Trong buổi hội thảo cuối năm của Viện
Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), diễn ra hôm
28/12/2018 tại Hà Nội, giáo sư Nguyễn Sĩ Dũng đã có một bài thuyết trình
mang tên "Cải cách thể chế và khu vực công 2018" [1]. Trong bài, ông
Dũng đã đặt hy vọng vào phương án "hợp nhất chức danh Chủ tịch nước và
Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam", đồng thời trình bày chủ trương "nhà
nước kiến tạo và phát triển".
Giáo sư Nguyễn Sĩ Dũng |
Hy vọng "nhất thể hóa"
Trong
buổi tiếp xúc cử tri ngày 08/10/2018, ông Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố
rằng việc ông được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước là do tình huống,
chứ không phải do Việt Nam chuyển sang cơ chế kiêm nhiệm hoặc "nhất thể
hóa". Dù vậy, giáo sư Nguyễn Sĩ Dũng tin rằng sự kiện này là một bước
quan trọng, khiến việc "nhất thể hóa" sẽ diễn ra dễ dàng hơn trong tương
lai.
Theo
ông Dũng, thì ở hầu hết các nước trên thế giới, người đứng đầu nhánh
hành pháp của nhà nước cũng là người đứng đầu đảng cầm quyền. Tuy nhiên,
từ khi ông Hồ Chí Minh qua đời vào năm 1969 đến nay, chức Chủ tịch nước
và Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam luôn do 2 người khác nhau nắm
giữ. Tình huống này gây ra nhiều vướng mắc trong việc điều hành quốc
gia. Ông Dũng cho rằng việc "nhất thể hóa" hai chức danh Chủ tịch nước
và Tổng Bí thư sẽ giải quyết được những vướng mắc này, theo 4 cách:
Thứ nhất, nó giúp tiết kiệm chi phí để vận hành nhà nước, khi bớt đi một ông Chủ tịch chỉ có vai trò nghi thức.
Thứ
hai, nó làm các quy định của Hiến pháp trở nên đáng tin cậy hơn. Chẳng
hạn, hiện Hiến pháp quy định rằng Chủ tịch nước nắm quyền thống lĩnh các
lực lượng vũ trang; nhưng trong thưc tế các lực lượng vũ trang chỉ nghe
lời Quân ủy Trung ương, nằm dưới quyền Tổng Bí thư đảng Cộng sản. Ông
Dũng cho rằng khi Tổng Bí thư nắm quyền Chủ tịch nước, những vướng mắc
như vậy sẽ không còn, khiến Hiến pháp có hiệu lực trên thực tế, làm
người dân tin vào pháp luật hơn.
Thứ
ba, nó tăng tính chính danh của cả chức vụ Chủ tịch nước lẫn Tổng Bí
thư. Chẳng hạn, khi xảy ra các thảm họa quốc gia, sẽ chỉ có một nguyên
thủ lên tiếng để tập hợp sức mạnh của dân tộc, thay vì chia sức mạnh cho
2 người như trước. Khi Tổng Bí thư, tức người nắm quyền lực thật ở Việt
Nam đi thăm nước ngoài, ông cũng dễ dàng được nguyên thủ các nước tiếp
đón hơn.
Thứ
tư, sau khi "nhất thể hóa" hai chức danh, Việt Nam sẽ dễ dàng chuyển
sang mô hình bán Tổng thống, trong đó Chủ tịch nắm lực lượng vũ trang,
còn Thủ tướng nắm quyền quản lý kinh tế. Ông Dũng cổ vũ mô hình này, vì
cho rằng nó đã đem lại sự phát triển cho nhiều nước Đông Bắc Á như Hàn
Quốc và Đài Loan.
Giáo
sư Dũng cho rằng trong năm 2018, nền chính trị Việt Nam đã có nhiều
thay đổi để hướng đến mục tiêu "nhất thể hóa". Nổi bật là các hoạt động
để tinh giản hóa bộ máy - như xu hướng sáp nhập 3 văn phòng của chính
quyền địa phương, xu hướng sáp nhập Thanh tra Nhà nước với Ủy ban Kiểm
tra Trung ương đảng... Tuy nhiên, do thiếu lý thuyết dẫn dắt, các hoạt
động vừa nêu chủ yếu mang tính phong trào, dẫn đến nhiều sai lệch mà
chính quyền sẽ phải sửa lại. Vì vậy, ông Dũng cho rằng quá trình cải
cách này phải được hướng dẫn bằng một lý thuyết về mô hình nhà nước.
Chủ trương "nhà nước kiến tạo và phát triển"
Giáo sư Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng hiện nay, thế giới có 3 mô hình nhà nước tiêu biểu.
Thứ
nhất là mô hình "nhà nước điều chỉnh" theo kiểu Anh - Mỹ. Trong mô hình
này, nhà nước hạn chế can thiệp vào hoạt động kinh tế, và chỉ điều
chỉnh chúng bằng các công cụ pháp luật.
Thứ
hai là mô hình "nhà nước phúc lợi" theo kiểu Bắc Âu và Baltic. Trong mô
hình này, người dân phải dùng hầu hết thu nhập để đóng thuế, đổi lại
nhà nước bao cấp hầu hết nhu cầu của người dân.
Thứ
ba là mô hình "nhà nước kiến tạo và phát triển" của các nước Đông Bắc
Á, như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. Mô hình này công nhận
kinh tế thị trường, nhưng đặt nền kinh tế dưới sự định hướng của nhà
nước. Ông Dũng nhắc đến các chaebol được chính quyền Hàn Quốc bảo hộ, và
coi chúng như ví dụ tiêu biểu của mô hình này.
Vậy
đâu là mô hình nhà nước phù hợp với Việt Nam? Ông Dũng cho rằng văn hóa
của từng xã hội sẽ quyết định mô hình nhà nước. Do khác biệt văn hóa,
người Việt Nam sẽ không chấp nhận mức thuế cao như người Bắc Âu. Và nếu
Việt Nam bị giới hạn bởi các hiệp định về tự do thương mại nhiều đến mức
"đi lạc" vào mô hình "nhà nước điều chỉnh", thì Việt Nam sẽ chỉ trở
thành một Philippines thứ 2 ở Đông Nam Á.
Ông
Dũng tin rằng dù nằm trong vùng Đông Nam Á, Việt Nam vẫn bị định hình
bởi văn hóa Đông Bắc Á, trong đó xã hội lệ thuộc nhiều vào mệnh lệnh của
nhà nước, và dân chúng có lý tưởng học hành, thi cử để làm quan. Vì
vậy, Việt Nam phải theo mô hình "nhà nước kiến tạo và phát triển", ngoài
ra không còn các nào khác. Tuy nhiên, để chuyển sang mô hình này, Việt
Nam cần làm 2 điều.
Một,
là phải tách biệt giữa chính trị và hành chính. Cụ thể, người làm chính
trị chỉ nên quyết định các chủ trương; còn các chuyên gia trong bộ máy
hành chính sẽ đảm nhiệm việc soạn thảo các chi tiết kỹ thuật của chính
sách và pháp luật. Nhờ sự tách bạch này, bộ máy nhà nước sẽ thoát khỏi
tình trạng thiếu chuyên nghiệp, chậm thay đổi và tham nhũng tràn lan.
Hai,
là phải phát triển một đội ngũ công chức hành chính công vụ tinh hoa,
thông qua hệ thống khoa cử. Đây là sự nối tiếp của truyền thống khoa
bảng, "học để đi thi, làm quan giúp nước", mà các nước Đông Bắc Á đều
có. Ông Dũng coi cơ quan quản lý thi tuyển của Đài Loan như một ví dụ
tiêu biểu của truyền thống này.
Trong
một hội thảo trước, ông Dũng cũng cho rằng chính phủ Việt Nam nên nâng
đỡ các "chaebol" trong khu vực tư nhân, giống như Hàn Quốc từng làm. Ông
khen ngợi tập đoàn Vingroup, vì cho rằng Vin có chính sách coi trọng
nhân tài và các quy trình hiệu quả.
Giáo
sư Nguyễn Sĩ Dũng tin rằng nếu áp dụng cơ chế "nhất thể hóa" để xây
dựng "nhà nước kiến tạo và phát triển", Việt Nam sẽ trở thành một "con
rồng châu Á" như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan.
Đôi điều suy nghĩ
Nếu
xem xét vấn đề bằng thang giá trị của giáo sư Nguyễn Sĩ Dũng, tôi thấy
chủ trương của ông có rất nhiều điểm hay. Về mặt thời sự, chủ trương này
vừa bao gồm 2 khẩu hiệu thịnh hành là "nhất thể hóa" và "nhà nước kiến
tạo, phát triển"; vừa bao gồm ước vọng của ông Dũng về một nền hành
chính chuyên nghiệp, trong sạch và hiệu quả hơn. Về mặt giai tầng, nó
tạo cơ hội phát triển cho cả giới quan chức, cán bộ (thông qua sự công
nhận vai trò chính trị của Đảng), giới tài phiệt (thông qua việc cổ vũ
các "chaebol"), lẫn giới trí thức và bình dân (thông qua việc tuyển chọn
nhân tài bằng thi cử). Về mặt đối ngoại, nó cân bằng giữa Trung Quốc và
Mỹ, giữa nhu cầu hội nhập và nhu cầu giữ an ninh, bản sắc quốc gia.
Về
phần tôi, tôi thấy dù theo thuyết pháp trị hay pháp quyền, chúng ta
cũng nên ủng hộ việc xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, tách
bạch với chính trị, và việc dùng các phương pháp công bằng (mà khoa cử
chỉ là một ví dụ) để tuyển nhân tài cho nền hành chính đó.
Tuy
nhiên, tôi thấy chủ trương của giáo sư Dũng sẽ vấp phải 3 trở ngại
trong thực tế. Đó là tình hình giáo dục - thi cử ở Việt Nam, năng lực
của các "chaebol" Việt Nam, và tình hình "giới tinh hoa" Việt Nam.
Tình
hình giáo dục - thi cử ở Việt Nam đang thế nào, có lẽ ai cũng biết, nên
không cần nhắc lại. Chuyện này không mới, vì gần 90 năm trước, học giả
Phạm Quỳnh cũng từng than thở rằng do điều kiện địa lý, lịch sử và chính
trị, người Việt Nam chỉ quen học để thi đỗ, làm quan, chứ không quen
học để tìm tri thức [2]. Ông Phạm Quỳnh cho rằng văn hóa khoa cử hẹp hòi
đó đã khiến cả nền học thuật lẫn nền chính trị của Việt Nam bị suy đồi
và tụt hậu. Như vậy, dường như cả văn hóa khoa cử truyền thống lẫn tình
hình nền khoa cử hiện nay của Việt Nam đều cản trở, thay vì tạo thuận
lợi cho chủ trương của giáo sư Nguyễn Sĩ Dũng.
Về
yếu tố thứ hai, hiện các "chaebol" của Việt Nam chưa chứng minh được
năng lực của mình. Báo cáo tài chính thường niên của Vingroup cho thấy
trong những năm trước, họ bị lỗ trong mảng bán lẻ và nông nghiệp sạch,
phải dùng lợi nhuận từ mảng kinh doanh bất động sản để bù lỗ. Nếu
Vingroup không còn được mua đất công giá rẻ, liệu tập đoàn này có thể tự
đứng vững, và mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ cao hay không? Nên để
Vingroup tự chứng minh năng lực của mình thêm một thời gian, để không
lãng phí tài nguyên quốc gia vào một "quả đấm thép" rởm kiểu mới.
Về
yếu tố sau cùng, nhiều trí thức tin rằng do hoàn cảnh lịch sử, giới
tinh hoa của Việt Nam đã bị mai một đi. Nếu đây là sự thật, thì các học
giả Việt Nam nên nghĩ cách tái tạo giới tinh hoa, trước khi bàn xem nên
dùng giới này cho khu vực hành chính công hay khu vực khác. Mà để tái
tạo một giai tầng trong xã hội, có lẽ cần lựa theo các điều kiện kinh
tế, chính trị, xã hội cụ thể, thay vì chỉ dựa vào ý muốn chủ quan của
một nhà nước hoặc nhà trường.
Hiện
nay, nhà nước Việt Nam đang tinh giản, trong khi các doanh nghiệp tư
nhân và tổ chức dân sự đang ngày một đa dạng hơn. Trong thời đại toàn
cầu hóa, hầu hết tri thức đang đến từ nước ngoài, thay vì từ trong nước
và từ nhà nước. Trong thời đại công nghệ thông tin, các công nghệ mới
cho phép mỗi cá nhân tự học tập, làm việc mà không cần phải đến trường
học hoặc văn phòng. Trong bối cảnh xã hội này và tình trạng suy sụp của
nền giáo dục - thi cử Việt Nam, chắc chắn giới tinh hoa sẽ không phục
hồi chỉ nhờ một hệ thống khoa cử để tuyển chọn công chức.
Như
vậy, dù tạm giả định rằng Việt Nam phù hợp với mô hình Đông Bắc Á hơn
mô hình của phương Tây, ta vẫn thấy chủ trương "nhà nước kiến tạo" của
giáo sư Nguyễn Sĩ Dũng chưa phù hợp với một số điều kiện thực tế của đất
nước.
Còn
nếu nhìn chủ trương này qua lăng kính của các hệ thống phương Tây, ta
sẽ nhanh chóng kết luận rằng nó quá ưu ái cho các lực lượng độc quyền,
trong khi hạ thấp các giá trị được cho là phổ cập như nhân quyền, bình
đẳng.
Nhưng
dù vậy, chủ trương này vẫn là một hướng đi độc đáo, đem lại nhiều ý
tưởng mà những người theo khuynh hướng cải cách ở Việt Nam có thể tham
khảo.
Tú Cầu
-------------------------------
Tài liệu tham khảo:
[1]
Tọa đàm “Việt Nam – Kinh tế, chính sách và cải cách thể chế năm 2018;
Dự báo năm 2019 và Lễ tổng kết Câu lạc bộ Café Số 2018”
[2] Bàn về Quốc học (bài báo của Phạm Quỳnh năm 1931)
(VNTB)
Không có nhận xét nào