi việc cùng chia sẻ video được đưa lên cùng ngày "để cùng chúng tôi tôn vinh các quyền phổ quát, vĩnh cửu và không thể tách rời".

    Các đại sứ Anh, Pháp, Đan Mạch, Ba Lan... cũng tham gia đọc trong video này.

    Hồi tháng 2/2018, một tổ chức nhân quyền ở CH Czech đã trao giải cho cây bút ủng hộ cho lý tưởng dân chủ và nhân quyền ở VN, bà Phạm Đoan Trang.

    Giải thưởng Homo Homini được tổ chức độc lập của CH Czech trao hằng năm cho những cá nhân có đóng góp to lớn cho đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ.

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào