Header Ads

  • Breaking News

    TS. Phạm Quý Thọ - Việt Nam: Kinh tế tăng trưởng, nhưng dân chủ thì không?

    Kinh tế của Việt Nam hiện được các tổ chức quốc tế có uy tín như Ngân Hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá là tăng trưởng khả quan. Thống kê nhà nước công bố tỷ lệ tăng GDP năm 2018 là 7,08%.

    Phạm Quý Thọ
    Trái lại, theo Báo cáo Chỉ số Dân chủ 2018 của The Economist Intelligence Unit (EIU) ở Anh công bố ngày 9/1/2019, tình hình dân chủ ở Việt Nam không được cải thiện với thứ hạng ở vị trí thứ 139 trong số 167 quốc gia, không thay đổi so với 2017 và có chiều hướng đi xuống những năm gần đây kể từ năm 2015. Câu hỏi đặt ra vì sao kinh tế tăng trưởng, nhưng dân chủ thì không cải thiện? Câu trả lời liệu có phải chậm thay đổi nhận thức và thực thi dân chủ theo hướng thị trường để hỗ trợ tăng trưởng ổn định? Nếu phân tích mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và dân chủ trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường ở Việt Nam, thì đây sẽ là một nội dung không thể thiếu của chủ đề cải cách thể chế cần được đặt ra trong thời gian tới.

    Nhận thức giáo điều về Dân chủ

    Dân chủ là hệ thống giá trị được đề cao trong quá trình phát triển nhân loại nói chung và kinh tế nói riêng, trên phạm vi toàn cầu cũng như từng quốc gia. Bàn luận về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và dân chủ luôn là chủ đề nóng khi gắn với các mô hình thể chế khác nhau, tuỳ thuộc vào các bằng chứng thực tế đưa ra thuyết phục đến đâu.

    Hệ thống giá trị dân chủ phương Tây được hình thành trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và chế độ tư bản chủ nghĩa, là nền tảng dân chủ của các nước phát triển, trong đó quyền tự do và bình đẳng được luật hoá và nhấn mạnh vào khía cạnh đầu phiếu phổ thông, các quyền tự do chính trị, tự do dân sự, đa nguyên.

    Dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) dựa trên hệ tư tưởng Marx – Lê Nin về chủ nghĩa xã hội, còn gọi là dân chủ nhân dân và đối nghịch với ‘dân chủ tư sản’ phương Tây. Ý tưởng ban đầu về nền dân chủ nhân dân là dân chủ trực tiếp, tuy nhiên, khi vận hành nhà nước chuyên chính vô sản, thì quyền lãnh đạo thuộc về Đảng Cộng sản cầm quyền duy nhất. Dân chủ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

    Trên nền tảng các giá trị dân chủ phương Tây, Chỉ số Dân chủ được lượng hoá theo thang điểm từ 0 đến 10, biểu thị mức độ dân chủ tăng dần từ thấp đến cao và dựa vào năm tiêu chí: Việc tiến hành bầu cử công bằng và tự do; Các quyền tự do của công dân; Sự hoạt động của chính quyền; Việc tham gia chính trị và; Văn hóa chính trị. Dựa trên Chỉ số Dân chủ tính được và theo cách phân loại của EIU các chế độ bao gồm 4 nhóm: Dân chủ đầy đủ— có điểm từ 8 – 10; Dân chủ khiếm khuyết — từ 6 - 7,9; Thể chế hỗn hợp— từ 4 - 5,9; Chính thể chuyên chế— dưới 4. Chỉ số Dân chủ năm 2018 là 3,08, Việt Nam thuộc nhóm thứ 4.

    Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành đường lối Đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường đã được hơn 30 năm, tuy nhiên việc nhận thức về dân chủ dường như không thay đổi, thậm chí giáo điều khi không đặt dân chủ trong mối liên hệ với tăng trưởng kinh tế theo hướng thị trường.

    Tăng trưởng thúc đẩy dân chủ

    Dù có diễn giải về dân chủ theo mục đích chính trị thế nào chăng nữa, thì tăng trưởng kinh tế luôn gắn với dân chủ, tăng trưởng thúc đẩy dân chủ và ngược lại. Với thời gian và điều kiện cải cách kinh tế theo các nguyên tắc thị trường thì tăng trưởng kinh tế sẽ dần tạo ra nhu cầu hình thành cơ chế dân chủ tương ứng. Nhận ra quá trình thay đổi tất yếu này là đòi hỏi từ thực tế để Việt Nam có được mô hình mới đảm bảo cho phát triển bền vững.

    Đường lối Đổi mới được khái quát với hai nội dung chính là Cải cách Mở cửa. Trong những năm 80-90 của thế kỷ trước, Cải cách, thực ra, là thực thi các chính sách hạn chế bớt quyền của nhà nước, công chức bằng cách bãi bỏ chế độ quan liêu bao cấp và trao nhiều quyền hơn cho người dân. Người nông dân được nhiều quyền hơn để canh tác trên đồng ruộng và sở hữu nông sản cho nhu cầu cuộc sống của họ, người công nhân được quyền sử dụng kết quả lao động của họ từ những sản phẩm vượt chỉ tiêu pháp lệnh theo kế hoạch nhà nước, người tiểu thương được quyền buôn bán hàng hoá trên một không gian rộng hơn, khi bãi bỏ ‘ngăn sông chấm chợ’… Dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa, thì đây chính là cơ sở của quá trình dân chủ hoá. Quyền kinh tế là cốt lõi của các quyền công dân khác.

    Trong bối cảnh tiềm năng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động được ‘cởi trói’, giải phóng, thì nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng thị trường được mở rộng. Hơn thế, nó còn được hỗ trợ bởi chính sách Mở cửa khuyến khích làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) từ xu thế toàn cầu hoá khiến cho Việt Nam đạt được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, trung bình năm, trên 7% GDP, trong thời kỳ gần 20 năm (1986-2006).

    Đáng tiếc, trong thập niên tiếp theo (2006-2016), Việt Nam đã rơi vào bất ổn do những cải cách thể chế không hỗ trợ, thậm chí kéo chậm lại đà tăng trưởng. Tỷ lệ tăng giảm sút nhanh, lạm phát cao lên đến 20% năm 2012, nợ xấu cao, bong bóng bất động sản nổ… lan sang các lĩnh vực khác của xã hội tạo nên khủng hoảng nghiêm trọng, trong đó một bộ máy hành chính cồng kềnh với các quan chức đặc quyền đặc lợi tha hoá bởi lợi ích nhóm và suy thoái về đạo đức lối sống. Đây là thể chế đi ngược quá trình dân chủ, kìm hãm tăng trưởng.

    Nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng được nhận định là do chính sách kinh tế sai lầm và quản lý yếu kém của Chính phủ. ‘Sự quyết liệt’ đến duy ý chí khi thực thi chính sách tăng trưởng nóng vội dựa vào các tập đoàn kinh tế nhà nước – người ta ví von là ‘những quả đấm thép’ – mọi nguồn lực xã hội được huy động cho các nhu cầu ảo tưởng về tăng trưởng bỏ qua các quy luật kinh tế. Bài học của chính sách ‘Giá – Lương – Tiền’ trong những năm 1980 dường như đã lặp lại!

    Nếu nhìn thẳng vào bản chất sự việc thì đây chính là ‘lỗi hệ thống’, bởi vì trong hệ thống chính trị hiện hành ở Việt Nam Đảng CS lãnh đạo toàn diện, và Chính phủ là bộ phận cấu thành của Đảng được phân nhiệm để điều hành nền kinh tế.

    Bất ổn thể chế được bộc lộ rõ nét trong thời kỳ này đang để lại hậu quả và thách thức lớn cho phát triển. Tuy nhiên, nó có thể là cơ hội để cải cách. Đã xuất hiện những ý kiến về ‘Đổi mới lần 2’.

    Sau Đại hội 12 Đảng CS đầu năm 2016 Việt Nam đã và đang tiến hành chính sách kinh tế thích ứng với thực tế. Các hoạt động của Chính phủ được định hướng trở lại quỹ đạo kinh tế thị trường với việc thúc đẩy tự do kinh doanh đồng thời với cam kết xoá bỏ các rào cản từ thể chế. Những nỗ lực này là một trong những động cơ phục hồi tăng trưởng. Liên tục trong 3 năm tỷ lệ tăng GDP nâng dần, năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm tính từ 2008.

    Kết luận chủ yếu được rút ra là mặc dù về nguyên lý tăng trưởng kinh tế thúc đẩy dân chủ, tuy nhiên mỗi khi chính sách duy ý chí, xa rời các quy luật kinh tế thị trường và thể chế chính trị không được cải cách theo hướng tạo ra cơ chế dân chủ tương ứng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang thị trường, thì nền kinh tế sẽ đối đầu với nguy cơ rơi vào vòng xoáy chu kỳ bất ổn tiếp theo.

    Hiện nay, khi chính sách kinh tế ‘nới’ theo hướng thị trường, nhưng chính trị ‘thắt’ theo hướng tập trung quyền lực của Đảng CS, câu hỏi cốt yếu được đặt ra là làm thế nào để cân bằng hai hướng ngược nhau này?

    Một đề xuất cho lời giải của vấn đề trên là khi kinh tế Việt Nam đã phát triển đến mức thu nhập trung bình như hiện nay, và để tránh ‘bẫy thu nhập trung bình’, ‘bẫy lao động giá rẻ’, ‘bẫy gia công’, ‘bẫy ô nhiễm môi trường…’ – như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong cuộc họp với Tổ tư vấn kinh tế vào cuối năm 2018, thì việc cải cách thể chế cần phải được đặt ra công khai và thu hút sự đóng góp trí tuệ rộng rãi của toàn dân, của giới trí thức. Một trong những nội dung là cần thay đổi nhận thức, tạo dựng và thực thi cơ chế dân chủ phù hợp với thực tế, đặt nó trong mối liên hệ chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế bền vững.

    TS. Phạm Quý Thọ

    * Tác giả Phạm Quý Thọ từng là sinh viên và nghiên cứu sinh ngành kinh tế tại Liên bang Nga (Liên Xô cũ). Ông là Phó giáo sư, tiến sĩ, từng giảng dạy và nghiên cứu, phần lớn ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Đến năm 2009 ông làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển, và nghỉ hưu năm 2018.

    (VOA) 

    Không có nhận xét nào