Trung Quốc vừa xây một trung tâm cứu
hộ hàng hải tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa. Với cơ sở mới này
Bắc Kinh đang đẩy mạnh kế hoạch biến nơi này thành một trung tâm hậu
cần lớn nhất ở Biển Đông, vùng nước đang có tranh chấp với một số nước
trong khu vực bao gồm Việt Nam.
Hình chụp vệ tinh: Đá Chữ Thập ở Trường Sa |
Mạng
báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng vào ngày 30 tháng 1 loan tin vừa nêu,
dẫn thông báo của Bộ Giao Thông- Vận Tải Trung Quốc trước đó một ngày,
tức ngày 29 tháng 1.
Công
bố của Bộ Giao Thông- Vận Tải Trung Quốc được đưa ra sáu tháng sau khi
Trung Quốc cho tàu Nam Hải Cứu 115 đến neo đậu tại Đá Subi, Trường Sa.
Đây là một trong những bãi đá mà Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo ở
Biển Đông.
Theo
Bộ Giao Thông- Vận Tải Trung Quốc thì trung tâm cứu hộ hàng hải tại Đá
Chữ Thập sẽ hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện hơn cho công tác cứu hộ. Trung
tâm này cũng là một bộ phận của cơ quan cứu hộ Biển Đông thuộc Bộ Giao
Thông- Vận Tải của chính quyền Bắc Kinh.
Đá Chữ Thập được bồi đắp thành một đảo nhân tạo rộng 2,8 kilomet vuông.
Vào
tuần trước, Nhật báo Giải Phóng Quân Nhân dân Trung Quốc, cho công bố
bức ảnh với độ phân giải cao Đá Chữ Thập. Hình ảnh cho thấy tại đó có
một cảng hoàn chỉnh cho tàu lớn neo đậu, bãi cỏ cạnh đường băng dài 3
kilomet và hơn 100 nhà cửa trên đó.
Trên
Đá Chữ Thập do Trung Quốc bồi lắp nay có một trạm quan sát thời tiết,
một trạm thủy văn và hải dương, những cơ sở khôi phục san hô, một hải
đăng, một bệnh viện…
Những
hình ảnh radar trước đây cũng cho thấy trên Đá Chữ Thập còn có nhà vòm
chứa thiết bị radar, thiết bị thông tin liên lạc, các nhà chứa máy bay,
bệ tên lửa, những đường hầm ngầm, ăng ten radar tần số cao và những cơ
sở quân sự khác.
Tin
cũng nói rõ trên Đá Chữ Thập có hơn 1 ngàn quân đồn trú được cung cấp
nước ngọt, dàn pin mặt trời, nhà kính trồng rau xanh, và các cơ sở thể
thao.
Tuy
nhiên Đá Chữ Thập chỉ mới là đảo nhân tạo lớn thứ ba trong số những đảo
mà Trung Quốc bồi lắp nên tại khu vực Trường Sa. Hai đảo lớn hơn có
diện tích mỗi đảo gần gấp đôi Đá Chữ Thập là Subi và Vành Khăn.
Trung
Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông trong đường
đứt khúc 9 đoạn mà họ tự vạch ra. Tuy nhiên đường này đã bị Tòa Trọng
Tài Thường Trực Quốc tế ở La Haye vào ngày 12 tháng 7 năm 2016 tuyên
không có căn cứ về pháp lý.
(RFA)
Không có nhận xét nào